Còn đi xe hơi của gia đình hoặc đặt xe taxi thì việc tìm một chỗ dừng để xuống xe cũng khá khó khăn, do lượng xe quá đông. Có khi xe chúng tôi buộc phải dừng ngay giữa đường, cản trở các xe sau...
Vài năm trước, tôi thường mua nước ở cái máy bán nước (vending machine) gần bãi xe máy sân bay Tân Sơn Nhất. Nhưng hiện máy này đã trống trơn và người ta cũng không buồn dẹp cái máy không còn sử dụng.
Cũng như máy bán hàng tự động, cây fontaine nước trong khu đã làm thủ tục xuất cảnh của sân bay đã được dẹp từ khi nào. Ở các sân bay quốc tế khác, cây nước này hiện diện ở mọi nơi, sảnh thủ tục, khu vực đã làm thủ tục xuất cảnh, cổng ra máy bay và khu vực nhập cảnh...
Tại sân bay Đào Viên ở Đài Bắc hay Senai của bang Johor ở Malaysia, tôi thấy chiếc máy bán hàng tự động nằm ngay sát cổng đợi. Giá thật rẻ và tiện lợi cho những chuyến bay sớm hay khuya khi nhà hàng, tiệm ăn không mở cửa.
Giá giải khát, ăn uống ở Tân Sơn Nhất đắt một cách phi lý, khó chấp nhận. Có một tiệm giải khát ghi giá ly cà phê 6,92 USD, rồi quy ra thành 162.000 đồng, gấp khoảng bốn lần giá Highlands và gấp đôi Starbucks bên ngoài.
Cũng một tách capuccino tôi uống ở London Heathrow cùng ngày hôm đó, giá chỉ hơn 2 bảng Anh, khoảng 65.000 đồng.
Hệ thống WiFi ở sân bay rất chập chờn, ổ điện lỏng lẻo, chỗ buồng ngủ con nhộng (sleep capsulse) nằm khuất, khâu an ninh và thủ tục xuất nhập cảnh còn phải chờ đợi lâu. Cổng xuất nhập cảnh tự động (autogate) chỉ cho khách quốc tịch Việt Nam có hộ chiếu gắn chip điện tử sử dụng khi nhập cảnh. Nạn lấy cắp hành lý vẫn xảy ra...
Tân Sơn Nhất vẫn cần cải thiện rất nhiều thứ. Cải thiện chất lượng dịch vụ sân bay này cũng là tiền đề hay hình mẫu cho sân bay Long Thành nếu sân bay mới muốn vươn lên nhận lãnh vai trò sân bay trung tâm lớn trong khu vực ở Đông Nam Á.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận