TTCT - Tấm bản đồ trọng yếu Đại Nam nhất thống toàn đồ, được dẫn tên liên tục đã cỡ 50 năm, mà chỗ thì ghi làm năm 1833, 1834, chỗ ghi 1838, chỗ ghi 1839-1840. Các tài liệu đa số lại còn hổng cho biết xuất xứ từ đâu, lấy mấy cái năm đó ở đâu ra. Vậy thì nguồn cơn thế nào?Bản A.95, chụp lại từ sách Một số tư liệu Hán Nôm về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa…, Viện Nghiên cứu Hán Nôm biên soạn-NXB KHXH, Hà Nội, 2014. Bản gốc lưu ở Thư viện Viện Nghiên cứu Hán Nôm.Ở nước ta, rất nhiều bản đồ minh họa theo bài viết, hoặc trong sách nghiên cứu đề tài lịch sử địa lý đa số không ghi đủ thông tin, lại in rất nhỏ hoặc lòe nhòe không thể đọc chữ. Nhiều khi có cảm giác chúng được in ấn không phải để phục vụ học thuật, mà với mục đích trang trí.Với một bản đồ cổ, cần thiết phải ghi đủ thông tin: tên địa đồ, người/cơ quan soạn vẽ, năm thành đồ, kích thước, chất liệu, ngôn ngữ, nguồn gốc, nơi lưu trữ bản gốc. Để dẫn dụng không chuyên sâu bản đồ học, học giới cũng cần biết các thông tin tối thiểu như: tên bản đồ, người/cơ quan soạn vẽ, năm (hoặc khoảng thời gian) thành đồ, kích thước.Đã có trường hợp biên tập viên kia rối não kêu trời ầm lên khiến đồng nghiệp tháo chạy tán loạn, hỏi ra thì mới hay do anh ta tra cứu năm thành đồ của Đại Nam nhất thống toàn đồ (Toàn đồ) để chú thích ảnh, bực quá nổi điên. Tấm bản đồ trọng yếu này, được dẫn tên liên tục đã cỡ 50 năm, mà chỗ thì ghi làm năm 1833, 1834, chỗ ghi 1838, chỗ ghi 1839-1840, lại còn hổng cho biết xuất xứ từ đâu, lấy mấy cái năm đó ở đâu ra. Nguồn cơn như dưới đây.1833-1834, 1838, hay 1839-1840?P.A. Lapicque (1929), trong A Propos des Iles Paracels (Saigon, 1929), chụp in bức "Đại Nam nhất thống toàn đồ" (tr.5) với chú thích: "Carte de l'Indochine - Extrait de la Géographie de Hoang - Viet - Đia - Du 皇 越 地 輿 14 année de Minh - Mạng" (Bản đồ Đông Dương - Trích từ sách Địa lý Hoàng Việt địa dư, năm Minh Mạng thứ 14).Hoàng Trọng Miên (1959), trong Việt Nam Văn học toàn thư II: Cổ tích, (Văn Hữu Á Châu, Saigon, 1959), Phụ bản III, trang 8, in bức địa đồ với chú thích "VIỆT NAM - Đại Nam Nhất thống toàn đồ, Phan Huy Chú-1834", kích thước địa đồ 20x23cm.Nội dung sách nói về truyện cổ tích Việt Nam, bức địa đồ chỉ mang tính minh họa. Hoàng Trọng Miên ghi "Phan Huy Chú-1834", có lẽ ý nói nguồn bản đồ là từ sách Hoàng Việt địa dư chí của Phan Huy Chú, nhưng bản khắc in Hoàng Việt địa dư chí lần đầu lại là năm Minh Mạng thứ 14, tức 1833 (không phải 1834, ở đây có thể do đổi năm bị nhầm).Thái Văn Kiểm (1960), trong Đất Việt trời Nam (Nguồn Sống, Sài Gòn, 1960), ở phần "Những bức dư đồ xưa về nước Việt Nam" viết: "Đại Nam nhất thống toàn đồ trích trong quyển Hoàng Việt địa dư chí do Phan Huy Chú biên soạn năm Minh Mạng thứ 14 (1834), có ghi rõ các tỉnh từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau và các hòn đảo như Phú Quốc, như Hoàng Sa (Paracels) và Trường Sa (Spratley)", tác giả cũng dịch toàn bộ địa danh Hán Nôm sang chữ quốc ngữ, cuối sách có in kèm bản đồ (tr.577)....Gần đây hơn, trên Tập bản đồ Hành chính Việt Nam (Nhà xuất bản Bản Đồ, 2003; NXB Tài Nguyên Môi Trường và Bản đồ Việt Nam, 2015), ở trang 3 in bức "Đại Nam nhất thống toàn đồ (1834)", tức xác định năm soạn vẽ là năm 1834, cả hai lần xuất bản đều không ghi nguồn bản đồ trích từ đâu.Bản HNv.190, chụp từ bản photocoppy (2002), từ bản lưu ở Thư viện Viện KHXH vùng Nam Bộ.Lịch sử Việt Nam (2013), bộ 15 tập, sách do Viện Sử học (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) tổ chức biên soạn, trong Tập 5 (từ năm 1802 đến năm 1858), sau Lời giới thiệu của chủ biên TS Trương Thị Yến, in bức bản đồ với lời chú "Đại Nam nhất thống toàn đồ (1834)" và ghi: "Nguồn: http:vi.wikipedia.org". Một bộ quốc sử đình đám tót vời mà ghi nguồn tài liệu kiểu học sinh cấp III, thiệt tệ hết mức. Chắc là có người góp ý, nên khi tái bản năm 2017, bản đồ vẫn ghi "Đại Nam nhất thống toàn đồ (1834)", còn nguồn sửa là "http://biengioilanhtho... (thuộc Bộ Ngoại giao)", nhưng coi lại thì trang web này ghi năm vẽ bản đồ là 1838, trường hợp này có thể gọi là chơi "nguồn lụi".Qua các bản trên và một số bản khác, các thuyết cho rằng niên đại bản đồ vào năm 1833 (hoặc 1834) có thể đều dựa vào năm thành sách Hoàng Việt địa dư chí (Minh Mạng thứ 14), bắt đầu từ cách ghi nguồn rất mơ hồ của Lapicque (1929).Trang web "Biên giới lãnh thổ" (Bộ Ngoại giao) hiện vẫn ghi niên đại bản đồ là năm 1838. Dựa vô thông tin này (vẽ năm 1838), rất nhiều bài viết ghi theo nguồn này, tiêu biểu như Trần Đức Anh Sơn (2016), "Tư liệu bản đồ chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa": "Thành tựu lớn nhất trong việc soạn vẽ bản đồ thời Nguyễn là sự ra đời tấm bản đồ ĐNNTTĐ vào năm 1838" (Biển đảo Việt Nam: Lịch sử-Chủ quyền-Kinh tế-Văn hóa, NXB Văn Hóa-Văn Nghệ, 2016, tr.117).Tôi cũng không rõ từ nguồn nào mà địa đồ này được ghi niên đại 1838.Cuối cùng, Nguyễn Đình Đầu (1999, 2005), trong sách Việt Nam, Quốc hiệu & Cương vực qua các thời đại, in bức địa đồ (hình 30, tr.82), với ghi chú: "Đại Nam nhất thống toàn đồ (vẽ khoảng 1839-1840)". Sách này không thuyết minh gì về bức bản đồ, cũng không ghi nguồn.Xuất xứ và các bản Toàn đồTrước hết, tôi thấy hiện có 4 bản tạm xem là độc lập với nhau:(1) Bức tổng đồ thể hiện toàn quốc (ghi tiêu đề Đại Nam nhất thống toàn đồ (大南一統全圖) trong tập Nam Bắc kỳ hội đồ, bản đồ vẽ tay trên 2 trang giấy in sách (tôi mới đọc qua bản chụp, chưa cầm trên tay bản gốc). Đây là bức tổng đồ đặt ở đầu sách, kế tiếp là những bức vẽ các tỉnh, phủ của các tỉnh từ Quảng Bình trở vào Nam (gồm bản đồ 13 tỉnh và 26 bản đồ các đạo, phủ thuộc tỉnh), bản gốc hiện lưu ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm, ký hiệu A.95. [Bản A.95](2) Xấp địa đồ kẹp chung trong tập Thông quốc diên hải chử (HNv.190). Xấp địa đồ này gồm một bức tổng đồ và địa đồ các tỉnh từ Quảng Bình trở vào Nam. Lúc tôi photocopy khoảng năm 2002, bức tổng đồ này rách mất phần ghi tiêu đề, nên không có hàng chữ "大南一統全圖", bản đồ vẽ tay, mực tàu trên giấy dó, kích thước 19x32cm, phân 2 mảnh. Bức tổng đồ và vài bức địa đồ tỉnh có đóng dấu vuông 2 chữ triện "古學" (cổ học); phần khác được đóng chung thành cuốn Thông quốc diên hải chử, ghi chép về các cửa biển toàn quốc (từ trấn An Quảng đến trấn Hà Tiên), cách gọi đơn vị hành chánh (dinh và trấn) cho thấy sách được viết lúc chưa thành lập các tỉnh, phỏng định là trước 1831. Như vậy, dù các địa đồ kẹp trong Thông quốc diên hải chử, nhưng đây là trường hợp quản thư xếp nhầm, gom 2 sách không liên quan, không cùng niên đại, xếp chung và gắn một mã số ký hiệu. [Bản HNv.190](3) Bản đồ lẻ do Lapicque in trong A Propos des Iles Paracels (Saigon, 1929) đã nói trên. Theo cách chú thích của ông Lapicque, tôi đoán bức này vốn từ một tập địa đồ nào đó (tương tự 2 tập nói trên), được lấy tách riêng ra, kẹp vào một bản Hoàng Việt địa dư chí nào đó, gây nhầm lẫn về nguồn gốc. (Các bản khắc in 1833 và tái khắc 1872, 1907 Hoàng Việt địa dư chí đều không kèm địa đồ). Chưa rõ bản này gốc từ tập bản đồ nào. [Bản 1929](4) Bản đồ in trên Tập bản đồ Hành chính Việt Nam (2003, 2015). Bản này cơ bản gần với Bản 1929, chỉ có vài điểm khác biệt không đáng kể. Bản này không rõ chụp lại từ bản vẽ hay tập địa đồ nào. [Bản 2003]Toàn đồ phải có niên đại muộn hơn?Tình hình các bản cho thấy có 2 bản rõ nguồn (trong 2 cuốn sách) và 2 bản chưa rõ nguồn. Để định niên đại cho 4 bản này, trước mắt tạm xem đó là những bản đồ độc lập.So sánh 4 bản, thấy về phạm vi cương vực và đường nét thể hiện sông núi đường sá đại thể giống nhau, hệ thống địa danh gần như đồng nhứt.Về tính mỹ thuật thì 4 bản khác nhau, Bản A.95 cho thấy đường nét và chữ viết hơn hẳn 3 bản kia, và Bản 2003 có lẽ là bản kém mỹ thuật nhất. Nhìn chung cả 4 bản, nếu có chút khác biệt thì chỉ là được sao bản bởi nhiều người, hoặc sao chép qua lại, hoặc từ một bản nào đó nữa chưa biết.Trước tiên, Toàn đồ không thể ra đời trước 1838, vì năm này mới định quốc hiệu Đại Nam. Đại Nam thực lục, Chánh nhì, q.190, chép: "Mậu Tuất, Minh Mạng thứ 19 (1838). Mùa xuân, tháng 3, ngày Giáp Tuất, mới định quốc hiệu là nước Đại Nam". Trong sự đồng nhất về địa danh, có chỗ đặc biệt phải lưu ý, cả 4 bản đều ghi tên cửa biển "Tư Hiền (思賢)". Tên cửa biển Tư Hiền được đổi gọi cho cửa Tư Dung, Đại Nam thực lục, Đệ tam kỷ, quyển 4: "Tân sửu, Thiệu Trị năm thứ nhứt (1841), tháng 2… Đổi cửa biển Tư Dung (思容) là cửa biển Tư Hiền (思賢)". Điểm này lại cho thấy Toàn đồ không thể ra đời trước năm 1841.Với Bản A.95 và Bản HNv.190, phải xét tổng thể toàn tập. Địa đồ các tỉnh được soạn vẽ đều với bút pháp nhất quán với Toàn đồ.Xét bản đồ tỉnh Hà Tiên, thấy ghi tên "Tiên Nông giang trạm (仙農江站)", tên trạm sông này được đặt gọi từ 1840, đến 1844 thì đổi tên là Giang Nông. Tuy nhiên, vẫn có thể địa đồ vẽ sau 1844, nhưng do người thực hiện sơ ý dùng tên cũ.Xét bản đồ tỉnh Gia Định, thấy ghi tên đồn binh "Phú Mỹ bảo (富美堡)" ở bờ nam sông Sài Gòn, căn cứ Thực lục, thấy bảo Phú Mỹ lập vào tháng 10 năm Thiệu Trị thứ 2 (1842); ghi tên đồn binh "Lôi Lạp bảo (檑ࢺ?堡)", căn cứ Thực lục, thấy "bảo Lôi Lạp" đắp năm Tự Đức nguyên niên (1848).Xét bản đồ tỉnh Biên Hòa, thấy ghi tên đồn "Tam Kỳ thổ bảo (三岐土堡)", theo Đại Nam nhất thống chí 1870 thì "bảo đất Tam Kỳ" đắp năm Tự Đức nguyên niên (1848).Trước đây, nhà nghiên cứu Phạm Hân từng tận mắt xem tập Nam Bắc kỳ hội đồ (A.95) ở Viện Hán Nôm, ông nêu nhiều chi tiết quan trọng, như "tên huyện Tuy Lý (thuộc phủ Hàm Thuận), vốn được đổi tên từ huyện Tuy Định vào năm Tự Đức thứ 7 (1854); và các đạo Quảng Trị, đạo Phú Yên tồn tại từ 1853 đến 1875 đều được ghi trên địa đồ". Theo thông tin trên, tôi tra lại Bản HNv.190, thấy tên các huyện Tuy Lý, đạo Quảng Trị, đạo Phú Yên đều trùng khớp với Bản A.95 mà ông Phạm Hân mô tả.Nội dung trên các bản đồ (tổng đồ và tỉnh đồ) có nhiều dấu hiệu cho thấy nó được soạn vẽ cùng thời với việc biên soạn bộ sách Đại Nam nhất thống chí triều Tự Đức (1847-1883), qua tra cứu cụ thể thấy có nhiều tên dịch trạm ở Nam Kỳ lục tỉnh cùng được ghi nhận trên bản đồ và trong sách. Do vậy, có thể suy đoán Toàn đồ do Quốc sử quán soạn vẽ, vốn từng được nhân bản, gồm những phó bản do chính nơi biên soạn thực hiện, và những phiên bản về sau này.Bản đồ in trong Tập Bản đồ Hành chính Việt Nam (2003, và 2015), đang lưu hành.Về 2 tấm bản đồ lẻ (Bản 1929 và Bản 2003) được dẫn dụng phổ biến hiện nay, niên đại bất đồng gây không ít lúng túng cho học giới, thiển nghĩ, khả năng rất cao là cũng từ 2 tập bản đồ nhân bản, bị tách lẻ ra. Cũng phải đặt một giả định rằng 2 bức này là phiên bản của Bản A.95 hoặc Bản HNv.190, do nhu cầu dẫn dụng mang tính tổng thể, chỉ cần một bức tổng đồ, chứ không cần toàn tập, nên chúng được sao bản và lưu hành với tính cách một bản đồ độc lập.Như nói trên thì về niên đại, có lẽ Bản 1929 và Bản 2003 cũng nên ghi theo Bản A.95 và Bản HNv.190. Đây là đề nghị của cá nhân tôi, các nhà nghiên cứu nếu có tư liệu gì liên quan đến nguồn gốc Bản 1929 và Bản 2003 thì rất mong bổ sung thêm để làm sáng tỏ vấn đề này. Với Bản 1929, nay khó thể biết thông tin liên quan; riêng Bản 2003, có thể tìm hiểu thêm về nguồn gốc bản đồ thông qua ban biên soạn Tập Bản đồ Hành chính Việt Nam.Trước mắt, để hướng đến sự thống nhất trong việc ghi nguồn gốc và niên đại, tôi đề xuất ghi là "Đại Nam nhất thống toàn đồ (1853-1876)".■ Điều rối não đáng nêu là tên một cơ quan bán quân sự lạc hậu vẫn tồn tại, cả 4 bản đều ghi "竜川道" (Long Xuyên đạo), tức địa bàn tỉnh Cà Mau hiện nay. Theo Thực lục, tháng 7-1808, đạo Long Xuyên và đạo Kiên Giang nâng lên làm huyện, mỗi huyện đặt 2 tổng, nhưng nhiều ghi chép sau 1808 vẫn quen gọi là đạo, hoặc nói tuy đã lập huyện Long Xuyên nhưng vẫn do đạo Long Xuyên quản thủ, đến năm 1825 bỏ đạo, lập huyện Long Xuyên, thuộc phủ An Biên, năm 1832 vẫn là huyện thuộc tỉnh Hà Tiên, trên Bản đồ Taberd 1838 thấy vẫn còn ghi vùng "Tức Khmau (seu Ca mau)" kèm phụ danh là "Sông xuyên đạo" [Sông do ký âm lệch, tức Long]. Đây là chỗ sai của sử quan, về lý thì có nhiều bản đồ do người soạn vẽ sơ ý nên dùng tên cũ để đặt vào vùng đất đã đổi tên, điểm này cần phân tích, không thể vin vào điểm sai ấy để định niên đại bản đồ. Có những điểm ở cả 4 bản đều sai hoặc chưa cập nhật do lỗi của sử quan, sẽ phân tích ở bài viết khác. Tags: Bản đồ Việt NamĐại nam nhất thống toàn đồBản đồ họcTự ĐứcLịch sử
Giá vàng miếng cán mốc 90 triệu đồng, giá vàng nhẫn 'cao nhất lịch sử' ÁNH HỒNG 30/10/2024 Chiều nay, 30-10, giá vàng miếng SJC đã cán mốc 90 triệu đồng/lượng. Giá vàng nhẫn cũng tăng phi mã khi giá vàng thế giới đạt đến tầm cao mới.
'Quên’ thu hồi 1,9ha đất tại Nha Trang từ công ty đại gia Lã Quang Bình? PHAN SÔNG NGÂN 30/10/2024 Cách đây hơn 7 năm, tỉnh Khánh Hòa đã có quyết định thu hồi bớt 19.142m2 đất dự án bên biển Nha Trang và tính lại tiền thuê đất cho Công ty CP khách sạn Bến Du Thuyền, nhưng đến nay đất vẫn chưa thu hồi.
Xôn xao clip ô tô gắn bánh xe máy chạy trên đường Cà Mau THANH HUYỀN 30/10/2024 Một trang mạng xã hội với hơn 360.000 lượt theo dõi ở Cà Mau đã đăng tải đoạn clip ghi lại cảnh ô tô gắn bánh xe máy chạy trên đường được cho là ở huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau.
TP.HCM chính thức cấm phân lô bán nền, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đề nghị xem xét, sửa đổi NGỌC HIỂN 30/10/2024 Các chủ đầu tư dự án bất động sản tại TP.HCM không được phép phân lô bán nền trong dự án cho người dân tự xây nhà, bao gồm tất cả 5 huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi và Cần Giờ.