Việc khán giả phản ứng mạnh với các bộ phim giờ vàng trên sóng truyền hình không còn lạ lẫm nhưng việc phim sắp kết thúc mà vẫn bị đòi "bỏ xem" như Thương ngày nắng về là lần đầu tiên.
Tập 51 của Thương ngày nắng về vừa lên sóng tôi 27-7 vừa qua đã tiếp tục nhận về nhiều phản ứng gay gắt của khán giả theo dõi.
Theo đó, ở diễn biến mới nhất của phim, chủ tịch Hoàng Long (NSND Tiến Đạt đóng) đã tỉnh dậy sau cơn đột quị, ra tay dẹp yên nhóm người âm mưu hãm hại mình để chiếm đoạt tập đoàn. Âm mưu trả thù cho người yêu xấu số và thôn tính tài sản của "mẹ kế" Nhật Mai đã bị vạch trần. Nhật Mai cùng với ông Sang phải chọn ra đi tay trắng để tránh việc nhận hình phạt từ pháp luật.
Ông Hoàng Long (NSND Tiến Đạt) tỉnh lại và "một mẻ" tóm gọn kẻ thù
Cách giải quyết này của ông Long được xem là rộng lượng với kẻ thù hơn trước và khiến Duy nhìn nhận lại bố mình. Tuy nhiên cũng từ đây, chân tướng vụ tai nạn của bố nuôi Vân Trang đã được lột trần. Trang thực sự sốc và đau đớn khi biết bố của chồng sắp cưới lại chính là thủ phạm hại chết bố mình, khiến cả gia đình mang trong lòng nỗi đau khôn nguôi.
Nếu như, khán giả hoàn toàn cảm thông với cảm xúc, nỗi đau mất chồng, mất người cha yêu thương của cả gia đình bà Nga một lần nữa bị “xới lại” thì nhiều ý kiến chỉ trích cách ứng xử của Duy.
Đành rằng, Duy cũng là nạn nhân trong hoàn cảnh trớ trêu vì đứng giữa bố ruột là người hại chết bố người yêu nhưng việc Duy khuyên nhủ Trang cố vượt qua nỗi đau, tiếp tục giữ tình yêu của hai người với lí do cả hai đều không có lỗi trong sự việc này là điều khó chấp nhận.
Phản ứng của Duy khi biết bố ruột là người gây tai nạn xe khiến bố người yêu qua đời
Duy nói với Trang: “Chúng ta đã hứa với nhau phải quyết liệt với sự lựa chọn của mình. Còn trong chuyện này, em và anh không cần phải nhận hết lỗi về mình đâu…”
Thậm chí, ở đoạn Duy và Trang trò chuyện đã vô tình để Vân Vân nghe thấy khiến cô phản ứng vô cùng kích động. Gần như khán giả đều đoán được, sự nhân hậu và ước muốn cho người thân được hạnh phúc, mẹ Nga và các con không có ý định khiến ông Long phải trả giá cho hành động của mình. Và phản ứng của Duy và ông Long trong phân đoạn này làm khán giả phải quay xe.
Duy khuyên Trang quyết liệt bảo vệ tình yêu vì cả hai không có lỗi trong vụ tai nạn
Suốt cả phim, Hoàng Duy được biên kịch xây dựng với hình tượng một chàng trai tài giỏi, thấu tình đạt lý, luôn tinh tế trong ứng xử với mọi người. Đến tình huống mang tính quyết định này, Duy lại “đánh mất” hết những đức tính tốt đẹp kể trên.
Lời nói và hành xử ban đầu ngay từ khi chính tai nghe được bố mình là người gây tai nạn chết người, Duy đều thể hiện một gương mặt không cảm xúc. Thậm chí, không có ý khuyên răn bố nhận lỗi chịu phạt, sửa chữa sai lầm hoặc ít nhất giúp xoa dịu vết thương lòng của Trang và các thành viên trong gia đình cô.
Đoạn cut cuộc trò chuyện của Duy với Trang về tai nạn của bố Mậu
Duy cũng để lộ gương mặt “không cảm xúc” khi thấy Vân Vân vô tình nghe được đoạn trò chuyện về cái chết của bố ruột. Luôn được nhận xét là tính trẻ con, suy nghĩ hời hợt nhưng Vân Vân đã có câu thoại khiến nhiều người lớn phải suy nghĩ.
Câu nói của Vân: “Gây tai nạn là không cố ý nhưng không gọi xe cứu thương, tìm người đi tù thay là cố tình” nhận được nhiều sự đồng cảm. Nhiều khán giả cũng đặt câu hỏi: “Người làm việc ác không cần phải nhận quả báo hay chăng?”
Cùng với phản ứng mạnh đó, khán giả cũng ngao ngán bày tỏ rằng, phim nên kết thúc sớm để không phải xem drama lắt léo, người đáng thương mãi không được bênh vực còn người làm việc xấu lại không hề ăn năn, sống giàu có, an nhiên đến già…
Ông Long kiên quyết giữ cái tôi, một mực tìm cách bảo vệ gia tài thay vì nhận lỗi lầm
Hành động lẽ ra Duy và ông Long nên làm đầu tiên là đến nhà bà Nga nhận lỗi lại chỉ được làm sau cùng. Khi Duy biết tình trạng bệnh của bố trở nặng, thời gian sống chỉ còn tính bằng tháng. Anh một mình đến nhà bà Nga, xin thay mặt bố mình để nhận lỗi trước người đã khuất.
Dù Duy đã “biết nghĩ” hơn nhưng cũng chỉ cho thấy, anh đang cố bảo vệ người bố ích kỷ, vì tham vọng của bản thân mà xem việc làm người khác tổn thương, khốn khổ là lẽ đương nhiên.
Về phía ông Long dù vừa trở về từ cửa tử vẫn cố chấp, ích kỷ chỉ lo lắng cho sản nghiệp và tự trọng của bản thân mình. Một mặt ông Long ép Duy phải chia tay Trang, tập trung chèo lái tập đoàn.
Mặt khác, ông còn “mặt dày” nhờ mẹ ruột của Trang cùng giúp tập đoàn vượt qua khó khăn. Nhưng ông nhất quyết không chịu hạ cái tôi, đồng ý với điều kiện duy nhất là phải nhận lỗi với gia đình bà Nga về vụ tai nạn do mình gây ra. Việc ông Long luôn lấy cớ mình sắp chết “để ngã giá” với tất cả cũng khiến khán giả ức chế không kém.
Với thời lượng 3 tập cuối, khán giả dự đoán Thương ngày nắng về sẽ tiếp tục kết phim theo kiểu “đầu voi đuôi chuột”. Theo đó, với cả loạt drama lắt léo chưa hề có sự hoá giải sẽ chỉ được giải quyết một cách hời hợt.
Ngoài việc ông Long phải nhận tội, xin tha thứ vì vụ tai nạn khiến ông Mậu qua đời thì tình hình sức khỏe của mẹ Nga cũng làm khán giả lo lắng kết phim sẽ không thực sự “có hậu” một cách trọn vẹn.
Mẹ Nga béo có dấu hiệu đãng trí nặng, sức khoẻ sa sút
Những diễn biến gần đây cho thấy, bà Nga có biểu hiện nhớ nhớ quên quên, đầu óc không được minh mẫn. Cụ thể, bà cho hàng xóm mượn xe đạp điện mà tưởng mất xe, không nhớ mình đã nêm gia vị vào nồi nước riêu hay chưa khiến khách hàng kêu trời vì ăn bún quá mặn.
Mặc dù, ở phần cuối kịch bản Thương ngày nắng về đã có những thay đổi lớn để “chiều” theo khán giả với cái kết có hậu hơn bản gốc. Tuy nhiên, việc để ông Long - người gây ra hàng loạt sóng gió cho các nhân vật trong phim được tha thứ và ra đi nhẹ nhàng vì ung thư giai đoạn cuối hay việc để bà Nga sức khỏe ngày càng xấu đi sẽ làm cho cái kết dù có đám cưới lãng mạn cũng không trọn vẹn niềm vui, hạnh phúc như nhiều người theo dõi phim kỳ vọng.
Nhưng có vẻ càng "ức chế" người xem càng không thể rời mắt khỏi màn hình nhỉ?!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận