25/01/2021 09:00 GMT+7

Vắcxin COVID-19: giãn tiêm vì thiếu hàng

LONG THẢO
LONG THẢO

TTO - Một số nước châu Âu chọn cách kéo dài thời gian thực hiện mũi tiêm thứ hai, để có thể tiêm phòng nhiều hơn cho người dân mũi đầu. Biện pháp này đang gây tranh cãi về tính hiệu quả.

Vắcxin COVID-19: giãn tiêm vì thiếu hàng - Ảnh 1.

Tiêm vắcxin của Pfizer/BioNtech ở sân Trường ĐH Arizona ngày 21-1 - Ảnh: Reuters

Theo chỉ định từ các hãng sản xuất vắcxin ngừa COVID-19, mỗi người cần được tiêm hai mũi đầy đủ và cách nhau 21 ngày (với loại của Pfizer/BioNTech) và 28 ngày (với loại của Moderna). 

Tuy nhiên, một số nước đã tính cách tận dụng tối đa nguồn cung vắcxin đang rất hạn chế để tiêm cho nhiều người nhất nhằm tạo miễn dịch cộng đồng, trong đó có việc kéo dài thời gian tiêm liều thứ hai.

Pháp đề xuất lên 6 tuần

Ngày 23-1, Cơ quan Giám sát y tế cấp cao (HAS) của Pháp đã đề xuất tăng gấp đôi thời gian nghỉ giữa hai mũi tiêm vắcxin ngừa COVID-19, từ 3 tuần lên 6 tuần, nhằm tăng số người được tiêm phòng. Theo HAS, nếu thực hiện theo cách trên sẽ cho phép tiêm thêm được ít nhất 700.000 người trong tháng đầu tiên.

Tuy vậy, tại các viện dưỡng lão, quãng thời gian giữa hai mũi tiêm vẫn được duy trì là 3 tuần vì đây là đối tượng ưu tiên. Con số này sẽ là 4 tuần đối với các nhân viên y tế, và được đề xuất tăng lên 6 tuần đối với người bình thường.

HAS giải thích rằng việc giãn thời gian tiêm mũi thứ hai lên 6 tuần là hợp lý vì mũi đầu tiên chỉ giúp bảo vệ người tiếp nhận trước virus từ ngày thứ 12 hoặc 14 sau khi tiêm. Tuy nhiên, HAS nhấn mạnh mọi người vẫn cần được tiêm mũi thứ hai đầy đủ. HAS là một cơ quan độc lập, các khuyến cáo của họ có thể là gợi ý cho chính sách của Chính phủ Pháp.

Hồi đầu tháng này, ông Alejandro Cravioto - chủ tịch nhóm chuyên gia cố vấn chiến lược về miễn dịch của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) - thừa nhận dù hiện thiếu dữ liệu về mức độ an toàn và tính hiệu quả trong thử nghiệm lâm sàng về việc tiêm hai liều vắcxin của Pfizer với khoảng cách 3-4 tuần, song cơ quan này đề nghị các nước hạn chế về nguồn cung đối với vắcxin của Pfizer có thể trì hoãn việc tiêm mũi thứ 2 thêm vài tuần để tối đa hóa số người được tiêm mũi đầu tiên. 

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng mọi quyết định đều để ngỏ, tùy thuộc vào tình hình của mỗi nước.

Về phần mình, đến nay các nhà sản xuất Pfizer và BioNTech vẫn cảnh báo rằng chưa có bằng chứng nào cho thấy vắcxin của họ sẽ tiếp tục bảo vệ được con người nếu liều thứ hai không được tiêm bổ sung sau 21 ngày.

Trong khi đó, tại Anh, các nhà quản lý đã quy định các liều có thể được tiêm cách nhau đến... 12 tuần. Bộ Y tế và chăm sóc sức khỏe Anh cho biết quyết định khoảng cách giữa hai mũi tiêm là 12 tuần được đưa ra sau khi đánh giá kỹ lưỡng số liệu và phù hợp với khuyến nghị của bốn văn phòng y tế hàng đầu của nước này.

Phản ứng của giới chuyên môn

Tính đến ngày 23-1, tại Anh có 5,9 triệu người đã được tiêm mũi vắcxin ngừa COVID-19 đầu tiên. Tuy nhiên, việc cho phép hoãn tiêm mũi thứ hai vắcxin của Hãng Pfizer (Mỹ) tới 12 tuần đang vấp phải chỉ trích từ các bác sĩ. 

Trong một bức thư gửi trưởng văn phòng y tế vùng England Chris Whitty, Hiệp hội Y khoa Anh cho biết khoảng cách 12 tuần giữa hai mũi là trái với hướng dẫn của WHO. Hiệp hội này kêu gọi Chính phủ Anh rút ngắn khoảng cách xuống tối đa là 6 tuần.

Anh hiện đang sử dụng vắcxin ngừa COVID-19 của Hãng Pfizer và của Hãng dược AstraZeneca (Anh). Hãng AstraZeneca cho biết các dữ liệu cho thấy với khoảng cách giữa hai mũi tiêm từ 8-12 tuần, vắcxin của họ vẫn có hiệu quả tốt.

Giới chuyên môn tại Pháp cho biết khi người được tiêm có các triệu chứng "phản hồi" thì tức là cơ thể đã có miễn dịch và ghi nhận đến nay là 52% số người được tiêm mũi đầu có miễn dịch. Nhưng khả năng phải tiêm lại vắcxin ngừa COVID-19 mỗi năm đang rất hiển hiện.

Thiếu vắcxin nên kiện tụng

vaccin nhan o mexico

Tiếp nhận vắcxin của Pfizer tại sân bay quốc tế Benito Juarez của Mexico ngày 19-1- Ảnh: Reuters

"Do không có vắcxin mới được phê duyệt, nên chúng tôi đang phải bù những thiếu hụt hiện nay.

Ông Ugur Sahin (đồng sáng lập Hãng BioNTech) than vãn trên báo Đức Spiegel vào đầu tháng 1-2021

Việc hai đơn vị sản xuất vắcxin ngừa COVID-19 hàng đầu hiện nay là Pfizer/BioNTech và Moderna gần như cùng lúc thông báo không thể cung cấp đơn hàng đúng hẹn, đặc biệt cho các khách hàng châu Âu, đã khiến nhiều nước nổi giận. Điều đó không chỉ vi phạm hợp đồng mà quan trọng hơn là khiến kế hoạch tiêm chủng của các nước bị thay đổi rất nhiều, thậm chí có thể dẫn đến những phản ứng mạnh của dân chúng nếu nguồn vắcxin không đủ cho mũi thứ hai.

Theo báo Les Echos, thậm chí một số quốc gia lo sợ bị chậm đến 80% số liều vắcxin đã đặt mua. Câu trả lời rõ ràng của các đơn vị sản xuất đến nay vẫn chưa có ngoài giải thích "nhu cầu quá cao khiến năng lực sản xuất không thể đáp ứng nhanh".

Trong tình thế khó khăn, một số quốc gia chọn cách sử dụng lọ vắcxin Pfizer/BioNTech theo chỉ định là 5 mũi thành 6 mũi thì liền bị liên danh trên "cắt ngay" số đơn vị lọ đã ký kết. Chẳng hạn, Liên minh châu Âu đặt mua 600 triệu liều mà ban đầu dự tính là 120 triệu lọ thì nay Pfizer/BioNTech nói sẽ chỉ cung cấp 100 triệu lọ!

Vì thế đã có một số quốc gia tính chuyện kiện tụng. Ngày 23-1, Thủ tướng Ý Giuseppe Conte đã chỉ trích hai hãng dược sản xuất vắcxin là Pfizer/BioNTech và AstraZeneca vì sự chậm trễ trong chuyển giao vắcxin theo hợp đồng.

Trên mạng xã hội Facebook, Thủ tướng Conte nhấn mạnh đây là hành động không thể chấp nhận được. Theo ông, kế hoạch tiêm phòng vắcxin tại Ý được xây dựng dựa trên cơ sở các cam kết tự do giữa các công ty dược với Ủy ban châu Âu (EC). Việc chậm trễ cung ứng vắcxin vi phạm nghiêm trọng hợp đồng và gây thiệt hại cho Ý và các quốc gia khác.

Thủ tướng Conte đồng thời để ngỏ khả năng kiện các nhà sản xuất vắcxin vì vi phạm này. Sau tuyên bố của Thủ tướng Conte, một quan chức cấp cao nước này cho biết Ý sẽ cân nhắc lại về toàn bộ chương trình tiêm phòng COVID-19 nếu việc cung ứng vẫn gặp vấn đề.

Trước đó, người phát ngôn của Chính phủ Ba Lan - ông Piotr Muller - cũng cho biết nước này có thể kiện Pfizer/BioNTech nếu không được phân phối hết số lượng vắcxin ngừa COVID-19 như kế hoạch.

Phát biểu trên Đài phát thanh công cộng Polskie Radio Program 1, ông Muller nêu rõ: "Tôi cho rằng một quyết định như vậy (kiện Hãng Pfizer) có thể được thực hiện vào tháng tới nếu các nguồn cung này không được hoàn tất như cam kết của nhà sản xuất vắcxin".

TƯỜNG NGUYỄN

Na Uy phát cảnh báo 23 ca tử vong sau tiêm vắcxin ngừa COVID-19 Na Uy phát cảnh báo 23 ca tử vong sau tiêm vắcxin ngừa COVID-19

TTO - Chỉ sau 10 ngày, cơ quan chức năng của Na Uy phải phát đi cảnh báo về tình trạng người tử vong sau khi tiêm vắcxin ngừa COVID-19 do hai hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ và BioNTech của Đức phối hợp phát triển.

LONG THẢO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên