sẵn sàng trước ngày thông xe
Ông Út Rô ngóng đợi ngày được đặt chân lên cầu Vàm Cống - Ảnh: QUỐC VIỆT
Cầu Vàm Cống cùng cầu Cao Lãnh và các tuyến đường N2 hiện hữu, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi dần tạo thành trục giao thông quan trọng thứ hai kết nối TP.HCM với miền Tây, và từng bước hình thành tuyến cao tốc Bắc - Nam phía tây.
Ông TRẦN VĂN THI
7h sáng, nắng sớm rực cầu Vàm Cống. Chúng tôi vừa đến đầu Đồng Tháp đã thấy lão nông Út Rô và nhiều người dân đang mải mê đứng nhìn ngắm cầu. Bị trễ dịp thông xe theo kế hoạch năm 2018, ông và nhiều người cứ thắc thỏm không biết lần này có chính xác đúng ngày khánh thành không...
Ước mong của châu thổ
Một thanh niên ở đầu cầu nam, phía Cần Thơ, vừa sang đã rổn rảng: "Thiệt chắc cô bác ơi. Tui thấy phía đầu cầu Cần Thơ đã dựng rạp, treo cờ chuẩn bị cho ngày khánh thành rồi". Ông Út Rô vỗ tay, giọng vui hẳn: "Tui vậy mà cũng được dự khánh thành hơn chục cây cầu rồi. Hi vọng còn kịp ngày thông xe cầu Mỹ Thuận 2 nữa là mãn nguyện".
Từ huyện Chợ Mới, An Giang, ông Út Rô (tức Nguyễn Văn Rô, 71 tuổi) tâm sự mình đã sang thăm công trình xây dựng cầu Vàm Cống gần... 30 chuyến mà lần đầu là ngày động thổ năm 2013. Ông kể nhà mình nhiều đời ở miệt sông nước, một bước phải xuống xuồng, hai bước cũng phải lên đò, nên rất thấu hiểu giá trị những cây cầu được mọc lên xứ này.
Ông khẳng định tất cả cầu lớn đất phương Nam, từ Mỹ Thuận, Cần Thơ, Rạch Miễu đến cầu Cái Lớn, Năm Căn, Cao Lãnh... đều có mặt mình cả ngày động thổ lẫn thông xe.
Trời đứng bóng trưa, nắng đầu hè như đổ lửa nhưng nhiều người ngắm cầu Vàm Cống vẫn chưa muốn rời đi. Chúng tôi lên một trong những chuyến phà cuối cùng để sang bờ nam. Từ giữa lòng sông Hậu có thể nhìn ngắm rõ ràng cầu Vàm Cống như một cánh cung tuyệt đẹp uốn lượn qua sông.
Những sợi dây văng bằng thép vút lên tháp cầu sừng sững trên nền trời xanh biếc. Nhìn xa xa những chiếc phà thép lớn 200 tấn qua lại sông Hậu chẳng khác gì "chiếc tàu đồ chơi" dưới bóng cầu khổng lồ.
Tâm sự với chúng tôi, ông Trần Văn Thi - tổng giám đốc Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long, chủ đầu tư dự án này - kể lại việc lựa chọn kết cấu cầu phụ thuộc vào yêu cầu kinh tế - kỹ thuật. Trong đó, cầu Vàm Cống phải có độ tĩnh không thông thuyền cao 37,5m đáp ứng tàu vận tải 10.000 tấn chạy trên luồng sông Hậu với bề rộng 110m.
Dòng sông huyết mạch miền Tây được xác định là tuyến đường thủy quốc tế từ cửa Định An lên đến Campuchia. Do đó, phương án xây cầu dây văng là tối ưu để vượt sông lớn như sông Tiền, sông Hậu với nhiều tàu vận tải lớn lưu thông.
Giờ thì chỉ còn ít giờ nữa sẽ khánh thành, nhưng ông Thi vẫn nhắc chuyện thi công. Cầu Vàm Cống được xây dựng gần đầu nguồn sông Hậu nên gặp nhiều khó khăn trong xây dựng kết cấu móng cọc, vì chịu ảnh hưởng từ tình hình lũ hằng năm của Đồng bằng sông Cửu Long. Lũ kéo dài từ tháng 7 đến tháng 11 và đỉnh lũ thường lên cao vào tháng 9, 10.
Lòng sông sâu, tốc độ chảy lớn, nên việc thi công rất khó khăn. Nó là một trong những thách thức với kỹ sư VN cũng như Hàn Quốc. Nhà thầu đã phải huy động các loại sà lan cỡ lớn 3.000 tấn và cần cẩu lớn nhất VN (550 tấn) mới đảm bảo được an toàn cũng như tiến độ xây dựng.
Là cầu dây văng có khẩu độ nhịp chính thông thuyền lớn thứ 2 tại VN với chiều dài 450m (sau cầu Cần Thơ 550m), cầu Vàm Cống do công ty tư vấn thiết kế Hàn Quốc thực hiện. Trụ tháp của cầu hình chữ H cong, cao đến 143,9m. Với địa chất yếu của châu thổ, cầu Vàm Cống được thiết kế hệ cọc khoan nhồi đường kính lớn nhất VN là D2500mm (2,5m) và sâu nhất đến 116m...
Cầu Vàm Cống hắt bóng trên những chuyến phà cuối - Ảnh: QUỐC VIỆT
Cách trở lùi vào ký ức
Buổi chiều, ở đầu cầu nam phía Cần Thơ, chúng tôi phải nén cười với tấm bảng viết tay có nội dung mong mỏi... bà con ráng kiềm chế sự tò mò, háo hức, chờ đến ngày thông cầu.
Anh Lê Văn Rang, bảo vệ chốt đầu cầu, cười kể: "Sếp Hai Hùng, trưởng đội bảo vệ của tui viết đó. Từ bận hợp long liền nhịp, bà con khoái quá, cứ đòi được vô xem tận mắt. Nhưng công trình quan trọng như vầy làm sao dám cho vô? Ổng phải viết bảng trần tình để bà con thông cảm, ráng đợi ngày thông xe rồi muốn đi mòn dép, mòn bánh cũng đặng".
Những ngày trước 19-5, các công việc cuối cùng được gấp rút hoàn tất. Tháp cẩu cao vút dựng sát trụ giữa cầu đang hạ dần. Thợ sơn Bùi Văn Dũng và những người bạn cần mẫn kẻ vạch màu lên "con lươn" phân làn ở đầu cầu. Thợ điện Hoàng Minh Quốc dõi mắt quan sát đèn báo không đang nhấp nháy trên đỉnh tháp dây văng.
"Phần điện đã bảo đảm rồi. Chỉ chờ ngày khánh thành" - anh Quốc còn khẳng định cầu Vàm Cống sẽ "không chỉ đẹp ngày mà đẹp cả đêm" khi đèn thắp sáng rực trên dòng sông Hậu.
Nhìn thợ làm việc, kỹ sư an toàn Nguyễn Ngọc Rạng tâm sự chủ đầu tư lẫn các nhà thầu đều hiểu rõ sự mong đợi của người dân nên cố gắng đẩy nhanh tiến độ mà vẫn bảo đảm an toàn, yêu cầu kỹ thuật. Sự cố nứt dầm nghiêm trọng nhất làm chậm hẳn tiến độ xây dựng cầu Vàm Cống đã được xử lý tốt đẹp.
Chỉ ít giờ nữa, đồng bào châu thổ sẽ chính thức đặt chân lên cây cầu kỳ vĩ. Sự cách trở của dòng sông lùi vào ký ức một thời…
Đường lên cầu xanh bóng cây - Ảnh: QUỐC VIỆT
Sự cố cầu Vàm Cống được khắc phục thế nào?
Ông Trần Văn Thi tâm sự: "Tôi mất ăn mất ngủ vì cầu sắp hoàn thành mà xảy ra sự cố đáng tiếc. Các chuyên gia cho rằng đây là vết nứt hiếm gặp, rất khó xác định nguyên nhân cũng như phương án xử lý tối ưu. Chúng tôi đã phải mất 6 tháng để xem xét nguyên nhân và phê duyệt phương án sửa chữa".
Công ty tư vấn độc lập quốc tế Arup được mời tham gia xác định nguyên nhân, thẩm tra phương án sửa chữa, rà soát thiết kế tổng thể toàn cầu, tham gia theo dõi sửa chữa, kiểm định và thử tải dầm sau khi hoàn thành. Bộ Giao thông vận tải còn thuê tư vấn độc lập trong nước là Viện Khoa học và công nghệ giao thông vận tải cùng tiến hành độc lập với Arup. Các kết quả đều đảm bảo tốt yêu cầu.
Việc thay thế bán phần dầm ngang bị nứt CB6 là giải pháp khắc phục khả thi, đảm bảo chất lượng, tuổi thọ công trình. Công tác sửa chữa tiến hành đúng trình tự 38 bước thận trọng. Nhà thầu Hàn Quốc GS E&C và Hanshin đã điều thợ hàn từ Hàn Quốc sang thực hiện sửa chữa.
Cầu Vàm Cống khởi công ngày 10-9-2013, dài 2,9km, rộng 24,5m, vận tốc lưu thông xe 80km/h. Tổng mức đầu tư trên 271 triệu USD bằng nguồn vốn ODA của Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ VN.
Vừa mừng vừa lo
Ông Huỳnh Văn Tuấn, hiệu phó Trường cao đẳng Giao thông vận tải TP.HCM, cho biết cầu Vàm Cống thông xe là tin vui, nhất là bà con miền Tây. Còn người dân nơi khác về miền Tây đi theo tuyến đường N2 từ Củ Chi đi Long An, Đồng Tháp, An Giang và Kiên Giang qua cầu Vàm Cống cũng thuận lợi.
Tuy nhiên, điều lo là tuyến đường N2 từ Mỹ An đến Cao Lãnh, Đồng Tháp còn hẹp, chỉ hai làn xe. Hơn nữa, nhiều người cho rằng thông xe cầu Vàm Cống sẽ dẫn đến kẹt quốc lộ 80 vì cũng chỉ có 2 làn xe, trong khi tuyến Lộ Tẻ - Rạch Sỏi đang thi công 4 làn xe và dự kiến tháng 3-2020 mới hoàn thành.
Cần sớm đầu tư xây dựng đồng bộ các tuyến đường kết nối với cầu Vàm Cống như xây dựng đoạn nối tuyến quốc lộ 91 và tuyến tránh TP Long Xuyên, tuyến Mỹ An - Cao Lãnh... mới phát huy hiệu quả các dự án đã đầu tư.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận