Phóng to |
Chích văcxin ngừa ung thư cổ tử cung - Ảnh: N.C.T. |
Với giá tiêm ngừa lên tới 880.000-1.350.000 đồng/mũi tiêm, văcxin ngừa ung thư cổ tử cung từng được coi là văcxin thời thượng của những người có điều kiện kinh tế ở Việt Nam.
Nguy cơ phản ứng phụ
Trao đổi ngày 27-8, ông Trịnh Quân Huấn - nguyên thứ trưởng Bộ Y tế, chuyên gia cao cấp của Bộ Y tế - cho biết thống kê từ năm 2006-2013 tại Mỹ, đã có 57 triệu mũi tiêm văcxin ngừa ung thư cổ tử cung được sử dụng. Trong số này, có 22.000 người (chủ yếu là thanh thiếu niên 10-25 tuổi) gặp các phản ứng phụ sau tiêm như đau đầu, buồn nôn và nôn, sưng chỗ tiêm. Tỉ lệ gặp phản ứng nhẹ như vừa kể ở mức 92%, số còn lại là các phản ứng nặng hơn như liệt không hồi phục.
Trong khi đó, các báo cáo từ Nhật Bản cho thấy ngày 24-8, gia đình của tám nạn nhân bị tai biến sau tiêm văcxin ngừa ung thư cổ tử cung Cervarix và Gadasil đã đến trao bản kiến nghị Chính phủ Nhật ngưng sử dụng các văcxin này trong chương trình tiêm chủng. Các nạn nhân tai biến đều từ 14-18 tuổi, một nửa trong số họ phải dùng xe lăn do liệt một phần. Họ cũng gặp các triệu chứng như đau đầu, đau toàn thân, co giật cơ… sau tiêm văcxin này. Thống kê cho thấy đã có gần 2.000 người gặp phản ứng sau tiêm văcxin ngừa ung thư cổ tử cung trong số trên ba triệu người đã tiêm ngừa tại Nhật Bản.
Trong khi đó, tại Việt Nam, theo ông Nguyễn Nhật Cảm - giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, Cervarix và Gadasil là văcxin mới, trước đây không có nhiều người tiêm ngừa, nhưng gần đây do các chương trình truyền thông quảng bá về hiệu quả tiêm ngừa nên số người tiêm hai văcxin này tăng lên rõ rệt. “Chúng tôi chưa ghi nhận các phản ứng nặng như liệt ở Nhật Bản và Mỹ, nhưng các phản ứng nhẹ như sưng chỗ tiêm, đau vết tiêm… là có” - ông Cảm cho biết.
Nên thận trọng
Thông tin về nguy cơ của Cervarix và Gadasil đã được nêu ra tại cuộc họp có đông đủ đại diện Bộ Y tế VN, Tổ chức Y tế thế giới tại VN tháng 6 vừa qua. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có thống kê nào về nguy cơ hoặc số lượng các trường hợp đã sử dụng Gadasil, Cervarix từ khi văcxin này vào thị trường, cũng như các trường hợp có phản ứng phụ sau tiêm (kể cả phản ứng nhẹ), ngoại trừ trường hợp thiếu nữ 18 tuổi tử vong sau tiêm văcxin ngừa ung thư cổ tử cung tại TP.HCM hồi tháng 5. Theo một chuyên gia, có thể đây là văcxin “dịch vụ” nên việc thống kê có phần lỏng lẻo hơn.
Tại VN, thời điểm năm 2008 khi hai văcxin ngừa ung thư cổ tử cung có mặt trên thị trường, đã có những ý kiến của người có trách nhiệm đề nghị đưa văcxin này vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Nếu không có trở ngại lớn là “tiền đâu” (giá tiêm ngừa từ 880.000-1.350.000 đồng/mũi tiêm, mỗi người tiêm ba mũi), rất có thể văcxin này đã có số lượng người sử dụng rộng rãi hơn ở VN. Tuy nhiên, rất nên sớm khảo sát về lượng người đã sử dụng văcxin, số trường hợp gặp phản ứng phụ và tỉ lệ phản ứng phụ nặng, trước khi có quyết định đưa văcxin này vào các chương trình tiêm chủng đại chúng hơn. Theo ông Cảm, “phòng bệnh bằng văcxin là biện pháp phòng bệnh rẻ và hữu hiệu nhất”, tỉ lệ ung thư cổ tử cung lại dẫn đầu trong các loại ung thư ở nữ giới tại TP.HCM (loại ung thư có tỉ lệ cao nhất ở Hà Nội là ung thư vú) thì càng nên thận trọng để hiệu quả tiêm ngừa không tăng cùng với số lượng tai biến sau tiêm.
Cần thống kê số ca tai biến Theo ông Trịnh Quân Huấn, trước tình hình liên tiếp có báo cáo phản ứng sau tiêm văcxin ngừa ung thư cổ tử cung tại Nhật Bản và Mỹ, Bộ Y tế nên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới xem các khuyến cáo hiện thời của tổ chức này liên quan đến hai văcxin ngừa ung thư cổ tử cung đang lưu hành. Đồng thời thống kê số lượng văcxin đã sử dụng, số lượng phản ứng sau tiêm nếu có, hiệu quả miễn dịch tại quần thể được tiêm so với trước tiêm, đối tượng nên tiêm ngừa… |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận