Phụ huynh TP.HCM đến lấy lại sổ tiêm chủng cho trẻ vì đã hết vắc xin sởi, nhiều người đành phải bỏ tiền túi tiêm vắc xin dịch vụ - Ảnh: THU HIẾN
Đại diện các trung tâm y tế, trạm y tế tại TP.HCM cho biết tình trạng hết hai loại vắc xin trên đã xảy ra từ nhiều tháng nay, người dân phải bỏ tiền túi ra tiêm vắc xin dịch vụ hoặc đợi đủ tháng để tiêm thế bằng các loại vắc xin khác.
Nhiều phụ huynh lo lắng, các trạm y tế bó tay
Sáng 13-9, mẹ bé L.H.K.N. (11 tháng tuổi, TP Thủ Đức, TP.HCM) đến trạm y tế Hiệp Bình Chánh, TP Thủ Đức để nhận lại sổ tiêm chủng vì được thông báo đã hết vắc xin sởi đơn để tiêm cho bé. Trước đó, ngày 12-9, mẹ bé N. đến trạm y tế đăng ký tiêm vắc xin sởi, tuy nhiên một ngày sau đó chị nhận được tin nhắn của trạm y tế với nội dung "Hiện tại trạm y tế không có vắc xin sởi đơn, vui lòng lên trạm y tế để lấy sổ lại".
"Sáng nay tôi được bác sĩ trạm y tế thông báo đã hết sởi đơn để tiêm cho bé, giờ phải lấy sổ lại và đi kiếm nơi tiêm dịch vụ hoặc đợi đến khi bé được 12 tháng tuổi để tiêm vắc xin sởi rubella. Nhưng đợi đến 1 tháng nữa thì lâu quá, tôi lo lắng cho sức khỏe bé, bùng dịch rất nguy hiểm. Nếu giá vắc xin dịch vụ quá cao tôi cũng đành phải đợi để tiêm vắc xin khác cho bé", mẹ bé N. cho biết.
Tương tự, bé A.N. (gần 9 tháng tuổi, TP Thủ Đức) mặc dù còn 2 tuần nữa mới đủ điều kiện tiêm vắc xin sởi đơn, tuy nhiên các bác sĩ trạm y tế Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức) cho biết có thể không có vắc xin sởi để tiêm cho cháu. Nếu không có vắc xin, gia đình bé N. đành phải đợi đến khi bé 12 tháng tuổi để tiêm vắc xin sởi rubella hoặc tiêm dịch vụ.
Bác sĩ Lê Thành Nam - phụ trách trạm y tế phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức) - cho biết tình trạng thiếu vắc xin sởi đơn và DPT đã xảy ra từ 2-3 tháng nay, nhiều phụ huynh đến trạm y tế để được tiêm vắc xin cho con nhưng vì trạm thiếu đành hướng dẫn phụ huynh kiếm nơi để tiêm dịch vụ hoặc đợi để tiêm vắc xin khác cho trẻ.
Điển hình là cuối tháng 7, trạm y tế xin mãi Trung tâm Y tế TP Thủ Đức mới được 1 lọ sởi đơn để tiêm cho 10 trẻ. Còn đối với vắc xin DPT nhiều trẻ được tiêm thế bằng vắc xin SII (5 trong 1). "Đến nay chúng tôi đã kiến nghị nhưng phía Trung tâm Y tế cũng báo đã hết hai loại vắc xin này" - bác sĩ Thành Nam nói.
Thiếu dài hạn từ vài tháng nay
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Trung Hòa - giám đốc Trung tâm Y tế quận Gò Vấp (TP.HCM) - khẳng định từ cuối tháng 5-2022, hai loại vắc xin sởi và DPT đã có dấu hiệu đứt, đến cuối tháng 6-2022 đã thiếu cục bộ một số loại vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng, trong đó có cả IPV (vắc xin bại liệt). Nhiều đơn vị phải chạy sởi dịch vụ để tiêm cho trẻ, dù lỗ cũng phải tiêm để đảm bảo an toàn cho trẻ.
Bác sĩ Phạm Huy Hoàng - trạm trưởng trạm y tế phường Trường Thọ (TP Thủ Đức) - cho biết vắc xin sởi đơn và DPT của trạm đã hết từ ba tháng trước. Ví dụ phụ huynh đến yêu cầu tiêm sởi sẽ được hướng dẫn đợi trẻ đủ 12 tháng để tiêm vắc xin sởi rubella, phương án 2 là hướng dẫn phụ huynh kiếm các trung tâm dịch vụ tiêm vắc xin để tiêm. Còn đối với trẻ tiêm vắc xin DPT có hai phương án: dưới 24 tháng tuổi sẽ tiêm vắc xin VII (5 trong 1), nếu đã quá 24 tháng bắt buộc phải chích dịch vụ.
Ngày 12-9, ông Nguyễn Hữu Hưng, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đã có văn bản gửi đến Bộ Y tế và UBND TP về tình hình cung ứng vắc xin sởi và DPT.
Theo ông Hưng, từ tháng 5-2022, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP chưa nhận được vắc xin sởi, vắc xin DPT từ Viện Pasteur TP.HCM.
Trước đó, ngày 12-8, Viện Pasteur TP.HCM đã phân bổ 6.000 liều vắc xin DPT hạn dùng đến ngày 5-9 cho Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và đã sử dụng hết. Ngày 31-8, Viện Pasteur TP có thông báo kho vắc xin của viện này đã hết các loại vắc xin sởi và DPT.
Sở Y tế đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo chương trình tiêm chủng quốc gia phân bổ vắc xin đủ theo số lượng đã đăng ký, đảm bảo tiêm chủng cho người dân.
Tin nhắn của trạm y tế phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức) thông báo đã hết vắc xin sởi đơn để tiêm cho trẻ - Ảnh: THU HIẾN
TP.HCM đã ra văn bản đến 3 lần
Bác sĩ Lê Hồng Nga - phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM - cho biết tình trạng hết một số loại vắc xin trong tiêm chủng mở rộng bắt đầu từ tháng 7-2022, lần cuối cùng TP nhận được vắc xin phân bổ là tháng 4-2022, đến tháng 8-2022 TP chỉ nhận được 6.000 liều vắc xin DPT nhưng đã dùng hết.
Đến nay, Sở Y tế TP.HCM đã có ba văn bản gửi đến chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia để cung ứng vắc xin sởi và vắc xin DPT. Hiện vẫn chưa có văn bản phản hồi về việc phân bổ vắc xin từ Bộ Y tế.
Bà Nga cho biết thêm đối với những trẻ 9 tháng tuổi khi không có vắc xin sởi đơn trạm y tế sẽ hướng dẫn nếu ai có điều kiện sẽ đi tiêm dịch vụ, nếu không thì trạm y tế lập danh sách khi có vắc xin sẽ mời phụ huynh đưa trẻ đi tiêm ngay. Đối với trẻ trên 12 tháng tuổi sẽ thay bằng vắc xin sởi rubella.
"Khi thiếu vắc xin nguy cơ lây lan dịch bệnh rất lớn, hiện chỉ còn phương án đã hướng dẫn người dân đi tiêm vắc xin dịch vụ. Ngoài ra, các nhân viên y tế phải triển khai hướng dẫn người dân các biện pháp phòng bệnh cơ bản như: giữ vệ sinh cá nhân, hạn chế tiếp xúc với người có triệu chứng nghi ngờ... đợi đến khi có vắc xin phân bổ", bà Nga nói.
Bà Nga cho biết thêm hiện mong muốn lớn nhất của TP.HCM là được cung ứng vắc xin sởi và DPT để việc tiêm vắc xin cho trẻ không bị gián đoạn.
Vắc xin trong kho nhưng không mua, bán được
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Dương Thị Hồng - viện phó Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, cho biết tình trạng thiếu vắc xin bắt đầu từ tháng 8. Cụ thể, đây là hai vắc xin trong nước, cung ứng theo đơn đặt hàng để các đơn vị sản xuất. Trong đó, vắc xin sởi do Trung tâm Nghiên cứu sản xuất vắc xin và sinh phẩm y tế (POLYVAC) sản xuất; vắc xin DPT của Viện Vắc xin và sinh phẩm y tế (IVAC) sản xuất.
Theo bà Hồng, các nhà cung cấp này đều có sẵn vắc xin trong kho song không thể tiến hành mua bán, cung ứng do vướng mắc các thủ tục theo quy định hiện hành. Theo bà, chức năng của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương là tiếp nhận và phân bổ vắc xin, do vậy những vướng mắc này là Bộ Y tế phải tháo gỡ. Viện cũng đã báo cáo Bộ Y tế và đang nỗ lực thực hiện các thủ tục để cung ứng kịp thời vắc xin cho địa phương. (DƯƠNG LIỄU)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận