Người dân ở thủ đô Mexico City của Mexico tiêm vắc xin Sputnik V vào ngày 24-2 - Ảnh: REUTERS
Theo hãng tin Reuters ngày 27-2, các nhà khoa học Nga tuyên bố một thử nghiệm nhằm kiểm tra hiệu quả của việc tiêm nhắc lại vắc xin (vaccine) Sputnik V ngừa COVID-19 để bảo vệ cơ thể trước những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đã cho những kết quả rất khả quan.
Theo chuyên gia Denis Logunov - phó giám đốc Viện Gamaleya, đơn vị phát triển vắc xin Sputnik V - nghiên cứu do trung tâm này thực hiện tại Nga cho thấy việc tiêm nhắc lại vắc xin Sputnik V có hiệu quả phòng ngừa các biến thể mới của virus rất hiệu quả, đặc biệt là các biến thể được phát hiện ở Anh và Nam Phi. Các kết quả nghiên cứu sẽ sớm được công bố.
Tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ thị tiến hành đánh giá hiệu quả phòng ngừa các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 mà các loại vắc xin ngừa COVID-19 phát triển trong nước mang lại. Chỉ thị nêu rõ việc đánh giá cần được hoàn tất trước ngày 15-3.
Các loại vắc xin ngừa COVID-19 như Sputnik V hay vắc xin của hãng AstraZeneca là các loại vắc xin tái tổ hợp, được phát triển dựa trên việc sử dụng những virus SARS-CoV-2 đã bị giảm độc lực như những công cụ mang thông tin di truyền, giúp cơ thể xây dựng hệ miễn dịch để tránh nguy cơ bị nhiễm virus trong tương lai.
Ông Logunov khẳng định thử nghiệm chỉ ra rằng việc tiêm nhắc lại vắc xin Sputnik V, với cùng loại virus đã bị giảm độc lực (giống những mũi tiêm trước), không hề tác động tới hiệu quả phòng ngừa của vắc xin.
Quân nhân ở Donetsk, khu vực do lực lượng chống chính quyền kiểm soát ở Ukraine, được tiêm vắc xin Sputnik V của Nga vào ngày 24-2 - Ảnh: REUTERS
Một số nhà khoa học từng chỉ ra nguy cơ rằng (sau khi được chủng ngừa các mũi đầu) cơ thể có thể phát triển hệ miễn dịch chống lại loại virus đã bị giảm độc lực kể trên, nhận diện virus này như một yếu tố "xâm nhập" và phá hủy chúng thay vì tiếp tục xây dựng hệ miễn dịch dựa trên thông tin mà những virus này mang lại.
Ông Logunov khẳng định nếu cần tiêm nhắc lại trong tương lai thì các loại vắc xin tái tổ hợp là lựa chọn tốt hơn so với những loại vắc xin phát triển trên các nền tảng khác.
Một vài nước thành viên EU, trong đó có Đức, Áo và Tây Ban Nha đã bày tỏ sự quan tâm tới vắc xin của Nga nếu vắc xin này được Cơ quan Quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cấp phép sử dụng. Trong khi đó, Hungary đã trở thành quốc gia thành viên EU đầu tiên tiêm chủng vắc xin Sputnik V của Nga vào ngày 12-2 vừa qua.
Hồi đầu tháng 2, ông Vladimir Chizhov - đại diện thường trực của Liên bang Nga tại Liên minh châu Âu (EU) - cho biết Nga sẵn sàng chia sẻ công nghệ sản xuất vắc xin ngừa COVID-19 với liên minh này.
Theo đó, trong một phát biểu, ông Chizhov cho biết Nga không kêu gọi các nước sử dụng vắc xin của mình cũng như không đặt mục tiêu quảng bá thuốc rầm rộ ra thị trường nước ngoài. Mặc dù Nga cần tiêm chủng vắc xin cho người dân nước mình song Nga sẵn sàng chia sẻ, không chỉ vắc xin thành phẩm mà quan trọng là công nghệ sản xuất vắc xin.
Ông Chizhov cũng cho biết các nhà máy sản xuất dược phẩm của Nga có những hạn chế và thực ra "không quốc gia nào có thể một mình sản xuất đủ vắc xin cho toàn thế giới".
"Đó là lý do vì sao chúng tôi đề nghị cung cấp một lô vắc xin thử nghiệm cho các nước quan tâm. Các nước có thể thử nghiệm nhiều lần và nếu thỏa mãn các điều kiện, Nga có thể giúp sản xuất vắc xin ngay trên lãnh thổ của các nước đó", ông Chizhov cam kết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận