Nhà báo Xuân Ba là người đã đi gặp Văn Cao khi tờ báo ông làm việc vừa đăng bài của một cộng tác viên cho rằng Quốc ca có hai tác giả chứ không chỉ mình Văn Cao.
Văn Cao không phải tác giả duy nhất của Quốc ca?
Theo như bài báo đó, lời bài Tiến quân ca được ông Đ.H.X. nhận là của mình và cung cấp một số bản in ca khúc này cho thấy ghi tác giả là hai người.
Bài báo với thông tin bất ngờ này được đăng vào tháng 8-1991.
Trong khi Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa năm 1946 ghi rõ bài Tiến quân ca của Văn Cao được chọn làm Quốc ca Việt Nam.
Trong mấy chục năm, kể từ khi tác phẩm ra đời năm 1944 và lập tức phổ biến đến người dân, rồi được công nhận là Quốc ca Việt Nam, thêm nhiều lần dự định thay Quốc ca không thành, mọi người đều chỉ biết tác giả duy nhất của bài hát này là Văn Cao.
Nhà báo Xuân Ba nhớ lại, khi bài báo "chấn động" đó được đăng tải, cũng có nhiều ý kiến phản đối tờ báo đã đăng thông tin một chiều và dường như vô lý.
Xuân Ba được giao nhiệm vụ tìm hiểu câu chuyện này, đã tìm đến gặp Văn Cao. Đó cũng là lần đầu tiên ông ngồi riêng với tác giả Quốc ca.
Bà Nghiêm Thúy Băng khi biết mục đích cuộc thăm viếng của Xuân Ba đã lập tức tỏ thái độ lạnh nhạt không giấu giếm, nhưng vẫn dẫn ông lên gặp Văn Cao đang ngồi trầm ngâm trong căn phòng khách tuềnh toàng nhìn xuống phố Yết Kiêu.
Hình ảnh mà Xuân Ba nhìn thấy là một Văn Cao vóc hạc gầy gò, chiếc sơ mi cổ hở và quần ngả màu cháo lòng, chén rượu nhỏ xíu nhấp từng ngụm nhỏ, khiến Xuân Ba thấy mình có lỗi.
Không có chuyện có hai tác giả Quốc ca
Văn Cao chỉ ừ hữ và cười nhẹ, đẩy về phía Xuân Ba một chén rượu nhỏ. Rồi ông từ từ giải đáp hết những cắc cớ.
Hồi ấy Văn Cao sáng tác Tiến quân ca là một nhiệm vụ cách mạng bí mật. Viết ca khúc cho đội quân cách mạng lúc đó là cận kề cái chết, tất nhiên không ai để tên thật khi xuất bản.
Thời gian hoạt động cách mạng, viết Tiến quân ca, Văn Cao đang ở nhờ nhà người bạn, chính là ông Đ.H.X.. Ông X. lúc đó đang tán tỉnh một cô tên Dung, nên đã xin với Văn Cao cho để tên cùng trong tác giả bài hát để ông khoe với bạn gái.
Văn Cao thấy ông X. quen nhiều hiến binh Nhật, nên đồng ý để ông X. đứng chung bằng mật danh là để bảo vệ bài ca này.
Tháng 11-1944, chính Văn Cao là người đã sang làng gốm Bát Tràng tự tay viết bài Tiến quân ca lên đá in trong trang văn nghệ đầu tiên của tờ báo Độc Lập, nét chữ viết của một anh thợ mới vào nghề còn run rẩy. Bản in ghi tác giả: nhạc ANH THO (Anh Thọ), thơ ANH DUNG (Anh Dũng).
Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, ông X. lập nhà xuất bản, lúc in bài Tiến quân ca đã tự ý chuyển tác giả thành: nhạc Văn Cao, lời Ð.H.X..
Văn Cao còn cho biết thêm, khi Tiến quân ca được công nhận là Quốc ca Việt Nam, nó được sự góp ý về nhạc của ông Ðinh Ngọc Liên và Nguyễn Hữu Hiếu.
Còn lời thì nhà thơ Tố Hữu sửa vài chỗ. Sau này, năm 1955, nhà thơ Tố Hữu góp ý thêm cho Văn Cao sửa lại câu kết của Tiến quân ca thành "Nước non Việt Nam ta vững bền...".
Trước đó, sau khi Bác Hồ chọn Quốc ca là bài Tiến quân ca tháng 8-1945 và muốn gặp tác giả Quốc ca thì chính Tố Hữu dẫn Văn Cao đến gặp Bác, chỉ một mình Văn Cao chứ không có tác giả nào khác.
Xuân Ba kể, sáu tháng sau cuộc gặp gỡ giữa ông và Văn Cao, Cơ quan Bảo hộ quyền tác giả đã kết luận: "Không có bằng chứng nào cho thấy ông X. tham gia viết lời bài Tiến quân ca".
Ngày 28-3-1992, Cơ quan Bảo hộ quyền tác giả đã họp báo chính thức công bố kết luận này.
Tại hội thảo, một số ý kiến đưa ra ý tưởng xây dựng Công trình văn hóa nghệ thuật Văn Cao ở quê hương ông, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định.
Nhiều ý kiến tham luận làm sáng tỏ hơn về thân thế và sự nghiệp của Văn Cao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận