TTCT - Nhiều nghiên cứu chỉ ra người gốc Á ở Mỹ có tỉ lệ tìm đến các dịch vụ hỗ trợ sức khỏe tâm thần thấp hơn người da trắng và cả các sắc tộc khác rất nhiều. Ẩn sau những số liệu này là nhiều vấn đề văn hóa và định kiến liên quan đến sức khỏe Ảnh: stonewallchico.com Nhiều nghiên cứu chỉ ra người gốc Á ở Mỹ có tỉ lệ tìm đến các dịch vụ hỗ trợ sức khỏe tâm thần thấp hơn người da trắng và cả các sắc tộc khác rất nhiều. Ẩn sau những số liệu này là nhiều vấn đề văn hóa và định kiến liên quan đến sức khỏe tâm thần của người châu Á.Trong một bài viết hồi tháng 5, mạng lưới y tế UCLA Health dẫn lời bác sĩ tâm thần Brandon Ito, giáo sư Đại học California, Los Angeles, cho biết nhìn chung, người Mỹ gốc Á ít tìm kiếm các dịch vụ sức khỏe tâm thần hơn 50% so với các nhóm chủng tộc khác.Áp lực từ văn hóa cộng đồngMột nghiên cứu của Đại học Maryland với mẫu là những người sinh ở Ấn Độ, Campuchia, Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Thái Lan, Việt Nam hoặc mới nhập cư từ những nơi này chỉ rõ những áp lực khiến người gốc Á ở Mỹ không muốn tìm kiếm sự giúp đỡ khi gặp các vấn đề sức khỏe tâm thần.Theo đó, một số cho biết họ cảm thấy áp lực đè nặng khi phải nỗ lực để thành công trên con đường học vấn hoặc sự nghiệp, và để tập trung đạt được những thành tựu hệ trọng này, họ buộc phải phớt lờ hoặc phủ nhận các triệu chứng tâm lý bất thường của mình. Một số khác lại có những quan ngại khác về văn hóa, họ giải thích rằng sức khỏe tâm thần là một chủ đề cấm kỵ trong cộng đồng của mình.Đối với một số người Mỹ gốc Á, áp lực là một thành viên của "nhóm thiểu số gương mẫu" - có khả năng hòa nhập tốt vào xã hội mới, đại diện cho các tính chất như thông minh, cần cù, tự chủ đời sống - đã cản trở việc điều trị. Nếu một cá nhân trong nhóm thừa nhận sự "yếu kém" (về sức khỏe tâm thần) thì sẽ khiến cả cộng đồng thất vọng.Kết quả nghiên cứu được bệnh viện tâm thần hàng đầu Hoa Kỳ McLean dẫn lại trong bài "Vì sao người Mỹ gốc Á không tìm trợ giúp về bệnh tâm thần" cũng hồi tháng 5-2023. Bài viết dẫn lời bác sĩ Geoffrey Liu (Bệnh viện McLean) giải thích thêm: "Một số người Mỹ gốc Á thực sự có cảm giác rằng giá trị con người phụ thuộc vào khả năng chăm sóc gia đình và cộng đồng [do ảnh hưởng Nho giáo]. Bệnh liên quan đến tâm thần được cho là sẽ khiến người ta mất đi khả năng chăm sóc người khác". Liu nhấn mạnh cách nghĩ đó là không chính xác, nhưng chính vì nó mà các vấn đề sức khỏe tâm thần luôn bị "gán với việc mất đi danh tính và mục đích sống, hay một sự xấu hổ tột cùng".Đây không phải vấn đề của riêng nước Mỹ. Theo một khảo sát năm 2021 của tổ chức cung cấp dịch vụ sức khỏe tâm thần Asian Family Services (AFS) - khoảng 45% người châu Á đang sinh sống tại New Zealand có nguy cơ bị trầm cảm, song sự kỳ thị gay gắt về sức khỏe tâm thần trong cộng đồng người châu Á đã ngăn cản mọi người nói chuyện cởi mở về cuộc sống của họ.Romy Lee, một người New Zealand gốc Hàn làm việc trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần, nhìn nhận chuyện này từ góc độ cá nhân lẫn chuyên môn với trang tin Renews. Trong cộng đồng Hàn Quốc của cô nói riêng, mọi người đều cảm thấy có nghĩa vụ phải thể hiện bộ mặt tốt nhất của mình. Đối với thế hệ cha mẹ cô, mọi người khi nghe về sức khỏe tâm thần đều có chung cảm nghĩ đó là "một điều đáng xấu hổ" vì đa số họ được nuôi dạy bởi thế hệ ông bà từng sống trong thời chiến tranh Triều Tiên.Ở khía cạnh nghề nghiệp, Lee cho biết "các vấn đề về sức khỏe tâm thần gắn liền với sự yếu đuối và xấu hổ" trong nhiều cộng đồng châu Á. Chính phủ New Zealand cũng đang loay hoay trong việc giải quyết sao cho hiệu quả các vấn đề vĩ mô có liên quan trong cộng đồng người gốc Á cư trú tại quốc gia này. Nghiên cứu quy mô quốc gia gần nhất về sức khỏe tâm thần của nhóm cư dân gốc Á được tiến hành vào năm 2002.Không hợp với trị liệu kiểu TâyTheo bác sĩ Geoffrey Liu, một rào cản trong việc chăm sóc sức khỏe tinh thần cho người gốc Á là việc hầu hết các liệu pháp tâm lý ngày nay đều dựa trên các giá trị phương Tây. Theo ông, những lời khuyến khích mà bất cứ ai cũng nói được như "hãy nói ra vấn đề đi, bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn" trên thực tế có thể không phù hợp hoặc không ứng dụng được với văn hóa Á Đông, bởi rất nhiều người có thể sẽ chọn giải quyết cảm xúc của mình bằng cách đi làm việc gì đó như chơi thể thao hoặc học tập thay vì chia sẻ nỗi lòng với người khác.Đồng quan điểm, Janie Hong - một nhà tâm lý học lâm sàng tại Đại học Stanford - cho biết những phương pháp trị liệu được sử dụng rộng rãi chẳng hạn như liệu pháp hành vi nhận thức được phát triển phần lớn ở các nước Bắc Mỹ và Tây Âu thường khiến các thân chủ người Mỹ gốc Á của cô cảm thấy không thoải mái.Cô chia sẻ trên tạp chí Knowable rằng những phương pháp điều trị này dựa trên các giá trị phương Tây và thường tập trung vào khả năng của mỗi cá nhân trong việc diễn đạt những trải nghiệm nội tâm, cũng như khả năng khám phá và xác định con người thật của họ.Đối với những người Mỹ gốc Á thực sự muốn tìm cách để vượt qua kỳ thị về sức khỏe tâm thần, cụ thể là những người đã tham gia nghiên cứu của Đại học Maryland, họ chủ động liên hệ với bạn bè, người thân và các thành viên trong tổ chức tôn giáo mình đang tham gia để được hỗ trợ thay vì tìm đến các chuyên gia sức khỏe tâm thần.Một giải pháp thay thế thường gặp khác là đến gặp các bác sĩ y khoa để giải quyết các triệu chứng: tim đập nhanh, mất ngủ hoặc đau đầu liên tục ngay cả khi nguyên nhân là do rối loạn tâm thần. Bằng cách này người ta tránh được cảm giác xấu hổ khi phải thừa nhận mình mắc chứng lo âu, trầm cảm hoặc nghiện ngập. Từ đây cũng cho thấy việc bố trí các bác sĩ lâm sàng về sức khỏe tâm thần tại các phòng khám đa khoa không chỉ góp phần gỡ bỏ dần các rào cản mà còn giảm bớt sự kỳ thị trong việc tiếp nhận dịch vụ.Bằng cách phân tích sự khác biệt về giá trị, nền tảng văn hóa, trình độ giáo dục và một số yếu tố khác có tác động đến quyết định tìm sự hỗ trợ sức khỏe tâm thần, các bác sĩ lâm sàng đang nỗ lực tạo ra các phương pháp điều trị phù hợp với văn hóa với hy vọng phục vụ tốt hơn cho nhóm dân số Á châu.Đã có những dấu hiệu cho thấy tình hình đang được cải thiện. Một nghiên cứu về người Mỹ Latin và người Mỹ gốc Á cho thấy những người nhập cư thế hệ thứ hai có nhiều khả năng nhận được chẩn đoán sức khỏe tâm thần nhiều hơn cha mẹ họ. Hơn nữa, những nỗ lực thông tin đại chúng nhằm nâng cao nhận thức về bệnh tâm thần và chống lại sự kỳ thị đang khuyến khích mọi người thuộc mọi hoàn cảnh lên tiếng và yêu cầu giúp đỡ. ■ Đông Nam Á: nhận thức tăng, vẫn kỳ thịTheo khảo sát của Hãng nghiên cứu WARC hồi tháng 4, trong thời kỳ hậu COVID-19, khoảng một nửa số người lao động trong khu vực Đông Nam Á có xu hướng ưu tiên sức khỏe và hạnh phúc của bản thân hơn là công việc so với giai đoạn trước đại dịch. Dẫn đầu thống kê này là Việt Nam (69%); các nước cũng có tỉ lệ cao là Philippines (67%), Malaysia (58%) và Thái Lan (53%).Mặc dù vậy, vấn đề kỳ thị về sức khỏe tâm thần vẫn chưa được giải quyết hiệu quả. Dữ liệu từ Viện Sức khỏe toàn cầu cho thấy chưa đến 30% người Đông Nam Á cảm thấy thoải mái khi nói về sức khỏe tâm thần của mình. Tỉ lệ này giảm dần theo khu vực thành thị, ngoại ô và nông thôn.Nguyên nhân vẫn là do ảnh hưởng của nền văn hóa châu Á: với áp lực "giữ thể diện", những khó khăn về sức khỏe tâm thần thường bị coi là điểm yếu có thể mang lại sự xấu hổ cho gia đình. Niềm tin này đã ăn sâu vào văn hóa đến mức nó được phản ánh trong ngôn ngữ. Một nghiên cứu của Viện Sức khỏe tâm thần Singapore trên 940 thanh niên cho thấy 45% trong số họ liên tưởng bệnh tâm thần với những thuật ngữ khá xúc phạm như "nguy hiểm", "điên rồ" và "kỳ lạ".Tiến sĩ Andrea Bruni, cố vấn khu vực của WHO về sức khỏe tâm thần ở Đông Nam Á, cho biết khoảng 260 triệu người ở Đông Nam Á đang sống với tình trạng sức khỏe tâm thần cần được chăm sóc nhưng nhiều người trong số họ không được điều trị kịp thời. "Ở một số quốc gia, có tới 90% những người có nhu cầu về sức khỏe tâm thần không được điều trị và chăm sóc phù hợp, kịp thời hoặc không được điều trị và chăm sóc gì cả" - ông nói với kênh CNA. Đáng quan ngại hơn là sự kỳ thị rất thường bị chuyển thành phân biệt đối xử với những ai đang có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Sự kỳ thị sẽ đặc biệt rõ ràng với những người có tình trạng nghiêm trọng. Không chỉ những người bị kỳ thị mà ngay cả những người muốn được hỗ trợ về tâm lý cũng gặp không ít khó khăn. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng rào cản ngôn ngữ, thiếu thông tin về địa chỉ, cách thức tư vấn đã khiến nhiều người không được điều trị. Để giải quyết vấn đề này, nhiều chuyên gia sức khỏe tâm thần tại Mỹ đã kêu gọi có thêm nhiều dịch vụ phiên dịch song ngữ và phối hợp tốt hơn giữa hệ thống y tế và nguồn lực cộng đồng phục vụ người Mỹ gốc Á.Tương tự, New Zealand đang thiếu những bác sĩ lâm sàng "có đủ năng lực về văn hóa và ngôn ngữ" để hỗ trợ nhóm cư dân gốc Á. "Ngay cả khi bệnh nhân nói được tiếng Anh, vẫn có rất nhiều sự phức tạp về văn hóa mà các bác sĩ lâm sàng không thể thấu hiểu được" - Kelly Feng, giám đốc quốc gia AFS, nói với Renews. Tags: Sức khỏe tâm thầnBệnh viện tâm thầnNgười châu ÁChăm sóc sức khỏeSức khỏe tinh thần
Khách đông kín sân bay Tân Sơn Nhất, đứng nằm ngồi vật vã, xếp hàng dài vô tận CÔNG TRUNG 24/01/2025 Chen chúc, nhích từng chút để chờ làm thủ tục tại sân bay Tân Sơn Nhất. Bên trong nhà ga khan ghế ngồi, khách nằm vật vạ dưới đất để chờ hãng thông báo giờ bay mới sau nhiều giờ chậm chuyến (delay).
Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng: Quẫn trí, suy sụp nhưng muốn cảm ơn cả xã hội đã quan tâm THÁI BÁ DŨNG 25/01/2025 Vợ nam shipper xấu số ở Đà Nẵng nói tới thời điểm này, cả gia đình vẫn không ai tưởng tượng lại được quan tâm, giúp đỡ và chia sẻ như vậy.
Nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu qua đời chiều 24-1 HỒNG HÀ 24/01/2025 Thông tin từ Bộ Y tế cho hay nguyên bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu đã qua đời lúc hơn 17h chiều 24-1 tại Hà Nội.
Ùn ứ trên quốc lộ 1, xe cộ nhích từng chút thành vệt sáng dài giữa đêm NGUYỄN HOÀNG 24/01/2025 Khuya 24-1, tuyến quốc lộ 1 (đoạn qua thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) ùn ứ kéo dài, xe cộ khó khăn nhích từng chút một.