26/12/2019 09:00 GMT+7

Văn hóa: chỉ lạc quan qua báo cáo?

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Nếu nhìn vào các con số trong báo cáo, ai đó có thể lạc quan về sự phát triển tốt đẹp của văn hóa nghệ thuật nước nhà trong 10 năm qua. Nhưng lâu nay, nhiều thông tin trên báo chí và dư luận... lại cho thấy một hiện thực ảm đạm, đáng báo động.

Văn hóa: chỉ lạc quan qua báo cáo? - Ảnh 1.

Súng thần công Uy Phúc tại Bảo tàng Hà Tĩnh được công nhận bảo vật quốc gia đợt 2 năm 2013 nhưng đến nay vẫn chịu cảnh lưu kho - Ảnh: T.LỘC

Các báo cáo không phản ánh đúng hiện thực, hay báo chí thích tin xấu độc, còn các nhà chuyên môn thì hay bi quan? 

Đây là những câu hỏi được đặt ra cho giới quan sát đời sống văn hóa những năm qua và dự Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020, do Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch tổ chức ngày 25-12 tại Hà Nội.

Những bước tiến của các con số

Một đất nước dày đặc di tích (4 vạn di tích được kiểm kê), thị trường điện ảnh phát triển sôi động (doanh thu chiếu bóng năm 2019 ước đạt hơn 4.000 tỉ đồng), văn hóa nghệ thuật truyền thống được đầu tư bảo vệ, văn chương, hội họa, mỹ thuật... đều đang có những bước tiến mới.

Đây là những gì người ta có thể thấy từ bản báo cáo của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch về 10 năm thực hiện chiến lược phát triển văn hóa 2009-2019, với nhiều kết quả được lượng hóa bằng những con số rõ ràng.

Nghe những tham luận đầy tích cực từ các lãnh đạo ngành văn hóa, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng hóa ra lâu nay xã hội "kêu" nhiều về sự xuống cấp của văn hóa, đạo đức, nhưng rõ ràng là phải nhìn nhận lại từ những thành tựu của ngành văn hóa được lượng hóa bằng những con số. 

Và ông lý giải những thông tin cho thấy sự khủng hoảng trầm trọng của văn hóa, đạo đức, cùng những than phiền của các nhà văn hóa trên truyền thông là vì "thông tin ngược chiều nhận được sự chú ý gấp 6-7 lần thông tin tốt", nên việc "thích" đưa tin xấu đã trở thành thứ "văn hóa" phổ biến ở cả thế giới chứ không chỉ ở Việt Nam.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cũng tin rằng các chỉ số về phát triển con người của Việt Nam mấy năm qua đều tốt lên. Mặc dù chúng ta vẫn xếp thứ hạng thấp trên thế giới về phát triển, nhưng các con số đều cho thấy giáo dục, văn hóa, y tế... của chúng ta đều tốt hơn nhiều so với các nước có cùng trình độ phát triển.

Lấy ví dụ về những thành tựu rực rỡ của du lịch và thể thao năm qua, Phó thủ tướng khẳng định những thành tựu của hai lĩnh vực này thực ra cũng chính là thành tựu của văn hóa, bởi chính văn hóa đẹp đã giúp cho du khách quốc tế tìm đến Việt Nam, và chính văn hóa Việt Nam đã sản sinh ra tinh thần chiến binh Việt Nam của những chàng trai cô gái vàng của thể thao Việt Nam trong kỳ Sea Games vừa qua.

Và bức tranh từ những người làm nghề

Tuy nhiên, những đánh giá lạc quan của báo cáo lại trái ngược với cảm nhận của chính các văn nghệ sĩ, những người làm nghề. Tại hội thảo do Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương tổ chức đúng 1 năm trước cũng có sự tham dự của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, những người làm nghề lại cùng đồng thanh vẽ lên bức tranh u ám của văn học nghệ thuật, văn hóa của nước nhà.

Trong khi báo cáo của bộ hân hoan về sự phát triển của điện ảnh, đạo diễn Đặng Nhật Minh bi quan về những gì đang diễn ra và chua chát thốt lên sau hơn 20 năm xã hội hóa, chúng ta chỉ còn lại một "nền điện ảnh thương mại lai căng". 

Ngành điện ảnh vốn được xem là ngành đã xã hội hóa thành công nhất với sự phát triển của các hãng phim tư nhân, mở rộng hệ thống rạp chiếu phim tư nhân và doanh thu phòng vé không ngừng tăng mỗi năm, nhưng hóa ra rất "hỗn loạn" trong mắt những người làm nghề. 

Còn lĩnh vực sân khấu, NSƯT Lê Chức hóm hỉnh đầy chua chát ví "sân khấu nay như người ốm nằm khoa hồi sức cấp cứu".

Với văn chương, nhà thơ Hữu Thỉnh - chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - nói chúng ta có hàng nghìn CLB thơ nhưng rất khó tìm được bài thơ hay, có sức sống lâu dài.

GS Phạm Quang Long - nguyên giám đốc Sở Văn hóa, thể thao và du lịch Hà Nội - cho biết ông từng thực hiện điều tra 15 nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân ở Hà Nội, kết quả cho thấy có gia đình 5 năm không đến nhà hát, 7 năm mỗi năm mua 1, 2 cuốn truyện cho con và không hề đi xem các chương trình nghệ thuật.

Vì thế, ý kiến đáng quan tâm nhất tại hội nghị tổng kết lần này có lẽ là một thừa nhận của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: văn hóa hiện vẫn chưa được quan tâm xứng tầm. 

Ông cho biết văn hóa ít nhất phải được quan tâm ngang với kinh tế, nhưng đó đây trong xã hội vẫn chưa quan tâm đủ. Ông dẫn ví dụ các bảo tàng hiện không trưng bày các bảo vật quốc gia cho người dân xem mà cất dưới kho sâu bởi không có hệ thống đảm bảo an toàn, an ninh ở khu trưng bày. 

"Nếu có sự đầu tư đúng, quan tâm thật sự, đã có sự đầu tư tốt hơn cho các công trình văn hóa" - Phó thủ tướng nói.

Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, trong giai đoạn 2009-2019, đầu tư cho phát triển văn hóa đã được Nhà nước quan tâm. Theo đó, tổng vốn giai đoạn này là 8.565 tỉ đồng.

Thế giới văn hóa giải trí 2019: Trái chuối 3 tỉ và những điều phi lý khác Thế giới văn hóa giải trí 2019: Trái chuối 3 tỉ và những điều phi lý khác

TTO - Nhìn lại một năm đã qua của làng văn nghệ, giải trí thế giới, thường người ta hay nhớ hơn đến những bê bối (xìcăngđan). Nhưng năm 2019 đã có những câu chuyện kỳ khôi và đáng nhớ khác.


THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên