03/12/2017 09:30 GMT+7

Vấn đề hôm nay: Câu chuyện hiếu thảo

LĨNH HỒNG
LĨNH HỒNG

TTO - Giữa cuộc sống công nghiệp với bao bộn bề, tất bật nơi thành thị hiện nay, lòng hiếu thảo vẫn được hun đúc qua nhiều cách, nhiều cung bậc và luôn lắng sâu như dòng chảy trong mỗi người con...

Vấn đề hôm nay: Câu chuyện hiếu thảo - Ảnh 1.

Bà Bùi Thị Kim Cúc (giữa, xã Thạnh Xuân, Q.12, TP.HCM) sống hạnh phúc bên những người thân của mình - Ảnh: DUYÊN PHAN

Và nếu dừng lại quan sát, chúng ta sẽ dễ dàng bắt gặp những "bông hoa hiếu thảo" vẫn ngát hương trong mỗi gia đình, trong cuộc sống thường nhật hôm nay.

"Theo tôi, một gia đình hạnh phúc khi cha mẹ và con cái, các cháu luôn tôn trọng và hỗ trợ nhau, cùng chia sẻ niềm vui nỗi buồn, không nhất thiết phải sống cùng nhau để chăm sóc hằng ngày

Ông GIANG THANH LONG (viện trưởng Viện chính sách công và quản lý, ĐH Kinh tế quốc dân)

Ở vậy nuôi má

Trong căn nhà cấp bốn nằm lọt thỏm phía sau khu dân cư với những tòa nhà cao tầng mới được xây dựng, bà Bùi Thị Kim Cúc (tuổi đã gần 60, xã Thạnh Xuân, Q.12, TP.HCM) vẫn ngày đêm lui cui chăm lo cho mẹ và người dì ruột cùng một chị gái. Mẹ của bà Cúc nay đã 92 tuổi, bị đãng trí, còn người dì ruột đã ngoài 80 tuổi, lưng còng, đau yếu liên miên. Riêng chị gái của bà Cúc nay đã hơn 60 tuổi và đang mang nhiều di chứng do từng bị chấn thương sọ não.

Cuộc sống của bà Cúc luôn bận bịu, gắn chặt bên người thân từ thuở còn là cô thôn nữ đến nay tóc đã điểm nhiều sợi bạc. Nhớ lại thời trẻ, bà Cúc nói mình có một ước mơ cháy bỏng là trở thành một chuyên gia ngành ngôn ngữ học. Thế nhưng vì gia cảnh khó khăn, muốn kiếm tiền lo cho gia đình nên cô thiếu nữ tên Cúc quyết định theo ngành sinh học Trường đại học Khoa học tự nhiên (TP.HCM). Thế rồi cuộc sống trắc trở, ba mất, mẹ và dì ngày càng đau yếu, chị gái bị té dẫn đến chấn thương sọ não, không tiền trang trải việc học, cô sinh viên đành bỏ lại ước mơ, trở về trồng rau kiếm sống, tiện bề chăm sóc người thân.

Và đã 40 năm nay, ngày ngày bà Cúc không dám đi đâu xa, chỉ loanh quanh chăm sóc vườn rau quanh nhà. Bà vun xới, chăm bẵm, cắt bó từng mớ rau rồi mang ra chợ bán. Bà cần mẫn bên vườn từ khi giọt sương còn đọng trên lá, chăm chút cho từng bó rau bằng cả sự tảo tần của người phụ nữ bởi đó chính là nguồn sống của bốn người phụ nữ trong nhà. Cứ thế, thời gian cùng nỗi lo mưu sinh đè nặng trên đôi vai, khi ngẩng lên thì đã già, bà Cúc ở vậy nuôi mẹ và lo cho dì cùng chị gái cho trọn đạo thảo hiếu.

Bà chia sẻ việc chăm sóc người già chẳng tốn kém vật chất bao nhiêu, quan trọng nhất là chăm lo về đời sống tinh thần. Người già vốn hay buông xuôi, thường không thiết tha ăn uống nhưng rất thích được quan tâm, chia sẻ. Mẹ và dì một người mỗi bữa chỉ ăn chút ít cơm, có khi giận lẫy còn không chịu ăn. "Tui đành dỗ dành, lựa lời nhẹ nhàng, chiều theo ý thích của từng người, khi đó má và dì mới vui vẻ ăn cơm" - bà Cúc cười, nói.

"Cha mẹ nuôi con biển trời lai láng, con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày". Câu nói của người xưa trái ngược với những gì mà bà Cúc đang sống, đang âm thầm thực hiện bởi rất đơn sơ, bà nghĩ: "Má, dì, chị gái đều là những người ruột thịt, từng chăm sóc, nuôi dạy tui nên người. Hà cớ gì khi họ già yếu tui không bù đắp lại. Đừng nói tui hi sinh ở vậy vì má. Việc lập gia đình là do duyên nợ, còn phụng dưỡng người thân là bổn phận, đạo lý làm người. Đó cũng là niềm vui, hạnh phúc trong cuộc đời nên không thể nói là hi sinh...".

Vấn đề hôm nay: Câu chuyện hiếu thảo - Ảnh 3.

Anh Nguyễn Hồng Sơn một mình vừa đi học vừa chăm sóc bà ngoại đã hơn 80 tuổi - Ảnh: LĨNH HỒNG

Hiếu thảo với bà

Cũng giống như bà Cúc ở lòng hiếu thảo với đấng sinh thành, nhưng câu chuyện của chàng trai 21 tuổi Nguyễn Hồng Sơn (xã Tân Kiên, H.Bình Chánh, TP.HCM) lại là những tháng ngày chăm lo cho bà ngoại, canh cánh ngóng trông hình bóng mẹ. Sơn đã được xướng tên trong đêm tuyên dương "Người con hiếu thảo" (chương trình do Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP.HCM và Hội Liên hiệp phụ nữ TP tổ chức, tuyên dương 48 gương "Người con hiếu thảo" cấp TP năm 2017), bởi nhiều năm nay anh đã chăm lo từ bữa ăn, giấc ngủ đến chuyện tắm giặt cho bà ngoại (80 tuổi). Còn mẹ Sơn đang phải điều trị tại một bệnh viện tâm thần ở tỉnh Bình Dương.

Theo nhận xét của ông Giang Thanh Long (viện trưởng Viện chính sách công và quản lý, ĐH Kinh tế quốc dân) thì hiện mô hình gia đình Việt Nam đã có nhiều thay đổi, theo điều tra mức sống dân cư năm 1993, thay vì 80% cha mẹ sống cùng con cái (sau khi con đã lập gia đình) thì đến năm 2014, tỉ lệ này chỉ còn 47%. Tuy nhiên, cha mẹ và con cái sống gần nhau để hỗ trợ cho nhau khi cần thiết.

Ngày Sơn sinh ra, mẹ vẫn khỏe nhưng chẳng có ý thức để nhận ra đứa con mình đã mang nặng đẻ đau. Người phụ nữ ấy đã mang thai như thế nào cũng không ai biết. Và suốt 21 năm trôi qua từ khi được sinh ra, Sơn không biết mặt cha. Cũng từng ấy năm Sơn chưa một lần được mẹ gọi một tiếng con trai. Sơn được bà ngoại một tay chăm sóc, nuôi nấng từ khi sinh ra đến lúc trưởng thành.

Trong căn nhà tình thương chật hẹp, hai bà cháu tháng ngày rau cháo nuôi nhau. Mọi việc trong nhà từ dọn dẹp đến tắm rửa, giặt giũ, cơm nước cho bà đều do Sơn gánh vác. Trường học cách nhà 20km nên buổi sáng Sơn dậy sớm đi chợ, chuẩn bị cơm nước cho bà rồi đi học. Buổi chiều và những ngày cuối tuần, Sơn tranh thủ đi làm thêm tại một quán ăn gần nhà để kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Đã nhiều lần Sơn đòi đến bệnh viện đưa mẹ về chăm sóc nhưng hàng xóm can ngăn. "Nó bận học, rồi đi làm kiếm sống, chăm bà ngoại già yếu, đưa mẹ về làm sao một mình lo nổi. Năm năm trước, một lần mẹ của Sơn đã đi lang thang, thất lạc, nó phải ngược xuôi tìm kiếm. Tôi khuyên Sơn tạm thời để mẹ ở bệnh viện rồi đợi ra trường, có việc làm ổn định đón mẹ về cũng chưa muộn" - ông Phạm Văn Vương, một người hàng xóm, kể.

Ông Vương dành những lời trìu mến khi nói về Sơn: "Thằng bé hiền lành, chăm chỉ lắm, tắm rửa, lo lắng tất tần tật cho ngoại mà chẳng nề hà điều gì. Khi mới 5 tuổi nó đã tự đi làm bao nhiêu việc để mưu sinh. Khó khăn vậy nhưng không bao giờ nghĩ đến bỏ học, vậy mà còn được học bổng. Khu phố này ai thấy cũng thương".

Còn một năm nữa Sơn tốt nghiệp Trường cao đẳng Phát thanh truyền hình II (TP.HCM). Sơn cho biết ra trường có việc làm ổn định, nhất định sẽ đón mẹ về ở chung: "Tôi muốn bù đắp phần nào những tháng ngày cô đơn, buồn tủi của mẹ. Nhưng điều buồn nhất và cũng là nỗi ước ao cháy bỏng nhất của tôi là một ngày nào đó mẹ nhận ra tôi...".

Vấn đề hôm nay: Câu chuyện hiếu thảo - Ảnh 5.

Nguồn: theo một cuộc khảo sát đối với những người được hỏi của Viện Chính sách công và quản lý, ĐH Kinh tế quốc dân - Đồ họa: N.KH.

levanthanh(trang 2-3) 2(read-only)

Ông Lê Văn Thành - Ảnh: XUÂN HƯNG

Lòng hiếu nghĩa còn mãi

Chia sẻ về lòng thảo hiếu ngày nay, ông Lê Văn Thành (nguyên trưởng phòng văn hóa - xã hội, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM) cho rằng dù xã hội có biến đổi thế nào, chữ hiếu cũng sẽ không bao giờ mất đi. Ông không phủ nhận hiện nay có nhiều câu chuyện đau lòng quanh mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. "Những hiện tượng ấy cho thấy đạo đức xã hội đang có vấn đề nghiêm trọng. Tuy nhiên xét một cách tổng thể ở nhiều khía cạnh trong cả cộng đồng, chữ hiếu vẫn có chỗ đứng mạnh mẽ trong cuộc sống" - ông Thành khẳng định.

Theo ông Thành, ngoài ở viện dưỡng lão, thuê người giúp việc..., việc con cái chăm sóc cha mẹ cũng chiếm tỉ lệ rất cao. "Qua đó để thấy quan hệ cha mẹ và con cái dù thế nào vẫn rất gắn bó. Những dịp như ngày lễ Vu lan, tuy là một sinh hoạt tôn giáo nhưng có sức lan tỏa lớn, trở thành một nét văn hóa chung cho cả cộng đồng người Việt. Bởi vậy, đạo hiếu làm con vẫn rất được tôn trọng trong xã hội ngày nay" - ông Thành nói.

Để gắn kết tình ruột thịt, lòng hiếu nghĩa giữa con cái và bậc sinh thành ngày càng bền chặt hơn, ông Thành cho rằng tình cảm cao quý đó cần được xây dựng từ cả hai phía: cha mẹ và con cái. Theo ông, giới trẻ hiện nay thường chìm đắm vào thế giới ảo, cha mẹ tuy ở gần nhưng thiếu sự quan tâm, chia sẻ với con cái. Ngược lại, không ít người con dửng dưng với những lo toan, sự hi sinh của đấng sinh thành. Cha mẹ phải làm gương, chăm lo cho con cái, con cái cũng cần biết quan tâm chăm sóc ông bà, cha mẹ.

Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy

Hai vợ chồng chị H. quê ở Nam Định cùng làm việc ở Hà Nội. Chồng chị H. là con trai lớn trong gia đình, chú em cũng đã lập gia đình và sinh sống ở Hà Nội từ lâu, nên ở quê chỉ còn bố mẹ chồng. Bố mẹ chồng chị H. không được khỏe, hay phải đi bệnh viện, nên dù nhà chật, chị H. vẫn thu xếp dành một phòng để đón bố mẹ chồng ở quê lên. Mỗi khi có khách đến là bà cụ mẹ chồng chị H. khen con dâu nức nở vì chị không những khéo làm lụng, nấu ăn ngon, lại nói năng rất lễ phép với bố mẹ chồng, với họ hàng lớn tuổi...

"Mỗi tháng sau khi lĩnh lương là tôi dành phần đáng kể đưa cho mẹ chồng để cụ đi chợ. Cụ rất thích đi chợ mua sắm và cũng thích nấu các món chăm sóc con cháu. Một phần còn lại tôi dành mua thuốc cho bố chồng hiện bị bệnh mãn tính" - chị H. chia sẻ.

Tất nhiên gia đình ba thế hệ ở cùng trong một căn nhà nhỏ tất yếu sẽ có điểm này, điểm nọ chưa vừa lòng nhau, nhưng quan điểm của cả chị H. lẫn mẹ chồng chị là thể tất cho nhau để cùng vui. Thấm thoắt ông bà cụ đã lên sống cùng con trai, con dâu và các cháu đến 4 năm, không khí gia đình lúc nào cũng rất vui vẻ và nhiều tiếng cười.

Ông Trần Văn Tám (67 tuổi, Q.Gò Vấp, TP.HCM) cho rằng việc con cái đối xử với cha mẹ phụ thuộc rất nhiều vào yếu tố giáo dục từ phía gia đình. Theo ông Tám, cần chú trọng nuôi dạy con từ nhỏ và ba mẹ luôn sống mẫu mực để làm gương: "Ông bà xưa đã dạy "sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy", có ý nói mình đối xử với cha mẹ như thế nào thì sau này con cái sẽ đối xử lại với mình như vậy. Muốn con hiếu thảo với mình, trước hết mình phải sống hiếu thảo với cha mẹ của mình trước để con cái nhìn vào đó mà làm gương, kính trọng ông bà cha mẹ".

Đồng tình với góc nhìn trên, ông Châu Minh Tỉ - trưởng ban đại diện Hội Người cao tuổi TP.HCM - cho biết hằng năm hội thường tổ chức tuyên dương những tấm gương "tuổi cao gương sáng" để khuyến khích người già sống mẫu mực, tốt đời đẹp đạo. "Đây là điều quan trọng để góp phần giáo dục thế hệ trẻ nên người. Muốn được con cháu tôn trọng, trước hết cha mẹ phải là tấm gương sáng" - ông Tỉ nói.

Bởi theo ông Tỉ, cuộc sống hiện đại khiến biểu hiện của chữ hiếu cũng khác đi. Giới trẻ ngày nay giữa bộn bề công việc, rơi vào vòng xoáy cuộc sống với vô số vấn đề khác nhau, nên không thể đòi hỏi ngày đêm ở bên chăm sóc, chia sẻ với cha mẹ. Vì vậy chính cha mẹ, ông bà là người khơi gợi, kết nối sợi dây yêu thương, thổi bùng lên ngọn lửa "một giọt máu đào" để gắn kết mọi thành viên gia đình trong tình ruột thịt. Từ đó con cháu có thể cảm nhận dần, học hỏi sống để hiếu nghĩa hơn.

LAN ANH - LĨNH HỒNG

LĨNH HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên