Thời của tôi, dẫu có chút thay đổi nhưng hầu hết đời sống người dân rất khó khăn, nhà cửa heo hút, đi muốn rã cặp giò mới thấy một mái nhà chập chờn khói. Chưa kể đến việc sông ngòi chằng chịt, đò ngang cách trở, cây cối um tùm khuất cả lối đi.
Miệt thứ dần trở thành một điều gì đó heo hút, xa xôi. Thời đó mà con gái về làm dâu miệt thứ thì có bà mẹ nào mà không khóc đục mờ cả mắt.
Xứ sở buồn, heo hút đâm ra người ta phải học cách sống chung với nó. Từ nếp ăn, nếp ở đến bệnh tật đều tự tay xoay xở. Tôi nhớ cái trạm xá gần ủy ban nơi tôi sống, chỉ có đôi ba người thay phiên nhau ngồi trực bên trong những mảng tường rêu phong, xập xệ.
Người dân xóm tôi hiếm khi đến trạm xá, trừ những trường hợp bất khả kháng. Bởi quanh nhà đâu đâu cũng là cây thuốc. Những đứa trẻ trong xóm tôi được người lớn dạy thuộc nằm lòng tên và công dụng của từng loại cây.
Ở gần nhà tôi có ông thầy Năm chuyên lấy nọc rắn và nọc chó cắn. Cho nên thỉnh thoảng ghe xuồng hay ghé lại, nhờ thầy lấy nọc. Tôi cũng được thầy lấy nọc chó cắn mấy lần với bài thuốc gia truyền.
Tưởng chừng như xóm nhỏ của tôi mãi yên bình như thế. Với những cây thuốc quanh nhà và bài thuốc gia truyền của ông thầy Năm. Nhưng đứa cháu của tôi mắc căn bệnh lạ mà dùng biết bao cây lá quanh nhà không thể nào chống chọi được.
Nó được chuyển lên tuyến trên bằng mấy bận đò, xe. Tin cho hay về, nó bị bệnh viêm não Nhật Bản. Căn bệnh làm cả xóm hoang mang, có người còn nói "ông bác sĩ cà chớn, thằng nhỏ có đi Nhật Bản đâu mà bị".
Ông thầy Năm cũng lắc đầu nói "đó giờ đâu có nghe ai nói". Nhưng dần dà người xóm tôi cũng nôm na hiểu được về căn bệnh nguy hiểm đó. Xóm yên bình bỗng chốc rối ren với căn "bệnh lạ", những bà mẹ bắt đầu nhốt con trong nhà, lật giở khắp người kiểm tra từng ngóc ngách.
Sau nửa tháng nằm viện ở thị xã Rạch Giá, cháu tôi cũng được xuất viện. Hàng xóm lần lượt kéo nhau đến thăm, hết lượt này đến lượt khác. Chị tôi phút chốc biến thành tư vấn viên trước căn bệnh lạ.
Đoạn chị tôi nói căn bệnh này hoàn toàn có thể ngăn ngừa được bằng vắc xin, ai nấy cũng há hốc mồm. Vì ở xứ sở này, nào giờ đâu có biết "vắc xin" tròn méo ra sao? Một lần nữa chị tôi lại đứng ra giải thích cho mọi người hiểu về công dụng của vắc xin. Và những di chứng để lại của bệnh viêm não Nhật Bản.
Chị còn biểu anh tôi phải dắt mấy đứa nhỏ trong nhà lên Rạch Giá tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản, ngừa trước cho yên tâm. Cả gia đình đều thống nhất với ý kiến của chị tôi.
Cứ thế, nhà này đi về lại thuật cho nhà khác biết, lời hướng dẫn của bác sĩ. Mấy đứa trẻ đi tiêm về lại hỏi nhau "mày đi tiêm vắc xin chưa?". Có đứa còn khoe lần đầu tiên bị kim tiêm đâm, đau như kiến cắn thôi.
Vậy là chẳng mấy chốc mà mấy đứa trẻ trong xóm tôi đều được tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản. Lúc đó, tôi bỗng thấy xứ sở mình không còn xa xôi hẻo lánh nữa. Những chuyến đò đưa người xóm tôi lên Rạch Giá và khi về họ mang theo nhiều điều mới mẻ cho xứ sở của mình.
Không biết từ lúc nào, việc bảo vệ con bằng vắc xin đã trở thành việc không thể thiếu của những người dân miệt thứ. Họ không chỉ bảo vệ con mình trước bệnh viêm não Nhật Bản mà còn với nhiều căn bệnh có nguy cơ khác. Giờ đây vắc xin đã không còn là thứ gì quá lạ lẫm với những người dân miệt thứ quê tôi...
Tiêm ngừa - Chuyện chưa kể
Báo Tuổi Trẻ với sự đồng hành của Hệ thống tiêm chủng VNVC đang tổ chức cuộc thi viết "Tiêm ngừa - Chuyện chưa kể". Đây là cơ hội để mọi người chia sẻ câu chuyện của mình, truyền cảm hứng và nâng cao ý thức về tầm quan trọng của tiêm chủng trong bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Ban tổ chức cho biết cuộc thi mở cho tất cả mọi người từ 6 tuổi trở lên, không giới hạn quốc tịch hay nghề nghiệp. Cán bộ, nhân viên báo Tuổi Trẻ và Công ty cổ phần Vacxin Việt Nam (VNVC) được phép viết bài để hưởng ứng cuộc thi nhưng không được chấm giải.
Đơn vị đồng hành nhận thấy có nhiều bạn đọc quan tâm đến cuộc thi, đặc biệt là cán bộ nhân viên của VNVC và báo Tuổi Trẻ đã hưởng ứng tham gia tích cực.
Đơn vị đồng hành quyết định trao tặng 2 phần quà nhằm khích lệ tinh thần tham dự của các cán bộ nhân viên tham gia tích cực hưởng ứng cuộc thi viết, trong đó có 1 phần quà dành cho cán bộ nhân viên của VNVC và 1 phần quà dành cho cán bộ nhân viên của báo Tuổi Trẻ.
Về dung lượng, tác phẩm dự thi là bài viết ngắn bằng tiếng Việt, tối đa 800 từ, khuyến khích tác phẩm có hình ảnh, chùm ảnh hoặc video clip minh họa.
Nội dung là một câu chuyện liên quan đến chủ đề "tiêm chủng" và tầm quan trọng của tiêm chủng trong việc duy trì, nâng cao sức khỏe cộng đồng, như kỷ niệm đẹp về tiêm chủng của bạn hoặc người thân;
Kỷ niệm về việc bạn đã cân nhắc lý do và đưa ra quyết định tiêm chủng; Cảm nhận và trải nghiệm cá nhân trong, sau khi tiêm chủng hoặc những ảnh hưởng của tiêm chủng đối với cuộc sống cá nhân và cộng đồng xung quanh.
Người tham gia có hai cách để nộp bài viết dự thi: Gửi email đến địa chỉ [email protected]. Trong email, cần cung cấp thông tin cá nhân đầy đủ: tên, tuổi, quốc gia, địa chỉ email, số tài khoản và số điện thoại liên lạc; Hoặc vào chuyên trang của cuộc thi ở địa chỉ tuoitre.vn, sau đó điền thông tin và tải file chứa bài dự thi theo yêu cầu.
Những tác phẩm dự thi tốt sẽ được ban tổ chức chọn lựa, đăng tải trên các ấn phẩm của Tuổi Trẻ (bài được chọn đăng không đồng nghĩa là bài sẽ đoạt giải). Thời gian nhận bài viết: Ngày 10-6 đến 30-7-2023, bất kỳ tác phẩm nào gửi sau thời hạn này 30-7-2023 sẽ không được xem xét.
Các tác phẩm dự thi sẽ được đánh giá bởi ban giám khảo gồm các chuyên gia y tế, nhà báo, nhân vật có tầm ảnh hưởng xã hội.
Giải thưởng gồm 2 giải đặc biệt trị giá 30 triệu đồng/giải; 10 giải nhất trị giá 10 triệu đồng/giải; 15 giải nhì (5 triệu đồng/giải); 20 giải ba và 100 giải khuyến khích.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận