Một cành mai rừng có nhiều lộc, hoa nở vàng và dáng khẳng khiu, rêu mốc có giá từ 4 triệu đến gần 20 triệu đồng một cành. Loại mai này hoa vàng như hoa mai ở miền Nam nhưng chỉ mọc bên vách đá trong những cánh rừng già miền Bắc.
Thú chơi mai rừng độc lạ của đại gia
Mai rừng Tây Bắc gần như không xuất hiện trên các hội nhóm chơi mai trên mạng xã hội. Loại mai này thường nở vào tháng ba dương lịch, sau Tết. Thế nhưng cũng có một số cây "đột biến" nở sớm, nên các tay săn hàng độc vẫn kiếm được để phục vụ thú chơi hoa Tết độc lạ.
Ông Nguyễn Công Thành (xin đổi tên), chủ một doanh nghiệp xây dựng ở thành phố Sơn La, năm nào cũng bỏ ra vài chục triệu đồng mua mai rừng làm quà biếu. Cành mai có hoa nở đúng dịp rẻ nhất có giá 4 triệu đồng.
Cành mai đẹp nhất ông Thành từng mua có giá hơn 17 triệu đồng. Chỉ cần gật đầu, chuyển tiền đặt cọc, dân buôn chở hoa đến tận nơi ông Thành yêu cầu.
Ông Thành cho hay rất ít người biết đến loại hoa này, kể cả người ở vùng duy nhất bán loại mai này là Mường La (tỉnh Sơn La).
Hơn chục năm trước, một số kỹ sư, công nhân thi công nhà máy thủy điện Sơn La bắt gặp loại hoa vàng nở đẹp trên vách đá. Họ thuê người dân bản địa chặt và mang về chơi Tết, từ đó người ta mới biết đến loại mai rừng này.
Theo những tay buôn hoa độc lạ dịp Tết, chỉ có vùng Mường La mới kiếm được loại mai vàng độc lạ này. Cứ trước Tết gần một tháng, họ thuê người vào rừng lấy mai.
Những cành mai đẹp nhất được khách quen đặt lấy ngay, chỉ một số ít bày bán ở những khu vực hay bán cành đào, hoa Tết. Tuy nhiên, những cành bán ngoài đường là loại xấu, giá mỗi cành từ 600.000 đến hơn 1 triệu đồng.
Hạ cây mai trăm tuổi để lấy cành
Vì Văn Tiến (xin đổi tên) - một tay buôn mai rừng ở thị trấn Ít Ong, huyện Mường La - cho hay Tiến chỉ còn hơn chục cành mai. Những cành đẹp nhất, nhiều hoa, nhiều nụ đã bán hết từ vài tuần trước. Khách mua mai đem về Quảng Ninh và Hà Nội.
Cành mai đắt nhất còn lại của Tiến có giá 1,5 triệu đồng. Cành mai khá nhiều nụ, Tiến cam kết đến giao thừa hoa sẽ nở bung. "Em đảm bảo với anh là hoa này chơi được hết tháng giêng. Anh nhìn thân cây thì biết, cây này già lắm rồi, chắc phải vài trăm tuổi. Bọn em lấy tận Yên Bái về" - Tiến khoe.
Tiến rút điện thoại cho khách xem "nguồn gốc xuất xứ" của cây mai. Trong clip, một thanh niên leo lên ngang thân một cây mai to hơn cái phích nước, bên cạnh là vực đá sâu hun hút. Gã thanh niên dùng cưa tay cắt ngang thân cây, vài gã khác giữ dây néo để phần thân cây bị cắt không rơi xuống vực.
"Gốc cây bọn em nhân giống còn cành thì bán - Vì Văn Tiến cho biết - Cây to thế này cơ mà! Bọn em phải thuê ba người khiêng về chứ mình không vác nổi".
Theo lời Tiến, cây mai rừng gã mang về mọc bên vách đá, gần thác nước thuộc địa phận xã Chế Tạo, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái). Tiến thuê người vượt núi sang Chế Tạo lấy mai về. Gã cho hay mai rừng ngày một hiếm, giá trị của cành mai cũng nhích lên từng năm theo độ hiếm của mai.
Lấy cành mai cũng bị phạt
Hạt trưởng Hạt kiểm lâm Mường La Nguyễn Xuân Hòa cho hay, cơ quan này đã xử phạt nhiều trường hợp khai thác mai rừng. Riêng trong năm ngoái, 3 trường hợp bị xử phạt khi đang mang cành mai từ rừng ra.
"Việc khai thác cành mai rừng cũng bị phạt. Mặc dù mức xử phạt không cao nhưng chúng tôi phải xử nghiêm để răn đe, hạn chế các trường hợp khai thác mai rừng trái phép" - ông Hòa nói.
Theo ông Hòa, mai rừng thường nở muộn, rất hiếm gặp hoa mai rừng nở trong dịp Tết. Loại này chỉ sống bên vách đá, độ ẩm cao nhưng là ở những vùng rừng có khí hậu không lạnh. Nhiệt độ trung bình ở Mường La hằng năm luôn cao hơn nhiệt độ trung bình của tỉnh Sơn La, vì thế vùng Mường La là một trong số ít nơi có loại mai này.
Đến thời điểm hiện tại cơ quan kiểm lâm chưa ghi nhận trường hợp nhân giống thành công loại mai này. "Nhiều người vào rừng đào trộm gốc mai về nhân giống nhưng theo chúng tôi được biết loại mai này không sống được nếu đưa ra khỏi môi trường tự nhiên" - ông Hòa khẳng định.
Cứ vào dịp gần Tết, Hạt kiểm lâm phối hợp với chính quyền địa phương ra văn bản thông báo, tuyên truyền cho bà con không vào rừng chặt mai. Đặc biệt ở khu vực thuộc khu bảo tồn.
"Nếu chúng tôi phát hiện người dân đang vận chuyển mai từ trong rừng ra hoặc đủ căn cứ thì chúng tôi xử lý ngay. Còn việc người dân bày bán mai rừng ở ngoài đường rất khó xử lý vì không đủ căn cứ để xử phạt" - ông Hòa nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận