Trong hơn 4 tháng, trên địa bàn tỉnh Điện Biên ghi nhận 3 ổ dịch bạch hầu với 6 ca mắc, trong đó đã có ca tử vong. Tương tự, tại Hà Giang cũng ghi nhận 2 huyện có ổ dịch với 9 ca mắc, 1 ca tử vong.
Ổ dịch bạch hầu kéo dài
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Điện Biên, ca bệnh bạch hầu xuất hiện từ ngày 30-4 đến 21-5 ghi nhận 2 trường hợp mắc bạch hầu, có 1 ca tử vong tại xã Pu Nhi, huyện Điện Biên Đông. Sau đó gần 3 tháng, ngày 14-8 xuất hiện ổ dịch thứ 2 tại xã Pú Hồng, huyện Điện Biên Đông.
Tiếp đến ngày 23-8 tiếp tục xuất hiện ổ dịch thứ 3 tại xã Huổi Mí, huyện Mường Chà. Trong hơn 4 tháng, trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã ghi nhận 3 ổ dịch bạch hầu với 6 ca mắc, trong đó có 1 trường hợp tử vong tại xã Pu Nhi, huyện Điện Biên Đông.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Giang, tỉnh này có 46 người nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu đang được theo dõi tại 3 bệnh viện, trong đó có 9 ca bệnh được xác định mắc bệnh bạch hầu và đã có 1 ca tử vong.
Đây là trường hợp đầu tiên mắc bệnh bạch hầu và tử vong tại tỉnh này trong gần 20 năm qua. Sau khi phát hiện ca mắc bệnh bạch hầu tại huyện Mèo Vạc, ngày 9-9 tỉnh Hà Giang tiếp tục ghi nhận ca mắc ở huyện Yên Minh.
Theo đánh giá của Bộ Y tế, các ca mắc bệnh bạch hầu đều không rõ nguồn lây. Đồng thời, Bộ Y tế cũng đề nghị các địa phương tăng cường phòng, chống dịch bạch hầu.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo một trong những biện pháp phòng chống dịch hiệu quả là tiêm vắc xin phòng bệnh. Tuy nhiên, hiện nay việc mua sắm vắc xin phòng bệnh còn nhiều khó khăn.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện CDC tỉnh Điện Biên cho hay do khó khăn trong đánh giá nguy cơ bùng phát dịch, kéo theo khó xác định chính xác nhu cầu vật tư, thuốc, vắc xin, kinh phí.
"Ngay sau khi xuất hiện ổ dịch đầu tiên vào ngày 30-4, địa phương đã thực hiện đấu thầu vắc xin Td (vắc xin phòng bệnh bạch hầu), đến nay mới thực hiện đấu thầu xong được hơn 2.000 liều, đủ tiêm phòng cho một ổ dịch. Địa phương đang tiếp tục đấu thầu. Dự kiến số vắc xin này sẽ được tiêm chủng cho người từ 7 đến 20 tuổi", đại diện CDC Điện Biên cho hay.
Vị này cũng thông tin thêm việc đấu thầu vắc xin Td gặp khó khăn khi nguồn cung khan hiếm, trong khi quy trình đấu thầu đúng quy định phải mất 3 tháng nên không thể đáp ứng ngay được nhu cầu chống dịch tại địa phương.
Đại diện CDC Điện Biên kiến nghị cần có cơ chế cho các địa phương rút ngắn thời gian thầu để phục vụ chống dịch trong tình huống cấp bách. Hoặc cung ứng vắc xin Td cho tỉnh Điện Biên từ nguồn hỗ trợ nếu có của trung ương và sẵn sàng hỗ trợ tỉnh trong việc thực hiện mua vắc xin Td từ nguồn kinh phí của địa phương, sau khi được UBND tỉnh Điện Biên phê duyệt mua vắc xin.
Tại Hà Giang, Sở Y tế Hà Giang cũng đã lập danh sách các đối tượng tiêm chủng vắc xin DPT, Td. Hà Giang đã được một doanh nghiệp ủng hộ 10.000 liều vắc xin Td phòng chống dịch. Hiện Hà Giang đang phối hợp với nhà cung cấp để đưa vắc xin về địa phương, tổ chức tiêm chủng.
Vắc xin 5 trong 1 vẫn từ nguồn viện trợ, sắp tới sẽ thiếu
Từ tháng 2-2023, vắc xin 5 trong 1 (bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi và viêm màng não mủ do Hib) và một số vắc xin trong Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) bị gián đoạn.
Nguyên nhân được đưa ra là từ năm 2023 Bộ Tài chính không bố trí ngân sách trung ương cho Bộ Y tế mua vắc xin TCMR, thay vào đó các địa phương bố trí ngân sách mua vắc xin, tuy nhiên do quy trình mua sắm, đấu thầu, nguồn cung khó khăn nên nguồn vắc xin bị gián đoạn.
Đến tháng 7 vừa qua có 258.000 liều vắc xin 5 trong 1 từ nguồn viện trợ đã được tiếp nhận. Ngay sau khi có vắc xin hỗ trợ, Viện Vệ sinh dịch tễ đã phân bổ đến các địa phương tiêm ngay cho trẻ.
Ở TP.HCM, theo ghi nhận hiện nay tại một số trạm y tế đã tổ chức tiêm vắc xin 5 trong 1 cho trẻ nhỏ.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Lê Hồng Nga - phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM - cho biết cuối tháng 8-2023, đơn vị nhận được 12.400 liều vắc xin 5 trong 1 phân bổ từ Bộ Y tế và hiện tại đã cấp cho các quận, huyện.
Theo hướng dẫn từ Chương trình TCMR, định kỳ mỗi tháng thành phố sẽ dự trù theo nhu cầu của tất cả các loại vắc xin gửi danh sách để được chờ phân bổ vắc xin.
Đến 10-7, Thủ tướng có quyết định bố trí ngân sách trung ương năm 2023 cho Bộ Y tế để mua vắc xin TCMR (do khó khăn từ địa phương nên Bộ Y tế lại đảm nhiệm như cũ trong thời gian trước mắt).
Đại diện Văn phòng TCMR quốc gia cho biết đang nỗ lực triển khai đầy đủ quy trình, thủ tục đúng theo luật đấu thầu để mua sắm vắc xin trong Chương trình TCMR.
Nguy cơ dịch bạch hầu lây lan
Một chuyên gia trong lĩnh vực tiêm chủng cho hay vài năm trở lại đây, tại Tây Nguyên và một số tỉnh miền núi phía Bắc có ca bệnh trở lại. Hầu hết các địa phương này thuộc vùng sâu vùng xa, tỉ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh giảm hoặc gián đoạn dẫn đến số ca bệnh tăng.
Theo vị này, nhiều trẻ không được tiêm chủng đầy đủ trong hai năm đầu đời, không được tiêm nhắc lại khi lớn hơn, tạo "khoảng trống miễn dịch". Khả năng bảo vệ từ vắc xin bạch hầu không tồn tại bền vững mà giảm dần.
Vắc xin phòng bệnh bạch hầu miễn phí trong Chương trình tiêm chủng mở rộng áp dụng cho trẻ dưới 4 tuổi. Trẻ trên 4 tuổi và người lớn có thể đến các cơ sở tiêm chủng dịch vụ để được tư vấn, sử dụng vắc xin phối hợp phòng bệnh bạch hầu phù hợp với độ tuổi và tiền sử tiêm chủng.
Bệnh bạch hầu nguy hiểm vì độc tố bạch hầu có thể gây liệt cơ, viêm cơ tim, dẫn đến tử vong trong vòng vài ngày. Tỉ lệ tử vong khoảng 5 - 10% ở những người dưới 5 tuổi; trên 40 tuổi tỉ lệ tử vong cao hơn, lên đến 20%.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận