Sau gần 30 năm nghiên cứu, ngành y tế thế giới đã phát triển thành công văcxin chống sốt rét. Giấc mơ về một loại văcxin kháng tất cả mọi chủng cúm cũng đang dần trở thành hiện thực. Bệnh sốt rét vẫn đang là nỗi kinh hoàng ở nhiều nơi Thời gian qua, thế giới náo động với đại dịch Ebola, nhưng trên thực tế bệnh sốt rét đáng sợ hơn nhiều. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), dịch Ebola nổ ra tại Tây Phi hồi năm 2014, hơn 11.000 người thiệt mạng. Trong khi đó, chỉ riêng năm 2013, thế giới có tới 198 triệu người nhiễm sốt rét, 584.000 người thiệt mạng. Trong năm 2014, dịch sốt rét diễn ra ở 97 quốc gia. Tuy nhiên, cúm là một trong các vấn đề y tế gây tốn kém nhất. Con số 250.000 - 500.000 ca tử vong vì cúm mùa trên thế giới mỗi năm mà WHO đưa ra có thể gây tranh cãi, bị xem là thổi phồng quá mức. Dù vậy, giới chuyên gia y tế vẫn khẳng định bệnh cúm khiến các nước thiệt hại hàng chục tỉ USD mỗi năm vì chi phí chữa trị, tổn thất về sản xuất... Và từ trước đến nay, ý tưởng một mũi tiêm văcxin có thể giúp bảo vệ cơ thể trước nhiều chủng virút cúm trong nhiều năm, thậm chí cả đời, vẫn bị xem là chuyện khoa học viễn tưởng. Mới thành công trên động vật "Màn chống muỗi vẫn là công cụ chống sốt rét hiệu quả..." Chuyên gia Adrian Hill (giám đốc Viện Jenner thuộc ĐH Oxford) Bệnh sốt rét chủ yếu lây qua người từ muỗi. Ký sinh trùng sốt rét sinh sản nhanh, thay đổi hình thái nhiều lần trong vòng đời, do đó phát triển văcxin để miễn dịch căn bệnh này là cực khó. Ngày 24-7-2015, Cơ quan Y khoa châu Âu (EMA) đánh giá văcxin Mosquirix của Hãng dược Anh GlaxoSmithKline (GSK) là an toàn và hiệu quả. Đó là “đèn xanh” cần thiết để ngành y tế chuyển từ giai đoạn phát triển và thử nghiệm Mosquirix sang giai đoạn áp dụng. Mosquirix không chỉ là văcxin chống sốt rét đầu tiên được cấp phép, mà còn là văcxin chống lại bệnh do ký sinh trùng gây ra đầu tiên được cấp phép. Các nhà khoa học đã bắt đầu nghiên cứu văcxin chống sốt rét từ năm 1987, dùng văcxin viêm gan B làm nền tảng. Hơn 500 triệu USD đã được đổ vào công trình nghiên cứu Mosquirix. Mosquirix hoạt động bằng cách kích hoạt hệ miễn dịch của cơ thể chống lại ký sinh trùng sốt rét khi nó đi vào máu bệnh nhân và khi tấn công gan. Mosquirix được thiết kế để ngăn chặn ký sinh trùng sốt rét sinh sản trong gan. Từ gan, ký sinh trùng này quay trở lại máu, tấn công các tế bào hồng cầu gây bệnh sốt rét. Ngoài chống sốt rét, Mosquirix còn có thể bảo vệ cơ thể trước bệnh viêm gan B. Kết quả thử nghiệm Mosquirix được công bố trên tạp chí y học The Lancet hồi tháng 4. Trước đó, GSK và các đối tác tổ chức cuộc thử nghiệm quy mô lớn tại bảy quốc gia châu Phi với sự tham gia của 15.459 trẻ em. Trên thực tế, Mosquirix không phải là “viên đạn bạc” có thể tiêu diệt hoàn toàn bệnh sốt rét. Phần lớn văcxin có tỉ lệ bảo vệ 80-90%. Nhưng thử nghiệm cho thấy Mosquirix chỉ có hiệu quả 50% ở trẻ em từ 5-17 tháng tuổi. Tỉ lệ hiệu quả ở trẻ sơ sinh từ 6-12 tuần tuổi còn thấp hơn. Hơn nữa hiệu lực của văcxin giảm dần sau một năm. Các chuyên gia kinh tế y khoa ước tính giá bốn liều Mosquirix cần thiết để chống sốt rét lên đến 20 USD. WHO xác định phải đến năm 2017 Mosquirix mới được sử dụng rộng rãi. Giấc mơ “một lần” Đã từ lâu, các nhà khoa học nỗ lực tìm kiếm một loại văcxin chống tất cả các loại cúm. Mục tiêu tưởng như bất khả thi đó đang dần rõ hơn. Nghiên cứu của Viện nghiên cứu văcxin (VRC) thuộc Viện Y tế quốc gia Mỹ trên chuột và vẹt cho thấy văcxin thử nghiệm bảo vệ chúng thành công trước virút cúm gia cầm H5N1. Nghiên cứu của Viện văcxin Crucell (Hà Lan) đạt hiệu quả cao trên chuột. Hai nghiên cứu này vừa được đăng tải trên tạp chí Science và Nature Medicine. Các văcxin cúm hiện tại tấn công protein có tên haemagglutinin. Phần đầu của protein này dễ tiếp cận, nhưng liên tục biến đổi gen và thay đổi từ chủng virút này sang chủng virút khác. Cả hai nhóm chuyên gia kể trên đều phát triển phương pháp tấn công phần thân của protein haemagglutinin không thay đổi. Các chuyên gia y tế quốc tế đánh giá chúng là “bước tiến lớn” nhưng chưa rõ có tạo kháng thể miễn dịch trong cơ thể người hay không và kéo dài bao lâu. “Đây mới chỉ là bước đầu đầy hào hứng. Các văcxin mới cần được thử nghiệm trên cơ thể người để chứng minh hiệu quả của chúng. Giai đoạn nghiên cứu đó sẽ phải mất vài năm” - giáo sư Sarah Gilbert thuộc ĐH Oxford cho biết. Lý do lớn nhất để cần một văcxin chống nhiều loại cúm là vũ khí cần thiết để chống chọi lại với một đại dịch cúm nguy hiểm ở phạm vi toàn cầu. Các nhà khoa học nhiều lần cảnh báo nguy cơ virút cúm gia cầm H5N1 có thể biến đổi gen, dễ dàng lây lan từ người sang người, gây ra một đại dịch toàn cầu. Vì thế, những gì VRC và Crucell đạt được hiện tại là nền tảng để ngành y tế phát triển các loại văcxin chống cúm hiệu quả cao, giúp ngăn chặn nguy cơ đại dịch. ■ Tags: Vắc xin sốt rétVắc xin cúmTừ không đến có thể
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp cho Malaysia THANH HIỀN 22/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, trong đó có lương thực, cà phê với Malaysia và đề nghị Malaysia hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal.
KOL Huyền Phi từng ở nhà dột, hút hàng triệu người theo dõi để bán hàng Việt thế nào? BÔNG MAI 22/11/2024 Gắn liền với bộ đồ bà ba giản dị, giọng nói dễ mến, Huyền Phi đưa hàng triệu người xem trải nghiệm cuộc sống thôn quê bình dị qua video nấu ăn, đi ruộng... Sau tháng ngày ở nhà dột, kiếm ăn từng bữa, cô đổi đời, tạo công ăn việc làm cho nhiều người.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Tình báo Ukraine: Tên lửa mới của Nga vượt tốc độ 13.500km/h THANH HIỀN 22/11/2024 Cơ quan tình báo của Ukraine nhận định tên lửa Nga tấn công hôm 21-11 đã bay trong 15 phút trước khi va chạm ở thành phố Dnipro và đạt tốc độ tối đa vượt quá Mach 11 (trên 13.500km/h).