13/08/2016 09:29 GMT+7

​Vẫn còn khu vực sóng yếu

TR.TRUNG - V.TR. - T.HÂN
TR.TRUNG - V.TR. - T.HÂN

TTO - Tại Đà Nẵng, sau khi chuyển sang phát sóng truyền hình kỹ thuật số vào đầu tháng 11-2015, có hai khu vực sóng yếu được lắp đặt trạm phát sóng bù ở xã Hòa Sơn và Hòa Bắc (huyện Hòa Vang).

Nhiều hộ dân tại thôn Đại La (xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) không xem được các kênh truyền hình thiết yếu như VTV và các đài địa phương - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG

Theo ghi nhận tại khu vực thôn Đại La (xã Hòa Sơn), đa số hộ dân đều đã chuyển sang dùng đầu thu chảo K+ bởi các đầu thu số đều không xem được các kênh thiết yếu như của VTV (bao gồm tất cả các kênh VTV toàn quốc và khu vực), DRT (Đài PT-TH Đà Nẵng), QRT (Đài PT-TH Quảng Nam)...

Ông Hồ Thịnh (tổ 3, thôn Đại La) cho biết ngay sau khi TP Đà Nẵng cắt sóng, gia đình ông đã bỏ tiền đi mua đầu thu số DVB-T2 để tiếp tục xem truyền hình. “Lúc ở cửa hàng nhân viên thử đầu thu thì xem được tất cả các kênh truyền hình. Nhưng khi về nhà tất cả các kênh từ VTV1 đến VTV9 không xem được. Tôi điện nhân viên đến sửa, xoay ăngten đủ chỗ cũng không coi được. Từ đó đến nay đành chịu chứ không biết kêu ai” - ông Thịnh nói.

Theo ông Phạm Phú Phong - trưởng phòng quản lý phát sóng miền Trung của Trung tâm kỹ thuật truyền dẫn phát sóng Đài truyền hình VN (VTV), chất lượng truyền hình còn phụ thuộc nhiều yếu tố từ thiết bị thu chứ chưa hẳn là sóng phát. Ông Phong cho biết trước đây cũng nhận phản ảnh từ nhiều khu vực về việc sóng yếu, đơn vị này đã kiểm tra cân chỉnh cho phù hợp.

Tại TP.HCM, về việc một số khu vực không thu được sóng truyền hình kỹ thuật số, ông Nguyễn Đức Hòa - tổng giám đốc Công ty Truyền hình kỹ thuật số miền Nam (SDTV) - cho biết về cơ bản, sóng truyền hình kỹ thuật số đã phủ tất cả địa bàn TP.HCM và các vùng lân cận.

Theo ông Hòa, hiện nay tại TP.HCM có bốn đơn vị cung cấp sóng truyền hình kỹ thuật số chuẩn DVB-T2 gồm: SDTV, VTV, VTC và AVG. Theo quy định, tất cả tivi bán trên thị trường hiện nay (được sản xuất, nhập khẩu sau tháng 4-2014 - PV) đều phải tích hợp bộ thu chuẩn DVB-T2.

Người dân mua tivi này về kết nối với ăngten là xem được các kênh VTV1, VTV3, HTV7, HTV9, các đài địa phương... SDTV đã tiến hành khảo sát và ghi nhận ở một số khu vực nhà dân gần cao ốc hoặc sát cột ăngten phát sóng sẽ khó thu tín hiệu.

Tuy nhiên, trường hợp khó bắt sóng ở khu vực nội thành TP.HCM không nhiều bởi bốn nhà cung cấp có rất nhiều trạm phát sóng. Nếu không thu được tín hiệu của VTV thì vẫn có thể thu được tín hiệu của SDTV, VTC hay AVG.

Một số đơn vị cũng đưa ra các giải pháp khắc phục tình trạng khó thu tín hiệu, cụ thể đại diện đoàn lắp đặt DVB-T2 miễn phí cho hộ nghèo tại huyện Cần Giờ và Nhà Bè trưa 12-8 cho biết: “Ở Nhà Bè, nếu quay ăngten về phía Bình Dương sẽ bắt đủ 72 kênh”.

Còn theo ông Lê Minh Châu - phó phòng kinh doanh VNPT Technology, cho biết: “Nội ô TP.HCM có những vùng lõm do các tòa nhà cao tầng làm ảnh hưởng chất lượng sóng nên người dân phải điều chỉnh hướng ăngten hoặc mang ăngten ra ngoài trời ở độ cao 5-10m để có thể bắt được tín hiệu tốt”.

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo số hóa truyền hình ngày 12-8, tại phần lớn các địa bàn đã được phủ sóng truyền hình số mặt đất có thể thu được từ 26-70 kênh chương trình, trong đó có 5-7 kênh chương trình HD.

TR.TRUNG - V.TR. - T.HÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên