TTCT- Ở một khía cạnh nhất định, Hoa Kỳ vẫn đang tiếp tục khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” không khác gì dưới thời Donald Trump. Là nhà sản xuất vaccine phòng COVID-19 thứ nhì thế giới, Mỹ vẫn mua thêm vaccine và muốn trước hết phải bảo đảm nhu cầu trong nước đã. Washington cũng hứa hẹn 80 triệu liều đóng góp (bán) cho thế giới, nhưng việc triển khai thì phải từ từ. Và ngay cả 80 triệu liều đó cũng như muối bỏ biển mà thôi. Anh, một trong những nước làm ra lượng vaccine lớn nhất thế giới, cũng chỉ nhập thuốc mà không chịu bán ra. Ấn Độ, hiện là điểm nóng bi thảm nhất với 4.000 người chết mỗi ngày, cũng khóa mọi nguồn xuất khẩu với lý do tương tự.Nếu Mỹ, Anh và Ấn Độ duy trì biện pháp này, phần thế giới còn lại sẽ hoàn toàn phụ thuộc vào vaccine từ Đức, Nga và Trung Quốc. Chính Liên minh châu Âu (EU) cũng thiếu thuốc sau khi xuất đi 77 triệu liều vaccine cho 33 quốc gia, trong đó có Anh và cả Mỹ. Chương trình nghị sự của họ nay bao gồm việc nước nào không xuất khẩu thuốc cũng sẽ không được mua thuốc. Nếu cuộc chiến vaccine này không chấm dứt sớm, tất cả sẽ cùng thua.Ảnh: ft.com Đồng sàng dị mộngTháng 3 bắt đầu với những chỉ dấu lạc quan. Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) ở Amsterdam cho biết đã bắt đầu quy trình thẩm định cuốn chiếu để cấp phép cho Sputnik V. Từ nay trở đi, các dữ liệu từ thử nghiệm lâm sàng sẽ được Nga cấp tốc nộp cho Amsterdam nhằm bảo đảm cấp phép sớm nhất cho thị trường EU.Quả là một tín hiệu đáng mừng, ngay cả khi EU biết Nga sẽ không thể tạo bước đột phá đáng kể vì tiềm lực sản xuất còn chưa đủ cho nhu cầu trong nước. Nhưng khi mỗi mũi tiêm có tiềm năng cứu một hay nhiều mạng người thì người ta nên vui mừng với mỗi cái bắt tay, ngõ hầu tách cuộc chiến chống dịch ra khỏi mọi mối xung đột địa chính trị chưa bao giờ hạ nhiệt.Ngay lập tức, Chủ tịch Ủy ban EU Ursula von der Leyen hứa với 27 nguyên thủ quốc gia tại hội nghị thượng đỉnh rằng đến tháng 9 châu Âu sẽ có chừng 1,1 - 1,8 tỉ liều vaccine, đủ cho mọi người dân EU trưởng thành được tiêm phòng đủ hai mũi.Tiếc rằng đó là tín hiệu đáng mừng cuối cùng của nửa đầu năm 2021, bởi vì sau đó dồn dập toàn tin dữ.Thủ tướng Áo Sebastian Kurz và Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen tìm đến Thủ tướng Israel Benjamin Netanjahu để tạo ra mối làm ăn theo hướng “không phụ thuộc vào EU nữa” về vaccine. Trước đó, Hungary đã đơn phương đặt mua Sputnik V của Nga và Sinopharm của Trung Quốc từ lâu. Thủ tướng Czech Andrej Babis thì qua mặt EMA để tự đặt kế hoạch ưu tiên cấp phép sớm cho Sputnik V, hầu như chắc chắn Croatia sẽ làm theo. Cùng hội cùng thuyền còn có Úc, Na Uy, Hi Lạp, New Zealand, Israel... - những nước tự coi mình thuộc “nhóm đi đầu” trong chiến dịch tiêm chủng nhưng trên con đường riêng!Chiến tranh vaccine là có thật. Đơn cử, Ý vận dụng ngay cơ chế kiểm soát xuất khẩu mà EU vừa ký chưa ráo mực hồi tháng 1 để chặn 250.000 liều AstraZeneca của nhà sản xuất Anh - Thụy Điển toan gửi sang Úc. Rồi khi Ủy ban EU đàm phán xong để mua 1,8 tỉ liều vaccine từ BioNTech/Pfizer cho đến năm 2023 thì một nước thành viên duy nhất lại không chịu ký. Pháp làm mình làm mẩy vì BioNTech/Pfizer (Đức/Mỹ) sản xuất vaccine rất thành công ở Bỉ và Đức, Moderna (Mỹ) có xưởng ở Thụy Sĩ và Tây Ban Nha, trong khi Pháp chưa có sản phẩm nào trình làng và cũng không ai chọn nước này làm nơi sản xuất, khiến Tổng thống Emmanuel Macron chịu áp lực lớn từ dư luận trong nước.Người không vì mình...Không có bộ luật nào trên thế giới cấm được con người cố gắng bảo toàn sự sống, do đó nhiều quốc gia chưa dám hình sự hóa các mẹo vặt để được tiêm chủng ngoài thứ tự ưu tiên, thậm chí còn không phạt vi cảnh. Dù khó thông cảm nhưng cũng dễ hiểu, khi ai nấy đều muốn vớ lấy cái phao gần nhất khi tàu chìm.Tình hình tiêm vaccine COVID-19 trên toàn cầu, tính tới ngày 3-5-2021. -Ảnh: Our World In Data Nhưng những gì cá nhân làm không nhất thiết được đánh đồng với nhà nước, vốn có trách nhiệm quản lý và điều tiết. Ở đây có lẽ nên nhớ đến khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” của ông Trump. Mặc cho người ngoài lắc đầu ngán ngẩm, dân Mỹ cho chuyện đó là dĩ nhiên. “Người không vì mình, trời tru đất diệt” là đây!Hơn một năm trước, khi vaccine COVID đầu tiên lờ mờ hiện ra nơi chân trời, hay đúng hơn là tại Công ty CureVac ở Tübingen (Đức), ông Trump lập tức triệu tập họp kín ngày 2-3 tại Nhà Trắng với các công ty dược lớn nhất Hoa Kỳ. Tình cờ, rất tình cờ, trong cuộc họp đó có mặt Daniel Menichella - chủ tịch CureVac.Xin kể lại vụ này một cách ngắn gọn: theo nguồn tin từ chính quyền Đức, Trump mời Menichella 1 tỉ USD để CureVac bán sản phẩm cho một mình Hoa Kỳ. Chính phủ Đức vội đàm phán với CureVac và tăng tài trợ nghiên cứu, nhưng không thành. Rốt cuộc, người ta phải dựa vào luật pháp để áp đặt vaccine của CureVac là “vấn đề an ninh quốc gia” nhằm tạm cấm xuất khẩu. Đến ngày 11-3, Menichella bay ghế chủ tịch hội đồng quản trị và 27 nước thành viên EU được quyền ưu tiên mua thuốc. Không ai biết với giá nào và nhờ những mánh lới chính trị nào.Theo Tổ chức phân tích dữ liệu Anh Airfinity, tới cuối năm 2020 các quốc gia công nghiệp với 14% dân số thế giới đã đặt mua 53% lượng vaccine trên thị trường, trong khi các nước nghèo chưa có lấy một hợp đồng lận lưng. “Đặt mua” ở đây cũng chỉ là cách nói lịch sự. Trên thực tế, đây là một quá trình gây áp lực hoặc một cuộc tranh cướp công khai hay bí mật. Với sức mạnh tài chính của mình, các nước lớn có điều kiện đàm phán giá và tài trợ nghiên cứu để được ưu tiên mua thuốc. Những ai thấp cổ bé họng thì đành chấp nhận luật chơi trong bể cá mập.Nhật báo De Tijd (Bỉ) nhận xét: “Trung Quốc và Nga vui mừng sử dụng vaccine của họ để đặt một chân vào khe cửa châu Âu và gây chia rẽ châu Âu trong cuộc chạy đua tìm vaccine. Họ tận dụng sự bất bình sẵn có, bởi Anh và Mỹ rõ ràng đã nhận được vaccine sớm, còn châu Âu thì lúng túng. Vì vậy đã xuất hiện một trò chơi quyền lực xoay quanh vaccine. Sự thống nhất của châu Âu bị lung lay, bởi các nước thành viên tự đi tìm mối hợp tác. Qua đó, lòng tin vào sự hợp tác châu Âu bị xói mòn thêm”.”Hiện tại 36 quốc gia trên thế giới chưa hề nhìn thấy dù chỉ một liều vaccine." Chiến tranh lạnh thời đại dịchTrung Quốc và Nga không chỉ tận dụng hoàn cảnh để len vào EU. Họ còn đang nâng cao vị thế ở châu Á, châu Phi và Nam Mỹ bằng nỗ lực lấp đầy “khoảng trống vaccine”. Ở đây EU đã thực sự thất bại. Chính sách mua thuốc của họ là một bi kịch. Quá trình cấp phép quá lề mề, gián tiếp tạo cơ sở cho Nga, Trung Quốc, và bây giờ cả Israel, tiến hành cái gọi là “nền ngoại giao vaccine”. Nhận thuốc của ai thì ít nhiều phải nghe người ta nói.Chưa bao giờ trên thế giới có một tốc độ lẫn quy mô nghiên cứu và phát triển thuốc tiêm chủng vĩ đại như hôm nay. Hơn 240 dự án nghiên cứu đang được tiến hành, và cứ cho là 75 - 80% thất bại thì ta vẫn hoàn toàn có quyền lạc quan. Tính toán thuần lý thuyết cho thấy chỉ riêng BioNTech/Pfizer có khả năng làm ra đủ thuốc cho cả thế giới trong vòng 3 năm. Nhưng mọi thành tựu ấy sẽ chỉ còn đọng trên giấy, khi biện pháp bế quan tỏa cảng chặt đứt chuỗi cung ứng bán thành phẩm. Ví dụ: 100% các nhà máy vaccine của Mỹ và châu Âu hiện phải mua lipid từ Anh, vốn là thành phần cơ bản của thuốc tiêm dạng mRNA. Brussels mà cấm bán thuốc cho Anh, London sẽ không thể không trả đòn.Phía thua cuộc chắc chắn có các nước nghèo. Hiện tại 36 quốc gia trên thế giới chưa hề nhìn thấy dù chỉ một liều vaccine. Để cứu họ, Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã thành lập sáng kiến COVAX nhưng không có tiền, bởi các nước “thừa” vaccine không biếu không mà đang đòi “ăn bánh trả tiền”. Kế hoạch tiêm chủng cho toàn bộ lực lượng y tế ở các nước nghèo trong năm 2021 chắc chắn đổ bể, một phần vì sự cố ở Ấn Độ không ai lường trước được. Viện Serum của Ấn Độ, vốn dự định cung cấp cho COVAX 90 triệu liều thuốc vào cuối tháng 4, nay giữ lại để dùng trong nước. Tất nhiên không ai trách được “Ấn Độ trên hết”, khi nước này còn không đủ củi thiêu xác. LHQ năn nỉ Hoa Kỳ, hiện đang có một lượng lớn AstraZeneca, nhưng chính quyền Joe Biden giả điếc và khóa chặt kho lạnh để bảo đảm mỗi người Mỹ được tiêm chủng lần hai.Hiện LHQ đang tìm một lối thoát mới: tổ chức thượng đỉnh về tiêm chủng với sự tham gia của G6 (Hoa Kỳ, Anh, Đức, Ấn Độ, Nga và Trung Quốc), cùng với EU, nó sẽ là một G7 mới của các “cường quốc vaccine”. Tổ chức này sẽ phải có quy định rõ ràng nhằm bảo đảm vật liệu đầu vào, không quốc gia thành viên nào được phép chặn xuất khẩu chai lọ, dây chuyền đóng chai, lipid... Và tất cả phải tình nguyện đăng ký với một ngân hàng dữ liệu trung tâm để xác định hai câu hỏi then chốt: Ai cần gì? Ai có gì?Liệu G7 thời corona có thành hình? Trong mấy tháng mùa hè này, dường như vận động tranh cử quan trọng hơn tinh thần quốc tế. ■ Trở lại Bạn đang đọc trong chuyên đề "Để cả thế giới được tiêm Tiếp theo Tags: EUCOVID-19Chủ nghĩa dân tộcVaccine COVID-19
Tổng Bí thư Tô Lâm trực tiếp trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng THÀNH CHUNG 25/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu đột phá mạnh mẽ hơn về thể chế phát triển, tháo gỡ điểm nghẽn, rào cản, trong đó lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Nga tuyên bố có quyền đưa tên lửa Oreshnik đến châu Á để đối phó Mỹ NGHI VŨ 25/11/2024 Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov cho biết Nga có thể triển khai tên lửa tầm ngắn và tầm trung tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong phản ứng với các hành động của Mỹ.
Tổng thống Bulgaria thăm Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, trào dâng cảm xúc người lính DUY LINH 25/11/2024 Tổng thống Bulgaria Rumen Radev, người từng là phi công tiêm kích rồi tư lệnh không quân, đã dừng hồi lâu trước chiếc MiG-21 số hiệu 5121 tại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.
Thủ tướng Campuchia bác thông tin thiếu vốn làm kênh đào Phù Nam Techo TRẦN PHƯƠNG 25/11/2024 Thủ tướng Hun Manet khẳng định không có bất cứ trở ngại nào về vốn trong việc triển khai dự án kênh đào Phù Nam Techo của Campuchia.