29/01/2016 09:19 GMT+7

Ủy viên Bộ Chính trị trẻ nhất: “Tôi sẽ phải nỗ lực rất lớn!”

VIỄN SỰ - MAI HƯƠNG thực hiện (viensu@tuoitre.com.vn)
VIỄN SỰ - MAI HƯƠNG thực hiện ([email protected])

TT - Đây là chia sẻ của ông 
Võ Văn Thưởng - ủy viên Bộ Chính trị, phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM - tại Đại hội Đảng XII, ngay sau khi được 
Ban Chấp hành Trung ương khóa XII bầu vào 
Bộ Chính trị.

 

Ảnh: Tự Trung
Ảnh: Tự Trung

Tôi quan niệm rằng lắng nghe chưa đủ mà phải hành động, phải đau đáu để giải quyết những vấn đề đã nghe được từ dân

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM VÕ VĂN THƯỞNG

* Tại cuộc họp báo sau đại hội, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc đến ông - thành viên trẻ nhất Bộ Chính trị khóa XII - để minh chứng cho sự trẻ hóa trong đội ngũ Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị. Ông suy nghĩ gì về điều này?

- Tôi nghĩ rằng đây là sự đánh giá cao, sự tin cậy của Đại hội XII, của Ban Chấp hành Trung ương dành cho Đảng bộ TP.HCM mà tôi là người được ủy thác để nhận vinh dự đó.

Bản thân tôi thấy mình còn trẻ, kinh nghiệm còn chưa nhiều, sẽ phải nỗ lực rất lớn và mong được các vị cán bộ lão thành, những người đi trước, các cán bộ đảng viên... quan tâm động viên, chia sẻ, góp ý để tôi hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình.

* Tháng 4-2014, khi được phân công làm phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM, ông chia sẻ rằng mình như một đứa con đi xa trở về. Tháng 10-2015, sau Đại hội Đảng TP.HCM lần thứ X, ông tâm sự ông và các lãnh đạo Thành ủy vừa được bầu đã gắn bó hơn 20 năm với TP.HCM, hiểu từng ngõ hẻm, con đường của TP.HCM... Bây giờ được bầu vào Bộ Chính trị, ông muốn nói gì với người dân TP.HCM?

- Tự đáy lòng mình, tôi bày tỏ lòng biết ơn đối với Đảng bộ và nhân dân TP.HCM, cảm ơn đồng chí Lê Thanh Hải, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên bí thư Thành ủy, và các lãnh đạo qua các thời kỳ, cán bộ đảng viên của TP.HCM đã quan tâm, bồi dưỡng giáo dục.

Tôi cảm ơn đồng bào TP.HCM đã luôn có những gợi mở, đòi hỏi để thôi thúc tôi phải nỗ lực hoàn thành công việc và nhờ đó tôi có sự trưởng thành hơn, được Trung ương tín nhiệm. Tôi cũng chân thành cảm ơn tổ chức Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, nơi tôi đã có nhiều năm tháng gắn bó công tác và trưởng thành hơn.

Trong bài phát biểu của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có nói tập thể Ban Chấp hành Trung ương khóa XII phải là những người gần dân, trọng dân, vì dân, có ý thức trách nhiệm, nói đi đôi với làm... Tôi ý thức sâu sắc về đòi hỏi này và sẽ luôn trăn trở để giải quyết được những kỳ vọng mà nhân dân đặt ra.

Bản thân tôi và tập thể lãnh đạo TP.HCM hứa sẽ luôn nỗ lực để giải quyết tốt hơn nữa những đòi hỏi từ cuộc sống, nguyện vọng của nhân dân.

Suy cho cùng mọi nỗ lực để thúc đẩy sự phát triển của TP.HCM cũng là để giải quyết những vấn đề mà người dân mong đợi. Vào lúc này, trách nhiệm quan trọng nhất là phải thực hiện thắng lợi nghị quyết của Đại hội XII và nghị quyết của Đại hội Đảng TP.HCM lần thứ X.

* Người dân thường cho rằng những người có chức vụ càng cao càng xa dân, với trọng trách mới ông sẽ làm gì để gần dân, hiểu sự thật từ người dân?

- Quan liêu, mệnh lệnh, tham nhũng, xa rời nhân dân sẽ mang lại những tổn thất không lường được. Vì vậy gắn bó mật thiết với nhân dân là một vấn đề quan trọng.

Trên thực tế nơi nào cán bộ gần dân, sát dân, hiểu dân, giải quyết tốt những nhu cầu, những bức xúc, đòi hỏi của dân thì việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội sẽ có kết quả tốt. Ngược lại sẽ gây nên những bức xúc, phản ứng trong nhân dân.

Thường trực Thành ủy TP.HCM rất có ý thức về vấn đề này. Lãnh đạo TP.HCM dành nhiều thời gian để đi cơ sở, lắng nghe và giải quyết những vấn đề đặt ra từ người dân, từ thực tiễn cuộc sống. Và nhìn chung Thành ủy TP.HCM đã có nhiều chỉ đạo giải quyết hợp lý, hợp tình những vấn đề bức xúc của nhân dân.

Tuy nhiên, trước những đòi hỏi và mong muốn của nhân dân thì công việc này còn phải tiếp tục làm tốt hơn nữa. Làm sao để việc tiếp xúc, đối thoại, lắng nghe dân trở thành một việc thường xuyên của cán bộ.

* Cá nhân ông sẽ lắng nghe người dân thông qua những kênh nào?

- Gặp gỡ trực tiếp là kênh quan trọng nhất, ngoài ra thông qua phản ảnh của đại biểu Quốc hội, HĐND, thông qua các báo cáo nghiên cứu dư luận xã hội, của MTTQ và đoàn thể, các tổ chức cơ sở Đảng và các cơ quan truyền thông, báo chí. Thông qua những kênh đó, tâm tư của dân được lãnh đạo TP.HCM cập nhật hằng ngày, hằng giờ.

Tôi quan niệm lắng nghe chưa đủ mà phải hành động, phải đau đáu để giải quyết những vấn đề đã nghe được từ dân.

* Với cương vị mới được Đảng giao phó, ông có cảm thấy thiếu thời gian dành cho cuộc sống riêng của mình?

- Nếu mình coi công việc là cuộc sống, là sự thôi thúc của chính bản thân mình thì sẽ không còn cảm thấy nặng nề. Mặt khác, khi những việc mình làm mang đến hiệu quả và sự chuyển biến nhất định, nó sẽ trở thành nguồn cảm hứng, là động lực để mình làm việc tốt hơn.

Cơ cấu Bộ Chính trị

* Lần đầu tiên có 3 nữ (khóa XI có 2 nữ).

* Tuổi bình quân 59,7. Người nhiều tuổi nhất: Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng (72 tuổi). Người ít tuổi nhất: Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Võ Văn Thưởng (46 tuổi).

* 1 người là dân tộc thiểu số: bà Tòng Thị Phóng (dân tộc Thái).

* 7 người tái cử. Trong số 12 người mới có: 3 ủy viên Ban Bí thư khóa XI (Trương Hòa Bình, Ngô Xuân Lịch, Trần Quốc Vượng); 2 người ở ban Đảng (Phạm Minh Chính, Vương Đình Huệ); 5 người từ Chính phủ (Hoàng Trung Hải, Phạm Bình Minh, Nguyễn Văn Bình, Đinh La Thăng, Tô Lâm); 1 người từ Quốc hội (Trương Thị Mai) và 1 người ở địa phương (Võ Văn Thưởng).

* Trường hợp duy nhất được giới thiệu tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương và trúng cử là ông Đinh La Thăng (ông Thăng không nằm trong danh sách do Ban Chấp hành khóa XI đề cử vào Bộ Chính trị).

VIỄN SỰ - MAI HƯƠNG thực hiện ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên