Bà Nguyễn Thị Minh Sáu - một chuyên gia xã hội ở TP.HCM - nhận định vụ việc trên quốc lộ 20 mới đây hay câu chuyện mà người dân bức xúc đang báo động thực tế ý thức chấp hành chưa cao hiện nay.
"Mỗi ngày, chúng ta bước ra đường sẽ dễ dàng bắt gặp cảnh vượt đèn đỏ, chạy ngược chiều thành đoàn, lạng lách đánh võng… xảy ra nhan nhản. Vào giờ cao điểm, người đi đường không ai nhường ai, cố chen lên khiến giao thông càng thêm hỗn loạn, kẹt xe càng thêm trầm trọng.
Ngay ở các điểm giao thông lớn như ngã tư Hàng Xanh, vòng xoay Điện Biên Phủ… không ít vụ va chạm giao thông xảy ra mà nguyên nhân xuất phát từ ý thức để lại hậu quả nghiêm trọng. Không chỉ vậy, những hành vi như vừa chạy xe vừa "phì phèo" thuốc lá, khạc nhổ khi dừng chờ đèn, vứt rác bừa bãi xuống đường... còn làm xấu đi hình ảnh đô thị", bà Sáu nói.
Để khắc phục, theo bà Sáu, các đơn vị cần quyết liệt thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm chấn chỉnh, răn đe "đến nơi đến chốn". Từ việc nâng cao ý thức giao thông sẽ giúp hạn chế ùn tắc, tai nạn giao thông, làm đẹp thêm hình ảnh đô thị nước ta.
Trước hết, luật đã có quy định rõ ràng những hành vi vi phạm giao thông và có mức xử phạt cụ thể thì phải làm nghiêm hơn nữa. Lực lượng chức năng cần tuần tra, giám sát, xử lý nghiêm khắc mọi hành vi vi phạm, tránh "bắt cóc bỏ đĩa" gây nhờn luật.
Cùng với đó, xử phạt giao thông cũng cần tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ. Ví dụ chúng ta có thể xử phạt vượt đèn giao thông, quá tốc độ... thông qua giám sát hành trình, hệ thống camera tại các tuyến đường. Căn cứ vào đây, cơ quan nhà nước "phạt nguội" sẽ có tính răn đe cao.
Ở một số nước như Trung Quốc, người lái xe say xỉn hoặc quá tốc độ sẽ lập tức bị phát hiện dựa trên các nền tảng dữ liệu thông tin. Sau khi phát hiện, lái xe lập tức bị xử lý chứ không thể chây ì. Trường hợp không chấp pháp, người vi phạm còn có nguy cơ bị trừ điểm bằng lái, cấm lái.
Một giải pháp nữa chính là thực hiện tuyên truyền, giáo dục ý thức, văn hóa giao thông theo nhiều hình thức khác nhau để nâng cao hiệu quả. "Nên tính toán đưa vào chương trình giáo dục các cấp giúp mỗi người dễ tiếp thu, thực hành từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường", bà Sáu góp ý.
Bị chửi vì... dừng đèn vàng
Chị Hoài Thanh (ở quận Phú Nhuận, TP.HCM) chia sẻ đã quá quen thuộc với cảnh vượt đèn đỏ, chạy ngược chiều ngoài đường... Thậm chí có những trường hợp không đội nón bảo hiểm, vừa chạy xe vừa lạng lách rồi va vào xe khác rất nguy hiểm. Khi bị nhắc nhở, có người còn giở ngay thói "dọa dẫm" hoặc đem "nắm đấm" ra nói chuyện.
"Cách đây một tháng, tôi đi xe máy trên đường Phan Đăng Lưu đến đoạn giao nhau với đường Hoàng Văn Thụ thì gặp đèn đỏ. Tôi đang dừng lại chờ đèn, một thanh niên chở theo bạn nữ trên xe Honda SH phóng tới bấm còi inh ỏi yêu cầu tôi vượt đèn (lúc này đã chuyển vàng). Thấy tôi vẫn kiên quyết đứng chờ đèn theo quy định, thanh niên này chen tới và chửi "mù không thấy đèn vàng à?".
Tôi rất bất ngờ vì sao vẫn có nhiều trường hợp vô ý thức như vậy còn chửi bới người khác? Đây là những hành vi không chỉ làm văn hóa giao thông trở nên xấu xí, còn dễ gây tai nạn giao thông và gây rối trật tự công cộng", chị Thanh bức xúc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận