03/06/2014 17:29 GMT+7

Vấn đề bảo vệ chủ quyền vào đề thi môn địa

LƯU TRANG - MỸ DUYÊN - Ý THI - KIM NGÂN - TRẦN NINH - MỸ DUNG - M.G - THU HƯƠNG - TRƯỜNG TRUNG
LƯU TRANG - MỸ DUYÊN - Ý THI - KIM NGÂN - TRẦN NINH - MỸ DUNG - M.G - THU HƯƠNG - TRƯỜNG TRUNG

TTO - Đề thi tốt nghiệp THPT môn địa năm nay, có một câu hỏi yêu cầu thí sinh phải trình bày chính kiến của mình về chủ quyền đất nước.

Câu hỏi đó là: "Tại sao cần phải bảo vệ chủ quyền của một hòn đảo dù rất nhỏ của nước ta", yêu cầu thí sinh bày tỏ quan điểm của mình trước vấn đề chủ quyền lãnh thổ.

Bấm vào đây xem đề thi môn địa

aDTPDqQa.jpg
Thí sinh làm thủ tục trước giờ thi môn địa tại HĐT trường THPT Marie Curie Q3, TP.HCM chiều 3-6 - Ảnh: Như Hùng

Nhận xét về đề thi, cô Trần Thị Thục, giáo viên môn địa Trường THPT Thái Bình, TP.HCM nói đây là cơ hội các em được bày tỏ kiến thức, suy nghĩ của mình về vấn đề chủ quyền đất nước. Trong khi đó, nhiều thí sinh tỏ ra hứng thú với đề thi mang tính thời sự này, qua bài làm, các em có thể nói lên suy nghĩ, tinh thần của mình trước những sự kiện về biển Đông gần đây.

Mời các bạn xem đề thi địa tốt nghiệp THPT năm 2014.

ĐỀ THI MÔN ĐỊA LÝ

(Thời gian làm bài 90 phút)

Câu I. (2 điểm)

Vùng biển Việt Nam bao gồm những bộ phận nào? Trình bày tài nguyên khoáng sản và hải sản của vùng biển nước ta.

Câu II. (3 điểm)

1) Tại sao cần phải bảo vệ chủ quyền của một hòn đảo dù rất nhỏ của nước ta?

2) Trình bày tình hình sản xuất lúa nước ở nước ta trong những năm qua. Tại sao năng suất lúa những năm gần đây tăng mạnh?

Câu III. (3 điểm)

Cho bảng số liệu:

TÌNH HÌNH SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP CỦA ĐỒNG BẰNG SÔNG HỒNG VÀ ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

(Đơn vị: Nghìn tỷ đồng)

Năm<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

2005

2008

2010

Đồng bằng sông Hồng

24,1

27,3

29,1

Đồng bằng sông Cửu Long

47,7

52,4

56,3

(Nguồn: Niên giám thống kê Việt Nam 2011, NXB Thống kê, 2012)

1) Vẽ biểu đồ cột thể hiện giá trị sản xuất nông nghiệp của Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long.

2) Nhận xét giá trị sản xuất nông nghiệp của hai đồng bằng.

Câu IV. (2 điểm)

Dựa vào các trang bản đồ Giao thông, Kinh tế chung của Atlat Địa lý Việt Nam và kiến thức đã học, hãy:

1) Cho biết quốc lộ 1 đi qua những vùng kinh tế nào?

2) Giải thích tại sao quốc lộ 1 là tuyến đường quan trọng nhất nước ta.

--------------------

Cơ hội để học sinh nói về chủ quyền biển đảo

Đánh giá về đề thi môn địa lý, cô Trần Thị Thục, giáo viên môn địa Trường THPT Thái Bình, TP.HCM cho rằng các yêu cầu trong đề thi năm nay trải rộng ở rất nhiều bài học như điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, biển đảo, sản xuất lương thực, giao thông vận tải… Kiến thức trải rộng nhưng lại rất cơ bản, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành. Bố cục đề thi khá đều và hài hòa, giúp học sinh làm bài thuận lợi hơn.

Câu IV cho sử dụng Atlat sẽ là câu dễ ghi điểm trong đề thi này, học sinh có thể kết hợp các kiến thức trong sách và kiến thức xã hội do mình tìm hiểu được để trả lời.

Riêng câu về vùng biển Việt Nam và chủ quyền biển đảo là một câu hỏi hay trong tình hình thời sự hiện nay. Học sinh rất quan tâm đến vấn đề này và đây là cơ hội các em được bày tỏ kiến thức, suy nghĩ của mình về vấn đề chủ quyền. Nhiều giáo viên trong quá trình ôn tập cũng đã tích hợp chủ đề biển đảo với các vấn đề thời sự nên học sinh sẽ không gặp khó khăn khi trình bày câu I và II. Đề thi này học sinh có thể đạt điểm cao nếu ôn tập kỹ và có kiến thức xã hội, học sinh trung bình khá cũng có thể đạt khoảng 7 điểm.

Thí sinh hứng thú với vấn đề chủ quyền biển đảo

Nhiều thí sinh cho biết đề thi tương đối dễ, phần bảo vệ chủ quyền biển đảo làm cho thí sinh cảm thấy hứng thú.

Tại hội đồng thi Trường THPT Marie Curie (TP.HCM), nhiều thí sinh ra sớm sau khi mới chỉ hết 2/3 thời gian làm bài. Thí sinh Hoàng Thục Trinh hào hứng cho biết: “Đề địa có 4 câu thì cả 4 câu đều dễ. Câu hỏi về bảo vệ chủ quyền biển đảo nằm trong dự đoán của em, gần đây thường xuyên theo dõi thời sự về vấn đề này, thầy cô ở trường cũng có lưu ý ôn tập các câu hỏi về chủ quyền biển, đảo nên em làm khá tốt. Em hy vọng được hơn 8,5 điểm với đề này'.

Thí sinh Mai Hương, lớp 12A13, Trường THPT Phú Nhuận, cho biết: “Như dự đoán, trong đề thi có một câu hỏi nhỏ về chủ quyền biển đảo, đây là câu hỏi thời sự nên đa phần học sinh trả lời được. Các phần lý thuyết về vùng biển, khoáng sản, tình hình sản xuất lúa đều dễ trả lời. Câu hỏi về quốc lộ 1A đi qua những vùng kinh tế nào có thể sử dụng Atlat để trả lời dễ dàng. Nhìn chung đề thi năm nay dễ ghi điểm và cũng khá “mở” để học sinh được trả lời theo hiểu biết của mình”.

Tại hội đồng thi Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM), nhiều bạn ra khỏi phòng với tâm trạng hết sức phấn khởi. Theo các em đề thi vừa sức, không có câu hỏi nào quá khó, tất cả chỉ là những kiến thức hết sức căn bản, chỉ cần học bài là có thể dễ dàng đạt điểm cao. Đặc biệt câu I và câu II là hai câu hỏi liên quan đến vấn đề biển đảo nước ta khiến cho nhiều bạn cảm thấy thích thú.

Ở các hội đồng thi khác ở TP.HCM, theo thí sinh Phạm Xuân Vân, các câu hỏi rất vừa sức, câu biểu đồ chỉ cần vẽ biểu đồ cột cơ bản chứ không phải các kiểu biểu đồ khó khác. Câu I, II liên quan đến tình hình biển đảo nước ta, phần nay em đã học rất kỹ nên làm hai câu này rất tốt. Từ đó em đã hiểu rõ hơn về việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển nước ta là trái phép". Thí sinh Mỹ Xuân cho rằng: đề dễ, mang tính thực tế cao, mình nghĩ có những bạn không học bài vẫn có thể làm được.

Ba thí sinh Tuyết Nhung, Bích Trâm, Hữu Nghĩa cùng chia sẻ: "Đề dễ đến bất ngờ, chỉ cần thuộc bài và biết đọc Atlat là có thể đạt điểm 7 trở lên. Phần vẽ biểu đồ trong đề thi còn đơn giản hơn khi tụi em được ôn tập. Đặc biệt, câu 2 cũng tạo điều kiện cho thí sinh nêu lên suy nghĩ, tinh thần của mình trước những sự kiện về biển Đông gần đây. Điều này giúp tụi em vừa học, vừa hiểu rõ hơn ý nghĩa về chủ quyền lãnh thổ của tổ quốc".

Thí sinh Nguyễn Thị Kim Hằng chia sẻ: “đề chủ yếu nói về biển đảo, dài nhưng dễ. Em thấy đề năm nay không phụ thuộc nhiều vào lý thuyết mà mở rộng về tư duy, suy nghĩ của mỗi thí sinh”.

Thí sinh Phan Ngọc Hoàng Thịnh hào hứng tâm sự: “đề thi năm nay khá dễ. Câu hỏi về biển đảo em làm tốt nhất, vì tuy nói tới khía cạnh khác so với đề thi văn và sử nhưng tất cả vẫn cùng đề cập chung một vấn đề".

Tại Đà Nẵng, nhiều thí sinh tỏ ra vui mừng khi đề địa lý có tới hai câu hỏi liên quan đến vấn đề biển đảo. Tại Hội đồng Trường THPT Phan Châu Trinh năm nay có 24 thí sinh dự thi môn địa lý, hầu hết các em đều phấn khởi vì làm được bài. Thí sinh Nguyễn Hoàng Trinh cho hay đề thi năm nay ra các vấn đề đơn giản. “Tụi em đoán trước đề thi nhiều khả năng ra vấn đề biển đảo nên đã tập trung ôn thi. Câu 1 hỏi về vùng biển hầu như ai cũng làm được vì là kiến thức cơ bản. Với câu 2.1 tụi em cũng có thể làm được vì nhiều vấn đề thời sự hiện nay đang nói về ý nghĩa của việc giữ gìn biển đảo”.

Thí sinh Nguyễn Mạnh Hoàng cũng cho rằng đề thi địa lý năm nay gần gũi với học sinh, hai câu hỏi liên quan đến biển khiến nhiều học sinh được lợi vì dự đoán được. “Theo em với đề thi địa năm nay nhiều học sinh sẽ lấy được điểm bảy vì các câu hỏi trả lời, nắm kiến thức cơ bản là có thể làm được. Câu hỏi về biểu đồ và câu hỏi dùng atlat cũng không khó” - Hoàng nói.

LƯU TRANG - MỸ DUYÊN - Ý THI - KIM NGÂN - TRẦN NINH - MỸ DUNG - M.G - THU HƯƠNG - TRƯỜNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên