Chiếc vali tưởng bình thường thế này đều ẩn chứa tai họa cho các nạn nhân cả tin - Ảnh: N.N.Hà |
Trong số các bạn trên Facebook của tôi có một sinh viên năm thứ hai Đại học Ngân hàng. Em tên L., là học trò của tôi thuở học lớp Get Set Go xa xưa ở trung tâm Anh văn thiếu nhi ngày trước.
Năm 2013, em khoe tôi có một phụ nữ Indonesia kết bạn và thường xuyên trò chuyện với em qua hộp thư trên Facebook. Cô ấy có nickname Yura, thường than thở với em cô ấy sống rất cô đơn trong căn nhà nhỏ ở Jakarta.
Mới đây em kể hè 2014 vừa rồi Yura mời em sang Jakarta chơi, nói em đừng suy nghĩ gì đến chuyện vé máy bay, ăn uống, chỉ cần gặp ông chú của Yura đang làm giám đốc một hãng thời trang tại Sài Gòn. Chú ấy sẽ lo hết hộ chiếu, vé máy bay và cho L. thêm vài trăm USD tiêu vặt.
Chỉ khi về xách giùm chú vali đựng những bộ đồ thời trang, giày dép để chú làm mẫu cho các xưởng thời trang tại Sài Gòn.
Em L. hỏi ý kiến của tôi.
Gia đình L. ở Sài Gòn, thuộc hàng khá giả, L. không phải lo học phí, chỉ thích đi du lịch.
Tôi phản bác ngay bởi làm gì có chuyện xách hàng mẫu theo kiểu cò con, vừa mất công lại tốn kém khi phải “bao” một người như L. sang Indonesia du lịch. Hẳn là họ có ý đồ gì đây...
Trong các ý đồ của họ tôi đưa ra không hề có chuyện vận chuyển ma túy. Tôi chỉ sợ em rơi vào đường dây buôn người. Sang bên đó cái cô Yura gì đó sẽ bán em vào động mại dâm, hoặc “gả” cho một gia đình đông anh em để em làm “nô lệ tình dục” cho họ, và có thể Yura đó bán em cho một tổ chức buôn bán nội tạng...
Ở tuổi 21 đầy sức sống của em, lọt vào đường dây nào cũng là món hàng béo bở...
Em hơi phật lòng và kể Yura nói tôi đa nghi quá, nhìn đâu cũng thấy tội phạm. Tuy nhiên em đã không đồng ý gặp chú của Yura ở quán cà phê, đồng nghĩa với việc em không sang Jakarta
Loạt bài “Cạm bẫy từ những chiếc vali bay” của Tuổi Trẻ đã đến đúng lúc như để tăng thêm sức mạnh lời cảnh báo của tôi dù trong đó không có chút hơi hám của cần sa hay ma túy.
Tôi gửi đường link bài đầu tiên cho L. (bài “Từ giảng đường đại học đến nhà tù”) và nói em hãy nói chuyện với Yura về bài báo, đồng thời chia sẻ rằng cuộc sống thật vô cùng nguy hiểm, bọn ma túy vô cùng tàn ác đánh mất bao ước mơ của những người trẻ vô tội...
Sáng hôm sau tôi nhận được tin Yura đã hủy kết bạn với L. trên Facebook và đã chặn email của L..
Tôi nghĩ không chỉ với L. mà chắc chắn loạt bài này sẽ là bài học quý giá cho những người trẻ mong muốn một cuộc sống tốt hơn. Ước mơ đó rõ ràng không có gì sai cả, cái sai là họ đã thiếu tỉnh táo để bị đưa vào cạm bẫy và mất cả cuộc đời còn lại.
Loạt bài này cũng là tiếng chuông cảnh báo cho mọi người: “Không ai tự dưng mang tiền đến cho mình một cách dễ dàng...”.
Thận trọng với các lời mời khả nghi Thượng tá Phùng Văn Đẳng, phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC47) Công an TP.HCM, cảnh báo: sinh viên, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn nói riêng và mọi người dân nói chung nên hết sức cẩn thận khi nhận được những lời mời, đề nghị ra nước ngoài du lịch, đi làm những việc dễ dàng hoặc nhận chuyển giúp hàng hóa cho người khác khi đi nước ngoài. Nhiều nạn nhân bị PC47 bắt giữ về hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy cho biết họ ở vào hoàn cảnh khó khăn về tình cảm hoặc kinh tế, tùy thuộc vào hoàn cảnh cụ thể của họ mà các đối tượng trong tổ chức tội phạm xuyên quốc gia sẽ có phương án tiếp xúc, dụ dỗ rất khó nhận biết. Ban đầu các nạn nhân được mời đi chơi, đi du lịch, hứa hẹn sẽ không phải làm điều gì nguy hiểm hoặc phạm pháp, nhưng khi đã ra nước ngoài rồi nạn nhân sẽ bị khống chế, bị buộc phải làm theo chỉ đạo của tổ chức tội phạm mà không thể kháng cự. Với những người đi nước ngoài, có ai gửi đồ dùng, hàng hóa mang theo cũng cần thận trọng, chỉ nên nhận của những người thật sự tin tưởng, khi nhận rồi cũng phải kiểm tra kỹ coi hàng đó có chứa ma túy hay vật bị pháp luật cấm vận chuyển hay không. “Chúng tôi kêu gọi những ai là nạn nhân, từng đi vận chuyển ma túy hoặc hàng hóa cho các đối tượng khả nghi như nêu trên hãy tới trình báo với cơ quan điều tra. Những trường hợp đã đi nước ngoài, hoàn tất việc vận chuyển hàng hóa mà chưa bị phát hiện, tới cơ quan điều tra trình báo sẽ không bị xử phạt. Những người đang bị dụ dỗ cần tới cơ quan điều tra trình báo để truy tìm, bắt giữ các thành viên trong tổ chức tội phạm đang ẩn mình đó, tránh việc nhiều nạn nhân bị lừa, bị bắt tiếp theo”, thượng tá Đẳng nói. G.MINH ghi |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Kỳ 1:
Kỳ 2:
Kỳ 3:
Kỳ 4:
Kỳ 5:
Kỳ 6:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận