
Val Kilmer (trái) và đạo diễn Oliver Stone trên trường quay phim The Doors năm 1991 - Ảnh: Rolling Stone
"Tôi cho bạn hay chúng ta phải chết. Tôi cho bạn hay, tôi cho bạn hay, tôi cho bạn hay chúng ta đều phải chết", ca khúc kinh điển Alabama Whiskey của Jim Morrison được phát lên trong bộ phim tiểu sử The Doors, vào đúng thời điểm tất cả mọi thứ chỉ mới bắt đầu với ban nhạc ấy: danh tiếng, những hợp đồng, sự cuồng mộ của những thanh niên.
Huyền thoại Jim Morrison, người sáng lập ra The Doors, mất năm 1971, khi mới chỉ 27 tuổi. 20 năm sau, đạo diễn Oliver Stone làm nên bộ phim tiểu sử về anh, cân nhắc đủ các tên tuổi cho vai diễn ấy, từ Johnny Depp đến Tom Cruise, từ John Travolta đến Richard Gere. Cuối cùng vai diễn dành cho Val Kilmer, "tài tử hàng đầu ít được thừa nhận nhất trong thế hệ mình" - như Roger Ebert đã viết.
Và khi nghĩ đến cũng chính Kilmer là người đã lồng tiếng cho cả Thiên Chúa và Thánh Moses - từ khi còn là đứa trẻ Israel được pharaoh Ai Cập tình cờ nuôi lớn đến lãnh đạo tinh thần của đoàn người Do Thái cổ đại vượt qua Biển Đỏ - trong phim hoạt hình kinh điển The Prince of Egypt, ta mới càng thán phục làm sao cũng vẫn là con người này có thể dịch chuyển từ một huyền thoại Kinh Thánh sang một huyền thoại rock bồng bột, bất kham, ngả ngớn trong khoái lạc và những cơn thức thần.

Lần cuối Val Kilmer xuất hiện trên màn bạc là trong phim Top Gun Maverick
Trong lần đầu tiên Val Kilmer cất giọng ở bộ phim The Doors, cùng các thành viên hát trong một buổi tập luyện tại gia trước mặt mấy cô bạn gái, anh hát: "Vâng, bạn biết rằng ngày luôn hủy diệt đêm, và đêm thì chia cắt ngày".
Giọng hát của Kilmer như tỏa một vầng hào quang bí ẩn, vừa nguyên thủy vừa thôi miên, vừa như một hiền triết mà cũng như một kẻ giận dữ khiến khán giả lặng người: phải chăng Jim Morrison đã sống dậy và nhập vào Kilmer?
Nam tài tử là Jim Morrison đích thực trong từng phân cảnh: khi đứng trên sân khấu trong cơn ngây ngất, gần như mất kiểm soát và bắt đầu kể một câu chuyện mang màu sắc phức cảm Oedipus đầy cấm kỵ; khi gia nhập những trò chơi phù thuật với người tình; khi không thỏa hiệp với bất cứ thiết chế nào, hiên ngang lên sóng trực tiếp hát những ca từ "không đứng đắn", quyết không thay đổi dù chỉ một từ; khi khơi nên một yến tiệc buông tuồng, biến rock thành một thứ thần chú hớp hồn những chàng trai cô gái trẻ tuổi khao khát tự do.
Chẳng cần phải vận tới những kỹ thuật trộn giọng tân tiến, cầu kỳ như ngày nay người ta thường áp dụng để các diễn viên đương thời tiện vào vai những người muôn năm cũ, như trường hợp Austin Butler vào vai Elvis Presley hay Rami Malek vào vai Freddie Mercury. Kilmer hoàn toàn dùng giọng thật và ngay cả những thành viên còn sống của The Doors khi nghe anh hát đôi khi cũng chẳng phân biệt được đâu là thật và đâu là giả.

Phiên bản Batman của Val Kilmer trong Batman: Forever - Ảnh: Warner Bros
Jim Morrison đã mất hơn nửa thế kỷ, Val Kilmer - người tái hiện anh - cũng không còn nữa. Trong cảnh cuối của The Doors, Oliver Stone đã đặt vào thước phim về nghĩa trang Père Lachaise ở Paris, nơi biết bao những con người hào hoa một thời giờ chỉ còn gửi lại nắm tro tàn: Balzac, Chopin, Oscar Wilde, Bizet, Édith Piaf... - toàn là những con người không khuất phục trước cuộc đời nhưng vẫn phải khuất phục trước cái chết.
Đúng là con người thì đều phải chết, song lại mượn những vần thơ của Jim Morrison: "Cái chết biến tất cả chúng ta thành thiên thần, ban cho ta đôi cánh. Nơi từng chỉ có đôi vai trơn láng, giờ sắc lạnh như vuốt quạ đen".
Việc mất đi Val Kilmer vì thế cũng khiến cho ta hoài niệm về một thời Hollywood đã qua và đã xa, khi diễn viên chẳng có nhiều phương tiện nào, công nghệ nào để dựa vào ngoài chính mình.
Nhưng cũng như mọi câu chuyện trớ trêu trên thế gian này, với một giọng hát, giọng nói đẹp tuyệt, Val Kilmer những năm cuối đời lại mắc một vài chứng bệnh dần lấy đi giọng nói của ông và để lên tiếng, có thời gian ông phải cắm một hộp thoại điện tử trong cuống họng mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận