Học sinh lớp 12A12 Trường THPT Bùi Thị Xuân, quận 1, TP.HCM trong tiết ôn thi môn hóa chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Trên đây là ý kiến của TS Nguyễn Hoàng Chương gởi đến Tuổi Trẻ Online vào tối 4-7. Nhằm góp thêm một góc nhìn, chuyên mục Bạn đọc làm báo xin giới thiệu bài viết này của TS Nguyễn Hoàng Chương.
"Đọc bản tin trên Tuổi Trẻ Online, tôi được biết sáng 4-7 trong quá trình kiểm tra công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT năm 2022 tại TP.HCM, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc - phó trưởng Ban chỉ đạo thi cấp quốc gia - lưu ý TP.HCM tuyệt đối "không được vận dụng sáng tạo" các quy định, quy chế trong kỳ thi và "không rõ phải hỏi ngay".
Nhiều năm làm nhiệm vụ coi, chấm thi, lãnh đạo điểm thi - tôi bất ngờ với lưu ý "cứng", "là lạ", khó tiếp thu của Thứ trưởng Phúc.
Nhân đây, tôi xin trao đổi về ‘không vận dụng sáng tạo’ trong thi tốt nghiệp.
Sau khi Tuổi Trẻ Online đăng ý kiến chỉ đạo của thứ trưởng, ngay dưới phần bản tin, bạn đọc Minh Châu bình luận: "Cuộc sống luôn vận động tại sao thứ trưởng Bộ GD-ĐT lại chỉ đạo "tuyệt đối" không được vận dụng sáng tạo "các quy định".
Nếu sáng tạo là tốt cho kỳ thi thì phải khuyến khích chứ?". Không biết quan điểm của thứ trưởng thế nào, cá nhân tôi nhất trí với ý kiến trên đây.
Cách nay một hôm, cũng trên bản tin TTO cho hay, tại TP Châu Đốc (An Giang), Thành đoàn Châu Đốc huy động đoàn viên lên kế hoạch dựng rạp hay lều để giữ đồ cho thí sinh, cách điểm thi gần 100m.
Quy chế thi không yêu cầu khoảng cách đó, nhưng với kế hoạch của các bạn đoàn viên nêu trên - sáng tạo - há lẽ không được ư!?
Năm nọ, làm trưởng điểm thi, lúc kiểm tra phát đề thi tại một phòng thi, tôi phát hiện cán bộ coi thi luống cuống thế nào mà đề đến tay thí sinh bị rách một góc, trên đó có các phương án lựa chọn của một câu trắc nghiệm khách quan.
Ngay lập tức, tôi báo cáo trong lãnh đạo điểm thi, cán bộ thanh tra thi, cán bộ giám sát rồi lập biên bản mở bì đề thi dự phòng phát cho thí sinh, đồng thời quyết định kéo dài thời gian làm bài thêm 2 phút. Nếu không linh hoạt, thi xong, thí sinh thắc mắc (không có đủ thời gian làm bài theo quy định), giải quyết lúc này thì "to chuyện" rồi!
Trong quá trình tác nghiệp thi, tình huống bất ngờ rất đa dạng, khó lường trước, cho nên, ngoại trừ những tình huống "liệt", như thí sinh sử dụng tài liệu, điện thoại di động..., còn lại, trên cơ sở nắm vững quy chế thi, những bài học kinh nghiệm, kết hợp trao đổi nhanh với cộng sự để giải quyết gọn gàng - an toàn - hiệu quả - đúng quy định nhưng nhẹ nhàng. Việc gì cũng báo cáo cả, có khi thêm rối mà chẳng được chi!
Thực tế cho thấy, trong phòng thi, có cán bộ coi thi tâm lý căng thẳng quá mức.
Vì thế lãnh đạo điểm thi, thanh tra thi tạo không khí làm việc nghiêm túc và mềm mỏng, chứ quân lệnh ‘không được vận dụng sáng tạo’, cán bộ coi thi thêm áp lực, không tập trung vào nhiệm vụ. Liền với căng thẳng là sợ bị kỷ luật nên có cán bộ coi thi không báo cáo những việc mình làm không đúng, không trúng.
Đã có năm, cán bộ coi thi giấu nhẹm sai sót, về nhà thí sinh "méc mẹ" và phòng thi đó ít hôm sau phải thi lại. Lỗi của cán bộ coi thi, phải rồi, nhưng sâu xa hơn phải chăng vì cách làm việc cùng những yêu cầu cứng nhắc của lãnh đạo điểm thi và cấp trên?
Những năm làm chủ tịch hội đồng coi thi, sau này là trưởng điểm thi, lúc phân công giám thị hay cán bộ coi thi bốc thăm phòng thi, tôi vận dụng, đọc tên thầy cô nào là mời họ về luôn phòng thi của mình, chờ hiệu lệnh chung. Tôi thấy với cách làm đó, trường thi và nơi làm việc trật tự, kỷ luật.
TP.HCM nói chung và các tỉnh/thành phố khác, với sự quan tâm của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo thống nhất và sát sao của ngành giáo dục, trưởng thành về nghiệp vụ coi thi của đội ngũ thầy cô giáo và sâu sắc nhất là những bài học đắt giá từ một số cá nhân tại các địa phương do cố tình vi phạm quy chế thi mà bị phạt tù.
Gần đây nhất, Bộ Công an khởi tố vụ án lộ đề thi môn sinh học tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Chắc chắn mọi thành viên tham gia các khâu của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đều lo học, rèn để tác nghiệp đúng quy định. Với giáo viên, giảng viên, chuyện biết, hiểu, vận dụng trở thành nếp trong dạy học và giáo dục.
Nay, áp dụng vào quá trình coi thi, chấm thi... - tuy chịu sự giám sát, thanh tra - nhưng với bầu không khí tin cậy, hiểu biết và trân trọng sự linh hoạt, sáng tạo thì kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 sẽ an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.
Ngược lại, "không vận dụng sáng tạo" e khó cho cán bộ coi thi, lãnh đạo điểm thi và cả cho thí sinh. Giá của chỉ đạo cứng nhắc tiềm ẩn hệ lụy tiêu cực, có khi gây oan uổng 12 năm đèn sách của học trò, mà thứ trưởng biết không, điều tệ đó đã từng xảy ra!".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận