TTCT - Các quy định về “giấy thông hành vaccine” với COVID-19 đã bắt đầu rục rịch được áp dụng ở một số nước và gần như luôn vấp phải sự chống đối quyết liệt. Quả thật, kêu gọi tiêm vaccine để đạt miễn dịch cộng đồng là một chuyện, còn biến đó thành “giấy phép”, một thứ yêu cầu bắt buộc để tham gia vào cuộc sống bình thường, lại là chuyện hoàn toàn khác. Tất cả các loại vaccine, chứ không chỉ COVID-19, đều là nhân tạo, nhưng từ góc nhìn tâm lý học tiến hóa, yêu cầu chích vaccine lại là sự tuân thủ thuận tự nhiên với những quy định của “bầy đàn”, bởi lẽ con người, dù đã ở thời Internet, xét về bản chất vẫn là một động vật bầy đàn. Và với những động vật như vậy trong tự nhiên, việc “tách đàn” gần như luôn đồng nghĩa với cái chết. Nhà chức trách y tế Mỹ kiểm tra vết sẹo chứng tỏ đã chủng ngừa đậu mùa của dân chúng trước khi cho họ vào một “vùng xanh”, Newark, New Jersey, 1931. -Ảnh: History.com Ai cũng có lýTranh cãi đã nổ ra dữ dội ở một số nước phương Tây có đủ hoặc thừa vaccine về việc có nên bắt buộc dân chúng chích ngừa hay không. Việt Nam hiện còn xa mới đạt được mức tiêm chủng như ý, nhưng câu hỏi đó rồi cũng sẽ phải sớm nêu ra. Thật ra, ngay cả trong lúc vaccine còn khan hiếm này, cũng đã xuất hiện nhiều người từ chối chích ngừa, hoặc muốn được chọn lựa vaccine. Tất cả càng khiến câu hỏi về việc nhà nước có nên can thiệp, áp đặt yêu cầu tiêm chủng, với ai, như thế nào, và ở mức độ nào, thêm phức tạp.Đây là một tình huống đạo đức kinh điển, khi tự do cá nhân và lợi ích xã hội giao cắt trong một vùng xám không có trắng đen rõ ràng. “Vaccine COVID-19 phải là bắt buộc - ít nhất là với một số nhóm nhất định. Điều đó đồng nghĩa phải có hình phạt với việc không tiêm vaccine, bằng tiền hoặc dưới hình thức hạn chế tự do đi lại - Alberto Giubilini, nhà nghiên cứu ở Trung tâm Uehiro về đạo đức thực tiễn Đại học Oxford, Anh, nói với trang The Conversation - Việc một cá nhân càng gặp ít phiền toái khi làm điều giúp ngăn chặn mối nguy cho những người khác, và mối nguy cần ngăn chặn càng lớn, thì càng có lý do về mặt đạo đức để làm việc đó”.Các nghiên cứu y khoa tới nay đều nhất trí việc tiêm chủng giúp giảm mạnh nguy cơ lây nhiễm. Giãn cách xã hội thật ra cũng là một biện pháp có tính ép buộc (dù là sự cưỡng bách nhất thời - chứ không phải lâu dài như việc đưa vaccine vào cơ thể). Cũng như vaccine, nó giúp bảo vệ những người dễ tổn thương, dù với cái giá rất lớn. Ban bố một quyết định tiêm vaccine bắt buộc có lẽ không tốn kém như giãn cách xã hội lâu dài. Lẽ đó, sẽ là ít nhiều thiếu nhất quán nếu chấp nhận các biện pháp giãn cách nhưng lại chống bắt buộc tiêm vaccine.Tuy nhiên, cũng phải tính tới thực tế là giống như việc giãn cách xã hội, một quyết định hành chính bắt buộc tiêm vaccine chưa chắc đồng nghĩa với việc tất cả mọi người sẽ tuân thủ. Tình hình thêm phức tạp bởi COVID-19 là một bệnh có nguy cơ tử vong liên quan chặt chẽ đến tuổi tác. Tỉ lệ tử vong ở người trên 80 tuổi ước tính là 7,8%, trong khi ở trẻ em 9 tuổi trở xuống chỉ là 0,0016%, theo một nghiên cứu trên tạp chí chuyên ngành The BMJ. Những người trẻ và khỏe mạnh vẫn có thể chấp nhận tiêm vaccine, nhưng ép buộc họ lại là chuyện hoàn toàn khác.Học gì từ lịch sửTrong những trường hợp lý lẽ không đủ để thuyết phục nhau này, lịch sử có thể mang lại những bài học giá trị.So sánh tốt nhất với nỗ lực tiêm chủng COVID-19 toàn cầu hiện giờ mà chúng ta có trong quá khứ có lẽ là các chiến dịch chủng ngừa đậu mùa rốt cuộc đã dẫn đến việc thanh toán hoàn toàn căn bệnh kinh khủng này trên toàn thế giới. Với bệnh đậu mùa, việc chủng ngừa, rồi chích vaccine bắt buộc, đã đóng vai trò tối quan trọng làm giảm tỉ lệ tử vong và số ca nhiễm.Ở châu Âu giữa thế kỷ 19, những vùng có quy định chủng ngừa bắt buộc có số ca tử vong vì đậu mùa thấp hơn nhiều so với những nơi vẫn để người dân tự nguyện. Chẳng hạn ở Anh trước năm 1853, khi bắt đầu có quy định bắt buộc chủng ngừa đậu mùa, tỉ lệ tử vong vì bệnh này cao gấp 10 lần so với ở Ý và Thụy Điển, nơi chủng ngừa là bắt buộc.Ví dụ rõ ràng nhất về hiệu lực của chính sách vaccine bắt buộc là ở Mỹ. Từ năm 1919 tới 1928, 10 tiểu bang có luật bắt buộc chủng ngừa đậu mùa ghi nhận 6,6 ca bệnh trên 10.000 dân, trong khi ở 28 tiểu bang không có luật về chủng ngừa, số ca bệnh là 66,7/10.000 dân. Đặc biệt, 4 tiểu bang có luật cấm ép buộc người dân tiêm ngừa có số ca bệnh lên tới 115,2/10.000 dân. Sự khác biệt ở đây là 20 lần. Để làm rõ so sánh này, đậu mùa có lẽ có mức độ lây nhiễm thấp hơn COVID, nhưng nguy cơ tử vong thì cao hơn nhiều.Ở Mỹ, các quy định về bắt buộc chủng ngừa đậu mùa từng gây ra một cuộc tranh luận đạo đức, y học và pháp lý kéo dài. Năm 1901, một trận dịch đậu mùa kinh hoàng nổ ra ở vùng đông bắc Mỹ, khiến hội đồng y tế các thành phố Boston và Cambridge ra lệnh buộc dân chúng phải chủng ngừa. Nhưng một số người từ chối, tuyên bố mệnh lệnh đó vi phạm quyền hiến định của họ.Năm 1901 đấy, thành phố Boston ghi nhận 1.596 ca bệnh đậu mùa, với 270 trường hợp tử vong. Giới chức Boston và thành phố láng giềng Cambridge ban bố lệnh chích ngừa bắt buộc với hy vọng đạt mức miễn dịch cộng đồng 90%. Nhưng Henning Jacobson, một mục sư Tin lành Luther gốc Thụy Điển ở Cambridge từng chủng ngừa đậu mùa ở Thụy Điển năm 6 tuổi, tuyên bố đó là trải nghiệm khiến ông “đau đớn cùng cực” suốt phần đời còn lại. Vì vậy, khi giới chức y tế gõ cửa nhà ông năm 1902 để chủng ngừa cho các con trai ông, Jacobson đã từ chối họ.Vài tháng sau, Cambridge rơi vào hoảng loạn vì dịch bệnh. Tất cả trường học và địa điểm công cộng phải đóng cửa để ngăn dịch. Sở cảnh sát cử người đi gõ cửa từng nhà kêu gọi dân chúng chủng ngừa. Quy định bắt buộc nói ai không chủng ngừa sẽ bị phạt 5 đôla, tương đương 150 đôla ngày nay. Jacobson và một số người chống đối đã bị phạt khoản tiền này. Họ không đóng phạt mà kiện ra tòa. Các nhóm chống chủng ngừa cho rằng trẻ em bị dị dạng và tử vong vì vaccine đậu mùa. Họ gọi chính sách vaccine bắt buộc là “tội ác lớn nhất thời đại” đã “tàn sát hàng chục nghìn trẻ em”.Ở Tòa thượng thẩm tiểu bang Massachusetts, các thẩm phán bác bỏ mọi lập luận của nguyên đơn Jacobson, nhưng ông mục sư chưa chịu bỏ cuộc và đưa vụ việc lên tận Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ năm 1905. Sau lưng ông là Hiệp hội chống vaccine cưỡng bức Massachusetts. Trong vụ kiện ngày nay đã nổi danh - Jacobson kiện tiểu bang Massachusetts - các luật sư bên nguyên lập luận rằng lệnh chủng ngừa của thành phố Cambridge vi phạm tu chính án 14 Hiến pháp Mỹ, vốn cấm nhà nước “tước đoạt sinh mệnh, tự do hoặc tài sản của một cá nhân mà không theo một quy trình luật định”. Câu hỏi then chốt ở đây là quyền từ chối vaccine có thuộc nhóm các quyền tự do cá nhân được bảo vệ đó không?Tối cao Pháp viện cuối cùng đã bác lập luận của Jacobson với tỉ lệ 7-2. Viết biên bản ý kiến đại diện phe đa số, thẩm phán John Marshall Harlan trước hết công nhận tầm quan trọng sâu sắc của tự do cá nhân, nhưng cho rằng “quyền tự do của cá nhân nhiều khi, trong những tình huống có những mối đe dọa lớn, bị quy định bởi những mối đe dọa đó, phải chấp thuận những quy định hợp lý, do sự an toàn của công chúng có thể đòi hỏi”. Phán quyết Jacobson không chỉ là về vaccine và tiêm chủng, nó còn thiết lập một tiền lệ mạnh mẽ và đầy tranh cãi cho việc mở rộng quyền lực của nhà nước Mỹ suốt thế kỷ 20.Năm 1922, Tối cao Pháp viện lại xử một vụ vaccine nữa. Lần này là vụ học sinh người Texas Rosalyn Zucht không được học trường công vì cha mẹ cô bé không chịu để cô chích vaccine sởi. Một lần nữa, tu chính án 14 được viện dẫn, nhưng lần này là phần nhà nước “không được phủ nhận quyền được pháp luật bảo vệ bình đẳng của một cá nhân”. Tối cao Pháp viện lại xử phe chống vaccine thua. Thẩm phán Louis Brandeis viết đại diện cho cả tòa trong phán quyết 9-0: “Rất lâu trước vụ kiện này, vụ Jacobson kiện Massachusetts đã xác định rằng một tiểu bang có quyền bắt buộc chích vaccine. Đây không phải là quyền lực nhà nước tùy tiện, mà là sự suy xét khôn ngoan rộng hơn cần thiết để bảo vệ sức khỏe cộng đồng”. Những tranh luận đạo đức và pháp lý hơn 100 năm trước, thật dễ hiểu, lại bùng lên trong đợt dịch lần này. Năm 2020, Tối cao Pháp viện, trong một phán quyết sít sao 5-4, không ủng hộ các quy định chống dịch của nhà nước trong vụ giáo phận Công giáo Brooklyn, New York kiện Thống đốc Andrew M. Cuomo. Tòa cho rằng tiểu bang New York đã vi phạm quyền hiến định của công dân được tụ tập an toàn ở nhà thờ trong dịch. Lý lẽ của tòa là lệnh giãn cách xã hội không công bằng do cấm hoàn toàn việc tụ tập tôn giáo, trong khi các hoạt động dân sinh thông thường vẫn có thể diễn ra, dù hạn chế hơn. “Khó có thể coi vụ Jacobson là sự ủng hộ cho việc phớt lờ hiến pháp trong một đại dịch. Quyết định đấy phân tích theo cách hoàn toàn khác, và với những hạn chế cũng hoàn toàn khác” - thẩm phán Neil Gorsuch viết ý kiến của phe đa số. Tags: Giấy thông hànhVaccine COVID-19Đậu mùaGiấy thông hành vaccineTối cao Pháp viện
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm phát triển nông nghiệp cho Malaysia THANH HIỀN 22/11/2024 Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Việt Nam sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về phát triển nông nghiệp, trong đó có lương thực, cà phê với Malaysia và đề nghị Malaysia hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành công nghiệp Halal.
Phim chiếu rạp Kính vạn hoa tung poster và teaser, nhìn vừa lạ vừa quen THƯỢNG KHẢI 22/11/2024 Kính vạn hoa phiên bản điện ảnh đánh dấu sự tái ngộ của bộ ba Quý Ròm, Tiểu Long và nhỏ Hạnh, mang đến một không khí tươi vui nhưng không kém phần kịch tính.
VTV lên tiếng vụ xe biển xanh vượt 2 ô tô làm xe tải đi chiều ngược lại lao xuống cống HỒNG QUANG 22/11/2024 'Đài truyền hình Việt Nam lấy làm tiếc về sự việc nghiêm trọng này và sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng cùng gia đình tài xế xe tải để giải quyết vụ việc theo đúng tinh thần thượng tôn pháp luật', VTV thông tin.
Giữa lúc xung đột leo thang, Nga - Ukraine đạt thỏa thuận đưa 46 dân thường trở lại Kursk THANH HIỀN 22/11/2024 Hàng chục cư dân từ khu vực biên giới Kursk của Nga đã được đưa trở lại quê hương từ Ukraine sau các cuộc đàm phán 'khó khăn' giữa hai bên.