10/02/2017 20:40 GMT+7

​Ưu tiên kêu gọi nguồn lực trong nước

MAI HOA
MAI HOA

TTO - Đó là kiến nghị mà đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM nêu ra trong cuộc làm việc với Ủy viên Trung ương Đảng, Phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang và đại diện các sở ngành của TP ngày 10-2.

Ông Tất Thành Cang Phát biểu chỉ đạo tại buổi gặp gỡ Hội Doanh Nghiệp TP.HCM, ngày 10-2 - Ảnh Tự Trung
Ông Tất Thành Cang phát biểu chỉ đạo tại buổi gặp gỡ Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, ngày 10-2 - Ảnh: Tự Trung

Bên cạnh nội dung chính về công tác chuẩn bị hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo TP và doanh nhân đầu năm 2017, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp đã trình bày với lãnh đạo TP nhiều vấn đề "gan ruột" mà cộng đồng doanh nghiệp TP đang hết sức quan tâm.

Công khai danh mục dự án, mời gọi đầu tư trong nước

Ông Chu Tiến Dũng, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, trình bày hiện nay nhiều doanh nghiệp trong nước đã đủ sức đảm đương các dự án lớn. “Vì vậy kiến nghị TP ưu tiên mời gọi đầu tư trong nước trước khi mời gọi đầu tư nước ngoài, chỉ mời gọi đầu tư nước ngoài vào các dự án và lĩnh vực mà doanh nghiệp trong nước không thể làm được”, ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, muốn vậy phải công khai danh mục các dự án mời gọi đầu tư trong nước, nếu không có nhà đầu tư trong nước đăng ký mới mời đầu tư nước ngoài. Khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài liên kết nhà đầu tư trong nước cùng đầu tư.

Về vấn đề này, ông Phạm Phú Quốc, tổng giám đốc Công ty đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC), chia sẻ thêm nhiều nước trên thế giới khi kêu gọi đầu tư FDI họ đặt ra chiến lược rất rõ ràng. Đó là chỉ kêu gọi FDI trong lĩnh vực nào đó cần nguồn lực, chuyển giao công nghệ, kết nối liên thông với thế giới. Mình phải ưu tiên nguồn lực nội tại, bởi những nguồn khác như ODA thường phải trả cái giá rất đắt. “Đây là vấn đề TP phải đặt ra”, ông Quốc nhấn mạnh.

Nguồn lực trong dân mà ông Quốc nói là việc định hình các quỹ tư nhân, phải huy động nguồn lực trong dân từ khắp các tỉnh thành đổ về TP.HCM, bởi một đồng bỏ vào đây sinh sôi được thêm ba bốn đồng, chứ không như nơi khác nhiều khi “mất hút luôn”.

Ủng hộ, phát triển cộng đồng doanh nghiệp trong nước, theo ông Phạm Phú Quốc, vấn đề cốt lõi là sự cam kết của lãnh đạo TP đối với doanh nghiệp trong vấn đề thủ tục hành chính, quan điểm kiến tạo phục vụ, không xem doanh nghiệp là đối tượng quản lý mà là đối tác, giúp đỡ doanh nghiệp trong các vấn đề khó khăn.

Đồng tình với những ý kiến này, ông Tất Thành Cang cũng chia sẻ một thực tế từ quá trình ông làm lãnh đạo quận, sở, tới thành phố: Các doanh nghiệp nước ngoài được các hiệp hội, thậm chí cả các cơ quan ngoại giao của họ bảo vệ rất tốt. Khi có vấn đề gì, các cơ quan này sẵn sàng đứng ra bảo vệ doanh nghiệp của mình.

Theo ông Cang, so với doanh nghiệp trong nước thì các doanh nghiệp nước ngoài được hưởng chính sách ưu đãi, chi phí vốn, chủ động hoàn toàn về nguyên liệu, nguồn nhân lực, kỹ thuật máy móc, quản trị doanh nghiệp, do vậy sức cạnh tranh rất lớn.

“Tôi đề nghị hiệp hội tập trung hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi hợp pháp chính đáng của doanh nghiệp. Hiệp hội phải là cầu nối với các cơ quan chính quyền để giải quyết khó khăn vướng mắc. Các anh có chương trình thật cụ thể, rồi Thành ủy, UBND TP sẽ vào cuộc chỉ đạo, giúp các doanh nghiệp”, ông Cang nói.

Hiệp hội cũng kiến nghị TP đề xuất mức lãi suất cho vay ngang bằng với các nước trong khu vực, phục hồi chương trình bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ - chương trình hiện đã bị đóng băng quá lâu.

Về kiến nghị này, ông Cang yêu cầu phía ngân hàng xem xét lại, tháo gỡ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ khi có ý tưởng tốt, dự án tốt nhưng không có đủ tài sản bảo đảm…

Ông Chu Tiến Dũng, chủ tịch Hội Doanh Nghiệp TP.HCM, nêu các kiến nghị với Thành ủy TP.HCM - Ảnh Tự Trung
Ông Chu Tiến Dũng, chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, nêu các kiến nghị với Thành ủy TP.HCM - Ảnh: Tự Trung

Doanh nghiệp cần phải liên kết

Tại buổi làm việc, khi ông Chu Tiến Dũng đề cập đến vấn đề thị trường bán lẻ, có rất nhiều ý kiến phản biện, góp ý thẳng thắn.

Ông Dũng cho rằng hiện nay các doanh nghiệp trong nước để đưa hàng được vào hệ thống bán lẻ của nước ngoài rất khó khăn vì chiết khấu quá cao. Các nhà bán lẻ này liên kết với các nhà sản xuất của họ càng khiến cho các doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn nhiều hơn. Ông Dũng trình bày mong muốn một cơ chế liên kết các doanh nghiệp này.

Ngoài ra, trong báo cáo của Hiệp hội Doanh nghiệp cũng kiến nghị TP cần quy hoạch hệ thống bán lẻ và kiên quyết áp dụng nguyên tắc ENT (nguyên tắc kiểm tra nhu cầu kinh tế) để hỗ trợ doanh nghiệp trong nước được ưu tiên đầu tư phát triển các mặt bằng bán lẻ, tạo thêm các kênh tiêu thụ sản phẩm cho các doanh nghiệp nội.

Về vấn đề này, ông Diệp Dũng, phó chủ tịch thường trực hiệp hội, chủ tịch HĐQT Saigon Co.op, cho rằng khi một nhà bán lẻ nước ngoài vào VN thì phía sau họ là một binh đoàn các nhà sản xuất. Họ phối hợp với nhau, chấp nhận bán giá thấp, huề vốn hoặc chịu lỗ trong vài năm đầu để có giá tốt, dễ thâm nhập thị trường.

Trong khi đó, tư duy kinh doanh của nhiều doanh nghiệp mình là kiểu tư duy nhỏ lẻ, không liên kết. Đối tác tới gặp từng doanh nghiệp của ta, mỗi doanh nghiệp ra một giá khác nhau. Doanh nghiệp A ra giá 100 đôla/tấn hàng hóa thì doanh nghiệp B hạ giá xuống một ít, đến doanh nghiệp C lại hạ xuống một ít nữa. “Mình phải thay đổi tư duy, đánh đơn lẻ không được”, ông Diệp Dũng nhấn mạnh.

Với hệ thống siêu thị Co.op Mart, kênh phân phối quan trọng của hàng Việt, ông Diệp Dũng cho biết trong năm 2017 này sẽ phát triển thương mại điện tử. Những nhãn hàng không đưa vào siêu thị thì có cửa hàng online để bán.

Ông Tất Thành Cang rất hoan nghênh việc này, yêu cầu Saigon Co.op phải cố gắng thực hiện được trước ngày 30-4 như kế hoạch ban đầu mà đơn vị này đặt ra.

MAI HOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên