V-League đã bắt đầu có chỗ đứng trong bóng đá khu vực - Ảnh: HỮU TẤN
Chỉ vài năm trước, V-League còn phải chịu cảnh xếp sau Giải vô địch Malaysia (M-League) và Indonesia (Liga 1) về nhiều mặt. Nhưng giờ đây dù còn nhiều vấn đề tồn đọng nhưng Giải vô địch quốc gia VN (V-League) đã cải thiện hình ảnh và bắt đầu có chỗ đứng trong bóng đá khu vực.
Giá trị tăng nhanh
Năm 2019, V-League gần như "vô hình" trên bản đồ chuyển nhượng bóng đá quốc tế khi hầu hết các cầu thủ không được trang transfermarkt định giá.
Nhưng đến khoảng tháng 7-2020, giá trị của V-League bất ngờ nhảy vọt từ 7,3 triệu USD lên 37 triệu USD và đứng ở vị trí thứ 3 Đông Nam Á (sau Thái Lan và Indonesia).
Thời gian qua, những tưởng đại dịch sẽ khiến V-League điêu đứng thì theo thống kê của trang transfermarkt, tổng giá trị V-League đã tăng lên thêm 0,61 triệu USD, lên 37,61 triệu USD.
Đó là con số mơ ước của Liga 1 (giảm đến 18,32 triệu USD) xuống khoảng 49 triệu USD. Dù vẫn đứng thứ 3 tại Đông Nam Á nhưng V-League đã thu ngắn khoảng cách đáng kể với Liga 1.
Sở dĩ V-League tăng giá trong khi Liga 1 giảm sâu là bởi giải đấu của VN tiếp tục chiêu mộ (hoặc giữ chân) được các ngoại binh được định giá cao. Đồng thời giá trị các nội binh cũng tăng, nâng tổng giá trị chuyển nhượng V-League lên theo.
Ngoài ra, đại dịch COVID-19 khiến Liga 1 không thể "hạ cánh an toàn" nên trực tiếp ảnh hưởng đến giá trị của giải đấu.
Cải thiện vị trí trên bảng xếp hạng của AFC
Không chỉ vậy, V-League còn liên tục "nhảy bậc" trên bảng xếp hạng của LĐBĐ châu Á (AFC). Theo cập nhật mới nhất của trang Footy Ranking (trang cơ sở dữ liệu thuộc AFC), V-League đang đứng thứ 2 ở khu vực Đông Nam Á (sau Thái Lan) và đứng thứ 6 ở khu vực Đông Á.
Tính trên bình diện châu Á, V-League xếp hạng 13 trong số các giải vô địch quốc gia mạnh, đứng trên cả Giải vô địch Úc.
Với thứ hạng hiện tại, bóng đá VN sẽ có thêm 1 suất dự play-off AFC Champions League vào năm 2023 sau khi có suất vào thẳng vòng bảng từ năm 2021.
Đây thực sự là bước tiến lớn nếu biết rằng năm 2019, V-League còn xếp sau cả Giải vô địch Philippines - quốc gia không hề chuộng bóng đá.
Sở dĩ V-League "nhảy" trên bảng xếp hạng của AFC là do các CLB Việt Nam đã có thành tích ấn tượng ở AFC Cup. Theo Footy Ranking, trong năm 2019 V-League đã tăng thêm 10.752 điểm nhờ việc CLB Hà Nội và Bình Dương tiến sâu ở AFC Cup.
Đây là số điểm nhiều nhất mà một giải vô địch quốc gia ở Đông Nam Á đạt được trong năm 2019. Năm 2021, nếu ba CLB của Việt Nam là Viettel (AFC Champions League), Hà Nội và CLB Sài Gòn (AFC Cup) tiếp tục thi đấu thành công, V-League sẽ còn tiếp tục tăng hạng.
Dù V-League tăng giá nhưng chưa thể lấy đó làm lý do để thu hút các nhà tài trợ. Tuy nhiên, việc V-League tăng giá rất có lợi cho các cầu thủ Việt trong việc chuyển nhượng quốc tế.
Sân Hàng Đẫy, sân Vinh mở cửa cho 2.000 khán giả
Chiều nay (18-3), ở hai trận đấu sớm vòng 4 V-League, trên sân Vinh chủ nhà Sông Lam Nghệ An tiếp Than Quảng Ninh (17h, THTT trên BĐTV) và trên sân vận động Hàng Đẫy, CLB Hà Nội gặp Đông Á Thanh Hóa (19h15, THTT trên VTV6).
Theo ban điều hành giải đấu, UBND TP Hà Nội và tỉnh Nghệ An chỉ cho phép 2.000 khán giả vào sân. CLB Hà Nội cho biết trong số 2.000 vé vào sân Hàng Đẫy có 1.000 vé được bán cho người hâm mộ.
Sau 3 vòng đấu, do mới được 1 điểm nên SLNA quyết tâm giành chiến thắng trước Than Quảng Ninh. Trong khi đó, sau trận thắng đầu tiên tại vòng 3 trước Hải Phòng với tỉ số 2-0, chủ nhà Hà Nội đặt mục tiêu sẽ giành trọn 3 điểm trước Đông Á Thanh Hóa của HLV Petrovic.
K.Xuân
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận