Đó là ý kiến chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh tại hội nghị đào tạo nguồn nhân lực vận hành sân bay Long Thành, tổ chức ngày 13-3.
Chuẩn bị nhân lực cho cả vùng sân bay
Tại hội nghị, ông Lĩnh cho biết cách đây 50 năm, cả vùng Đông Nam Bộ xoay quanh cảng Sài Gòn và sân bay Tân Sơn Nhất. Song bây giờ hai tâm mới của nền kinh tế vùng là sân bay Long Thành (Đồng Nai) và cảng Cái Mép (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Ông so sánh, nếu cảng Sài Gòn đón tàu 45.000 tấn thì cảng Cái Mép đón được tàu lên đến 240.000 tấn, đi thẳng tới Âu - Mỹ, trở thành trung tâm trung chuyển quốc tế vùng Đông Nam Bộ.
Còn sân bay Tân Sơn Nhất đón được 50 triệu hành khách/năm thì sân bay Long Thành đón đến 125 triệu khách/năm với 4 đường băng, quy mô lớn hẳn (5.000ha so với 700ha của sân bay Tân Sơn Nhất) và ít có sân bay quốc tế nào rộng như vậy.
Với hai tâm mới, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành vùng đất đắc địa nhất trong 100 năm tới.
"Nếu chúng ta không kiến tạo, không chuẩn bị thúc đẩy tốt sẽ có những lỗi trong quá trình quy hoạch và phát triển. Còn nếu nhìn nhận được vấn đề, quy hoạch chuẩn mực, phát triển tốt sẽ giảm được lỗi phát triển, không phải trả giá cho sự phát triển đó", ông nói.
Theo bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai, sân bay Long Thành hứa hẹn trở thành đô thị sầm uất, thịnh vượng trong tương lai. Nơi đây như "thỏi nam châm" hút nguồn lực, nhân lực đến. Nếu nguồn nhân lực được chuẩn bị tốt sẽ thúc đẩy nhanh hơn, đến đích sớm hơn.
"Nói về nhân lực cho sân bay Long Thành chỉ nói một yếu tố nhỏ, chứ thực ra phải chuẩn bị nguồn lực cho cả vùng sân bay. Không phải chỉ 5.000ha của sân bay Long Thành mà phải 30.000ha xung quanh sân bay Long Thành, cho thành phố sân bay trong tương lai", ông Lĩnh nhấn mạnh.
Ưu tiên việc làm cho người dân địa phương
Đối với việc phát triển nguồn nhân lực cho sân bay Long Thành, ông Lĩnh lưu ý cần tạo cơ hội cho người dân địa phương. Ông nhấn mạnh: "Cư dân ở vùng đất gần sân bay phải được ưu tiên vì họ giao đất cho sân bay, hy sinh cuộc sống của họ thì họ phải được phát triển cùng với sự phát triển của sân bay. Không được đẩy họ ra khỏi sự phát triển đó".
Thế nên, ông đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai và huyện Long Thành phải ưu tiên cho người dân tại chỗ có việc làm. Sự thịnh vượng của sân bay phải đồng nghĩa với việc phát triển của cư dân trong khu vực.
Bên cạnh đó, ông Lĩnh khuyến khích đào tạo tại địa phương, đồng nghĩa chất lượng đào tạo của các trường ở Đồng Nai phải được nâng lên. Để đạt được điều này, Đồng Nai đang quy hoạch 1.000ha cho các cơ sở đào tạo trong tương lai. Sau khi thông qua quy hoạch, Đồng Nai sẽ "mở cửa" đón các trường đại học về mở cơ sở đào tạo chất lượng cao.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai đề nghị Ban cán sự Đảng UBND tỉnh quan tâm đến việc kết nối với ACV, Cảng vụ hàng không tăng tính minh mạch về thông tin, nhân lực, tuyển sinh đào tạo, tuyển dụng nhân lực cho người dân, thanh niên Đồng Nai.
Đồng thời, cần có cơ chế đặc thù cho chính sách học bổng, tín dụng học nghề, đào tạo hỗ trợ học nghề cho thanh niên Đồng Nai. Đây là cơ hội xóa đói giảm nghèo cho gia đình khó khăn nếu con em họ có năng lực thực sự. Là cơ hội cho nhiều thanh niên có hoàn cảnh, có nghị lực, năng lực thực sự vươn lên, thúc đẩy nhân lực tại chỗ.
Sân bay Long Thành cần gần 13.800 lao động
Ông Võ Tấn Đức - quyền chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai - cho biết khi đi vào hoạt động, sân bay Long Thành cần gần 13.800 lao động có trình độ từ phổ thông đến trên đại học. Trong đó, nhiều nhất là đại học với khoảng 5.000 lao động, còn lại là lao động phổ thông, sơ cấp, trung cấp và cao đẳng.
Điểm thuận lợi là Đồng Nai có dân số đông (3,2 triệu người), mỗi năm có từ 30.000 - 35.000 người tốt nghiệp trung học phổ thông. Tuy nhiên, toàn tỉnh có 21 trường (đại học, cao đẳng, trung cấp), đào tạo 78 ngành nghề nhưng chưa có trường nào đào tạo chuyên ngành hàng không.
Do đó, Đồng Nai đã thống nhất triển khai đề án phát triển nguồn nhân lực phục vụ sân bay Long Thành. Trong đó yêu cầu các đơn vị liên quan phối hợp xác định rõ yêu cầu, đối tượng, dự toán kinh phí (nguồn nào từ Nhà nước, nguồn nào từ người học) cũng như trình độ đầu ra, đầu vào nhằm đảm bảo chất lượng nhân lực cho sân bay.
Đề nghị các trường trên địa bàn tỉnh làm việc cụ thể với các đơn vị được Cục Hàng không Việt Nam cấp phép đào tạo ngành nghề hàng không, qua đó liên kết đào tạo nhân lực đảm bảo chất lượng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận