Ảnh: GETTY IMAGES
Trang web Photos cung cấp một số mẹo nhỏ giúp bạn tự bảo vệ mình trong thời đại vạn vật kết nối.
1, Mua sắm ẩn danh để không bị "hớ"
Ảnh: GETTY IMAGES
Năm 2016, ông Keith Chen, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế tại hãng Uber, thừa nhận về thực tế các khách hàng đều sẵn lòng trả cước phí cao hơn khi Uber tăng giá vào giờ cao điểm nếu điện thoại của họ sắp hết pin.
Cũng như thế, trang web du lịch trực tuyến Orbitz, năm 2012 từng gây xôn xao cộng đồng mạng khi người ta phát hiện ra trang này chuyên "đẩy" cho những khách hàng dùng máy tính Mac thuê phòng giá cao hơn so với những người dùng máy tính thường truy cập trang của họ.
Đây là bài học cho thấy trước khi bạn định mua sắm gì đó trên mạng, hãy cẩn trọng kiểm tra lại mức giá sản phẩm/dịch vụ đó trên một thiết bị điện tử khác, hoặc sử dụng một trình duyệt ẩn danh để xác minh.
2, Tắt tính năng Airdrop ở nơi công cộng
Ảnh: GETTY IMAGES
Đây là lưu ý riêng với những người dùng iPhone. Tháng 8-2017 báo New York Post đăng bài viết phản ánh một thực trạng tiêu cực khi nhiều phụ nữ bị gửi vào điện thoại những bức ảnh thô thiển thông qua tính năng Airdrop khi đi trên tàu điện ngầm.
Airdrop là tính năng cho phép truyền tải hình, nhạc, video giữa các thiết bị iOS với nhau. Theo đó bạn hãy thiết lập chế độ cài đặt để tính năng này chỉ hoạt động với những người có trong danh bạ liên lạc của bạn khi ở những nơi công cộng.
3, Cẩn trọng với các thiết bị điện tử "thông minh"
Ảnh: GETTY IMAGES
Tháng 10-2016 từng xảy ra một loạt các vụ tấn công mạng lớn. Nhiều trang web phổ biến như Twitter và Paypal bị một phần mềm mã độc do nhóm hacker cài cắm trong các thiết bị gia dụng tấn công.
Từ bài học này, bạn hãy nhớ thận trọng với tất cả những thiết bị gia dụng có kết nối mạng Internet, từ TV cho tới lò nướng bánh.
4, Sử dụng quyền của mình với dữ liệu cá nhân
Ảnh: GETTY IMAGES
Cả Facebook và Google đều cho phép bạn được tải các dữ liệu cá nhân họ đang lưu trữ của bạn về máy. Với dữ liệu trên Google, bạn có thể dùng công cụ Google Takeout tải về.
Mặc dù điều này không giúp bạn an toàn hơn, nhưng rõ ràng nó là sự báo động cụ thể với bạn khi biết rõ đích xác những thông tin cá nhân nào của mình đang được hãng công nghệ lưu trữ.
5, Nên có một email khác dự phòng
Ảnh: GETTY IMAGES
Nếu bạn không thể sống mà không liên lạc với hàng đống email, vậy thì ít nhất với một địa chỉ email dự phòng riêng, bạn có thể giữ mình thoát khỏi tấm lưới bủa vây của các hãng công nghệ.
6, Sử dụng mật khẩu khó đoán
Ảnh: GETTY IMAGES
Ngay cả bây giờ, năm 2018, các loại mật khẩu "thô sơ" kiểu như "12345" và "password" vẫn là những mật khẩu phổ biến nhất.
Một nguyên tắc đơn giản là mật khẩu càng dài thì càng an toàn. Thế nên vì lợi ích của bạn, hãy cố nghĩ ra một mật khẩu nào đó dễ đoán với mình nhưng lại khó dò với người khác.
7, Kiểm tra xem bạn đã từng bị hack chưa
Ảnh: GETTY IMAGES
Trong thập kỷ qua từng xảy ra rất nhiều vụ tấn công mạng. Theo đó cũng có rất nhiều trang web giúp bạn kiểm tra xem địa chỉ email của mình đã từng nằm trong số các trường hợp bị thao túng dữ liệu trước đây hay không.
Cách làm rất đơn giản: Hãy nhập địa chỉ email của bạn vào những trang đó. Việc kiểm tra thường xuyên này rất nên làm. Hoặc nếu cảm thấy bất an, bạn cần đổi mật khẩu email ngay lập tức.
8, Không bật chế độ tự động phát trên Youtube
Ảnh: GETTY IMAGES
Việc để YouTube tự động phát các video mà thuật toán của nó cho rằng bạn quan tâm thật tiện lợi. Tuy nhiên cách này cũng khiến bạn bị ứng dụng "lái" theo những nội dung nó muốn.
Theo đó, hãy tắt tính năng tự phát này và bấm lựa chọn theo cách thủ công để có thể tìm kiếm những nội dung bạn quan tâm chứ không phải Youtube "quan tâm".
9, Luôn cảnh giác
Ảnh: GETTY IMAGES
Hãy luôn tâm niệm một điều, khi bạn online, sẽ luôn có ai đó theo dõi bạn. Việc duy trì một ý thức như vậy là thói quen tốt nên thiết lập.
Theo đó, bạn cần tránh những chia sẻ thông tin công khai, cho phép các ứng dụng được truy cập sổ địa chỉ liên lạc của bạn.
Thế giới sẽ ngày càng kết nối với nhau chặt chẽ, bao trùm hơn, do đó mỗi người cũng nên ý thức cao hơn trong việc bảo vệ thông tin cá nhân.
10, Bảo mật những tài khoản cũ
Ảnh: GETTY IMAGES
Sau một thời gian gia nhập thế giới số, có thể bạn sẽ có một số tài khoản cũ không còn dùng tới, một tài khoản email chỗ này, một tài khoản mạng xã hội chỗ kia.
Tuy nhiên ngay cả khi không còn dùng chúng nữa, chúng vẫn đang tiếp tục hoạt động và có thể lưu trữ nhiều dữ liệu về bạn.
Vậy nên hoặc bạn chọn cách xóa hoàn toàn tài khoản, hoặc cập nhật mật khẩu mới và lựa chọn giải pháp bảo mật hai bước xác thực để tăng thêm độ an toàn cho dữ liệu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận