Bác sĩ Đinh Huỳnh Linh chạy bộ - Ảnh: NVCC
Là bác sĩ tim mạch đồng thời là vận động viên chạy marathon phong trào hàng đầu VN, bác sĩ Đinh Huỳnh Linh cho biết tỉ lệ tử vong trong chạy bộ chỉ là 0,39/100.000, thấp hơn nhiều so với chơi các môn thể thao mạo hiểm, tai nạn giao thông, thiên tai.
Không khám sức khỏe trước khi chạy là bình thường
* Là bác sĩ tim mạch đồng thời từng tham dự nhiều giải marathon tại VN, Mỹ, Đan Mạch... anh có thể chia sẻ cách mà ban tổ chức các giải chạy kiểm tra y tế cho VĐV dự thi?
- Các giải marathon tại VN và quốc tế đều không kiểm tra y tế với các vận động viên dự thi. Bởi một giải chạy nhỏ có khoảng 500 vận động viên, nhiều có thể lên tới 10.000 - 50.000 vận động viên tham dự, không có nguồn lực y tế nào đủ để có thể khám cho bấy nhiêu vận động viên trước mỗi cuộc thi. Nếu khám cơ bản, mỗi người sẽ mất 15- 20 phút, còn khám kỹ mỗi vận động viên có khi mất nhiều ngày mới xong.
Kể cả những cầu thủ bóng đá bỗng nhiên đột tử trên sân tập, họ luôn được khám sức khỏe định kỳ cẩn thận, mỗi lần chuyển nhượng sang câu lạc bộ mới phải trải qua nhiều cuộc kiểm tra y tế nhưng vẫn có những bệnh không thể phát hiện được. Các giải chạy marathon không khám sức khỏe cho vận động viên trước khi thi đấu và tôi khẳng định đây là chuyện hết sức bình thường trên thế giới.
* Tham dự một số giải marathon tại VN, tôi thấy trước khi tham dự giải vận động viên phải khai một tờ khai y tế?
- Đó là các tờ cam kết. Ví dụ như: bạn phải được sự đồng ý của bác sĩ cho phép tham dự cuộc thi, nếu bạn có các vấn đề về hô hấp, tim mạch thì không nên thi đấu. Khi bạn đã ký vào tờ khai đó, bạn đã đồng ý với mọi điều khoản cho ban tổ chức quy định và sẽ được thi đấu.
Một số giải như Giải marathon quốc tế Di sản Hà Nội (Hà Nội International Heritage Marathon) khi tôi là thành viên ban tổ chức giải thì có đề nghị vận động viên phải khai nhóm máu. vận động viên cũng phải điền một số thông tin vào sau bib (số đeo) để nếu gặp vấn đề ngã, ngất, tai nạn giao thông trên đường chạy thì ban tổ chức có thông tin để xử lý ngay.
Tuy nhiên khi tham dự các giải quốc tế tôi cũng không thấy điều này, có thể họ kiểm soát rủi ro trên đường chạy tốt. Nếu có rủi ro đến từ việc tai nạn giao thông do ban tổ chức cấm đường không tốt, những rủi ro này do ban tổ chức chịu trách nhiệm và thông thường họ mua bảo hiểm cho vận động viên về việc này. Còn vận động viên đột ngột tử vong thì sẽ không có bảo hiểm cho họ.
Tỉ lệ đột tử trên đường chạy rất thấp
* Tỉ lệ chết vì chạy bộ trên thế giới là bao nhiêu thưa bác sĩ?
- Trước hết, phải nói rằng xác suất đột tử trên đường chạy cực kỳ thấp. Mỗi ngày trên thế giới có hàng trăm, hàng ngàn giải chạy bộ. Mỗi giải chạy lại có hàng trăm, hàng ngàn, hay cả chục ngàn người tham gia. So với toàn bộ số người chạy giải, vài ca đột tử lẻ tẻ chiếm tỉ lệ vô cùng nhỏ.
Một nghiên cứu đăng trên tờ New England Journal of Medicine, theo dõi 10,9 triệu lượt người chạy marathon ở Mỹ từ năm 2000 tới năm 2010, cho thấy có tổng cộng 59 trường hợp ngừng tim (tỉ lệ 0,54/100.000), trong đó có 42 ca tử vong (tỉ lệ 0,39/100.000). Đây là tỉ lệ thấp hơn rất nhiều so với tỉ lệ chết vì tai nạn giao thông, chết do thiên tai, hay chết khi tham gia các môn thể thao khác (như leo núi, đạp xe...).
* Thưa bác sĩ, những vấn đề nào về sức khỏe có thể xảy ra với người tham gia chạy bộ?
- Nói chung, nguy cơ tử vong trên đường chạy có ba khả năng xảy ra. Thứ nhất, là nguyên nhân từ bệnh mạch vành (nhồi máu cơ tim). Vận động viên Võ Văn Thơm đột tử trên đường chạy ngày 13-1 mới 24 tuổi, xác suất bị nhồi máu cơ tim thấp nhưng không loại trừ nguyên nhân này. Thứ hai, người chạy có thể bị bệnh lý tim hay mạch máu bẩm sinh mà bản thân họ cũng không biết. Nguyên nhân này thường gặp ở người trẻ tuổi tử vong. Thứ ba, vận động viên có thể bị sốc nhiệt trên đường chạy dẫn đến nguy cơ có thể tử vong. Sốc nhiệt là bị rối loạn thân nhiệt do quá nóng, nếu cấp cứu kịp thời thì có thể sống được.
Một số nguyên nhân khác có thể gặp như mất nước, rối loạn điện giải... cũng có thể đe dọa tính mạng, nhưng thường ít dẫn đến tử vong.
* Trường hợp nào không nên tham gia chạy bộ, thưa bác sĩ?
- Những trường hợp có bệnh lý về tim mạch, hô hấp đã biết trước đó thì nên thận trọng và cần đi khám bác sĩ để bác sĩ tư vấn có cho chạy bộ hay không. Những ai trong tiền sử gia đình có người đột tử do tim thì cũng cần đi khám.
Chạy 40km mỗi tuần trong 6 tháng mới nên thi marathon
* Sau sự cố vận động viên Võ Văn Thơm đột tử trên đường chạy tại HCMC marathon ngày 13-1 vừa qua, cộng đồng chạy bộ khá hoang mang. Bác sĩ có thể đưa ra lời khuyên với những người chạy bộ trước thông tin này?
- Lời khuyên đầu tiên của tôi là không hoang mang bởi tỉ lệ tử vong chưa tới 4 ca tử vong/1 triệu người tham gia chạy đua.
Chúng ta phải bình tĩnh xem nguyên nhân là gì. Trường hợp này chúng ta cần các kết luận chuyên môn.
Tuy nhiên không vì thế mà chúng ta được chủ quan, người bình thường không nên ngay lập tức chạy 42km. Những người chạy 42km phải có sự tập luyện, chuẩn bị kỹ càng. Họ phải tập chạy bộ đều đặn ít nhất 6 tháng mới có thể chạy marathon.
Trung bình tập 5 ngày mỗi tuần và chạy từ 40-50km/tuần. Đây là khối lượng vận động tương đối an toàn để người chạy bộ có thể hoàn thành quãng đường 42km với ít rủi ro về sức khỏe.
Để an toàn khi chạy bộ
* Bác sĩ Lương Văn Sinh - phó giám đốc Bệnh viện quận Tân Phú (TP.HCM) - chia sẻ:
"Đột tử trong thể thao có thể do nhiều nguyên nhân, bệnh cơ tim phì đại, bệnh phì đại thất trái nguyên phát, bệnh cơ tim thất phải gây loạn nhịp, bất thường động mạch vành là những bệnh lý gây rối loạn nhịp dẫn tới đột tử trong khi chơi thể thao.
Đôi khi chính những người chạy cũng không biết mình mắc phải những bệnh tim tiềm ẩn nên đột tử vẫn có thể xảy ra trong thể thao. Vì thế, để chạy bộ an toàn, người chạy phải tập từ từ, rồi từng bước nâng cự ly chạy, trước khi dự giải cần kiểm tra sức khỏe, đặc biệt tình trạng tim mạch".
* Cựu VĐV Trương Thanh Hằng - HLV năng khiếu điền kinh tỉnh Ninh Bình - cho biết:
"Muốn chạy bộ phải có tập luyện thường xuyên. Đây là môn thể thao đòi hỏi sức bền thể lực nên việc khám sức khỏe là cần thiết. Đặc biệt, trước khi tham gia các giải đấu, bắt buộc phải đi khám toàn diện, nhất là vấn đề tim mạch. Đó chính là điều tôi đang áp dụng đối với các vận động viên năng khiếu của mình".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận