23/05/2022 06:27 GMT+7

Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội: Đề nghị lịch sử là môn học bắt buộc

THÀNH CHUNG
THÀNH CHUNG

TTO - Sáng 22-5, tại phiên họp toàn thể lần thứ 3 của Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội, bà Nguyễn Thị Mai Hoa - phó chủ nhiệm ủy ban này - đã báo cáo về việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông đối với môn lịch sử bậc THPT.

Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội: Đề nghị lịch sử là môn học bắt buộc - Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh phát biểu tại phiên họp toàn thể lần thứ 3 của Ủy ban Văn hóa, giáo dục - Ảnh: NGỌC THẮNG

Theo đó, đa số ý kiến không đồng tình với việc đưa môn lịch sử bậc THPT thành môn lựa chọn.

Truyền cảm hứng cho học sinh yêu thích môn sử

Ủy ban Văn hóa, giáo dục cho rằng môn lịch sử có vị trí đặc biệt và có ý nghĩa rất quan trọng trong chương trình giáo dục phổ thông, học sinh cần được trang bị khối lượng kiến thức này. Vì vậy cần tiếp thu ý kiến của đông đảo cử tri, nhân dân theo hướng quy định môn lịch sử là môn học bắt buộc đối với cấp THPT trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với khối lượng kiến thức phù hợp. 

Đồng thời thiết kế bao gồm khối lượng kiến thức lịch sử (phần bắt buộc) và khối lượng kiến thức định hướng nghề nghiệp (phần lựa chọn).

Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội đề nghị Bộ GD-ĐT tiếp thu và quy định môn học lịch sử bậc THPT trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là môn học bắt buộc. 

Đề nghị Bộ GD-ĐT tăng cường công tác tuyên truyền về Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nói chung, chương trình môn lịch sử nói riêng để tăng thêm sự đồng thuận, ủng hộ của xã hội trong việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đồng thời truyền cảm hứng cho học sinh yêu thích môn lịch sử.

Thảo luận tại kỳ họp, nhắc lại quá trình Bộ GD-ĐT xây dựng và ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy cho hay việc "sửa môn lịch sử thành bắt buộc không đơn giản như gõ bàn phím, thay từ "lựa chọn" thành "bắt buộc" là xong". 

Theo bà Thúy, quá trình xây dựng, ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã xin ý kiến góp ý đầy đủ các cấp trước khi ban hành và với môn lịch sử, trước khi ban hành cũng được xin ý kiến và sự đồng ý của Hội Khoa học lịch sử.

Dưới góc độ khoa học giáo dục, bà Thúy phân tích nếu sửa môn lịch sử thành bắt buộc thì phải sửa cả chương trình môn học này ở cấp THCS. Vì chương trình phân môn lịch sử ở cấp này đã đưa toàn bộ những nội dung nhằm trang bị cho học sinh những kiến thức phổ thông, cơ bản, cốt lõi về lịch sử Việt Nam và thế giới. 

Việc dạy học bắt buộc là đại trà. Do vậy, nếu đưa chương trình môn lịch sử vốn được thiết kế, biên soạn theo hướng lựa chọn, phân hóa, "nâng cao" ở cấp THPT để bắt tất cả học sinh học là hoàn toàn không phù hợp. 

Bên cạnh đó, bà Thúy cho rằng việc sửa trong bối cảnh này có phù hợp không hay là "đẽo cày giữa đường" khi chỉ còn ba tháng nữa là năm học mới bắt đầu. 

"Chúng ta phải xem xét thật kỹ" - bà Thúy nêu và cho rằng Bộ GD-ĐT có khoảng trống trong tuyên truyền, phổ biến và mọi việc để chuẩn bị cho việc triển khai thực hiện.

Cần thay đổi phương pháp thi, kiểm tra

Phát biểu kết luận, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết tại các cuộc tọa đàm trước đó đã có những trao đổi rất quyết liệt, thậm chí gay gắt về việc giữ môn lịch sử là lựa chọn hay bắt buộc. 

Theo ông Vinh, đối chiếu chương trình môn lịch sử mới với chương trình 2006, ủy ban đánh giá có nhiều tiến bộ và không băn khoăn về chuyên môn. Tuy nhiên, quá trình tiếp thu ý kiến cử tri và các chuyên gia chỉ băn khoăn là nếu học sinh ở cấp THPT không chọn môn lịch sử thì các em đó sẽ không học thêm khối kiến thức lịch sử nào nữa.

Ông đề nghị nếu chuyển lịch sử thành môn học bắt buộc không có nghĩa sẽ bắt buộc mọi học sinh học tất cả nội dung chương trình đang xây dựng theo hướng lựa chọn, phân hóa hiện nay. Những phần nâng cao, những chuyên đề thậm chí đưa nội dung từng dạy ở bậc đại học xuống THPT không nhất thiết phải cho tất cả học sinh học.

Đồng thời, ông đề nghị Bộ GD-ĐT cần tiếp tục chỉ đạo đổi mới dạy học, thi kiểm tra, đánh giá môn lịch sử thay vì nhớ các con số, sự kiện; cần tạo cho học sinh thể hiện sự hiểu biết rộng, sáng tạo hơn.

Sau đó, các thành viên ủy ban đã giơ tay đồng thuận 100% thông qua báo cáo gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong đó, đề nghị Bộ GD-ĐT tiếp thu và quy định môn học lịch sử bậc THPT trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là môn học bắt buộc.

Học không sao "nhưng lúc kiểm tra thì ối giời ơi"

Dưới góc độ giáo viên đang giảng dạy bậc THPT, đại biểu Hà Ánh Phượng (Phú Thọ) bày tỏ đồng tình việc môn lịch sử nên bắt buộc và cho rằng nếu môn lịch sử trở thành tự chọn ở cấp THPT có thể dẫn tới những hệ lụy nguy hiểm, nhất trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay.

Đại biểu Hà Ánh Phượng chia sẻ bà đã tâm sự với học sinh của lớp mình sau khi người dân có ý kiến về môn lịch sử và nhận được trả lời là không hề chán học lịch sử, thậm chí rất thích nghe các thầy cô giảng, "nhưng lúc kiểm tra thì ối giời ơi".

Từ đó, bà Hà Ánh Phượng chỉ rõ vấn đề với môn lịch sử không phải ở nội dung chương trình hay phương pháp giảng dạy mà mấu chốt là kiểm tra, đánh giá. Do đó, trong thời gian tới cần thay đổi vấn đề này.

- Nhà giáo Nguyễn Xuân Khang (hiệu trưởng Trường Marie Curie, Hà Nội):

E rằng giống "đẽo cày giữa đường"

Thiết kế chương trình với hai giai đoạn giáo dục căn bản (tiểu học, THCS) và giáo dục phân hóa, định hướng nghề nghiệp (THPT) là hợp lý và phù hợp xu thế thế giới.

Về môn lịch sử, kiến thức phổ thông về lịch sử Việt Nam và thế giới được dạy trong chín năm. Sau THCS (lớp 9), học sinh được định hướng lên THPT hoặc học nghề. Học hết lớp 9, học sinh có thể học nghề sớm để tạo lập cuộc sống và cũng có thể học tiếp lên THPT.

Chương trình giáo dục cơ bản phải cung cấp nền tảng kiến thức, kỹ năng đủ cho học sinh lựa chọn các hướng đi theo định hướng phân luồng. Với những học sinh tiếp tục học lên THPT, chương trình phải thiết kế có tính phân hóa mạnh hơn, là bước đệm để học sinh chuẩn bị tiếp những kiến thức, kỹ năng cần thiết theo định hướng học lên đại học, cao đẳng.

Cả hai trường hợp định hướng nghề nghiệp ở THPT hoặc học nghề sau lớp 9, đương nhiên không nhất thiết phải học tiếp môn sử. Nói cách khác, kiến thức sử phổ thông đã học đủ trong chín năm.

Hiểu biết lịch sử Việt Nam và thế giới là điều cần thiết của mỗi công dân. Hiểu đến đâu, nhớ được những gì trong suốt cuộc đời là việc cần xác định rõ ràng. Không có ai học lịch sử suốt đời, trừ những người có nghề nghiệp nghiên cứu, giảng dạy lịch sử hoặc những nghề liên quan chặt chẽ với lịch sử.

Với những phân tích trên, tôi cho rằng lịch sử nên là môn học lựa chọn. Nếu cần thay đổi, lịch sử là môn học bắt buộc ở THPT, thì không phải lúc này mà để sau khi triển khai chương trình mới trọn vẹn vào năm 2025.

Chuẩn bị rất lâu nhưng chưa triển khai đã thay đổi điều chỉnh cục bộ thì e rằng sẽ giống việc "đẽo cày giữa đường", không thể có một sản phẩm hoàn thiện.

VĨNH HÀ ghi

Ủy ban Văn hóa, giáo dục: Đề nghị Bộ GD-ĐT quy định lịch sử là môn học bắt buộc Ủy ban Văn hóa, giáo dục: Đề nghị Bộ GD-ĐT quy định lịch sử là môn học bắt buộc

TTO - Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội đề nghị Bộ GD-ĐT tiếp thu và quy định môn học lịch sử cấp trung học phổ thông là môn bắt buộc.

THÀNH CHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên