03/08/2015 08:26 GMT+7

​Vấn đề Biển Đông lại nóng ở hội nghị ASEAN

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TT - Ngày 2-8, các quan chức cấp cao ASEAN nhóm họp tại Kuala Lumpur, thủ đô Malaysia, để chuẩn bị cho Hội nghị bộ trưởng ngoại giao ASEAN lần thứ 48 (AMM 48) và các hội nghị liên quan.

Người dân Philippines biểu tình phản đối Trung Quốc tại Manila ngày 24-7 - Ảnh: Reuters

Biển Đông vẫn là đề tài nóng bỏng của chương trình nghị sự.

Theo báo The Star, Ngoại trưởng Malaysia Anifah Aman khẳng định vấn đề Biển Đông sẽ rất nóng tại AMM 48. “Một số nước sẽ lên tiếng và đưa ra quan điểm về các vấn đề liên quan đến Biển Đông. Ông Aman cảnh báo các diễn biến mới đây trên Biển Đông (như việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo trái phép) đang làm leo thang căng thẳng và xói mòn niềm tin.

Cùng ngày, ông Restituto Padilla, người phát ngôn quân đội Philippines, tiếp tục kêu gọi các nước ASEAN cất tiếng nói chung để ngăn chặn các hành động gây hấn và phi pháp của Trung Quốc trên Biển Đông. “Nếu chúng ta muốn giải quyết vấn đề Biển Đông, một tiếng nói chung sẽ mạnh mẽ hơn là vài tiếng nói đơn lẻ. ASEAN cần phải thể hiện quan điểm mạnh mẽ” - báo New York Times dẫn lời ông Padilla.

COC không tiến triển

Tuần trước, các quan chức cấp cao Trung Quốc và ASEAN đã nhóm họp tại Thiên Tân để thảo luận triển khai Tuyên bố về ứng xử trên Biển Đông (DOC). Hai bên cũng thảo luận về việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). Thứ trưởng Ngoại giao Thái Lan Noppadon Theppitak cho rằng Trung Quốc và ASEAN cần duy trì ổn định tại khu vực bằng việc “triển khai một số điểm đạt được sau cuộc gặp”. Đó có thể là một kế hoạch hành động để triển khai DOC vào năm sau.

Tuy nhiên, tạp chí The Diplomat dẫn lời một số chuyên gia nhận định khả năng ASEAN và Trung Quốc đạt thỏa thuận về COC vẫn là rất xa vời. Thậm chí có thể coi các nỗ lực đàm phán COC đang giật lùi. Trước khi Trung Quốc tham gia đàm phán năm 2013, ASEAN đã có một dự thảo COC. Nhưng nay mọi thứ phải bắt đầu lại với các nội dung mà Bắc Kinh đưa ra. Điều này đồng nghĩa với việc một số điều khoản về việc hạn chế diễn tập quân sự trên Biển Đông sẽ bị đánh giá lại.

Giới quan sát nhận định chính sự tham gia của Trung Quốc đã cản trở mọi bước tiến về COC, qua đó giúp Bắc Kinh tiếp tục các hoạt động bất hợp pháp ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. “Việc cản trở COC cho Bắc Kinh thêm thời gian để giành các lợi thế trên Biển Đông với các hòn đảo nhân tạo có thể dễ dàng chuyển đổi cho mục đích quân sự. Một khi Trung Quốc đã thỏa mãn với vị thế của mình trên Biển Đông, chúng ta mới có thể chứng kiến những tiến triển thật sự của COC. Không may là từ nay đến lúc đó sẽ mất rất nhiều năm” - The Diplomat nhận định.

Kết quả đáng chú ý nhất trong cuộc họp ở Thiên Tân là Trung Quốc và ASEAN đạt thỏa thuận thành lập đường dây nóng để xử lý các tình huống khẩn cấp trên Biển Đông. AFP dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose cho biết Trung Quốc và ASEAN đã đạt sự đồng thuận trên nguyên tắc, nhưng vẫn cần thời gian thảo luận thêm. Ông Jose khẳng định đường dây nóng sẽ không được công bố chính thức tại Hội nghị ngoại trưởng ASEAN như một số nguồn tin tiết lộ trước đó.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên