19/06/2018 12:16 GMT+7

Văn hóa báo chí là phải có chất vấn

MAI HOA
MAI HOA

TTO - Kể câu chuyện về quốc gia khởi nghiệp Israel, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: Văn hóa báo chí là phải có chất vấn. Dù báo chí đôi khi cũng hỏi sai, nhưng vì thế càng phải trao đổi lại, tạo được không khí chất vấn.

Văn hóa báo chí là phải có chất vấn - Ảnh 1.

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân chủ trì tọa đàm. Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nội dung này được nêu ra tại buổi tọa đàm Báo chí xuất bản sáng tạo, đồng hành cùng TP, vì cả nước trong việc thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội do Ban Tuyên giáo Thành ủy, Sở Thông tin và truyền thông cùng Hội Nhà báo TP.HCM phối hợp tổ chức sáng 19-6.

Vì sao câu chuyện báo chí của TP lại liên quan đến quốc gia khởi nghiệp Israel?

Phản biện và không phê phán thất bại

Câu chuyện bắt đầu từ tham luận của lãnh đạo một cơ quan báo chí TP về vai trò của báo chí trong khơi dậy tinh thần sáng tạo, khởi nghiệp thông qua bài học ở đất nước Israel và Nhật Bản.

Nhân đó, bí thư Thành ủy kể lại một kỷ niệm trong chuyến công tác học tập kinh nghiệm phát triển ở Israel mới đây. Khi đó, ông đã rất ngạc nhiên khi có người chỉ vào đám trẻ đang chơi và nói rằng bí quyết thành công của Israel là ở những đứa trẻ này.

Văn hóa báo chí là phải có chất vấn - Ảnh 2.

Buổi tọa đàm có sự tham gia của lãnh đạo các cơ quan báo chí xuất bản TP. Ảnh: QUANG ĐỊNH

"Người đó nói: Những đứa trẻ này không bao giờ chấp nhận những điều được nghe là đúng đắn. Văn hóa phản biện từ khi còn nhỏ là đặc thù của Israel. 

Chúng ta về mặt văn hóa trong nhà trường cũng nên học tập điều này, phải chuyển từ chỗ thầy cô là chân lý sang việc trao đổi, phản biện. Thầy cô không đương nhiên là chân lý", ông Nguyễn Thiện Nhân nói.

Từ đó, ông cho rằng việc thực hiện Nghị quyết 54 cũng phải được phản biện, chất vấn để ra vấn đề: "Phải có được không khí chất vấn đó. Văn hóa báo chí là phải có chất vấn, dù báo chí nhiều khi cũng hỏi sai, nhưng vì thế càng phải trao đổi lại, tạo không khí chất vấn".

Ngoài tư duy phản biện thì ông Nhân cũng cho rằng Israel rất hay ở chỗ họ không coi thất bại là việc đáng xấu hổ, không phê phán thất bại.

Trước đó, tổng giám đốc Đài truyền hình TP.HCM Dương Thanh Tùng phát biểu bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng của TP phối hợp với các cơ quan báo chí trong tuyên truyền việc thực hiện Nghị quyết 54. 

Ông cũng đề nghị có giao ban báo chí định kỳ về thực hiện nghị quyết, cập nhật thông tin nhanh, chủ động cung cấp thông tin trên web, là nguồn chất liệu để báo chí chủ động khai thác.

Văn hóa báo chí là phải có chất vấn - Ảnh 3.

Có 10 đại biểu tham dự tọa đàm đã phát biểu ý kiến. Trong khi đó Ban tổ chức tọa đàm cho biết đã nhận được 40 tham luận. Ảnh: QUANG ĐỊNH

Bí thư Nguyễn Thiện Nhân nhận định, qua các phát biểu thấy rằng báo chí vẫn thấy thiếu thông tin, vẫn thấy chính quyền không hăng hái cung cấp thông tin. Ông nhắc lại chủ trương của TP về thành lập Trung tâm báo chí, gặp gỡ định kỳ để thông tin, trao đổi với báo chí các vấn đề của TP.

Ông cũng cho rằng báo chí viết về Nghị quyết 54 cần sự đầu tư lớn về thời gian, nội dung, nhưng người đọc chưa chắc đã tăng. 

Nên cần có cơ chế tài chính hỗ trợ cho các cơ quan báo chí tích cực, có nhiều sản phẩm hay tuyên truyền cho Nghị quyết 54, có thể làm định kỳ, thể hiện sự ghi nhận với báo chí TP.

Báo chí cần được xem là người trong cuộc

Thẳng thắn nhìn nhận tình trạng bị động của báo chí khi thông tin về việc thực hiện Nghị quyết 54, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ Lê Xuân Trung cho rằng, để báo chí tham gia tích cực hiệu quả hơn, thì phải xem báo chí là người trong cuộc chứ không chỉ là người quan sát, đưa tin về các sự kiện của TP.

Nhà báo Xuân Trung chia sẻ, báo Tuổi Trẻ cũng rất sốt ruột với những chương trình, dự án lớn của TP, hi vọng cơ chế chính sách đặc thù có thể giúp TP phát triển nhanh hơn, chẳng hạn như dự án metro.

Văn hóa báo chí là phải có chất vấn - Ảnh 4.

Nhà báo Lê Xuân Trung, Phó Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ cho rằng báo chí cần được xem là người trong cuộc. Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ngày 15-6, báo Tuổi Trẻ đăng bài trang nhất về việc TP xin được tự quyết về metro. Sau đó báo dự tính triển khai tiếp nhưng không được, vì những người có trách nhiệm ngại lên tiếng.

Đã 12 năm trôi qua kể từ khi Thủ tướng có chủ trương đầu tư xây dựng tuyến metro đầu tiên, đến nay vẫn gặp nhiều trở ngại. Liệu đến 2020 tuyến metro có thể đi vào hoạt động được không, đến giờ vẫn chưa thể khẳng định.

Theo nhà báo Lê Xuân Trung, nếu như báo chí được xem là người trong cuộc thì Tuổi Trẻ và nhiều tờ báo khác đã không dừng lại vì sẽ được các cơ quan chức năng phân tích đầy đủ, trao đổi rõ ràng, trách nhiệm, đi tới tận cùng vấn đề.

"Tất nhiên không phải là người trong cuộc là sẽ đưa hết các vấn đề lên mặt báo, mà ngược lại khi hiểu rõ bản chất sẽ càng thận trọng hơn. Nếu không biết rõ, chỉ biết qua loa đại khái có khi đưa lại không đúng trọng tâm và không thấy hết trách nhiệm của mình".

Một nội dung được trở đi trở lại trong buổi tọa đàm là "báo chí giải pháp". Bà Phạm Phương Thảo nguyên chủ tịch HĐND TP hay Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đều gửi gắm mong mỏi báo chí thay vì phê phán hãy hướng tới báo chí giải pháp.

Về việc này, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ cũng chia sẻ, lãnh đạo tờ báo luôn dặn dò nhắc nhở phóng viên, biên tập viên phải hướng đến báo chí phân tích, giải pháp chứ không chỉ phản ánh tường thuật đơn giản, phóng viên phải trở thành chuyên gia trong lĩnh vực.

"Nhưng nhiều khi cũng lực bất tòng tâm vì không được coi là người trong cuộc trong tiếp cận với các chủ trương chính sách của TP", ông Xuân Trung nói.

Kết lại buổi tọa đàm, bí thư Nguyễn Thiện Nhân nói TP đang trong một bối cảnh lịch sử, chưa bao giờ phát triển, với nhiều cơ hội như hiện nay, nhưng cũng chưa bao giờ đứng trước nhiều thách thức như hiện nay. Bối cảnh đó đòi hỏi TP phải tiến nhanh hơn, hiệu quả hơn. 

"Mong báo chí giúp TP nhanh hơn", bí thư Nguyễn Thiện Nhân gửi gắm.

Cần cơ chế đặc thù cho ngành xuất bản

Buổi tọa đàm còn có sự tham gia của nhiều đại biểu trong ngành xuất bản. Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ Nguyễn Minh Nhựt đề nghị cần có cơ chế đặc thù cho ngành xuất bản.

Ông Nguyễn Minh Nhựt khá bức xúc khi cho rằng các nhà xuất bản hiện nay đang bị xếp chung với những doanh nghiệp sản xuất như may mặc, giày da, cũng phải tổng kết doanh thu năm sau cao hơn năm trước.

Nhưng theo ông, tia ra của ngành xuất bản nhiều khi không thể tính bằng năm bằng tháng, mà nhiều khi tính bằng chục năm, bằng cả một thế hệ.

Bà Quách Thu Nguyệt, phó giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sách TP.HCM thì đề xuất một giải thưởng sách thiếu nhi hàng năm, nhằm khuyến khích văn hóa đọc.

Bởi theo bà, hiện nay thói quen đọc sách dường như đang ngày càng phai nhạt trong nhiều gia đình, kể cả người lớn lẫn trẻ em…

Thách thức khi báo chí phải chạy đua thông tin từng giây

TTO - Báo chí phải chạy đua thông tin tính bằng giây, không phải chỉ trong phạm vi một ngành, một địa phương mà trên toàn cầu - phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói tại buổi giao ban các cơ quan báo chí sáng 19-6.

MAI HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên