Trí óc minh mẫn và lành mạnh của một kỹ sư cầu đường cũng sẽ không thể nghĩ ra được việc một đoạn đường cao tốc mới hoàn thành và cho thông xe chưa đầy hai năm (từ tháng 2-2010) lại có thể hư hỏng đến mức độ như thế! Nhà nước đã thành lập cả một ban quản lý hoành tráng để đầu tư và quản lý con đường đó, vậy mà những người có trách nhiệm đã để con đường xấu đi như thế, trong khi vẫn thản nhiên trước các vụ tai nạn do những ổ gà đó gây ra làm thương vong không ít người.
Nhưng nay mọi chuyện đã khác khi dư luận được chứng kiến lần đầu tiên Ban An toàn giao thông Long An đề nghị xử lý hình sự chủ đầu tư một con đường (cao tốc TP.HCM - Trung Lương) vì đã để con đường đó gây tai nạn. Đây cũng là điều hợp lẽ vì một con đường được làm ra nhằm bảo đảm sự lưu thông an toàn chứ không phải là một cái bẫy giăng ổ gà cho người dân gặp nạn. Nhớ lại quy định người sử dụng đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương gây ra hư hỏng phải bồi thường cho chủ đầu tư trước đây, ai cũng bảo đề nghị của Ban An toàn giao thông tỉnh Long An lần này là hết sức công bằng.
Nhưng dư luận vừa ủng hộ Ban An toàn giao thông tỉnh Long An lại vừa thắc mắc đường sá xấu xí là thực trạng chung của cả nước, mà sao chỉ có mỗi tỉnh Long An có tiếng nói quyết liệt như thế đối với tai nạn giao thông? Như TP.HCM chẳng hạn, là một trung tâm thương mại dịch vụ và du lịch lớn nhất nước, thế mà đường sá cũng còn đầy ổ gà. Bao nhiêu tai nạn giao thông xảy ra hằng năm cho người đi đường vì những ổ gà đó đâu có được Ban An toàn giao thông TP nhắc đến!
Số người chết vì tai nạn giao thông của VN nằm trong tốp đầu thế giới với 11.000-12.000 người mỗi năm mà nguyên nhân gây nên thảm trạng đó phần lớn nằm ở sự khiếm khuyết của cơ sở hạ tầng, trong đó có những ổ gà trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Vì vậy, đề nghị xử lý hình sự của Ban An toàn giao thông Long An giống như hành động nói không với thái độ tắc trách của những nhà quản lý giao thông cũng như chủ đầu tư hạ tầng giao thông. Họ vừa cảnh tỉnh các nhà đầu tư thiếu lương tâm vừa đề cao được vai trò trách nhiệm của họ đối với việc bảo vệ sinh mạng của người dân, và đó là điều phải được ưu tiên trong mọi chính sách của Nhà nước.
Trong cơ cấu quản lý giao thông, quyền lực giám sát của ban an toàn giao thông ở mỗi địa phương là rất lớn, với vị trí trưởng ban luôn được kiêm nhiệm bởi chủ tịch UBND các tỉnh thành, các phó ban còn lại thuộc về các giám đốc sở, trong đó giám đốc sở chuyên trách giao thông vận tải giữ vai trò thường trực. Ngay cả kinh phí cũng được Nhà nước ưu ái: 10% số tiền phạt các loại vi phạm giao thông hằng năm được trích cho ban này để họ hoạt động và làm đúng việc của mình là nhắc nhở, giám sát và cả chỉ đạo các đơn vị quản lý bảo đảm an toàn giao thông. Nếu ban này ở mọi địa phương khác phát huy được trách nhiệm của mình như tỉnh Long An đã làm, nghĩa là quyết liệt hết mức đối với tai nạn giao thông để bảo vệ sinh mạng con người thì việc giảm thiểu thứ tai nạn đáng ghét này của quốc gia mới có hi vọng được cứu vãn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận