Đập thủy điện Đắk Kar - Ảnh: TRUNG TÂN
Chiều tối cùng ngày, đoàn công tác đặc biệt của Bộ NN&PTNT đã đến bờ đập của thủy điện này để khảo sát, bàn giải pháp khắc phục sự cố.
Ghi nhận tại hiện trường đập thủy điện Đăk Kar, mặt nước hồ đã bám sát đỉnh đập, cách chừng 3m. Ngay dưới chân đập, một đoạn đường ống thép dẫn nước đường kính 2,3m bị đứt gãy. Nước từ lòng đập thủy điện từ đây xả thẳng xuống chân đập.
Khắc phục sự cố kẹt van thủy điện Đắk Kar - Video: TRUNG TÂN - ĐÌNH CƯƠNG
Trước đó, vào ngày 7-8, hai van xả đập số 1 và 2 bị mắc kẹt do lưu lượng nước lớn kéo về cùng với cây cối và đất đá làm kẹt van xả.
Ông Chu Văn Quyền - giám đốc Công ty cổ phần thủy điện Đắk Kar (áo thun đen) - tại công trình - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG
Ông Chu Văn Quyền - giám đốc Công ty cổ phần thủy điện Đăk Kar - cho biết hiện công nhân đang xả nước trong lòng đập qua ba cửa xả là ống xả kiệt, ống dẫn nước ngang và phần trên van xả tràn. Lượng nước ở thời điểm 12h ngày 9-8 vào khoảng 12 triệu m3, cao trình đập ở mức 476,2m.
Ông Quyền cho rằng thủy điện chưa tích nước nhưng do nước đổ về quá lớn, nước không thoát được nên tích tụ dẫn đến sự cố vỡ ống áp lực. Sau sự cố, công ty đã để nước xả tự do qua ống áp lực và qua tràn ở cửa xả, cống xả cát. Đến chiều 9-8, dung tích nước trong hồ đã hạ khá nhiều nên nguy cơ vỡ đập đã tạm thời không còn.
Sự cố ở ngay cửa xả đập thủy điện - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG
Theo ông Quyền, suốt ba ngày qua 40 công nhân vẫn miệt mài dùng palăng tay kết hợp tời điện kéo van xả đập số 1 và số 2 để xử lý sự cố kẹt van xả đập. "Rất may, mưa đã giảm, lưu lượng nước về hồ chỉ còn 80m3/s. Nguy cơ vỡ đập thủy điện tạm thời đã qua", ông Quyền nói.
Công nhân khắc phục sự cố - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG
Giám đốc thủy điện cam kết trong các ngày tiếp theo, nếu lượng mưa tăng, đơn vị sẽ đào kênh dẫn nước phía vai phải đập để xả nước, đảm bảo an toàn đập. "Tôi đã làm việc với các địa phương, thống nhất sẽ thông báo trước nếu tăng lưu lượng xả nước", ông Quyền nói.
Ngoài ra, công ty đã thuê một máy cẩu 50 tấn để nâng phay tràn (tấm sắt làm cửa chắn nước) để xử lý sự cố kẹt van nhưng không nâng được. "Hiện nay chúng tôi dùng phương án là dùng ròng rọc để tời kéo phay tràn lên. Nếu không được nữa thì chỉ có chờ nước rút mới có thể xử lý dứt điểm sự cố này", ông Quyền nói.
Có mặt tại hiện trường, ông Lê Viết Thuận - chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Đắk Nông - khẳng định sự cố "tích nước" khi chưa hoạt động, suýt vỡ đập thủy điện là do chủ đầu tư quá chủ quan. Theo ông Thuận, do không theo dõi thời tiết, lượng mưa nên chủ đầu tư thủy điện không có phương án xả lũ. Khi lượng nước về nhiều thì phay tràn không mở được.
Sự cố khiến đập thủy điện có nguy cơ bị vỡ - Ảnh: TRUNG TÂN
Ông Nguyễn Văn Tỉnh - tổng cục trưởng Tổng cục thủy lợi (Bộ NN&PTNT) - cho biết sau sự cố các địa phương đã di dời hơn 200 hộ dân và và sơ tán 5.000 người vùng hạ du đề phòng sự cố vỡ đập".
Dù nguy cơ vỡ đập đã tạm qua, bằng mọi cách phải hạ thấp mực nước trong hồ, tránh tình trạng mưa lớn bất ngờ mà hồ thì không xả được sẽ gây ra thảm họa. Trong trường hợp cửa van chưa khắc phục được và nước về nhiều thì phải nổ mìn phá đập", ông Tỉnh yêu cầu.
Sự cố kẹt van cũng khiến hàng chục mét ống áp lực bị vỡ - Ảnh: TRUNG TÂN
Sự cố vẫn được các công nhân khắc phục - Ảnh: ĐÌNH CƯƠNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận