TTCT - Tồn tại trong bảy thế kỷ, những sử liệu hiếm hoi cho thấy người dân nước ta, trong thời đại vương quốc Phù Nam, đã sử dụng thuyền bè, thuyền chèo và loại thuyền ưu việt hàng đầu đương thời là thuyền buồm. Họ đi trước và trước rất sớm so với các nước trong khu vực Đông Nam Á và Trung Hoa trong tiến trình văn minh dựa trên sự phân kỳ lịch sử lấy công cụ giao thông làm tiêu chuẩn.Tạo thuyền theo dáng cá với hai con mắt ở mũi thuyền từ thời Phù Nam vẫn còn thấy ở ghe thuyền cư dân ven biển ngày nay - Ảnh: H.T.V.Vương quốc Phù Nam tồn tại từ thế kỷ 1 đến giữa thế kỷ 7 trên địa bàn gồm cả miền tây nam nước ta hiện nay và rộng hơn. Trước khi nhà khảo cổ L.Malleret phát hiện nền văn hóa Óc Eo (1944), nhiều học giả người Pháp như E.Aymonier, P.Pelliot, G.Coedès… đã nghiên cứu và phác thảo mô hình lịch sử Phù Nam khá hoàn chỉnh. Theo đó, người ta biết được một vương quốc Phù Nam trong không gian văn hóa Ấn Độ, hoạt động mạnh trên vùng biển Đông Nam Á, quan hệ hải thương đến tận La Mã.Với vị trí ở vào khoảng giữa của tuyến đường biển từ Ấn Độ đến Trung Hoa, Phù Nam trở thành nơi trung chuyển/giao lưu hàng hóa và văn hóa trong khu vực. Cũng từ nơi này, người Trung Hoa biết đến những cường quốc trên biển và những xứ sở văn minh khác.Những cuộc khai quật khảo cổ sau Óc Eo ngày càng mở rộng với nhiều địa điểm trên khắp đồng bằng sông Cửu Long đã củng cố và định hình cho lịch sử và văn minh Phù Nam. Nhiều hiện vật có độ tuổi trong khoảng thế kỷ 3-5 đã phản ánh trình độ kỹ thuật công nghệ của người Phù Nam khá cao.Kỹ thuật đóng thuyền đáng nểTrong số hiện vật khai quật ở di tích Nền Chùa (Tàkev) Kiên Giang, miếng đồng khắc họa hình con thuyền đáng phải lưu ý. Nét khắc họa mẫu thuyền buồm này khá độc đáo, kết cấu khung vững chắc, dáng mạnh. Khảo tả về hình thuyền này, các nhà khảo cổ cho rằng là loại thuyền một cột buồm, tuy nhiên cũng có thể phỏng định đây là thuyền ba cột buồm.Trên đại thể, mẫu thuyền này khá giống thuyền buồm chữ nhật ngang của thương nhân La Mã sử dụng từ trước Công nguyên, và cũng giống thuyền buồm chữ nhật đứng mà cướp biển Địa Trung Hải sử dụng trong khoảng thế kỷ 9-13. Phù Nam với thương cảng Óc Eo là nơi giao lưu hàng hóa nhiều vùng nên đối với miếng đồng khắc hình thuyền nói trên có thể phản ánh mẫu thuyền bản địa.Thuyền buồm là phương tiện hàng hải ưu việt bậc nhất thời ấy, người Trung Hoa đến khoảng thế kỷ 8 (Đường) mới thiết kế được thuyền buồm đi biển. Các loại cổ văn tự (đại triện, tiểu triện, kim văn) từ đời Tần trở về trước không có chữ Phàm [buồm], quyển từ điển đầu tiên Thuyết văn giải tự (121, Đông Hán) cũng chưa có chữ Phàm. Có lẽ người Trung Hoa chế ra chữ Phàm theo nhu cầu chuyển tải ngôn ngữ sau khi trông thấy thuyền buồm từ phương Nam đến.Vào thời Tam quốc (thế kỷ 3), ngoài ghi chép về Phù Nam của sứ giả Khang Thái và Chu Ứng còn có ghi chép của Vạn Chấn. Trong Những vật kỳ lạ ở Nam Châu do Thái Bình ngự lãm dẫn (983), Vạn Chấn viết: “Người ở vùng biển Tây Nam gọi thuyền là bạc [thuyền lớn], loại lớn dài hơn 20 trượng, độ cao trên mặt nước 2-3 trượng, nhìn xa như tòa lầu, chở sáu, bảy trăm người, hàng hóa cả vạn hộc”.Vạn Chấn cũng mô tả khá kỹ về loại thuyền có bốn cột buồm với những cánh buồm hình thoi được thiết kế không thẳng hàng nhằm lợi dụng hết sức đẩy của gió. Thuyền này dài hơn 40m, tải trọng tính chung người và hàng hóa khoảng trên dưới 400 tấn (một trượng thời Tam quốc tương đương 2,37m, một hộc tương đương 35kg). Đoạn văn này Vạn Chấn viết về các nước ở vùng biển phía tây nam mà chủ đạo là về Phù Nam, một vương quốc nổi bật đang giữ vai trò tông chủ (nước có nhiều thuộc quốc thần phục) trong khu vực…Trong Truyện Phù Nam, Khang Thái lại viết về loại thuyền chèo cũng khá lớn, được sách Thái Bình ngự lãm chép lại: “Nước Phù Nam đốn cây làm thuyền, dài 12 tầm, rộng 6 thước, đầu đuôi giống như cá, những nơi nhô ra dùng lá sắt bao bọc trang trí. Thuyền lớn chở trăm người, người điều khiển cầm mái chèo dài hoặc mái chèo ngắn hoặc sào, từ đầu thuyền đến cuối thuyền bố trí 50 người hoặc 42 người, tùy theo thuyền lớn nhỏ. Người đứng cầm mái chèo dài, người ngồi cầm mái chèo ngắn, gặp chỗ nước cạn thì dùng sào, các tay chèo cầm lên, tiếng khua nhịp nhàng như một”.P.Pelliot đã từng khảo chứng đoạn văn này và có lời chú về nó rằng “8 thước = 1 tầm , dài 12 tầm tức 96 thước. Đại khái, thước thời Ngô tương đương thước thời Hán, tức bằng từ 23-25cm. Như vậy người Phù Nam dùng thuyền chèo có chiều dài từ 22-24m”.Ghi chép này của Khang Thái cũng được sử nhà Nam Tề (479-502) trích dẫn: “Thuyền của người Phù Nam dài 8-9 trượng, chỗ rộng nhất 7-8 thước, đầu đuôi giống như cá”. Theo cách chép của sử Nam Tề thì thuyền này có chiều dài từ 20-22m, nơi rộng nhất khoảng 1,75-2m.Tổng hợp hai cách trích lục đoạn văn của Khang Thái mô tả thuyền chèo Phù Nam vào thế kỷ 3 cho thấy kỹ thuật đóng thuyền khá cao, có chi tiết cho thấy việc dùng lá sắt để ràng bọc những tụ điểm dễ bung rời. Điểm này, ngoài thông tin về cách xử lý kết cấu thuyền gỗ nhằm vào độ bền vững còn nói đến kỹ thuật luyện kim; cự ly gần 1m cho các tay chèo là khá hợp lý, lại thiết kế hai loại mái chèo dài và ngắn, phân bố tay chèo cao thấp, tận dụng không gian lòng thuyền.Tạo thuyền theo dáng cá là điểm rất đáng chú ý, mô phỏng này có thể xuất phát từ tâm thức hướng đến tốc độ và sự an toàn dựa trên một thực thể sống nhanh nhẹn và tự nhiên trong môi trường nước. Thân thuyền giống hình dạng một con cá lớn có hai mắt, ngày nay vẫn có thể thấy trên các loại ghe thuyền của cư dân ven biển từ suốt dãy bờ biển miền Trung cho đến khắp miền Nam nước ta.Dùng trúc một lóng làm thuyềnPhương tiện giao thông trên nước sơ khởi là chiếc bè, khi các mô hình thuyền chèo và thuyền buồm đạt đến độ hoàn hảo thì chiếc bè vẫn tồn tại trong địa hình/ môi trường tương thích. Chiếc bè trong sinh hoạt của một bộ phận cư dân sông nước Phù Nam là điều quen thuộc, nhưng một câu trong sách Hình dạng cây cỏ phương Nam của người thời Tấn (265-419) là Kê Hàm có thể đem đến sự ngạc nhiên.Kê Hàm viết: “Ở Phù Nam có loại trúc vân khâu một lóng làm được thuyền” [Vân khâu trúc nhất tiết vi thuyền, xuất Phù Nam]. Hiện chưa biết tên gọi bản địa của loại “trúc vân khâu” này, cũng không biết nó còn hay đã tuyệt chủng, nhưng trúc một lóng mà làm được thuyền bè thì dữ dằn quá cỡ. Thương hải sầm uấtSử nhà Lương (502-557) chép về Phù Nam khá kỹ, trong có đoạn “[Vua Phù Nam là] Phạm Man mạnh mẽ và mưu lược, thường đem quân đi đánh các nước bên cạnh khiến các nước này phải thần phục, tự xưng là Phù Nam đại vương. Lại đóng thuyền lớn đưa quân đi khắp cùng Trướng Hải, đánh các xứ Khuất Đô Côn, Cửu Trĩ, Điển Tôn, cộng hơn 10 nước, mở đất đai năm sáu ngàn dặm. Sau đánh nước Kim Lân, Man mắc bệnh giữa chừng, sai con là Kim Sanh thay”.Trích đoạn này cho thấy một phần nguyên nhân và mục đích của vấn đề xuất hiện thuyền cỡ lớn ở Phù Nam… Phạm Man đem quân thuyền đi khắp cùng Trướng Hải, vậy là đi bao xa? Ông Hứa Vân Tiều - một chuyên gia cổ sử Đông Nam Á, người sáng lập Nam Dương Học Báo (Singapore) - dựa vào trứ tác của Ya’Kubi (người Arabia hồi thế kỷ 9) cho biết từ xưa người Arabia gọi Trướng Hải là Cankhay, và mô tả hải trình từ La Mã đến Trung Hoa phải qua bảy biển lớn, Cankhay là biển cuối cùng.Nói như vậy thì Cankhay gồm trọn vùng biển Đông Nam Á và biển Đông Việt Nam ngày nay. Các địa danh như Khuất Đô Côn, ông Hứa cho ứng với Kuala (phiên âm từ tiếng Java) - một cảng biển trên bán đảo Mã Lai; Cửu Trĩ - ứng với Coli (Kuantan) trên bán đảo Mã Lai; Điển Tôn - ứng với vùng Tenasserim (nam Myanmar) tiếp nối dãy đất Kra (bắc bán đảo Mã Lai)…Các địa danh này với phạm vi đất đai hơn ba ngàn cây số cho thấy Phạm Man như là một hiện tượng khá sớm đã chủ trương dùng hải quân để kiểm soát vùng biển và khai thác các thuộc địa quanh vùng Đông Nam Á…Các hoạt động thương mại và ngoại giao thông qua đường biển từ vùng đất phía nam nước ta theo hướng tây đến Thiên Trúc (Ấn Độ) hoặc theo hướng đông bắc đến Trung Hoa cũng được nói đến trong những giai đoạn tiếp theo, nhất là vào đời vua Jayavarman (khoảng 470-514), hải cảng Óc Eo thuyền bè tấp nập với hàng hóa đủ loại, từ nhu yếu phẩm đến các loại xa xỉ vàng bạc, ngọc thạch, pha lê từ bốn phương tụ tán.“Thời đại Phù Nam” như cách gọi của Cambridge trong Lịch sử Đông Nam Á để nói về một vương quốc thống trị biển cả đã qua đi, hay nền “văn hóa Óc Eo” trăm ngàn hiện vật mà ngày nay ta còn thấy, cho thấy địa vị và tầm quan trọng của đại dương và khả năng chế ngự đại dương của người nước ta. Đó cũng là những minh chứng có từ rất sớm cho truyền thống về một nền văn hóa biển vẫn âm thầm tồn tại. Tags: Đông Nam ÁVăn hóaXuân Nhâm ThìnVương quốc Phù NamThuyền cổ
200 y bác sĩ ở TP.HCM xuyên đêm ghép tạng cứu 4 người TTXVN 26/01/2025 Những ngày cận Tết bận rộn, hơn 200 y bác sĩ của Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM đã chạy đua lấy và ghép tạng cho 4 bệnh nhân từ một người hiến chết não.
VietinBank rao bán những khoản nợ xấu 'lạ lùng' BÌNH KHÁNH 26/01/2025 Cuối năm, VietinBank bỗng rao bán nhiều khoản nợ “lạ”. Một khách hàng của VietinBank vay tiêu dùng với giá trị ghi nợ gồm cả gốc, lãi, lãi phạt hơn 260.000 đồng nhưng không thanh toán, để trở thành nợ xấu.
Vụ sầu riêng gặp khó xuất khẩu sang Trung Quốc: Tuyệt đối không sử dụng vàng O để sơ chế CHÍ TUỆ 26/01/2025 Dù có 7 trung tâm xét nghiệm chất vàng O được Trung Quốc công nhận nhưng để xuất khẩu sầu riêng được thuận lợi thì các doanh nghiệp tuyệt đối không sử dụng chất vàng O để sơ chế, đóng gói.
Vụ nam thanh niên hít xà đơn trên metro số 1: Công ty Đường sắt đô thị đề nghị công an vào cuộc CHÂU TUẤN 26/01/2025 Những ngày qua mạng xã hội lan truyền clip ghi lại cảnh một nam thanh niên hít xà đơn phản cảm trên chuyến tàu metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Ngày 26-1, công ty vận hành đề nghị công an vào cuộc.