Tại "Hội thảo lấy ý kiến về hồ sơ đề nghị luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo" diễn ra vào hôm nay 9-5, do Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) phối hợp Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam tổ chức, ông Nguyễn Thanh Đảo - chủ tịch Hội Quảng cáo TP.HCM - đã thay mặt các doanh nghiệp đưa ra hàng loạt kiến nghị.
Tạo hành lang pháp lý về quảng cáo, hạn chế gây khó doanh nghiệp
Đại diện các doanh nghiệp, ông Đảo cho biết tuy Luật Quảng cáo đã có hiệu lực được trên 10 năm nhưng TP.HCM vẫn chưa ban hành quy hoạch quảng cáo theo quy định.
"Việc này dẫn đến các doanh nghiệp trong ngành quảng cáo ngoài trời gặp khó khăn trong việc phát triển bảng biển mới. Để tồn tại và phát triển, các doanh nghiệp buộc phải vận dụng một số phương thức đôi khi có sai phạm như báo chí đã nêu thời gian qua", ông Đảo nói.
Thành phố dự kiến ban hành giai đoạn 1 quy hoạch quảng cáo ngoài trời. Tuy nhiên phía hội lại được biết bản quy hoạch đã được đưa về các quận huyện để thẩm định lại, tốn thêm thời gian.
Theo ông Đảo, Cục Văn hóa cơ sở cần tích cực có ý kiến bằng văn bản để TP.HCM và các địa phương chưa có quy hoạch sớm ban hành quy hoạch quảng cáo ngoài trời, tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật.
Luật Quảng cáo sửa đổi cần cân nhắc hạn chế phạm vi, đối tượng trong quy hoạch quảng cáo nhằm hạn chế tối đa các ảnh hưởng không đáng có đối với doanh nghiệp.
Ví dụ như bỏ quy hoạch quảng cáo với tấm áp tường, quảng cáo trên tài sản tư nhân. Thay vào đó, chỉ nên đưa ra các tiêu chí chung về an toàn công trình, an toàn phòng cháy chữa cháy, an toàn giao thông…
Ngoài ra, các doanh nghiệp trong hiệp hội còn có các kiến nghị bỏ quy định hạn chế diện tích các màn hình điện tử, biển hiệu...
Hiện TP.HCM và các địa phương chưa có quy hoạch cụ thể về việc treo băng rôn trên tuyến đường và địa điểm công cộng, chưa có cơ chế cho doanh nghiệp đấu thầu thuê các trụ chiếu sáng, trụ điện... để treo băng rôn.
Vì vậy kiến nghị các địa phương nên có quy hoạch việc treo băng rôn, nhằm làm đẹp mỹ quan đô thị và tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp hoạt động.
Phạt nặng quảng cáo sai sự thật
Bên cạnh đó, từ ngày có Luật Quảng cáo, vấn nạn rao vặt trên đường phố có thuyên giảm, song vẫn còn nhiều nơi việc rao vặt vẫn phổ biến, quảng cáo các dịch vụ như "khoan cắt bê tông", "rút hầm cầu", "hỗ trợ tài chính"… gây ảnh hưởng mỹ quan đô thị.
Do đó, chính quyền địa phương cần tăng cường công tác giám sát, xử phạt các hành vi vi phạm. Đồng thời nghiên cứu quy hoạch những địa điểm trong khu phố, tuyến phố cho quảng cáo rao vặt miễn phí nhằm hạn chế thực trạng trên.
Về hồ sơ đề nghị luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, ông Đảo cho biết Hội Quảng cáo TP.HCM thống nhất cao nhiều nội dung.
Tuy nhiên, trong phần phân tích những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật Quảng cáo của tờ trình, chưa thấy ban soạn thảo nêu các tồn đọng của việc quy hoạch quảng cáo tại địa phương, đặc biệt tại Hà Nội, TP.HCM và một số đô thị lớn khác.
Bên cạnh đó còn có các vấn đề tồn tại chung của ngành quảng cáo như: quảng cáo không trong sáng, sai sự thật, trách nhiệm của người nổi tiếng trong quảng cáo, các sai phạm về quảng cáo ở nền tảng xuyên biên giới...
Theo ông Đảo, cần quy định về mức xử phạt nặng, đủ sức răn đe, tạo môi trường lành mạnh trong lĩnh vực quảng cáo.
Ngành quảng cáo đặt mục tiêu đóng góp 2,6% năm 2025
TP.HCM có 5.497 doanh nghiệp thuộc ngành quảng cáo (tính đến năm 2019) và không ngừng tăng.
Tại "Phiên họp giải trình hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo trên địa bàn thành phố năm 2022", ông Dương Anh Đức - phó chủ tịch UBND TP.HCM - cho biết năm 2020 ngành quảng cáo đóng góp 1,8% GRDP cho thành phố, mục tiêu đến năm 2025 đóng góp 2,6% và đến năm 2030 là 3,2%, cho thấy ngành này có vai trò quan trọng trong thúc đẩy kinh tế - xã hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận