Các nhà khoa học Đại học Oxford nghiên cứu vắc xin COVID-19 - Ảnh: ĐẠI HỌC OXFORD
Trả lời Hãng tin Bloomberg, giám đốc điều hành Công ty đa quốc gia AstraZeneca (trụ sở ở Anh), Pascal Soriot, cho biết cần phải thử nghiệm bổ sung đối với vắc xin COVID-19 để bảo đảm độ tin cậy.
Ông giải thích: "Kết quả nghiên cứu quốc tế mới này có thể nhanh hơn vì chúng tôi biết hiệu quả cao nên cần số lượng bệnh nhân ít hơn".
Trong khi đó, các nhà khoa học trấn an không nên quá thất vọng với vắc xin này.
Vì sao bị chỉ trích?
Vắc xin do AstraZeneca và Đại học Oxford (Anh) hợp tác phát triển là ứng viên vắc xin COVID-19 đầu tiên nổi đình nổi đám vì là vắc xin đầu tiên được thử nghiệm trên người.
Vắc xin này được các nước có thu nhập thấp rất quan tâm bởi rẻ tiền hơn của Pfizer/BioNTech hoặc Moderna (do sử dụng công nghệ truyền thống) và dễ bảo quản hơn (bảo quản trong tủ lạnh bình thường) nên về hậu cần dễ triển khai nhanh trên quy mô lớn.
Hôm 23-11, AstraZeneca công bố vắc xin đạt hiệu quả 70% trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 tại Anh và Brazil. Ngay sau đó, vắc xin đã lên "đoạn đầu đài".
Kết quả thử nghiệm mới công bố bị chỉ trích và "niềm tin vào cách tiếp cận khoa học của AstraZeneca đã bị thương tổn" như báo New York Times tóm tắt.
Theo báo Le Parisien (Pháp), nguyên nhân AstraZeneca bị chỉ trích do đã che giấu sai sót trong quá trình thử nghiệm.
Hiệu quả đạt 70% thật ra có được từ hai phác đồ thử nghiệm khác nhau.
Nhóm đầu tiên do sơ suất nên nhận được liều lượng thấp gồm lần đầu nửa liều và lần sau đủ một liều. Hiệu quả đạt được 90%. Nhóm thứ hai được tiêm hai liều đầy đủ. Hiệu quả giảm chỉ còn 62%.
Như vậy nếu tiêm đủ hai liều, vắc xin thực sự chỉ đạt hiệu quả 62%. Cũng do sơ suất nên chỉ có 3.000 người tình nguyện tham gia phác đồ đầu tiên.
Thử nghiệm vắc xin của AstraZeneca/Oxford tại Brazil - Ảnh: AFP
Các nhà khoa học của Đại học Oxford thừa nhận họ không thể giải thích vì sao vắc xin đạt hiệu quả cao hơn khi được tiêm chỉ nửa liều. AstraZeneca thừa nhận có sai sót do con người.
Ngoài ra, TS Moncef Slaoui - giám đốc khoa học của chiến dịch Warp Speed (chiến dịch phát triển và phân phối vắc xin COVID-19 của Mỹ) - chỉ ra nhóm đầu tiên nhận nửa liều chỉ toàn người dưới 55 tuổi, như vậy các nhóm có nguy cơ cao hơn đã bị loại trừ.
Báo Financial Times ghi nhận trong ba êkíp chạy đua đưa vắc xin COVID-19 ra thị trường đầu tiên, AstraZeneca/Oxford là êkíp duy nhất có giá cổ phiếu giảm sau khi công bố kết quả trong khi cổ phiếu của Moderna và Pfizer tăng vùn vụt.
Vắc xin của AstraZeneca/Oxford còn đáng tin cậy?
Kênh truyền hình France 24 (Pháp) nhận định vắc xin AstraZeneca/Oxford bị chỉ trích tơi tả là tin xấu trong cuộc chiến chống COVID-19.
Tuy nhiên trả lời France 24, TS miễn dịch học Zania Stamataki ở Đại học Birmingham (Anh) ghi nhận: "Tôi không thấy điều gì đáng lo ngại. Đây chỉ là kết quả trung gian từ thử nghiệm trên một số người. Số liệu này sẽ còn thay đổi nhanh chóng khi có thêm dữ liệu và sẽ giúp hiểu rõ hơn về tính hiệu quả của vắc xin".
Nhà virus học Morgane Bomsel - giám đốc nghiên cứu ở Trung tâm Nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp (CNRS) - cũng nhận xét tương tự.
Bà cho rằng không nên kết luận quá sớm vì kết quả thử nghiệm vắc xin mới công bố chỉ là thông cáo báo chí chứ không phải nghiên cứu đã qua bình duyệt.
Nhân viên Công ty dược phẩm CSL ở Melbourne (Úc) bắt đầu sản xuất vắc xin COVID-19 của AstraZeneca/Oxford - Ảnh: GETTY IMAGES
TS Zania Stamataki lưu ý trên thực tế đến nay chưa có êkíp nghiên cứu vắc xin COVID-19 nào công bố dữ liệu chi tiết trên tạp chí khoa học, do đó cần chờ đợi trước khi chỉ trích.
Bà tóm tắt: "Về mặt khoa học, điều duy nhất có thể nói lúc này là có ba loại vắc xin đang có nhiều dấu hiệu đáng khích lệ về tính hiệu quả trong ngăn ngừa COVID-19".
Bà nhấn mạnh nếu vắc xin của AstraZeneca/Oxford Oxford chỉ đạt hiệu quả 62% thì đây cũng là vắc xin rất hứa hẹn vì "đừng quên vắc xin cúm mùa chỉ làm giảm nguy cơ nhiễm bệnh từ 40-60%".
Sơ suất trong liều lượng thử nghiệm có khi lại là điều may khi tiêm ít vắc xin hơn lại tạo ra phản ứng miễn dịch tốt hơn.
Thử nghiệm bổ sung sắp tới của AstraZeneca sẽ đánh giá hiệu quả của vắc xin theo phác đồ sử dụng liều lượng thấp.
Giám đốc Pascal Soriot ghi nhận quy trình thử nghiệm bổ sung không ảnh hưởng đến thới gian cấp phép lưu hành của EU và Anh nhưng với Mỹ có thể chậm hơn.
TS Zania Stamataki và nhà virus học Morgane Bomsel nhận định còn hai câu hỏi quan trọng chưa có lời giải đáp: vắc xin bảo vệ được bao lâu và hiệu quả thế nào đối với các nhóm dân số có nguy cơ cao nhất?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận