Văn hóa Hàn Quốc, thị hiếu hay xu hướng thời đại?

TTCT - Từ khi làn sóng Hàn Quốc bắt đầu tràn vào từ nửa cuối thập niên 1990 đến nay, hình ảnh những “soái ca” Hàn Quốc vẫn không ngừng làm thổn thức bao trái tim nữ giới Việt. Và rồi trong giới trẻ Việt Nam, ngày càng có nhiều nam giới dường như “nữ tính” hơn trong cách trau chuốt vẻ ngoài của mình.

Diễn viên Bae Jong Yoon
Diễn viên Bae Jong Yoon

 

Có một hiện tượng dễ nhận thấy ở hình ảnh nam giới trong âm nhạc và phim ảnh Hàn Quốc (đặc biệt là phim truyền hình) nhiều năm trở lại đây: người nam ngày càng trở nên “nữ tính” hơn.

Những Jang Dong Gun, Cha In Pyo trong các vai diễn đậm đặc nam tính, có phần lạnh lùng, khinh mạn của những năm 1990 được thay thế bằng Bae Jong Yoon dịu dàng, tinh tế của Bản tình ca mùa đông năm 2002, tới ngày nay là những hình ảnh và phong cách mượt mà, lộng lẫy của Kim Soo Hyun, Lee Jong Suk, Song Joong Ki hay gần đây là Park Bo Gum.

Học giả người Hàn Quốc Sun Jung gọi cách thể hiện hình ảnh đó là “nam tính mềm” (soft masculinity). Những anh chàng ấy đôi khi chịu sự dè bỉu, cười cợt từ một số người xem, chủ yếu là nam giới, nhưng vẫn không ngừng được nữ giới ngưỡng mộ không chỉ ở vẻ đẹp hình thức mà còn ở phong cách sống.

Nam tính “mềm” bắt nguồn từ đâu?

Theo một số học giả, nam tính “mềm” trong văn hóa đại chúng Hàn Quốc hiện đại bị ảnh hưởng bởi hai trào lưu. Thứ nhất là hình tượng “metrosexual” du nhập từ phương Tây. Mark Simpson, người sáng tạo ra thuật ngữ “metrosexual” đầu thập niên 1990, định nghĩa một “metrosexual” là người sống tại đô thị lớn, có lối ăn mặc sành điệu, biết tiêu tiền và có tiền để tiêu, sành sỏi trong lối sống và hưởng thụ.

Trào lưu thứ hai khá quen thuộc với nhiều phụ nữ Việt Nam độ tuổi 20-30: chính là hình tượng “mỹ nam” xuất hiện trong truyện tranh Nhật lãng mạn dành cho nữ giới, tiêu biểu nhất phải kể đến bộ truyện Hana Yori Dango hay Boys over flowers. Bộ truyện tranh này được chuyển thể không chỉ ở Nhật Bản mà còn ở Đài Loan, Hàn Quốc, rồi gây sốt khắp châu Á. Boys over flowers chỉ “các chàng trai đẹp hơn hoa”, nghĩa là ám chỉ vẻ đẹp hoàn mỹ phảng phất nữ tính ở người đàn ông.

Diễn viên Lee Jong Suk
Diễn viên Lee Jong Suk

 

Vì sao Hàn Quốc ra sức cổ vũ hình tượng “mỹ nam”? Liệu có đơn giản là họ chỉ cung cấp một hình ảnh, một ước mơ mà khán giả muốn? Nguyên nhân sâu xa của hiện tượng này là thương mại hóa: các nhãn hàng cổ vũ hình ảnh người đàn ông đô thị sành điệu để bán được nhiều hàng hóa hơn, không chỉ tại Hàn Quốc mà còn ở các thị trường khác trên toàn cầu.

Khi phụ nữ yêu thích hình ảnh người đàn ông “hình dong chải chuốt, áo khăn dịu dàng” cũng là khi vô hình trung họ cổ vũ sự lên ngôi của “mỹ nam”. Và khi “mỹ nam” được yêu thích đến thế, các nam thanh niên khác cũng sẽ bắt đầu muốn chăm chút ngoại hình của mình để lấy lòng phái nữ. Họ sẽ bắt đầu mua nhiều quần áo, phụ kiện, các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp hơn. Các hãng mỹ phẩm, thời trang nhờ đó tha hồ hưởng lợi.

Thế nhưng ngay cả khi ta bỏ qua những ảnh hưởng hiện đại của nam tính “mềm”, lịch sử cũng cho thấy hình tượng này không quá mới mẻ. Nhà nghiên cứu Sun Jung cho rằng đây là sự hiện đại hóa hình tượng nho sĩ trong tư duy đạo Khổng.

Theo học giả Kam Louie, hình mẫu nam tính hoàn hảo theo quan niệm đạo Khổng xưa kia thường bao gồm cả sự hoàn hảo về tinh thần lẫn thể chất, trong đó tinh thần, “khí chất” được đề cao hơn hẳn. Người nam ấy thường toát lên vẻ phong lưu nho nhã, có học thức cao và ứng xử lịch thiệp.

Hình mẫu nam giới thư sinh này được đề cao tại các nước bị ảnh hưởng bởi đạo Khổng, bao gồm cả Hàn Quốc và Việt Nam. Chàng Kim Trọng trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du thế kỷ 18 chính là một ví dụ của hình tượng người nam hoàn hảo này:

Họ Kim tên Trọng vốn nhà trâm anh.

Nền phú hậu, bậc tài danh,

Văn chương nết đất, thông minh tính trời.

Phong tư tài mạo tót vời

Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa

Hình tượng nam tính “mềm” trong phim Hàn Quốc cho thấy một sự hài hòa: các nhân vật nam chính thường có học thức cao, địa vị hơn người, đồng thời sở hữu một thể chất sung mãn, thể hiện ở chiều cao và cơ bắp hoàn hảo.

Trong bối cảnh Hàn Quốc hiện đại, sự lên ngôi của hình tượng người nam thư sinh hoàn hảo càng có cơ sở: xã hội Hàn Quốc cần những nam giới có sức khỏe và thể lực tốt để bảo vệ Tổ quốc trước mối đe dọa Triều Tiên, đồng thời có tài năng, học thức vững vàng để phục vụ sự phát triển của một nền văn hóa đề cao công việc và sự cống hiến như một lẽ sống.

Diễn viên Song Joong Ki
Diễn viên Song Joong Ki

 

Tâm lý phụ nữ

Nam tính “mềm” trong văn hóa đại chúng Hàn Quốc không dừng lại ở mặt hình ảnh. Các bộ phim Hàn Quốc còn ra sức cổ vũ những phẩm chất nữ tính ở nam giới, thế nên ta thường bắt gặp các nhân vật nam chu toàn, đảm đang, nhạy cảm và tinh tế còn hơn phụ nữ: họ sạch sẽ, gọn gàng, khéo léo, giỏi nấu ăn, lãng mạn, đặc biệt không ngại thể hiện cảm xúc, dù có là rơi lệ trước phái nữ.

Tại sao một đất nước có truyền thống “trọng nam” như Hàn Quốc lại không ngừng cổ vũ hình ảnh nam giới nữ tính như vậy? Câu trả lời chính là bản chất gia trưởng trong xã hội Hàn Quốc!

Phụ nữ Hàn Quốc dường như đã quá chán ngán những người đàn ông thô bạo và kiêu căng. Việc phụ nữ đề cao hình ảnh “soái ca” trong phim Hàn ngầm ẩn thông điệp: “Chúng tôi không cần những người đàn ông thích áp đặt và kiểm soát, mà cần những người biết tự chăm sóc bản thân, đồng thời chiều chuộng, chăm sóc chúng tôi”.

Không phải ngẫu nhiên mà trong ngành sản xuất phim truyền hình, số phụ nữ đóng vai trò biên kịch lại áp đảo. Biên kịch của các bộ phim truyền hình Hàn gây sốt như Đôi tai ngoại cảm, Vì sao đưa anh tới, Hậu duệ mặt trời đều là phụ nữ. Những người phụ nữ này hiểu rõ phụ nữ muốn gì.

Phim Hàn Quốc, dù đi theo đề tài giả tưởng hay hành pháp, đều có một câu chuyện tình cảm lãng mạn, mùi mẫn. Và phần lớn các bộ phim này đều có hình ảnh nam giới ít nhiều nữ tính.

Đối với các khán giả nữ tại Việt Nam nói riêng, đặc biệt là các bà nội trợ, hình tượng “soái ca” trong phim Hàn Quốc có một ý nghĩa đặc biệt: họ đại diện cho ước mơ thầm kín của người phụ nữ, lấp đầy “khoảng trống” trong lòng họ.

Theo giáo sư Stephen O’Harrow - nhà nghiên cứu về Việt Nam, người phụ nữ Việt Nam thường phải chịu đựng cuộc sống gò bó trong khuôn khổ, dù đó là những kỳ vọng của gia đình hay các quy tắc trong xã hội.

Luôn bị bao vây, bị quản thúc bởi con mắt của những người xung quanh, từ chính bố mẹ và gia đình chồng đến đồng nghiệp, hàng xóm - những người không ngừng soi xét, đánh giá giá trị và nhân phẩm của họ, người đàn bà thường mang một khao khát âm thầm về tự do cá nhân và mộng tưởng sâu kín về một người tình mơ ước, một người tình (thường) không có thực và tương phản với người đàn ông bên cạnh họ.

Nói cách khác, các anh chàng “soái ca” trong phim Hàn Quốc giúp lấp đầy không gian tưởng tượng ấy. Đó là lẽ vì sao rất nhiều bà nội trợ Việt, bao gồm cả nhiều người tưởng như có cuộc sống gia đình tương đối êm ấm, lại đam mê phim Hàn Quốc và các anh chàng “soái ca”, dù họ biết rõ rằng đó là hình ảnh của thế giới tưởng tượng chứ không phải hiện thực.

Ngoài ra, nếu xét trên góc độ tâm lý học, việc khán giả cổ vũ nữ tính ở nam giới còn cho thấy sự tự chấp nhận và trân trọng đối với nữ tính. Sự chấp nhận ấy đồng nghĩa với quan điểm: nữ tính không có gì là tiêu cực, càng không đồng nghĩa với yếu đuối, mà là một điều tích cực, đáng khuyến khích.

Nhìn ở một khía cạnh khác, việc nữ giới ủng hộ nữ tính hóa nam giới còn cho thấy một sự thay đổi quan trọng về nhận thức trong xã hội, khi nam giới không còn bị đóng khung trong một số kỳ vọng cứng nhắc.

Nói cách khác, đây là sự lên ngôi của tự do cá nhân: nếu như nữ giới được tự do ăn mặc nam tính và chứng tỏ quyền uy trong sự nghiệp thì nam giới cũng được thỏa sức sử dụng mỹ phẩm và phục sức màu mè, đồng thời có cơ hội khám phá, thử nghiệm với sự nữ tính trong bản thể mình. Nói một cách đơn giản, nam giới cũng có quyền được khóc!

Chính trong khía cạnh này, văn hóa đại chúng Hàn Quốc ngày một chứng tỏ quyền lực của trí tưởng tượng và ước mơ!■

Tài liệu tham khảo:

- Sun Jung (2011). Korean Masculinities and Transcultural Consumption: Yonsama, Rain, Oldboy, K-Pop Idols. Hong Kong: Hong Kong University Press.

- Kam Louie (2002). Theorising Chinese Maculinity: Society and Gender in China. Cambridge: Cambridge University Press.

- Stephen O’Harrow (1995). “Vietnamese Women and Confucianism: Creating Spaces from Patriarchy,” trong: “Male” and “Female” in Developing Southeast Asia, do Wazar Jahan Karim biên tập, Oxford: Berg Publishers.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận