Phát biểu tại buổi tọa đàm, nhà báo Lê Xuân Trung - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, nói: "Chúng ta vừa trải qua hai năm đại dịch COVID-19 với những mất mát và tổn thất nặng nề. Dịch bệnh hiện không còn đáng lo ngại nhờ có vắc xin như cứu tinh kịp thời chặn đứng đại dịch. Chúng ta ngày càng hiểu rõ vai trò quan trọng của vắc xin trong cuộc sống đầy rủi ro và biến động như hiện nay".
"Bố bớt một bữa bia để con được tiêm vắc xin"
PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế - đánh giá rất cao việc báo Tuổi Trẻ tổ chức tọa đàm này. Ông Phu chia sẻ ông làm về dự phòng từ năm 1986 và theo dõi lĩnh vực này suốt từ đó đến nay, ngày càng nhận thấy vai trò tiêm chủng vắc xin là rất quan trọng.
Sự phát triển vắc xin là thành tựu quan trọng bậc nhất của y khoa. Nhờ có vắc xin, thế giới đã thanh toán được bệnh đậu mùa. Việt Nam cũng loại trừ được bệnh bại liệt vào năm 2000.
Nhờ vắc xin, rất nhiều bệnh truyền nhiễm đã giảm hàng trăm đến hàng ngàn lần so với trước, nhiều bệnh nặng thành nhẹ hoặc bị triệt tiêu.
"Tôi vẫn thường nói đùa bố bớt một bữa bia để cho con tiêm thêm một mũi vắc xin", ông Phu chia sẻ.
Nhưng ông Phu cũng nói thêm Chương trình tiêm chủng mở rộng phòng được nhiều bệnh hiểm nghèo, nhưng không phủ khắp được tất cả các bệnh do vấn đề kinh phí.
"Nhờ vắc xin dịch vụ, nhiều bệnh có vắc xin phòng đã được cung cấp", ông Phu nhấn mạnh.
Các loại vắc xin thường tiêm theo các độ tuổi nhất định. Người ta căn cứ vào mức độ miễn dịch từ mẹ truyền sang con ở thời điểm nào sẽ giảm để tiến hành tiêm vắc xin ở thời điểm đó. Hoặc có những vắc xin phải tiêm nhắc lại do miễn dịch sau tiêm mũi trước đó đã giảm. Có những loại vắc xin tiêm cả ở trẻ em và người lớn như vắc xin cúm...
Tương tự, bác sĩ Lê Hồng Nga, phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cũng cho rằng vắc xin là thành tựu y học của thế giới.
Vắc xin giúp kiểm soát được rất nhiều bệnh truyền nhiễm và đại dịch COVID-19 được khống chế là một minh chứng. Số lượng vắc xin đang tiếp tục gia tăng nhờ các nghiên cứu khắp thế giới. "Phải truyền thông mạnh để mọi người dân biết vai trò quan trọng của vắc xin, bao phủ vắc xin đến toàn dân" - bác sĩ Nga nêu.
Bà Phạm Khánh Phong Lan, đại biểu Quốc hội, cho biết vắc xin 5 trong 1 trong Chương trình tiêm chủng mở rộng đã khan hiếm từ tháng 2-2023. Khi đến lịch đi tiêm chủng cho trẻ mà hết vắc xin, đa số các bác sĩ dự phòng khuyên nên tiêm chủng vắc xin dịch vụ cho trẻ để đảm bảo tiêm chủng đúng lịch.
Có sẵn hơn 40 loại vắc xin cho trẻ em, người lớn
Bà Bạch Thị Chính, giám đốc y khoa hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC, cho hay hệ thống đã cố gắng tăng số điểm tiêm chủng đến vùng sâu, vùng xa. Đến nay hệ thống có 113 trung tâm tiêm chủng ở các tỉnh thành với phương châm đưa vắc xin đến với mọi người dân Việt Nam, không chỉ ở thành thị mà còn ở nông thôn.
Hiện VNVC đang có sẵn hơn 40 loại vắc xin phòng gần 50 bệnh truyền nhiễm đầy đủ cho trẻ em và người lớn.
Để đảm bảo vắc xin luôn được bảo quản trong điều kiện tối ưu theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất, ngay từ những ngày đầu thành lập, VNVC đã đầu tư hệ thống kho lạnh đạt chuẩn quốc tế Good Storage Practices (GSP) cùng hệ thống dây chuyền bảo quản lạnh khép kín (Cold chain) tại tất cả trung tâm tiêm chủng trên toàn quốc.
Đây được xem như thành trì quan trọng đảm bảo chất lượng vắc xin an toàn, hiệu quả đến người dân. Bốn tổng kho lớn ở TP.HCM, Đà Nẵng và Hà Nội cùng hàng trăm kho lạnh ở mỗi trung tâm tiêm chủng khắp cả nước có thể bảo quản cùng thời điểm lên đến gần 300 triệu liều vắc xin, trong đó có cả những điều kiện bảo quản vắc xin đặc biệt âm sâu đến 86 độ.
Đặc biệt, nhằm chia sẻ tài chính với người dân, VNVC hiện đang có rất nhiều chính sách và chương trình hỗ trợ giá, ưu đãi giá tất cả các loại vắc xin quan trọng cho trẻ em và người lớn để được tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.
"Hệ thống tiêm chủng VNVC sẽ luôn đồng hành cùng Chương trình tiêm chủng mở rộng của Nhà nước để đưa vắc xin đến cho người dân. Các điểm tiêm chủng luôn phục vụ hết tuần lễ trong ngày để người dân tiếp cận vắc xin một cách dễ dàng nhất", bà Chính thông tin.
Trong số các nghệ sĩ tham dự buổi tọa đàm, diễn viên Ngọc Lan chia sẻ cô rất tin tưởng vào hiệu quả của vắc xin, đến nay cô đã tiêm đủ 4 mũi vắc xin phòng COVID-19. Cô nhận định vai trò quan trọng và sức ảnh hưởng của những người nổi tiếng đối với việc tiếp cận vắc xin, đặc biệt là truyền tải câu chuyện tiêm vắc xin đến với vùng sâu, vùng xa.
Sẽ có 265.000 liều vắc xin 5 trong 1 cho trẻ
Tại cuộc gặp gỡ báo chí ngày 15-6, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thông tin thêm đã xin ý kiến tiếp tục bố trí ngân sách trung ương, sớm có phương án mua sắm đủ vắc xin phục vụ tiêm chủng mở rộng.
Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã làm việc với các đối tác để tìm nguồn cung vắc xin 5 trong 1, loại vắc xin thiếu nhất hiện nay.
Đến nay, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương, WHO tại Việt Nam, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc thông tin sẽ hỗ trợ khẩn cấp cho Việt Nam trên 200.000 liều vắc xin 5 trong 1. Ngoài ra, còn có hơn 65.000 liều vắc xin 5 trong 1 từ nguồn tài trợ trong nước.
"Số vắc xin này sẽ ưu tiên cho vùng sâu, vùng xa, nơi trẻ khó tiếp cận được với vắc xin 5 trong 1 dịch vụ. Các đơn vị của Bộ Y tế đang hoàn tất các thủ tục để sớm có vắc xin", bà Lan thông tin.
DƯƠNG LIỄU
Phát động cuộc thi viết Tiêm ngừa - Chuyện chưa kể
Báo Tuổi Trẻ với sự đồng hành của hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC phát động cuộc thi Tiêm ngừa - Chuyện chưa kể.
Quý độc giả có hai cách để nộp bài viết dự thi: gửi email đến địa chỉ [email protected] hoặc vào chuyên trang của cuộc thi ở địa chỉ http://www.xosobinhdinh.org/tiem-ngua-chuyen-chua-ke-e1508.htm, sau đó điền thông tin và tải file chứa bài dự thi theo yêu cầu.
Nội dung bài viết chia sẻ những kỷ niệm và trải nghiệm cá nhân liên quan đến tiêm chủng một cách chân thực và ý nghĩa; có tầm ảnh hưởng, lan tỏa thông điệp tích cực về tầm quan trọng của tiêm chủng đối với sức khỏe cộng đồng; cách viết bài sáng tạo, hấp dẫn và truyền cảm hứng.
Tác phẩm dự thi có kèm hình ảnh, video clip và được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội sau khi đăng báo là các yếu tố để được xem xét cộng điểm.
147 tác phẩm xuất sắc sẽ được ban tổ chức lựa chọn trao giải, gồm:
- 2 giải đặc biệt: 30.000.000 đồng/giải,
- 10 giải nhất: 10.000.000 đồng/giải,
- 15 giải nhì: 5.000.000 đồng/giải,
- 20 giải ba: 3.000.000 đồng/giải,
- 100 giải khuyến khích: 2.000.000 đồng/giải.
Thời gian nhận bài viết từ ngày 10-6 đến 30-7-2023.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận