Sáng 9-6, UBND huyện Cần Giờ cùng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học “Giải pháp phát triển du lịch sinh thái gắn với sản phẩm OCOP tại huyện Cần Giờ đến năm 2030".
Phát triển nội lực ưu tiên các sản phẩm đặc thù
Ông Nguyễn Ngọc Xuân - phó chủ tịch UBND huyện Cần Giờ - cho biết với điều kiện tự nhiên đặc trưng cùng với di tích văn hóa, bề dày lịch sử, Cần Giờ được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển du lịch và xây dựng sản phẩm đặc trưng của huyện (OCOP).
Trong những năm qua, huyện đã đầu tư hạ tầng giao thông phục vụ du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch, tuyến du lịch mới, tăng cường quảng bá hình ảnh của du lịch Cần Giờ đến với du khách.
Tuy nhiên, song song với điều kiện thuận lợi, ngành du lịch Cần Giờ nói chung và việc triển khai du lịch sinh thái gắn với sản phẩm OCOP vẫn còn gặp một số khó khăn.
Như rõ nhất là hạ tầng giao thông phát triển chưa đồng bộ để kết nối với nội thành và các tỉnh lân cận. Quy hoạch chưa hoàn chỉnh, huyện không có cơ sở để kêu gọi đầu tư.
Cùng với đó, dịch vụ du lịch cũng thiếu yếu tố hấp dẫn để giữ chân khách lưu trú như hệ thống nhà hàng, khách sạn, thiếu những khu vui chơi, giải trí, mua sắm về đêm.
“Hội thảo lần này có ý nghĩa rất quan trọng, giúp cho cơ quan quản lý nhà nước và các nhà hoạch định chiến lược phát triển du lịch sinh thái có cái nhìn bao quát hơn về tiềm năng phát triển du lịch, phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện”, ông Xuân chia sẻ.
Tham luận tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thanh Thảo - trưởng phòng quy hoạch phát triển tài nguyên du lịch, Sở Du lịch TP.HCM - cho biết trong các quan điểm phát triển du lịch TP trong thời gian tới có hai nội dung gắn với Cần Giờ.
Đầu tiên là việc phát triển nội lực ưu tiên các sản phẩm đặc thù. Bởi Cần Giờ có đặc điểm hoàn toàn khác biệt với các vùng còn lại của TP.HCM.
“Nếu nó giống với các sản phẩm của TP, không có gì đặc sắc thì không ai chạy 50km để về Cần Giờ cả. TP.HCM hiện đang rất thiếu các sản phẩm để du khách mua mang về. Nên việc phát triển du lịch sinh thái gắn với các sản phẩm OCOP sẽ giải quyết được bài toán phát triển du lịch lẫn đầu ra cho các sản phẩm”, bà Thảo nói.
Nội dung thứ hai gắn với việc phát triển du lịch Cần Giờ là phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững, ứng dụng khoa học công nghệ. Theo bà Thảo, nếu Cần Giờ không giữ được mảng xanh thì 5 - 10 năm nữa địa phương này sẽ chẳng khác gì các phần còn lại của TP.
Để du lịch có được sự “đặc biệt” thì phải có chính sách dài hạn
Theo ThS Nguyễn Hoàng Anh, phó trưởng phòng xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM, một trong những cản trở của phát triển du lịch Cần Giờ là thời gian di chuyển bởi hạ tầng giao thông chưa được đầu tư phát triển đồng bộ.
Bên cạnh yếu tố phát triển giao thông, việc kết nối sóng điện thoại và Internet cũng là yếu tố rất quan trọng, bởi hiện nay một số nơi ở Cần Giờ vẫn chưa được phủ sóng điện thoại đầy đủ.
Ngoài ra, ông Anh cho rằng Cần Giờ cần quan tâm đầu tư phát triển nguồn nhân lực tại chỗ, thực tế nguồn nhân lực hiện tại còn thiếu và chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển du lịch.
Nghiên cứu về điều kiện tự nhiên để trên cơ sở đó tạo điều kiện cho việc phát triển logistics, thu hút các nhà đầu tư song hành cùng nguồn nhân lực hiện hữu.
Đặc biệt, trong đề án cần có thêm vấn đề liên quan tới cơ chế chính sách. Bởi vì muốn phát triển du lịch trong điều kiện khó khăn như hiện nay cần phải có những cơ chế chính sách.
“Khi Quốc hội thông qua nghị quyết mới thay thế nghị quyết 54 sắp tới, chúng ta cần nghiên cứu thêm các giải pháp hỗ trợ thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn cũng như các sản phẩm OCOP. Bởi phát triển du lịch hiện nay có những thứ pháp luật chưa có, quy định pháp luật chưa cho, chúng ta cần nghiên cứu đề xuất”, ông Anh chia sẻ.
Kết luận hội thảo sau rất nhiều ý kiến đóng góp, TS Trương Minh Huy Vũ - phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM - cho biết Cần Giờ hiện đang có lợi thế mạnh mẽ để phát triển thông qua nghị quyết 12 của Thành ủy.
Định hướng phát triển Cần Giờ dựa trên du lịch, gắn sản phẩm OCOP với du lịch sinh thái, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo được công ăn việc làm cho người dân bám biển.
“Chúng ta có tài nguyên bản địa rất mạnh mẽ, chúng ta cần nâng cao nhận thức phát triển OCOP dựa trên sinh thái. Xem xét sản phẩm chất lượng đã ổn chưa hay còn cải thiện nữa, hay cần có chiến lược marketing để xây dựng thương hiệu tương thích”, ông Vũ nói.
Qua các tham luận, ông Vũ nhìn nhận câu chuyện được nhiều đại biểu quan tâm nhất là hạ tầng về du lịch như việc xây dựng các trạm dừng chân, các khu trưng bày sản phẩm, để quảng bá được sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Cần triển khai sớm các ý tưởng này để cùng với doanh nghiệp phát huy thế mạnh đặc trưng của địa phương.
Nhiều ý kiến nhấn mạnh về sự “đặc biệt” của du lịch Cần Giờ, lãnh đạo Viện Nghiên cứu phát triển trăn trở rằng để có được sự “đặc biệt” thì phải có các chính sách dài hạn.
“Phần này chúng ta sẽ tiếp tục đeo bám, tận dụng các chính sách quan trọng trong nghị quyết mới khi được ban hành, trong đó có chính sách phát triển văn hóa hay các chương trình cho vay kích cầu, cơ chế xây dựng các công trình tạm”, ông Vũ cho hay.
Theo ThS Huỳnh Thái Ngọc - phó giám đốc trung tâm phát triển quỹ đất, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, phương án sử dụng đất đến năm 2030 của huyện Cần Giờ là TP nghỉ dưỡng du lịch sinh thái chất lượng cao, quy mô 600.000 dân. Và khi đó, hơn 50% diện tích tự nhiên của huyện Cần Giờ sẽ là rừng phòng hộ.
Định hướng đến năm 2030, chỉ tiêu sử dụng đất của huyện Cần Giờ sẽ tăng lên, trong đó diện tích đất giao thông sẽ tăng cao nhất, kế đến là đất dành cho thương mại dịch vụ.
“Chúng ta sẽ cải tạo và tăng thêm 9 khu chợ, các khu trung tâm thương mại, dịch vụ với diện tích khoảng 1.000ha. Đó là nét chính để chúng ta có thể triển khai quy hoạch phục vụ cho nhu cầu phát triển bền vững của huyện”, ông Ngọc cho hay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận