Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng chia sẻ tại sự kiện "Văn hóa Nam Bộ, nơi hội tụ những dòng chảy" diễn ra vào ngày 18-8 tại TP.HCM.
Chương trình là một cuộc trở về để nhìn thấy được sự bồi đắp của con người văn hóa hiện tại, đồng thời cũng là một cuộc ra đi để viết tiếp những trang sách văn hóa Nam Bộ, thứ dưỡng chất đã nuôi sống vùng đất và con người nơi đây.
Theo ông Huỳnh Ngọc Trảng, từ thế kỷ 16 - 17, lưu dân Thuận - Quảng đã rời bỏ quê hương bản quán vào lập nghiệp ở phương Nam do tình trạng đất nước thời bấy giờ bị phân cắt thành Đàng Trong và Đàng Ngoài.
Điều này chỉ rõ văn hóa Thuận - Quảng là những hạt giống đầu tiên được gieo trồng trên vùng thổ ngơi mới này, chúng sẽ là cơ sở văn hóa của Nam Bộ.
Trong ghi chép về phong hóa Gia Định trong Gia Định thành thông chí viết vào đầu thế kỷ 19, rất dễ nhận ra những tập tục của vùng đất này thuộc văn hóa Thuận - Quảng như: đêm 23 tháng chạp có tục hát sắc bùa; bữa trừ tịch thượng nêu, mồng bảy hạ nêu cùng với các kiêng kỵ khác như: sinh con, làm lễ đầy tháng cúng 12 bà mụ, thờ ông táo, thờ cá ông...
"Như một tất yếu của lịch sử và điều kiện địa lý, vùng đất này trở thành nơi hội tụ của nhiều dòng chảy văn hóa. Nếu buổi đầu, dòng chảy văn hóa chính là Thuận - Quảng thì không muộn hơn bao nhiêu là sự giao lưu với văn hóa Hoa, Khmer và sau đó là văn hóa Âu Tây" - ông Trảng nói.
Trong tiến trình phát triển của vùng đất Nam Bộ, ông Trảng nhận định nơi đây là một giao điểm động, luôn tiếp xúc với cái mới nên hầu như không một dạng thức văn hóa, hình thức nghệ thuật, nhu cầu và thị hiếu văn hóa nào tồn tại nguyên dạng trong thời gian nhất định.
Từ nhạc lễ đến đờn ca tài tử, từ hát bội đến ca kịch cải lương, những biến đổi về âm nhạc, nghệ thuật diễn xuất trong cải lương là những ví dụ ở cấp độ chi tiết hơn.
"Ngay cả hát bóng rỗi, một hình thức diễn xuất tổng hợp của nghi lễ thờ nữ thần vốn có phong cách và làn điệu ổn định, song khi hát bội còn thịnh, hát bóng cũng đã "giao phối" với hát bội để sản sinh ra chặp Bóng - tuồng Địa Nàng và rồi sau đó tiếp thu cả hồ quảng, ca nhạc cải lương, cả tân nhạc và nhạc ngoại quốc để cho ra đời loại Địa nàng kim thời" - ông Trảng nêu ví dụ.
Tương tự, nhạc lễ thu nhận một cách dễ dàng giai điệu bài Lòng mẹ của nhạc sĩ Y Vân để diễn tấu trong lễ sinh từ cúng đình, cũng như nhạc lễ đám ma sử dụng nhiều giai điệu của các ca khúc trữ tình hiện đại trong và ngoài nước để diễn tả nhằm làm rõ "sự tử như sự tồn".
Đến đầu thế kỷ 20, văn hóa Nam Kỳ trở thành một phức thể đa nguyên, mang tính chất baroque rõ rệt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận