17/12/2015 00:17 GMT+7

Văn hóa giao thông: phóng ào ào, bóp còi inh ỏi làm gì?

C.TH.
C.TH.

TTO - “Nhiều người sử dụng kèn một cách vô thức, rất bất lịch sự và thiếu văn hóa!” - ý kiến của bạn đọc Hai Nhách chia sẻ về chuyện bấm còi xe hay không bấm còi khi giao thông trên đường phố hiện nay.

Xe máy, xe hơi lẫn lộn chung làn, bấm còi cảnh báo hay không? Ảnh tư liệu.

Nên hạn chế dần chuyện nhấn kèn

Bạn Hai Nhách kể: “Thật sự mà nói, tôi sử dụng xe gắn máy mấy chục năm rồi mà hình như rất rất ít, có thể nói là không sử dụng kèn. Đó là do thấy không cần thiết. Riết rồi thành thói quen. Tôi nghĩ, mọi người nên hạn chế dần chuyện nhấn kèn vì thành phố mình quá đông đúc và ồn ào rồi!”.

Bạn Haidt cũng nói mình lái ô tô nhưng rất ít khi bấm còi: “Bản thân tôi cầm lái chưa lâu, ngoài 5 năm ở Hà Nội. Việc đi trong phố tôi cũng hãn hữu lắm mới dùng còi có khi cả tuần đi làm bằng ô tô cũng không dùng đến còi 1 lần trong phố.

Theo tôi vấn đề vẫn ở ý thức người ngồi sau vô lăng thôi. Nếu lái nhanh đi ẩu thì hay dùng còi giống mấy bác lái xe bus. Còn lái bình thường lưu thông tốc độ vừa phải tôi thấy không cần dùng còi trong phố. Đường đèo, dốc, đồi núi thì nên dùng còi khi vào cua thì đúng là rất cần thiết”.

Nhiều bạn khó chịu vì nghe tiếng còi phía sau mỗi khi chờ đèn đỏ. Bạn Trung Quang “tố”: “Đèn đỏ chưa bật qua đèn xanh, mấy ông phía sau bóp còi inh ỏi thúc người trước chạy!”. Bạn Lê cũng gặp y chang: “Đèn đỏ chưa nhảy hết số giây mà bấm còi in ỏi rồi. Ai không bực mình cơ chứ!”.

Không dùng còi xe thì có mà chết?

Bạn đọc xemaysg cho rằng “Ngày nào mà ý thức của người chạy xe còn kém và không tuân thủ theo luật lệ thì ngày đó vẫn còn tiếng còi xe vang lên ầm ĩ trên khắp các con đường”.

Tuy nhiên, nhiều bạn đọc vẫn bảo lưu ý kiến trước hiện trạng đường xá chật chội, ý thức giao thông của nhiều người còn kém hiện nay thì chuyện phải bấm còi là đương nhiên để tránh nhiều… rủi ro.

Bạn Robin đưa ra ví dụ: “Khi bạn bị 1 người đi xe máy vô ý thức lách ra đụng vào xe bạn thì bạn mới biết có nên bóp còi không. Vì sao? Vì khi đó, người đi xe máy sẽ đổ lỗi do bạn không bóp còi báo thì họ đâu biết mà tránh. Kinh nghiệm của tôi đấy”.

Bạn đọc tên Hòa: “Nói thật chứ ở Việt Nam chạy xe ôtô mà không dùng còi xe thì có mà chết... Hết mấy người từ trong lề bang ra không cần dòm ngó rồi tới nhiều người lấn làn ôtô.... Lấn làn chạy nhanh cùng tốc độ ôtô thì không nói, đằng này chạy như rùa ấy, mình không bấm kèn lấy gì mà chạy (trong khi cả dòng xe dí đằng sau mình)”.

Bạn Tuấn Hiếu cũng kể: “Tôi đã lịch sự không bấm còi xe. Nhưng những chiếc xe máy cứ tạt đầu xe, lấn làn, hậu quả là móp đầu xe vài lần. Có lần suýt xảy ra tai nạn chết người. Từ đó trở đi phải bấm còi liên tục, thôi kệ, lái xe an toàn, mạng người là trên hết”.

Năm 2010, Công ty TNHH Ngọn Lửa Thần (Hà Nội) dán băngrôn “Người lịch sự không bóp còi inh ỏi. Còi inh ỏi sẽ ảnh hưởng đến huyết áp - tim mạch - thần kinh - trí nhớ” trên các xe giao hàng của công ty.

Bây giờ ra đường vừa chạy vừa cầu nguyện

Có bạn cũng cho rằng “không bấm còi không được vì nhiều khi chạy xe gặp mấy anh chị vừa chạy vừa nghe điện thoại một tay, không bấm cho họ chú ý lỡ họ lạc tay lái là minh lãnh đủ. Ngoài ra còn gặp các chị xin rẽ mà không xi nhan nữa. Bây giờ ra đường vừa chạy vừa cầu nguyện thôi. Minh chỉ không bấm còi khi dừng đèn đỏ và gần bệnh viện thôi”.

Bạn Nguyễn Khánh Linh chia sẻ: “Tôi cũng là người không ưa chuyện lạm dụng còi xe, vấn đề là ý thức giao thông, lái các phương tiện dù xe máy hay gì gần như người VN mình không quan tâm tới người khác và chạy giống đường làm riêng cho 1 mình họ chạy. Điều này thể hiện qua việc không hoặc ít chú trọng quan sát kính hậu, không xin đường khi chuyển làn (xe máy rất nhiều)... nên buộc các xe khác muốn vượt hay muốn an toàn phải bấm còi cho nhanh chứ nháy đèn xin xe trước không biết họ có hay biết không để nhường”.

Bạn namtp cho hay: “Sang Campuchia và Lào hiếm khi nghe tiếng còi, bởi vì ý thức tham gia giao thông của họ cực kỳ tốt. Ví dụ xe máy muốn sang đường thì họ dừng lại nhìn hai bên thấy ổn rồi mới qua. Bao giờ VN mình được như thế thì mới mong ô tô lịch sự không bóp còi nhé”.

"Xin đừng bao biện cho hành vi bóp còi vô ý thức. Ở đây, người ta muốn phê phán những kẻ bóp còi vô tội vạ. Đèn đỏ còn 2-3 giây mà phía sau bóp còi inh ỏi là cảnh báo cái gì? Tới ngã tư sao không chịu giảm ga mà cứ phóng ào ào rồi bóp còi inh ỏi là cảnh báo cái gì? Chạy sau người ta, gần tới ngã tư, muốn quẹo thì nhường người ta qua ngã tư rồi quẹo hồi nào chẳng được, sao phải vừa bóp còi vừa cúp đầu xe giành quẹo trước, cảnh báo gì ở đây? Đó phải gọi là "khiêu khích". (bạn đọc Pt)

* Phản ứng tiếng còi xe, NSƯT Mỹ Uyên bị chửi bới ​trên đường

* Theo bạn, làm thế nào để nhiều người tham gia giao thông thay đổi được hành vi thiếu văn minh là lạm dụng còi xe, bấm còi vô tội vạ, "khiêu khích" người khác bằng tiếng còi xe? 

C.TH.
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên