02/10/2012 04:30 GMT+7

Vẫn chưa thông xe đường lên núi Cấm

ĐỨC VỊNH
ĐỨC VỊNH

TT - Sau năm tháng xảy ra vụ lở đá gây chết người, tuyến đường lên núi Cấm (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, An Giang) vẫn chưa thể thông xe khiến đời sống gần 4.000 người dân trên núi còn khó khăn.

Sáng 28-9, phó giám đốc Sở Giao thông vận tải An Giang Ngô Công Thức cho biết đoàn công tác của tỉnh vừa khảo sát lại đường lên núi, hiện nay dù đã giải phóng hết các tảng đá nguy hiểm, nhưng ở vài nơi trên vách núi vẫn còn một số tảng đá “mồ côi” cần phải xử lý tiếp nên sở chưa đề nghị tỉnh cho thông xe tuyến đường này.

Từ sau vụ lở đá gây chết người vào ngày 5-5-2012, tuyến đường lên núi bị phong tỏa, sau đó chỉ cho xe hai bánh lưu thông tạm vào đầu mỗi buổi sáng để vận chuyển lương thực hàng hóa lên núi phục vụ người dân nên rất hiếm khách hành hương, du lịch lên núi Cấm cúng bái, tham quan. Các ngôi chùa lớn trở nên vắng tanh như... chùa Bà Đanh, những dãy nhà trọ vắng lặng, quán xá phải bỏ hoang tiêu điều. “Trước kia mỗi ngày có hàng ngàn người, lúc cao điểm cả chục ngàn người lên núi, giờ số người chịu khó lặn lội lên hành hương đếm được trên đầu ngón tay. Bao hộ kinh doanh nhà trọ, bán hàng phục vụ du khách cũng khốn đốn”- ông Nguyễn Thành Công, ban quản tự chùa Phật Lớn, nói.

Đội quân xe ôm hơn 3.000 người chuyên chở khách lên xuống núi cũng lâm vào cảnh thất nghiệp. Do không thể chuyên chở bằng xe bốn bánh nên thương lái không đến mua tận nơi như trước, nông dân làm vườn, trồng rau màu phải tự gánh từng gánh xuống tận chân núi bán. “Sức người gánh không xuể, rau trái không thể tiêu thụ hết bà con chẳng thiết chăm sóc, những người làm thuê cũng mất việc theo” - ông Phạm Việt Tân, trưởng ấp Vồ Đầu, xã An Hảo, than thở.

Ông Lê Minh Hưng, tổng giám đốc Công ty cổ phần Phát triển du lịch An Giang, cho hay đội ôtô lữ hành 44 chiếc phục vụ chở khách lên xuống núi Cấm phải nằm ì mà công ty vẫn trả lương cho hơn 40 tài xế và chi cho các hoạt động khác mỗi tháng hơn 750 triệu đồng. Theo ông Ngô Hồng Yến, chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên, bà con ở núi Cấm chủ yếu sống nhờ các dịch vụ phục vụ du lịch, hành hương. Nếu đường lên núi bị “tắc” kéo dài thì càng thiệt hại nặng nề cho ngành du lịch và ảnh hưởng đến cuộc sống người dân.

ĐỨC VỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên