22/01/2020 07:45 GMT+7

Văn Hậu - Công Phượng mang hai chữ VIỆT NAM đến bóng đá Châu Âu

NGUYÊN KHÔI
NGUYÊN KHÔI

TTO - Hậu vệ Đoàn Văn Hậu và tiền đạo Nguyễn Công Phượng liệu có thành công ở châu Âu? Còn quá sớm để có thể trả lời câu hỏi này. Nhưng ít ra họ đã đưa hai chữ VIỆT NAM đến với bóng đá châu Âu.

Văn Hậu - Công Phượng mang hai chữ VIỆT NAM đến bóng đá Châu Âu - Ảnh 1.

Văn Hậu và giấc mơ từ Heerenveen đến Europa League

Để có thể phát triển chuyên môn tốt ở châu Âu, ngoài nỗ lực trên sân cỏ, tôi phải trau dồi ngoại ngữ, tìm hiểu văn hóa Hà Lan… nhằm hòa nhập được với các đồng đội ở Câu lạc bộ Heerenveen nơi tôi đang thi đấu…

Hậu vệ ĐOÀN VĂN HẬU

Đúng vào ngày Quốc khánh Việt Nam 2-9-2019, cũng là ngày Văn Hậu ra mắt Câu lạc bộ bóng đá Heerenveen (Hà Lan) với bản hợp đồng cho mượn có thời hạn một năm được ký giữa Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội và Heerenveen.

Đến Heerenveen, chàng trai 20 tuổi Văn Hậu không chỉ có cơ hội chơi bóng ở một trong những giải bóng đá hàng đầu châu Âu (Giải vô địch bóng đá Hà Lan) mà còn nhận được mức lương 450.000 euro/năm, mức lương được tiết lộ là cao thứ 4 ở Câu lạc bộ bóng đá Heerenveen.

Trừ thuế thu nhập cá nhân, số tiền Văn Hậu thực nhận là hơn 217.000 euro/năm. Nghĩa là một tháng Văn Hậu nhận hơn 18.000 euro (khoảng 470 triệu đồng). Đây là một con số đáng mơ ước với các cầu thủ Việt. Thi đấu nơi trời Tây, Văn Hậu còn được Câu lạc bộ Heerenveen cấp căn hộ riêng, xe hơi riêng đi kèm những điều kiện ăn uống và tập luyện tốt nhất.

Văn Hậu - Công Phượng mang hai chữ VIỆT NAM đến bóng đá Châu Âu - Ảnh 3.

Sống ở Hà Lan vừa dễ vừa khó

Vừa sang Hà Lan, Văn Hậu kể anh đã nhận được một chiếc Volkswagen Passat Variant, một dòng xe khá thông dụng ở châu Âu (ở Việt Nam có giá khoảng 1,3 tỉ đồng). 

Có bằng lái xe hơi ở nước nhà và đã đổi bằng lái quốc tế, nên chuyện lái xe ở Hà Lan không phải là vấn đề lớn với Văn Hậu. 

“Dù vậy, thời gian đầu hằng ngày Hậu vẫn cần một người đưa đón do chưa quen đường sá. Hậu lên kế hoạch thuê thầy giáo dạy lái xe để có thể tự tin lái xe một mình và làm quen với giao thông Hà Lan” - Văn Hậu chia sẻ.

Căn hộ được cấp cho Văn Hậu gần ngay sân Abe Lenstra - sân nhà của Câu lạc bộ Heerenveen. Căn hộ có đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, giải trí và cũng đủ dụng cụ bếp núc để Văn Hậu có thể tự nấu. 

“Siêu thị bán đồ châu Á cách nơi tôi ở khoảng 30km, không quá xa để có thể đến đó mua đồ về chế biến. Nhưng do buổi trưa ăn chung với các đồng đội tại câu lạc bộ nên tôi thường chỉ nấu ăn vào buổi sáng và tối” - Văn Hậu kể.

Ở Hà Lan có nhiều nhà hàng Việt, dù vậy Văn Hậu cho biết chưa ghé lần nào vì chưa có thời gian. Thỉnh thoảng, Văn Hậu cũng được thưởng thức món ăn quê nhà như phở, bánh cuốn, thịt quay… do biết cách đặt các anh chị người Việt ở Heerenveen nấu và mang đến. Nhiều khi các anh chị không lấy tiền. 

Chuyện này không thường xuyên diễn ra vì Văn Hậu chỉ ăn đồ Việt Nam khi quá thèm, còn phần lớn thời gian anh phải tuân thủ chế độ ăn mà chuyên gia dinh dưỡng của Câu lạc bộ Heerenveen lên thực đơn cho mình.

Tập luyện, thi đấu và… học tiếng Anh

Một ngày bình thường của Văn Hậu phụ thuộc nhiều vào lịch tập của Câu lạc bộ Heerenveen. Thường Văn Hậu dậy vào 7h30 sáng, ăn sáng trước khi có mặt ở câu lạc bộ vào 8h45. 

Đây là thời gian cả đội bắt đầu sinh hoạt và tập luyện cùng nhau, rồi cùng ăn trưa lúc 12h30. Không khí ăn trưa thường rất vui vì ai cũng đói. Sau bữa trưa, về nhà Văn Hậu hay các cầu thủ khác vẫn phải tập thể lực bổ sung theo giáo trình mà huấn luyện viên lập cho từng người.

Khoảng thời gian trống sau tập luyện và thi đấu, Văn Hậu học thêm tiếng Anh và tìm hiểu về văn hóa Hà Lan để có thể hòa nhập tốt hơn. Anh kể: “Sang đây, hằng ngày tôi vẫn dành thời gian học tiếng Anh từ 90 phút đến 2 tiếng mỗi ngày với một thầy giáo riêng. Bên cạnh chuyên môn, ngoại ngữ là hành trang quan trọng cho mỗi cầu thủ muốn ra nước ngoài thi đấu”.

Hòa nhập cũng là yếu tố mà Văn Hậu cho rằng rất quan trọng để một cầu thủ Việt Nam có thể tìm được cơ hội ra sân ở một giải đấu chuyên nghiệp tại châu Âu. 

Anh chia sẻ: “Những ngày mới sang, dù bị choáng ngợp nhưng đó cũng là động lực để tôi phải cố gắng nhiều hơn nữa. Giờ đây, tôi cảm thấy vui vẻ, thoải mái vì mình đang được tập luyện và chơi bóng ở Heerenveen. Điều đáng mừng là hằng ngày tôi đều gặp và sinh hoạt cùng các đồng đội. Mọi người rất hòa đồng, chúng tôi hay nói chuyện về bóng đá, về cuộc sống nơi đây”.

Hôm 18-12, Đoàn Văn Hậu đã có trận ra mắt đội 1 CLB Heerenveen trong trận thắng Roda 2-0 ở vòng 2 Cúp quốc gia Hà Lan 2019. Hậu vệ 20 tuổi này được tung vào sân ở phút 89 thay cho hậu vệ trái Sherel Floranus. 

Dù chỉ có quãng thời gian ngắn ngủi trên sân, nhưng Văn Hậu chơi cực kỳ máu lửa và phải nhận một thẻ vàng ở phút bù giờ thứ hai của trận đấu sau tình huống truy cản ác liệt với cầu thủ bên phía Roda. Như vậy, Văn Hậu đã đi vào lịch sử khi trở thành cầu thủ Việt Nam đầu tiên thi đấu cho đội 1 của một đội bóng Hà Lan.

Mơ đến Europa League

Chưa có cơ hội ra sân ở Giải vô địch quốc gia Hà Lan, nhưng Văn Hậu đã liên tục ra sân ở các trận đấu dành cho đội hình dự bị. Anh chia sẻ: “Ở nhà mọi người hiểu nhầm là đội U21 nhưng hoàn toàn không phải.

Đây là đội 2 dành cho những cầu thủ ra sân ít phút ở đội 1 và tất cả các cầu thủ không ra sân. Mục đích của việc này là tăng cơ hội cho các cầu thủ luôn được cọ xát. Mỗi trận đấu như vậy chỉ có 2 - 3 cầu thủ trẻ, còn lại là các cầu thủ chuyên nghiệp đội 1 của tất cả các câu lạc bộ ở Giải vô địch quốc gia Hà Lan.

Mong muốn và mục tiêu lớn nhất của tôi là giành được vị trí thi đấu trong đội hình chính Câu lạc bộ Heerenveen, giành huy chương vàng SEA Games 2019 với U22 Việt Nam và năm sau được thi đấu ở Europa League với Heerenveen”.

Văn Hậu - Công Phượng mang hai chữ VIỆT NAM đến bóng đá Châu Âu - Ảnh 5.

Công Phượng: Giấc mơ chưa bao giờ tắt

Ba yếu tố mà một cầu thủ Việt cần có để có thể hòa nhập tốt ở nước ngoài: thể hình - thể lực, kỹ năng tốt và biết ngoại ngữ để tiếp thu được yêu cầu chiến thuật của huấn luyện viên trên sân, hòa nhập với cuộc sống ở câu lạc bộ cũng như người dân địa phương nơi mình sẽ thi đấu.

Tiền đạo CÔNG PHƯỢNG

Rời Bỉ trở về TP.HCM đầu quân, Công Phượng mang trong mình những kinh nghiệm quý giá của cầu thủ nơi xứ người.

Từ khi khoác áo Câu lạc bộ Sint- Truiden (Bỉ), Công Phượng chỉ mới ra sân trong 20 phút cuối ở trận thua đậm Câu lạc bộ Brugge 0-6 tại vòng 2 Giải vô địch quốc gia Bỉ. Còn lại, Công Phượng chỉ được đăng ký dự bị, nhiều trận không được đưa vào danh sách đăng ký thi đấu. 

Dù vậy, Công Phượng vẫn luôn lạc quan như chia sẻ: “Tôi đến một nơi có trình độ bóng đá cao hơn, thời gian làm quen chưa dài nên cũng không thể đòi hỏi được đá chính ngay được. Tôi chỉ tự nhủ mình cố gắng tập luyện và chờ cơ hội. Không được ra sân tôi cũng luôn lạc quan, vì có bi quan cũng không giải quyết được gì. Tôi phải luôn đốc thúc bản thân cố gắng hơn nữa”.

Không khó sống ở Bỉ

Tại Câu lạc bộ Sint-Truiden, giống như Văn Hậu, Công Phượng cũng được lo chỗ ăn ở và cấp xe hơi để tự mình đi lại. Anh cho biết Câu lạc bộ Sint-Truiden không có khu nhà riêng cho cầu thủ, vì hầu như các cầu thủ đều ở nhà của họ hoặc với gia đình. Chỉ những người không có nhà riêng ở đây hoặc cầu thủ ngoại mới được câu lạc bộ lo cho chỗ ở.

“Căn hộ tôi ở khá rộng với phòng ăn, phòng sinh hoạt và hai phòng ngủ. Từ đây đến sân tập chỉ chừng 5 phút đi bộ. Đi bộ đến sân thi đấu cũng chừng 15 phút. Đã đi nước ngoài nhiều nên để hòa nhập cuộc sống ở Bỉ không phải là vấn đề khó đối với tôi. Vấn đề còn lại là trên sân bóng, nơi tôi vẫn còn đang chờ cơ hội được ra sân…” - Công Phượng chia sẻ.

Do đã đổi sang bằng lái xe quốc tế nên khi sang Bỉ, lái xe hơi chỉ là chuyện nhỏ với Công Phượng. Anh cho biết: “Xe hơi ở Bỉ cũng có tay lái thuận giống Việt Nam nên việc lái xe khá đơn giản. Không rành đường sá ở đây nhưng nhờ xe có hệ thống GPS, nên tôi muốn đi đến đâu thì cứ bấm địa chỉ rồi lái xe theo chỉ dẫn. Ở Bỉ cũng thường kẹt xe vào thời điểm mọi người đi làm và trở về nhà”.

Bữa ăn là cánh cửa hội nhập

Công Phượng và các đồng đội tập luyện gần như suốt tuần. Cả đội ăn sáng và ăn trưa cùng nhau. Sau giờ tập luyện vào buổi chiều, các cầu thủ phần lớn về nhà chứ ít đi cà phê, ăn uống tụ tập ở bên ngoài. Ngày nghỉ sau trận đấu, họ tranh thủ dành thời gian cho gia đình. Vì thế, những bữa ăn sáng hay ăn trưa là cơ hội quan trọng để Phượng trò chuyện và hòa nhập cùng các đồng đội ở câu lạc bộ.

Công Phượng kể: “Khu vực tôi ở mọi người thường sử dụng tiếng Hà Lan và Pháp. Ngoài vốn tiếng Anh sẵn có, mỗi tuần một buổi tôi còn theo học lớp tiếng Pháp để giao tiếp tốt hơn với các đồng đội tại câu lạc bộ”.

Câu lạc bộ Sint-Truiden mà Công Phượng thi đấu thuộc về một thành phố nhỏ và không có nhà hàng Việt Nam. Muốn ăn món Việt, Công Phượng phải lái xe hơi từ 40 phút đến 1 tiếng để đến một thành phố gần đó. “Thường tôi tự nấu cho mình bữa ăn tối, bởi lái xe đi ăn thì mất thời gian. Hôm nào thèm đồ ăn Việt quá, tôi mua vé tàu điện ngầm (8 - 10 euro) đi chợ. Đi ăn ở nhà hàng Việt đôi lúc cũng được mọi người ở đây nhận ra, tôi vui lắm!” - anh kể.

Từng khoác áo Câu lạc bộ Mito Hollyhock (Nhật Bản) và Incheon United (Hàn Quốc), Công Phượng bảo khi thi đấu trong màu áo Sint- Truiden, anh thấy cầu thủ ở Bỉ tập luyện với cường độ cao hơn và tốc độ nhanh hơn: “Nếu di chuyển chậm rãi trên sân, cầu thủ chẳng bao giờ theo kịp bóng. Vì thế, tôi hầu như phải cố gắng mỗi ngày để hòa nhập vào lối chơi của đội và lấy niềm tin từ ban huấn luyện”.

Hôm 25-11, CLB Sint-Truidense sa thải huấn luyện viên Marc Brys và chọn Nicky Hayen, đang dẫn dắt đội U23 làm HLV tạm quyền do thành tích của đội không tốt. Khi đó, nhiều người hi vọng tương lai của Công Phượng sẽ trở nên sáng sủa hơn. Cụ thể là anh có thể được HLV tạm quyền Nicky Hayen cân nhắc sử dụng thay vì ngồi ngoài suốt hoặc không được đăng ký. Thế nhưng, mọi chuyện vẫn không có gì thay đổi. Anh vẫn cứ ngồi ngoài nhìn đồng đội thi đấu.

Vì thế, khi CLB TP.HCM "giang tay" mua lại nửa năm hợp đồng còn lại với CLB Sint-Truidense, Công Phượng đã đồng ý trở về Việt Nam để được ra sân nhiều hơn. Nhưng giấc mơ thi đấu ở châu Âu thì vẫn chưa bao giờ tắt trong Công Phượng.

Với Câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai, việc học tiếng Anh là điều bắt buộc với các cầu thủ trẻ ngay từ khi được đào tạo ở học viện. Vì vậy, tiếng Anh đã là hành trang sẵn có cho các cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai khi ra nước ngoài thi đấu.

Trong khi đó, chuyện học tiếng Anh ở Câu lạc bộ Hà Nội giao khoán cho các cầu thủ. Mỗi người tự học và trau dồi tiếng Anh chứ không bắt buộc. Gần đây, nhận thấy tầm quan trọng của ngoại ngữ, lãnh đạo Câu lạc bộ Hà Nội cho biết họ đã lên kế hoạch bồi dưỡng tiếng Anh cho các cầu thủ từ đội lớn đến các đội trẻ kể từ mùa bóng 2020, chứ không chỉ bồi dưỡng riêng với các cầu thủ có khả năng ra nước ngoài thi đấu như Quang Hải, Đức Huy như trước đây...

Ông Nguyễn Quốc Hội - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thể thao T&T (sở hữu Câu lạc bộ Hà Nội) - chia sẻ: “Mùa tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh hơn việc học tiếng Anh cho các cầu thủ. Nếu học ở trung tâm ngoại ngữ, các cầu thủ cũng phải tập trung để xe của đội đưa đi. Ngoài ra, chúng tôi đang tính phương án thuê giáo viên tiếng Anh về dạy ở câu lạc bộ”.

Văn Hậu hòa niềm vui cùng CĐV Hà Lan sau chiến thắng của Heerenveen Văn Hậu hòa niềm vui cùng CĐV Hà Lan sau chiến thắng của Heerenveen

TTO - Dù thời gian thi đấu trên sân không nhiều, nhưng Văn Hậu vẫn kịp để lại ấn tượng trong trận ra mắt đội một của Heerenveen. Sau trận, anh và đồng đội đã nán lại để có màn ăn mừng cùng các CĐV.

NGUYÊN KHÔI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên