Nhân viên nam này chối phắt và phủ nhận các thông tin đăng trên mạng là của công ty Đông Bắc. Ngày hôm sau, nhân viên nữ này lại khẳng định các tin rao trên mạng là của công ty Đông Bắc - Ảnh: Đình Khánh - Văn Bình |
Lần mò lên Internet tìm việc, bắt gặp một mẩu tin hấp dẫn: “Tuyển nhân viên phụ xe giao hàng, lơ xe tải”, Duy (20 tuổi, quê Đồng Nai) tức tốc đón xe lên TP.HCM để ứng tuyển.
Ứng tuyển lơ xe, cho đi làm bốc vác
Mẩu tin quảng cáo mà Duy đọc là: “Tuyển nhân viên phụ xe giao hàng, lơ xe tải loại 1,25 - 2,5 tấn, giao hàng sữa cho các đại lý, siêu thị, một xe có hai nhân viên theo phụ. Công việc xuống hàng giao cho khách, khối lượng 5 - 15kg. Làm việc giờ hành chính: sáng từ 7g - 11g, chiều 13g - 17g, chủ nhật nghỉ.
Lương 7,5 triệu đồng/tháng (bao ăn ở), lãnh lương tuần, công ty hỗ trợ khu nhà tập thể miễn phí, mỗi phòng ba người ở chung, căngtin nấu cơm ăn hằng ngày. Những công nhân không ở lại cuối tháng công ty phụ cấp 800.000 đồng tiền xăng xe và nhà trọ. Phụ cấp chuyên cần 700.000 đồng/tháng nếu làm đủ 26 ngày”.
Duy gọi điện thoại đến số máy đăng tuyển trên mẩu tin thì được tư vấn là ngoài những chế độ nói trên, người làm sẽ còn được hưởng lương tháng 13, được đóng đầy đủ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp... Thấy công việc nhẹ mà lương và các chế độ đãi ngộ lại hấp dẫn, Duy liền đón xe lên TP.HCM để ứng tuyển.
Tại bến xe An Sương, Duy được một người đàn ông chở tới trụ sở Công ty TNHH DV-TM vận chuyển hàng hóa Đông Bắc (gọi tắt là Công ty Đông Bắc), lúc này đã có khoảng chục người khác cũng đến ứng tuyển.
Tại đây, một lần nữa nhân viên công ty lại nhiệt tình tư vấn cho Duy về công việc y như nội dung đăng tuyển trên Internet. Sau đó, nhân viên này ghi lại họ tên, quê quán của Duy rồi yêu cầu đóng 320.000 đồng gọi là “tiền ký quỹ”.
Nhận tiền xong, nhân viên giao cho Duy một tờ hợp đồng khoán việc kèm thông tin người liên hệ ở mặt sau. Đáng chú ý là thay vì ghi nội dung công việc như tư vấn ban đầu thì trong mục thời gian làm việc của bản hợp đồng này lại ghi là “theo tính chất công việc”.
Duy được hướng dẫn đi đến cầu vượt Linh Xuân sẽ có người ra đón. Đến nơi, Duy lại tiếp tục được một người chở tới Tổng kho Sacombank trong Khu công nghiệp Sóng Thần (Bình Dương). Tại đây, Duy gặp chúng tôi (phóng viên Tuổi Trẻ nhập vai tìm việc). Để đến được đây, chúng tôi cũng đã trải qua một quá trình y như Duy.
Người của Công ty Đông Bắc yêu cầu chúng tôi đóng thêm mỗi người 100.000 đồng bao gồm 50.000 đồng làm tạm trú và một khoản tiền rất vô lý là 50.000 đồng làm giấy xác nhận với công ty rằng chúng tôi đã nhận việc. Thu tiền xong, người này thu luôn cả tờ hợp đồng khoán việc của chúng tôi, nói rằng để làm xác nhận với công ty và sẽ trả lại sau.
Kế tiếp, chúng tôi được chở tới ga Sóng Thần (Bình Dương) để nhận việc. Người chạy xe ôm giao chúng tôi cho Tình - người quản lý một tổ bốc vác ở đây. Lúc này Duy bắt đầu hoang mang vì ứng tuyển công việc phụ xe nhưng lại được phân tới tổ bốc vác.
Thay vì chỉ bốc hàng 17-25kg như hứa hẹn, công nhân phải bốc đủ các loại hàng hóa, có khi nặng 60-70kg - Ảnh: Đình Khánh |
Khác xa hứa hẹn
Lúc này đã gần 17g, thay vì chở chúng tôi về nhà trọ để nghỉ ngơi như lời nói lúc đầu, Tình chở thẳng chúng tôi vào ga Sóng Thần, nói là “làm thử một chút xem sao”.
Vào trong, Tình giao cho chúng tôi bốc ba xe tải nhỏ với hàng hóa đủ loại. Đến 18g30 thì xong việc, Tình chở chúng tôi về một căn gác trọ chừng 7m2, nơi đang có sáu người ở và nói chúng tôi sẽ ở đây, như vậy tổng cộng chín người sẽ phải chen chúc ở chỗ này.
Điều này trái ngược hẳn với hứa hẹn của Công ty Đông Bắc như tư vấn ban đầu rằng ba người ở một phòng. Không những vậy, các công nhân ở đây còn cho chúng tôi biết không có chuyện công ty bao ăn như hứa hẹn.
Khác với Duy, chúng tôi ứng tuyển vị trí bốc vác, loại hàng hóa mà công ty tư vấn là các thùng sữa, nước ngọt... loại từ 17 - 25kg, lương 400.000 đồng/ngày, làm giờ hành chính. Thế nhưng không những phải vác hàng hóa nặng gấp đôi so với tư vấn, chúng tôi còn phải làm đến tận 20g-21g, đến khi hết hàng mới thôi.
Những công nhân làm cùng cho biết có ngày họ phải vác những bao tới 60 - 70kg, có hàng gì là làm hàng đó chứ không hề có chuyện như công ty tư vấn. Đặc biệt, khoảng 20 người ở đây đều là người mới, chưa có ai làm được hết quá một tháng.
“Tôi vô đây là thuộc dạng lâu rồi, từ ngày 30-6, từ đó đến giờ đã mấy chục người đi rồi vì không làm nổi. Cứ đều đặn mỗi ngày vài người đến rồi đi” - Dậu, một công nhân ở đây lắc đầu ngao ngán.
Dù công việc nặng nhọc là thế nhưng Tình cho biết lương đợt này chỉ hơn 2 triệu đồng vì đang là mùa mưa, ít việc. Tôi hỏi: Sao công ty tư vấn cho bọn em là lương 380.000 - 400.000 đồng/ngày cơ mà? Ông Dũng, tổ trưởng tổ bốc xếp, trả lời: “Công ty nó lừa các ông đấy, nó nói vậy để nó thu tiền”. Tôi lại hỏi Tình: “Thế công ty đưa tụi em sang đây họ có thu tiền của anh nữa không?”. Tình bảo: “Lâu lâu anh phải dẫn tụi nó đi nhậu!”.
Lừa đảo tiền bạc, ăn chặn mồ hôi
Quy định của ông Dũng và Tình là công nhân phải làm qua ba ngày mới cho ứng tiền để ăn uống, mỗi ngày Tình cho ứng 60.000 đồng. Ngay cả tiền các chủ hàng “bồi dưỡng” cho anh em công nhân mỗi khi bốc xong một xe Tình cũng thu lại và xem đó là tiền để cho công nhân ứng. Số tiền ứng này sau đó sẽ được trừ vào tiền lương. Tình cho biết mình không liên quan gì đến Công ty Đông Bắc hay các công ty tuyển dụng. Tình cần lao động bốc vác, còn những công ty kia có lao động cần việc nên chuyển qua.
Những công nhân làm việc nếu chưa đủ 10 ngày thì Tình sẽ không trả lương. Thế nên mỗi khi có công nhân không chịu nổi việc nặng mà nghỉ thì nghiễm nhiên số tiền đó sẽ thuộc về Tình và ông Dũng.
Một người dân sống lâu năm ở khu vực nhà trọ công nhân của Tình cho biết như vậy và nói thêm: “Ngày nào cũng có 4-5 người nghỉ vì không chịu nổi, có người mới đến buổi sáng thì buổi chiều đã đi”. Nếu cứ nhân lên số người nghỉ mỗi ngày như vậy sẽ thấy mỗi tháng Tình và ông tổ trưởng đã thu lợi không biết bao nhiêu tiền mồ hôi, công sức của họ. Như vậy, họ vừa bị công ty tuyển dụng lừa thu tiền, lại vừa bị những người như Tình bóc lột sức lao động.
Sau ba ngày, chúng tôi quay trở lại Công ty Đông Bắc để hỏi cho rõ. Khi chúng tôi nói rằng công việc không như tư vấn ban đầu, nhân viên lúc trước tư vấn cho chúng tôi lại trả lời tỉnh bơ: “Việc nặng thì em bảo em không làm nổi, em muốn việc nhẹ lương cao thì ở đâu mà có?”.
Chúng tôi đáp: “Nhưng bên anh bảo là làm 17 - 25kg và lương 380.000 - 400.000 đồng/ngày”. Nhân viên này thách thức: “Anh chỉ làm việc với em qua giấy tờ, anh không có đọc thông tin trên mạng gì cả, em muốn nói chuyện với anh thì xuống lấy cái hợp đồng về đây”. Chúng tôi hỏi tiếp: “Vậy mấy tin đăng trên mạng không phải của bên anh à?”.
“Không” - người này đáp. Thế nhưng ngay ngày hôm sau, một nhóm khác của chúng tôi đến ứng tuyển thì vẫn được tư vấn rất nhiệt tình, và khi được hỏi: “Mấy tin trên mạng đăng là Phương Bắc chứ đâu phải Công ty Đông Bắc, có đúng của bên chị không đó?”, thì một nhân viên nữ trả lời: “Ừ, đúng, công ty nào thì cũng về đây làm cả!”.
Chúng tôi liên hệ theo số điện thoại đầu mối ở khu vực Tổng kho Sacombank để đòi lại tờ hợp đồng khoán việc thì một người tên Huy trả lời: “Anh đang bận, giấy tờ của em để đến chủ nhật anh giải quyết”. Đến ngày chủ nhật, chúng tôi gọi lại thì Huy nói: “Giấy tờ của em anh đã chuyển lên công ty rồi”. Tôi hỏi lại: “Công ty bảo em gặp anh để lấy mà?” thì người này cúp máy và từ đó chúng tôi không thể liên lạc được với Huy nữa.
Xé hợp đồng ngay trước mặt công nhân Anh H.Đ.L. cho biết cách đây gần bốn tháng, ngày 21-3, hai người em của anh cũng là nạn nhân của Công ty Đông Bắc. Theo đó, em họ của anh là P.Đ.T.N. và bạn của N. (đều 17 tuổi, ngụ Đà Nẵng) đọc được mẩu tin rao tuyển dụng của Công ty Đông Bắc. Khi N. gọi điện hỏi tư vấn thì được công ty hướng dẫn vào TP.HCM nhận việc. Đến khu vực ngã tư Bình Phước họ được dẫn vào một trụ sở của Công ty Đông Bắc ở đây, đóng 600.000 đồng rồi tiếp tục được chở vào Tổng kho Sacombank. “Họ đưa chúng tôi tới tuốt trong góc của kho, có mấy người trông mặt mũi bặm trợn như giang hồ ngồi đó. Họ thu thêm 200.000 đồng tiền tạm trú rồi đưa hai đứa em tôi đi bốc vác. Đáng nói là họ thu lại hợp đồng rồi xé toạc vứt vào sọt rác, tôi thấy thế nhưng trông mấy người kia bặm trợn quá nên không dám phản ứng. Sau đó, lúc 11g họ đưa hai đứa em tôi đi nhận việc, đến 13g thì tôi nhận được điện thoại của hai đứa em nói đến đón. Nó nói phải vô bốc vác ximăng, gạch đá cả trưa mà không được nghỉ ngơi ăn uống gì nên xin về. Lúc về nó xin lại 200.000 đồng đóng tạm trú không được mà còn bị dọa đánh” - anh L. nói.
|
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận