Vaccine không chỉ là vaccine

DANH ĐỨC 14/06/2021 17:00 GMT+7

TTCT - Đến cuối tháng 5 vừa qua, khái niệm “phải có vaccine để chống COVID” như lời giải cho bài toán “làm sao để hết dịch?” mới hoàn toàn thống trị thế giới khi con virus biến thể và bùng phát khắp Nam Á và Đông Nam Á một cách bất trị. Giữa các nước, vaccine không chỉ là một món hàng hay một món quà tặng, chủ yếu tùy bản lĩnh của nước mua/nhận, may dân nhờ, rủi dân chịu.

Tại sao trong thông điệp trực tuyến bế mạc Hội nghị Sức khỏe thế giới lần thứ 74 hôm 31-5, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus lại đưa ra lời nhắc nhở mà ý nghĩa vượt ra khỏi phạm trù y tế: “Chúng ta cần một cam kết chung toàn thể có thể tồn tại lâu hơn các chu kỳ ngân sách, chu kỳ bầu cử và chu kỳ truyền thông”? 

Cam kết mà ông Tedros nói tới là “hoàn tất việc chích ngừa ở mọi nước cho ít nhất 10% dân số vào cuối tháng 9 này, và tối thiểu 30% vào cuối năm”. Đó đều là những thời hạn ngặt nghèo với nhiều nước vào thời điểm này.

Dịch bùng lên dữ dội ở Ấn Độ đã gây ra rất nhiều khó khăn cho việc cung cấp vaccine ở cả các nước khác. Ảnh: EPA

 

Sẽ còn khan hiếm vaccine

Đúng như ông Tedros luận triết, mỗi chính phủ có chu kỳ ngân sách riêng, tùy theo chủ thuyết lúc đó (duy xã hội, duy tư bản, hay “duy ngã”), phải tính toán sao cho nhiệm kỳ sau trúng cử hay tái cử, phải huy động truyền thông “che chắn” hay đánh bóng cho mình, nên không phải chính phủ nào cũng đầu tư như nhau cho y tế.

Tháng 5 vừa rồi là tháng mà một số nước đỏ mắt tìm mua vaccine không ra. Đã có nhiều giải thích về lý do khan hiếm, kể cả “chống dịch tốt nên không mua được”. 

Có lẽ câu trả lời chính xác là từ Thông cáo chung ngày 27-5 của WHO, CEPI (Liên minh Đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh - dẫn đầu nỗ lực quốc tế điều chế vaccine), GAVI (Liên minh Toàn cầu về vaccine - chuyên giúp tăng khả năng tiếp cận với dịch vụ tiêm chủng), và Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF - nay chủ trì việc mua và phân phối vaccine qua hệ thống COVAX).

Theo 4 tổ chức trên, suốt đại dịch, chưa bao giờ họ gặp khó khăn trong cung cấp và phân phối vaccine như lúc này. 

Họ đồng thanh cảnh báo rằng tình trạng khan hiếm sẽ còn kéo dài: “Sự gia tăng khủng khiếp của virus ở Ấn Độ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung của COVAX trong quý 2 năm nay, đến mức vào cuối tháng 6, chúng tôi phải đối mặt với sự thiếu hụt 190 triệu liều”. 

Nay mới chỉ đầu tháng 6, mà cuối tháng sẽ thiếu tới 190 triệu liều, hậu quả sẽ ra sao? Các tổ chức trên nhấn mạnh: “Nếu chúng ta không giải quyết tình trạng thiếu hụt khẩn cấp hiện tại, hậu quả có thể rất thảm khốc”.

Có thể hiểu tại sao các tổ chức liên quan tới COVAX “la làng” như vậy. Họ đón đầu Thượng đỉnh Cam kết thị trường tiến bộ GAVI COVAX do Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide và lãnh đạo GAVI José Manuel Barroso cùng chủ trì trực tuyến vào ngày 2-6. 

Những cảnh báo của họ đã góp phần vào việc các bên đi tới cam kết đóng góp tổng cộng 2,4 tỉ USD mua vaccine, cùng 775 triệu USD nữa cho việc phân phối. 

Là nước chủ nhà, phần của Nhật là 800 triệu USD. Thủ tướng Suga nhắc do trước đó Nhật đã góp 200 triệu USD, nên tổng số tiền cam kết của nước này lên đến 1 tỉ USD. Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris thì nói Mỹ đã loan báo hỗ trợ COVAX 4 tỉ USD tới năm 2022, nên không hứa gì thêm.

Ngoài đóng góp bằng tiền, Nhật còn hứa chia sẻ 30 triệu liều vaccine do Nhật sản xuất “khi hoàn cảnh cho phép và vào thời điểm thích hợp”. 

Bốn nước khác, Bỉ, Đan Mạch, Tây Ban Nha và Thụy Điển loan báo sẽ chia sẻ 24 triệu liều. Chủ tịch Ủy ban EU Ursula von der Leyen nói EU cùng Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) sẽ chuyển 300 triệu euro (370 triệu USD) vào quỹ COVAX nhằm giúp các nước Liên hiệp châu Phi có vaccine. 

Người cao tuổi ở Peru tiêm vaccine do COVAX cung cấp. Ảnh: un.org

 

Cũng cần nhắc rằng tháng 4 vừa rồi, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã loan báo sẽ gửi 60 triệu liều vaccine AstraZeneca ra nước ngoài. Tháng 5, ông hứa gửi thêm 20 triệu liều vaccine loại khác đã được cấp phép.

Không có bữa trưa miễn phí

Câu chuyện khan hiếm vaccine COVAX có thể tóm tắt như sau. 

Ngay khi đại dịch bùng nổ và bài toán vaccine được đặt ra, LHQ, WHO cùng các tổ chức quốc tế khác đã nhận thấy nguy cơ có nước sẽ phải “trắng tay”, nên qua Thượng đỉnh Vaccine toàn cầu ngày 4-6-2020, đã thành lập đầu mối cơ chế COVAX - được thiết kế để đảm bảo việc tiếp cận nhanh chóng, công bằng và bình đẳng với vaccine COVID-19 trên toàn thế giới bằng phương thức chia sẻ chi phí (cost-sharing scheme). 

Mục đích là để cưu mang phần nào cho các nền kinh tế thu nhập thấp và trung bình.

Một danh sách 92 nước và nền kinh tế có thu nhập bình quân đầu người dưới 4.000 USD đã được ban điều hành GAVI, tổ chức được giao quản lý COVAX, duyệt cấp vaccine. 

Tại Đông Nam Á có 6/10 nước được duyệt: Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Philippines và Việt Nam. 78 quốc gia đã chính thức nộp đơn xin tham gia COVAX.

Tất nhiên, phần chi phí “cưu mang” phải có người trả. Sự mong đợi hiện đặt nơi các nước giàu. Họ sẽ tham gia COVAX trong vai trò nhà tài trợ, nộp tiền ứng trước để COVAX đặt mua vaccine.

Có thể lấy thí dụ Úc. Tháng 8-2020, Úc cam kết góp 80 triệu đôla Úc (62 triệu USD) vào COVAX để cơ chế này mua và phân phối vaccine COVID-19 cho các nhóm ưu tiên khắp thế giới. 

Tháng 4 vừa qua, 811.200 liều vaccine COVID-19 đã đến Việt Nam nhờ cơ chế và sự đóng góp này. Tổng cộng, Úc đã cam kết góp 523,2 triệu đôla Úc giúp khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương tiếp cận vaccine, trong đó 40 triệu đôla Úc dành hỗ trợ trực tiếp cho Việt Nam.

Một thí dụ khác: hạ tuần tháng 2, Tổng thống Biden loan báo sẽ góp 4 tỉ USD cho COVAX, trong đó 2 tỉ là để mua ngay vaccine, còn 2 tỉ nữa cho 2 năm sau. 

Hôm 3-6, ông Biden giải thích rõ việc dùng số tiền đó: 19 triệu trong tổng số 25 triệu liều đầu tiên sẽ được phân phối qua COVAX; trong đó 7 triệu liều dành cho Nam Á và Đông Nam Á. 

Loan báo Biden - Harris nhấn mạnh: “Hoa Kỳ đã nhận được yêu cầu về vaccine từ nhiều nước trên thế giới. Hoa Kỳ sẽ chia sẻ trực tiếp tới 1/4 số liều biếu tặng của mình cho các quốc gia đang cần kíp, những nước đang trải qua sự gia tăng đột biến ca nhiễm, các nước láng giềng gần kề, cùng các quốc gia khác đã yêu cầu Hoa Kỳ hỗ trợ ngay lập tức”.

Số 75% còn lại sẽ được phân phối thông qua COVAX cho Mỹ Latin và Caribe, Nam và Đông Nam Á, và châu Phi. Thật ra, không phải bây giờ Mỹ mới “cho” vaccine. 

Ngay từ tháng 3, Mỹ đã chia hơn 4 triệu liều AstraZeneca cho Canada và Mexico, hai hàng xóm “tối lửa tắt đèn”. Cách đây ba tuần, Mỹ hứa cung cấp 1 triệu liều Johnson & Johnson cho Hàn Quốc, đồng minh cật ruột ở châu Á. Có thể thấy những ưu tiên vaccine vẫn không ra ngoài tính toán chính trị ra sao.

Trong hoàn cảnh tiền thì nhiều nơi có, nhưng vaccine thì không phải nước nào cũng dư, vaccine nay trở thành công cụ ngoại giao tối thượng. 

Điều phối viên về COVID-19 của Nhà Trắng Jeff Zients nhấn mạnh lượng vaccine mà Mỹ lần này hứa cung cấp nhiều gấp 5 lần so với bất kỳ quốc gia nào khác, và không dừng ở đó: Mỹ dự tính cung cấp 80 triệu liều vaccine cho thế giới tới cuối tháng 6 - số này mới chiếm 13% lượng vaccine mà Mỹ sản xuất cho tới cuối tháng 6.

Ông Zients không quên nhấn nhá thế mạnh này của Mỹ: “Chúng tôi sẽ tiếp tục tặng giúp các liều bổ sung trong mùa hè khi nguồn cung cấp có sẵn. Tuy nhiên, chúng tôi biết rằng chừng đó sẽ là không đủ". 

"Vì vậy, bước tiếp theo, chúng tôi sẽ làm việc với các nhà sản xuất vaccine của Hoa Kỳ để tăng đáng kể nguồn cung cấp cho phần còn lại của thế giới, đồng thời cũng là để tạo ra việc làm trong nước". 

"Được thúc đẩy bởi các hành động tích cực này, Pfizer và Moderna đã nâng cao năng lực sản xuất vaccine cho thế giới”.

Không dừng lại ở đó, bước thứ ba, theo ông Zients, là: “Chúng tôi sẽ làm việc với các quốc gia đối tác, công ty dược phẩm và các nhà sản xuất để tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất và năng lực sản xuất vaccine trên toàn cầu". 

"Điều này không chỉ có thể giúp thế giới đánh bại đại dịch mà còn chuẩn bị cho thế giới ứng phó với các mối đe dọa tiềm ẩn trong tương lai”. 

Có thể hiểu tại sao không ít nước, trong đó có Việt Nam, nay đang nói tới chuyện sản xuất vaccine: khi chưa có chỗ dựa sản xuất, thì còn mông lung; nhưng khi nước đầu tàu sản xuất vaccine nói tới khả năng làm việc các nước và hãng khác, thì đó là một khả năng khả dĩ.

Thái độ với vaccine Trung Quốc nay cũng đã có sự thay đổi. Ảnh: Reuters

 

Rượt đuổi Nga - Trung Quốc

Thật ra, cuộc tấn công vaccine trên của chính quyền Biden chỉ là phản công đánh trả điều mà ABC News 2-4 gọi là “Nga và Trung Quốc đang đánh bại Mỹ trong cuộc chiến ngoại giao vaccine”. 

Do cuối trào Donald Trump, nước Mỹ quá chao đảo cả trên chính trường lẫn trong cuộc chiến chống COVID, nên Nga và Trung Quốc mới có thể qua mặt họ mà không thèm bóp kèn cuộc đua ngoại giao vaccine này.

Tháng 1 vừa rồi, sau khi Nga bán được 5,2 triệu liều Sputnik V, Tổng thống Vladimir Putin đã điện thoại với người đồng cấp Bolivia, Luis Arce, thảo luận về các chủ đề khác như xây dựng nhà máy điện hạt nhân để khai thác lithium và dự trữ khí đốt. Đó là mũi tấn công của Nga vào Nam Mỹ.

Alexander Smith, cây bút chính trị cao cấp của NBC, thường trú tại London, viết: “Mặc dù Trung Quốc và Nga phủ nhận điều đó, nhưng các chuyên gia cho biết họ đang bắt đầu thấy chiến lược bán hoặc tài trợ vaccine ra nước ngoài của Bắc Kinh và Matxcơva nhằm “bôi trơn” các mối quan hệ quốc tế của họ và cho phép họ mở rộng ảnh hưởng trên toàn thế giới”.

Vấn đề trở nên nghiêm trọng khi cả Mỹ lẫn châu Âu suốt mấy tháng qua chỉ chăm chăm lo giải quyết đại dịch trong nước, và khư khư giữ rịt số vaccine có trong tay, kể cả số dư ra và đang sắp hết hạn sử dụng! Điều này phương hại tới vị thế của phương Tây.

Có thể lấy việc Nga tung vaccine Sputnik V ở châu Âu từ tháng 3 vừa rồi làm thí dụ. Hôm 9-3, Nga loan báo rằng Sputnik V sẽ được sản xuất tại Ý từ tháng 7 và 10 triệu liều sẽ xuất xưởng 1-7 cho đến hết năm 2021, cùng hàng triệu liều Sputnik V khác được sản xuất bởi các công ty ở Hàn Quốc, Brazil và Ấn Độ. 

Song song, Nga cũng đã gửi vaccine Sputnik V tới Hungary, Slovakia và đề nghị cung cấp thêm 50 triệu liều cho châu Âu. Tất cả diễn ra như bàn tay xé nát các lệnh trừng phạt của châu Âu với Nga từ sau vụ Crimea.

Còn ở Bắc Phi, vào tháng 3, Algeria không phải trả một xu nào cho các loại vaccine của Trung Quốc, chỉ để đổi lấy việc ủng hộ “các lợi ích cốt lõi”, và phản đối sự can thiệp vào “công việc nội bộ” của Bắc Kinh, tức những chỉ trích về Hong Kong hay Tân Cương.

Ở Đông Nam Á, Campuchia hiện là một trong những nước đi đầu về chích vaccine, nhờ nguồn Trung Quốc. Theo Our World in Data, tính tới 5-6, Campuchia được cung cấp tổng số 4,78 triệu liều vaccine, số người đã tiêm đủ liều là 2,09 triệu, tức 12,7% dân số. 

Trong số vaccine của Campuchia, ước tính có 1,7 triệu liều Sinopharm của Viện Sinh học Bắc Kinh, 2,5 triệu liều Sinovac và 324.000 liều AstraZeneca thông qua COVAX. Nhìn những con số đó có thể hiểu tốt hơn tuyên bố của Thủ tướng Hun Sen: “Nếu không có Trung Quốc giúp đỡ, có lẽ chúng tôi đã không thể có vaccine cho người dân”.

Cũng cần nhắc lô hàng 1 triệu liều đầu tiên được Trung Quốc tuyên bố cho không là vào giữa tháng 1 và ông Hun Sen lúc đó khẳng định: “Giờ thì Campuchia cần vaccine của Trung Quốc”, dù trước đó lập trường của ông là chỉ sử dụng vaccine nào mà WHO đã duyệt (Reuters 16-1). 

Khmer Times 24-5 dẫn lời đại sứ Trung Quốc ở Phnom Penh Wang Wentian (Vương Văn Thiên) nhấn mạnh chừng nào đại dịch COVID-19 ở Campuchia vẫn chưa kết thúc, viện trợ của Trung Quốc cho Campuchia sẽ còn tiếp tục.

Tất nhiên, không phải ai muốn như ông Hun Sen cũng đều được. Phải có một quá trình lâu dài “cùng chia sẻ vận mệnh”. Trong bối cảnh đại dịch, Campuchia càng siết chặt quan hệ với Trung Quốc cả về chính trị và kinh tế. 

Thủ tướng Hun Sen là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên thăm chính thức Trung Quốc trong thời gian xảy ra đại dịch để bày tỏ sự ủng hộ, cũng như phản đối việc cấm các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc. Đổi lại, Trung Quốc cử một nhóm chuyên gia y tế và cung cấp thiết bị giúp Campuchia đối phó đại dịch. 

Về mặt kinh tế, hai nước vừa bắt tay với Hiệp định thương mại tự do Campuchia - Trung Quốc nhiều tham vọng, nhắm tới tăng thương mại song phương lên 10 tỉ USD mỗi năm.

Thật ra, không phải Mỹ không có gì chia sẻ với Campuchia. Tính tới tháng 5, Mỹ đã cung cấp cho Campuchia 11 triệu USD để chống COVID và khôi phục kinh tế. 

CDC Mỹ cũng cộng tác với Bộ Y tế và Viện Pasteur Campuchia trong việc phân định virus và truy vết lây lan. Song, những điều đó không thể so với Trung Quốc, vốn hợp tác ở một vị thế khác. ■

Trên một bình diện khác, thái độ với việc sử dụng vaccine Trung Quốc nay cũng có phần thay đổi. Ở những nước thừa mứa vaccine, những tiếng nói “không chích là quyền của tôi” là chuyện không khó hiểu, song từ góc nhìn “miễn có vaccine để mà chích” thì lại khác. 

Ảnh: Times of India

 

Tất nhiên, vẫn còn những dè dặt về xuất xứ và tính hiệu quả của các vaccine Sinovac và Sinopharm. Song, qua đầu tháng 6, WHO đã phê duyệt vaccine Sinovac để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp. Đây là loại vaccine thứ hai của Trung Quốc được WHO bật đèn xanh, sau Sinopharm.

BBC ngày 2-6 bình luận quyết định đó “mở ra cánh cửa cho vaccine này được sử dụng trong chương trình COVAX, nhằm giúp các nước tiếp cận nguồn vaccine, vào lúc COVAX đang gặp khó khăn về vấn đề nguồn cung”. 

BBC cũng cho biết thêm “ngoài Trung Quốc, vaccine Sinovac đã được sử dụng ở Chile, Brazil, Indonesia, Mexico, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ”, và “Sinovac cho biết họ đã cung cấp hơn 600 triệu liều trong và ngoài nước tính đến cuối tháng 5 và hơn 430 triệu liều đã được sử dụng”.

Trong bối cảnh đó, lời hứa của Trung Quốc với các nước ASEAN tại hội nghị ASEAN - Trung Quốc đầu tuần này: “Trung Quốc đẩy mạnh cung cấp vaccine cho ASEAN”, thêm nặng ký. 

Sự phê chuẩn này của WHO đã làm rõ tính “chính danh” của các vaccine này trước những chê bai, mà nói cho ngay, vaccine nào cũng sẽ bị chê bai ít nhiều.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận