Tổng cộng hơn 1.500 người ở Đức nhiễm bệnh, 17 người đã thiệt mạng. Ở Thụy Điển có 36 người nhiễm bệnh và 1 người chết. Các trường hợp nhiễm E.coli cũng xuất hiện ở Đan Mạch, Hà Lan, Anh, Tây Ban Nha, Pháp, Thụy Sĩ, Thụy Điển và mới đây nhất là hai người ở Mỹ, trước đó từng đến Hamburg (Đức).
Phóng to |
Tính chung đến ngày 2-6, toàn châu Âu đã có 18 người thiệt mạng và 1.559 người nhiễm bệnh. Tổ chức Y tế thế giới và các nhà khoa học thuộc Viện Gen Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 2-6 cho biết khuẩn E.coli phát hiện ở châu Âu là một chủng khuẩn mới chưa từng được ghi nhận. Với những đặc tính kết hợp giữa hai chủng khuẩn khác nhau khiến dịch ở khu vực này lan rất rộng và nguy hiểm, theo AP.
Ông Reinhard Burger, chủ tịch Viện Robert Koch trực thuộc Bộ Y tế Đức, dự báo dịch E.coli có thể sẽ còn hoành hành trong nhiều tháng nữa trước khi bị dập tắt.
Hiện tại các cơ quan y tế Đức vẫn “mù tịt” về nguồn gốc đại dịch E.coli. Ông Burger thừa nhận nhà chức trách có thể sẽ không bao giờ xác định được nguồn gốc dịch. Đức đã phải minh oan cho dưa chuột Tây Ban Nha khi khẳng định các xét nghiệm cho thấy mặt hàng này không chứa vi khuẩn E.coli.
Ủy ban châu Âu (EC) cũng dỡ bỏ cảnh báo về dưa chuột Tây Ban Nha. Phía Tây Ban Nha đang đe dọa sẽ thay mặt nông dân nước này kiện nhà chức trách Đức vì đổ tội cho dưa chuột Tây Ban Nha nhiễm khuẩn làm nông dân Tây Ban Nha thiệt hại khoảng 200 triệu euro (290 triệu USD) mỗi tuần.
Chính quyền các nước châu Âu đã kêu gọi người dân nên rửa thật sạch các loại rau củ cũng như rửa tay trước khi ăn để ngăn chặn đại dịch lây lan. Trong khi đó, Nga vừa ra lệnh cấm nhập khẩu toàn bộ mặt hàng rau củ từ Liên minh châu Âu (EU) do đại dịch vi khuẩn E.coli ở Đức.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận