Vaccine nào cho những nhà máy?

TRUNG TRẦN 14/08/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Với các doanh nghiệp sản xuất, giải pháp “3 tại chỗ” coi như đã thất bại. Đó là một thất bại do nội lực của cả hệ thống chứ không có một “tội đồ” chính thức, đơn lẻ nào cả. Thất bại đấy cũng nêu ra thực tế là việc chung sống với dịch - thay vì coi nó là giặc - cần bắt đầu từ tư duy chủ đạo về các giải pháp chuyển từ tập trung hóa sang cộng đồng hóa.

Một nhà máy đầy đủ tiêu chuẩn cạnh tranh toàn cầu như Samsung Electronics Việt Nam ở Khu công nghệ cao (TP Thủ Đức, TP.HCM) cũng chỉ đủ sức duy trì 40% số nhân công. 

Nhiều doanh nghiệp vốn Nhật Bản chỉ có thể duy trì “3 tại chỗ” khoảng một tháng là phải dừng, chấp nhận đưa sản xuất về zero. 

Sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp đã đến ngưỡng sau gần hai tháng đóng băng. Mệnh lệnh hành chính khó có thể thắng được mệnh lệnh và nhu cầu của cuộc sống. Và trong hoàn cảnh ấy, phía các doanh nghiệp nên làm gì?

 
 Những ngành sản xuất tập trung đông lao động như dệt may gặp nhiều khó khăn vì COVID-19. Ảnh: Nikkei Asian Review

 Những bài toán với doanh nghiệp sản xuất

Mục tiêu là đa số công nhân các doanh nghiệp sản xuất ở TP.HCM và các tỉnh Đông Nam Bộ đã được tiêm vaccine và việc lưu thông vận chuyển được đảm bảo trong tháng 9. Đó cũng là những điều kiện cần để khởi động lại nền sản xuất. Các bài toán đặt ra cho doanh nghiệp sẽ là:

Đơn hàng: Với doanh nghiệp có khách hàng trong nước, đây là vấn đề nan giải nhất. Phần lớn doanh nghiệp sản xuất vừa và nhỏ đang là nhà cung cấp sau cùng của chuỗi cung ứng như chi tiết nhựa, cơ khí, bao bì đóng gói, in ấn..., nên khi khách hàng lớn không có đơn hàng thì nhà máy đóng cửa, sản xuất nếu có duy trì thì chỉ để tồn kho.

Doanh nghiệp đứng đầu chuỗi - nếu là nhà sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh để kinh doanh ở thị trường trong nước, ví dụ thiết bị gia dụng, áo quần, những thứ không thuộc về nhu cầu thiết yếu... thì nhu cầu thị trường giảm về gần bằng không do hệ thống phân phối hầu như đóng cửa.

Đơn hàng chỉ bắt đầu có khi thị trường có nhu cầu trở lại - các kênh phân phối đẩy hết tồn kho xuống mức an toàn. Với độ trễ như thế, ước tính nhanh nhất phải hai tháng nữa doanh nghiệp đầu chuỗi mới có đơn hàng. Các nhà thầu phụ khác khi đó mới lần lượt bắt đầu sản xuất.

Không thể mong chờ sản lượng đạt được từ 60% ngay được, mà cần ít nhất 2 - 3 tháng nữa, nghĩa là từ giờ đến cuối năm 2021, trung bình đầu vào cho kiểu chuỗi cung ứng này chỉ có thể rơi vào 20 - 30% so với mức thông thường. 

Nỗi lo hay niềm hy vọng của các nhà máy sản xuất lúc này đang nằm ở các bản đánh giá lại dự báo nhu cầu của khách hàng. Với những doanh nghiệp phụ trợ, chuyên cung cấp linh kiện hàng điện - điện tử chẳng hạn, các đánh giá dự báo gần đây nhất này là một số không tròn trĩnh, suốt từ tháng 7 tới tháng 10.

Với doanh nghiệp sản xuất hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, sản phẩm y tế hay có nguồn đơn hàng xuất khẩu thì về ngắn hạn đây không là vấn đề lớn. 

Các ví dụ là dệt may, giày da và lắp ráp gia công OEM (original equipment manufacturer, sản xuất phụ tùng gốc). Tuy nhiên về lâu dài, với doanh nghiệp thiết yếu thì mối lo là nhu cầu nội địa giảm, còn với doanh nghiệp xuất khẩu là nguy cơ bị dịch chuyển đơn hàng, nhất là các doanh nghiệp may mặc, giày da. 

Một nhà thầu phụ giày da cho Nike lớn nhất thế giới như Pouchen Việt Nam, với xấp xỉ 70.000 công nhân phải đình trệ sản xuất gần một tháng, thì khả năng đơn hàng bị chia bớt cho các nhà gia công Bangladesh, Campuchia... là chắc chắn.

Trong điều kiện bình thường, không dễ gì doanh nghiệp để mất đơn hàng như thế, nhưng với điều kiện bất khả kháng như hiện nay, đó là một rủi ro ngoài khả năng giải quyết của doanh nghiệp.

Về nguồn nhân lực, nếu có một giải pháp nào thay thế “3 tại chỗ” hiện tại thì vấn đề vẫn là công nhân được bố trí sản xuất, ăn ở, sinh hoạt trong điều kiện tốt nhất có thể để giảm thiểu lây nhiễm sau khi đã phủ đủ tỉ lệ tiêm chủng. 

Giải pháp có thể là buộc doanh nghiệp giảm năng lực sản xuất còn tối đa 60% như cách Malaysia đang làm. Công nhân được chia thành hai nhóm để luân phiên đi làm và nghỉ ngơi theo định kỳ hai tuần.

Tuy nhiên, cơ cấu nhân sự sẽ không đủ để các bộ phận trong hệ thống sản xuất có thể vận hành hoàn chỉnh. Kỹ thuật vận hành máy đủ thì QA (đảm bảo chất lượng) thiếu, QA đủ thì quản lý kho không có... 

Có những vị trí không thể đắp đổi, choàng việc cho nhau, đơn giản là nhân lực phải đạt được con số tối thiểu ở tất cả các bộ phận thì nhà máy mới vận hành được dù là với năng suất đầu ra nào.

Nếu giãn thành hai ca để đảm bảo các nguyên tắc 5K trong nhà máy, một số bộ phận phải có số nhân công từ 60% so với mức bình thường. 

Đây là điều rất khó đảm bảo khi mà số lượng nhân công có thể và đồng ý đi làm khi áp dụng “3 tại chỗ” chỉ xấp xỉ 30 - 40%. Điều này chỉ ra rằng năng lực sản xuất trong tương lai gần của nhiều nhà máy sẽ chỉ khoảng 30 - 40%, bất chấp đầu vào đơn hàng có tăng lên như thế nào.

Tình trạng công nhân bỏ về quê tự phát dẫn tới sự bất ngờ của chính quyền và sự xót xa của toàn xã hội là nằm ngoài mọi tính toán. Hàng ngàn nhân lực di chuyển không có kế hoạch, không ai nắm được lộ trình và không ai hoạch định được tương lai. 

Người ta có quyền hỏi các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là công đoàn, có biết được người lao động nghĩ gì không trước khi họ rồng rắn cả ngàn km về quê với gia sản ít ỏi bao nhiêu năm lập nghiệp ở miền Nam chính là chiếc xe máy đang đưa họ về?

Với doanh nghiệp, họ thiếu đi một nguồn nhân lực từng được đào tạo. Những người về quê đấy cũng sẽ khó có tên trong danh sách ưu tiên tái tuyển dụng sau này. 

Câu chuyện hậu COVID-19 với những người vừa thực hiện cuộc hồi hương bất đắc dĩ, để không đem lại thêm xót xa, thiết nghĩ phải có những giải pháp thực sự hiệu quả về tạo sinh kế chứ không chỉ mang tính tương trợ ngắn hạn.

Khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng phụ và hệ thống logistics

Sự tổn thương của nền sản xuất từ đợt dịch này là vô cùng nặng nề so với các lần trước. Khi có yêu cầu áp dụng chỉ thị 16 và sản xuất “3 tại chỗ”, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ ngay lập tức quyết định đóng cửa xưởng sản xuất không chút do dự. 

Họ không thể đáp ứng và cũng không đủ tài chính để cầm cự. Trong chuỗi cung ứng, họ thường đứng ở cuối, ví dụ những công ty gia công chi tiết đơn giản, đóng gói, sản phẩm in ấn, dịch vụ gia công phụ...

Đóng cửa với họ là giải tán công nhân và không có kế hoạch gì cho tương lai. Khi nào có đơn hàng lại thì họ mới tính toán cách khôi phục sản xuất. 

Sự đứt gãy đột ngột của khâu cuối chuỗi này không khó khắc phục về dài hạn, nhưng lại gây khó khăn cho các doanh nghiệp kế tiếp trong chuỗi khi muốn khởi động nhanh quá trình phục hồi sản xuất.

Một vấn đề đang xảy ra từ cuối năm ngoái đến giờ chính là sự tắc nghẽn của hệ thống logistics ở các cảng container. 

Tốc độ giải phóng hàng đến và vấn đề thiếu container rỗng để xuất hàng ảnh hưởng nghiêm trọng đến các ngành sản xuất đang gồng gánh đầu ra cho cả nền kinh tế như may mặc, giày da và linh kiện, thiết bị điện tử. 

Đây chính là lúc mà các dịch vụ công như hải quan, quản lý cảng vụ... phải nỗ lực góp phần giúp doanh nghiệp vượt khó.

Về tài chính, với các doanh nghiệp sản xuất, dòng tiền thanh toán sẽ có thời hạn 2 - 3 tháng. 

Trong bối cảnh doanh nghiệp đã phải tăng thêm chi phí ít nhất 150% trong các tháng từ đầu năm để phục vụ công cuộc chống dịch - đầu tư hạ tầng cho công nhân ở lại, chi phí xét nghiệm, chi phí phòng dịch... - công ty nào không có nền tảng tài chính ổn định sẽ không có vốn lưu động để tiếp tục sản xuất khi dòng tiền vào từ tháng 9 là không có khi đơn hàng đã bắt đầu đứt từ tháng 7.

Các giải pháp tài chính để có thể có vốn cho tái sản xuất bao gồm vay ngân hàng và giảm thiểu tối đa các chi phí chưa cần thiết. 

Các gói miễn giảm thuế, giảm tiền điện... từ chính phủ là sự hỗ trợ cần thiết và đáng ghi nhận, nhưng cái khó nhất là vay vốn, họ không biết nhờ cậy vào ai khi tổng nguồn lực tài chính trong xã hội đã bị suy giảm nghiêm trọng.

Vaccine tổng hợp cho nền sản xuất để chung sống với dịch quả thực là một bài toán nan giải. Nó cần được giải từng hợp phần bởi tất cả các thành tố tham gia, và mỗi thành tố đấy đều bắt buộc phải tiếp tục cắn răng nỗ lực.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận