TTCT - Hình ảnh “tro tàn sắc đỏ” của những khu rừng rực lửa và những con số thống kê kinh hoàng, như gần nửa tỉ động vật chết vì cháy rừng, ở Úc là hệ quả tất yếu của chính sách khí hậu được cho là bảo hộ ngành than hơn là nghĩ đến môi trường của quốc gia này. Đám cháy hung hãn quét ngang nước Úc. Ảnh: New York TimesThủ tướng Úc Scott Morrison đành rằng bị “ném đá” vì hành động của bản thân ông (đi nghỉ lễ với gia đình khi thảm họa diễn ra), song thực tế ông chỉ thực thi chính sách có rất nhiều bất ổn về môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học vốn đã trải qua nhiều đời chính quyền trước đó.“Có lẽ hơn bất kỳ quốc gia giàu có nào trên Trái đất, Úc đang có nguy cơ trước các ảnh hưởng nguy hiểm của biến đổi khí hậu” - cây bút Robinson Meyer của The Atlantic viết ngày 4-1. Điều trớ trêu, theo Meyer, là trước các thách thức về khí hậu, người dân Úc lẽ ra phải nỗ lực để đảo ngược tình thế thì lại “bầu ra các nhà lãnh đạo với những mối ưu tiên hoàn toàn khác”.Cũng bàn về lập trường của nhiều đời lãnh đạo Úc về môi trường và biến đổi khí hậu, nhà văn Úc Richard Flanagan gay gắt gọi Úc là “khởi điểm (ground zero) cho những thảm họa khí hậu” trong bài xã luận “Nước Úc đang thực hiện một cuộc tự sát về khí hậu” trên The New York Times ngày 3-1“Rạn san hô Great Barrier kỳ vĩ (của quốc gia này) đang chết dần, những khu rừng nhiệt đới là di sản thế giới của nó đang cháy, đa số diện tích rừng tảo bẹ đang biến mất, nhiều thị trấn đã hoặc sắp hết nước sinh hoạt, và bây giờ cả lục địa rộng lớn này đang bốc cháy với quy mô chưa từng thấy trước đó” - ông Flanagan viết, trước khi đi vào phân tích và lên án chính sách hết lòng bảo vệ ngành than của Úc.Ảnh: The AustralianChuyện không có gì bất thường?Đầu năm 2020, nạn cháy rừng ở Úc - trên thực tế vốn là chuyện đến hẹn lại lên, gần như năm nào cũng có - lại tràn ngập truyền thông, và hình ảnh những khu rừng cháy rực được so sánh với những hình ảnh cả hiện thực lẫn siêu thực: “hỏa ngục khổng lồ”, “bom nguyên tử” hoặc “nham thạch nóng chảy”.Thủ hiến bang New South Wales Gladys Berejiklian đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp lần thứ 3 trong mùa cháy rừng năm nay, có hiệu lực trong 7 ngày kể từ 3-1. Đến hết ngày 6-1, ít nhất 25 người chết và hơn 6,3 triệu ha rừng, thảm thực vật, trang trại và hàng ngàn ngôi nhà, công trình bị hủy hoại. Thiệt hại chưa thể thống kê đầy đủ vì cháy rừng vẫn đang tiếp diễn, nhưng thảm họa sinh thái là một câu hỏi lớn.Tình trạng hạn hán, thời tiết nóng bất thường ở Úc góp phần làm trầm trọng thêm tác hại của những vụ cháy được mô tả là chưa có tiền lệ. Các nhà khoa học tin rằng nhiều yếu tố liên quan đến cháy rừng đã trở nên tệ hơn vì biến đổi khí hậu.Đáng chú ý hơn cả là thông tin nhà sinh thái học Chris Dickman (Đại học Sydney) ước tính 480 triệu động vật gồm động vật có vú, chim, bò sát đã chết trong các vụ cháy rừng ở New South Wales từ tháng 9 đến 12-2019 vì các nguyên nhân trực tiếp (chết cháy) lẫn gián tiếp (chết vì đói, mất nơi sinh sống, bị chó săn…).Trong bài viết trên New York Times, ông Flanagan cho rằng trước những gì đang diễn ra, Thủ tướng Morrison, vốn là một chuyên gia tiếp thị trước khi bước vào chính trường, lại tập trung quảng bá hình ảnh bản thân như chụp hình với các vận động viên cricket hay gia đình.Tranh chế giễu Thủ tướng Scott Morrison, người đi nghỉ lễ trong khi nước Úc lâm vào tình cảnh thảm họa vì cháy rừng. Ảnh: EPA“Ông ấy rất ít khi được thấy có mặt ở tiền tuyến của những vụ cháy rừng hay đến những khu vực bị lửa tàn phá hoặc thăm những người sống sót khỏi thảm họa - nhà văn Flanagan viết - Morrison đã cố gắng thể hiện rằng những vụ cháy đó chỉ là thảm-họa-như-nào-giờ, tức chẳng có gì bất thường”.Ông Morrison thật ra chỉ nối tiếp di sản của những người tiền nhiệm. Kể từ năm 1996, ông Flanagan viết, các đời chính phủ bảo thủ liên tiếp nhau đều thành công trong nỗ lực lật ngược các thỏa thuận quốc tế về biến đổi khí hậu để bảo vệ các ngành công nghiệp sử dụng nhiên liệu hóa thạch ở Úc.Lập trường nhất quánKhông thể nói về lập trường của các đời Chính phủ Úc với biến đổi khí hậu mà không nhắc đến ngành than. Úc, vốn chiếm 1,3% phát thải carbon toàn cầu, đã bền bỉ bán than cho thế giới suốt nhiều thập kỷ qua. Xuất khẩu than là một trong những nguyên nhân giúp quốc gia 25 triệu dân này tránh được suy thoái kinh tế trong gần 30 năm kể từ tháng 7-1991, theo The Atlantic.Ngày nay, Úc là nhà xuất khẩu than lớn nhì thế giới (trên 350 triệu tấn năm 2018, sau Indonesia (gần 450 triệu tấn), theo Tổ chức Năng lượng quốc tế), song cũng đồng thời xếp chót (hạng 57/57) trong bảng xếp hạng các quốc gia có hành động về biến đổi khí hậu.Đáng chú ý, ngành than không chỉ là cỗ máy kiếm tiền cho kinh tế Úc (xuất khẩu than đạt 67 tỉ USD trong giai đoạn 2018-2019) mà còn là nhà “tài trợ vàng” cho cả hai đảng chính ở nước này, tức cả Đảng Tự do lẫn phe đối lập là Đảng Lao động. Trong nạn cháy rừng giữa tháng 12-2019, trong khi Thủ tướng Morrison đi nghỉ ở Hawaii thì nhà lãnh đạo đối lập Anthony Albanese có chuyến thăm các cộng đồng khai thác than và khẳng định sự ủng hộ mạnh mẽ với ngành xuất khẩu than.Những lợi ích về kinh tế đó không nhất thiết đồng nghĩa với việc Úc có thể tảng lờ, làm như không biết đến những hệ quả về môi trường của ngành công nghiệp khai thác than. Để ngăn hay giảm bớt mức độ nặng nề của nạn cháy rừng và cứu Great Barrier, một trong những việc quan trọng cần làm là loại bỏ việc đốt than càng nhanh càng tốt, điều dường như Canberra không mặn mà.Bằng chứng là mới đây, tại hội nghị lần thứ 25 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 25) tại Madrid giữa tháng 12-2019, nhiều đoàn đại biểu đã chỉ mặt gọi tên nước Úc là “một trong các bên làm chậm tiến trình thống nhất các nội quy trong Thỏa thuận chung Paris về biến đổi khí hậu”, theo trang Vox.Úc có tham gia thỏa thuận khí hậu ký tại Paris năm 2015, cam kết đến năm 2030 sẽ cắt giảm phát thải nhà kính 26-28% thấp hơn mức năm 2005. Chỉ tiêu được cho là quá thấp này của Úc không đủ để góp phần vào nỗ lực toàn cầu tiến đến mục tiêu chung là giữ cho Trái đất không nóng hơn 2oC so với thời tiền công nghiệp.Theo The Atlantic, dù các thăm dò đều cho thấy dân Úc rất lo ngại chuyện biến đổi khí hậu, Canberra mãi vẫn chưa thể thông qua một chính sách về khí hậu nào. Năm 2012, Úc từng đặt ra thuế carbon, áp dụng cho các doanh nghiệp có phát thải trực tiếp vượt ngưỡng quy định, song đến tháng 7-2014 phải thông qua luật mới gỡ bỏ sắc thuế này.The Atlantic cũng nhắc lại câu chuyện mỉa mai rằng một trong những khủng hoảng chính trị gần đây của Úc, việc thủ tướng Malcolm Turnbull mất chức hồi mùa hè năm 2018, là do nhà lãnh đạo này “dám” thúc đẩy việc phê chuẩn một đạo luật năng lượng mới, trong đó có các mục tiêu cắt giảm phát thải.Ông Turnbull ban đầu có kế hoạch đưa mục tiêu cắt giảm 26% khí thải vào năm 2030 vào đạo luật nói trên, song vào tháng 8-2018 phải tuyên bố hủy bỏ điều khoản này nhằm “xoa dịu” phe chỉ trích ông, khi Chính phủ Úc đang trong giai đoạn bỏ phiếu tín nhiệm quanh chiếc ghế thủ tướng.Dù kỳ vọng việc từ bỏ chính sách về biến đổi khí hậu có thể xoa dịu các nghị sĩ đang có kế hoạch chống lại mình, ông Turnbull rốt cuộc cũng mất ghế. Hệ quả của việc “xuống nước” của ông Turnbull, như bình luận của Reuters, là nước Úc, dù vẫn là thành viên của Paris 2015, không có một lộ trình pháp lý nào để đạt các yêu cầu về cắt giảm phát thải như nêu trong thỏa thuận.Cuộc bầu cử đưa ông Scott Morrison thành đương kim thủ tướng Úc cũng gắn với vấn đề than và khí hậu. Ông Morrison đã thắng cử bằng cách mô tả vấn đề biến đổi khí hậu như “những lo lắng phù phiếm của giới thị dân có ăn có học”, và cho rằng chính sách về khí hậu sẽ là “mối đe dọa với xe hơi và xe tải của dân Úc”. Những thông điệp tranh cử này giúp ông Morrison giành được ủng hộ của ngành than.Nhà lãnh đạo Úc luôn nhất quán trong quan điểm về vấn đề này, khi những phát ngôn và hành động của ông về nạn cháy rừng mới nhất ở Úc nhận diện vấn đề như một cuộc khủng hoảng như bao thảm họa tự nhiên trước đó.Người dân Úc trong cuộc sơ tán đầy khủng hoảng vì cháy rừng. (Ảnh: Los Angeles Times)Lửa sẽ còn cháyHàng ngàn người phải sơ tán khỏi các thị trấn ven biển ở phía đông nước Úc trong những ngày đầu năm là một thực tế không thể chối cãi của một thế giới đang nóng lên nhưng đụng phải sự “nguội lạnh” có tính toán của chính quyền. Ông Morrison đang đối mặt với những lời kêu gọi cắt giảm phát thải nhà kính và nhanh chóng chuyển sang năng lượng tái tạo, song cả hai điều này đều “đụng chạm” đến ngành than như đã nói.Nước Úc khó từ bỏ ngành than siêu lợi nhuận, bất chấp các hệ quả về môi trường. -Ảnh: The ConversationTheo The New York Times, điều thực sự khiến người Úc trút giận với ông Morrison là ở thái độ dửng dưng và cách phản ứng thiếu hiệu quả với thảm họa cũng như cách ông liên tục phủ nhận một tác nhân khiến thiên tai dữ dội hơn là biến đổi khí hậu.Thủ tướng Morrison phủ nhận sự liên hệ giữa biến đổi khí hậu và các điều kiện môi trường khắc nghiệt của Úc, ngay cả khi nước này vừa có một năm nóng và khô nhất trong lịch sử. Ông chế nhạo những lời kêu gọi ngừng khai thác than là “thiếu suy nghĩ”, ông ưu tiên lợi ích kinh tế và trung thành với ngành than dù khảo sát cho thấy đa số người Úc mong muốn chính phủ hành động mạnh mẽ hơn về khí hậu, môi trường.Để bào chữa cho “hành động vì khí hậu” của Úc dưới triều lãnh đạo của mình, ông Morrison phủ nhận không có chuyện ông không nhận ra sự liên hệ giữa biến đổi khí hậu và những hậu quả của nó. “Nước Úc đang hành động chống biến đổi khí hậu đó chứ - ông Morrison nói với trang Nine News của Úc hồi tháng 12-2019 - Chỉ có điều chúng tôi sẽ không làm những chuyện như theo đuổi các chỉ tiêu liều lĩnh, phá hủy việc làm và ảnh hưởng nền kinh tế”. Ông Morrison muốn nhắc đến các hệ quả nếu có của việc giảm tăng trưởng ngành than - ngành công nghiệp cung cấp 60% sản lượng điện của Úc, tạo ra 50.000 việc làm và là mặt hàng xuất khẩu số 1 của quốc gia này.Tác giả Meyer kết thúc bài viết (với tít “Lửa cháy rừng ở Úc sẽ không dừng lại”) trên The Atlantic bằng nhận định rừng ở Úc vẫn sẽ cháy, rạn san hô sẽ tiếp tục mất dần. Giả thử kịch bản đó đúng, liệu các thành viên quốc hội ủng hộ cắt giảm phát thải carbon có thể thông qua một chính sách nào đó về môi trường, hay Thủ tướng Morrison sẽ lại tiếp tục phủ nhận mối liên hệ giữa thảm họa tự nhiên và biến đổi khí hậu? Cần bao nhiêu vụ cháy rừng “như hỏa ngục” nữa để có câu trả lời?■Để đưa ra con số 480 triệu động vật đã chết trong các vụ cháy rừng ở New South Wales, nhà sinh thái học Chris Dickman đã dùng cách tính toán tương tự phương pháp mà tác giả áp dụng trong một nghiên cứu năm 2007 với Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên về ảnh hưởng của việc giải tỏa đất rừng đối với động vật hoang dã ở New South Wales. Trong đó, tác giả sử dụng số liệu ước tính về mật độ quần thể động vật có vú (17,5 động vật có vú, 20,7 con chim, 129,5 con bò sát trên 1ha) và nhân với diện tích bị ảnh hưởng.Áp dụng công thức trên với diện tích rừng bị cháy ở New South Wales, tạm tính đến cuối tháng 12-2019 là 3 triệu ha, cho kết quả là con số 480 triệu động vật các loài bị chết. Dickman cũng tính đến khả năng các con vật lớn như kangaroo hoặc đà điểu Úc (không biết bay) có thể chạy trốn khỏi các đám cháyTrong khi con số ước tính gây chấn động, một bài báo trên BBC dẫn lời Colin Beale - nhà sinh thái học ở Đại học York, nghi ngờ rằng có thể đồng nghiệp Dickman đã quá lời. Tom Oliver, giáo sư sinh thái ứng dụng Đại học Reading, cũng cho rằng các nghiên cứu về mật độ các loài là rất thiếu, thậm chí chỉ có một nghiên cứu từ năm 1985 đến nay. Đôi khi các nhà khoa học phải dùng nghiên cứu cho loài này để suy đoán cho loài kia.Dù cả Beale và Oliver đều thừa nhận sự hạn chế về các nghiên cứu tiền đề trước đó và số lượng 480 triệu là “quá khủng”, họ cũng không đưa ra bằng chứng mang tính khoa học nào để phản bác ước tính của Dickman. Đối với động vật trong đất, họ cho rằng mặt đất có thể cách nhiệt tốt nên các loài bò sát có thể sống sót, chim thì có thể bay đi trốn.Phía Đại học Sydney cũng khẳng định đây là con số ước tính vì rõ ràng không có cách nào để tính đúng, tính đủ số lượng các loài động vật đã chết trong thảm họa, ngoài ra tình hình cháy rừng vẫn chưa được vãn hồi. Tags: Biến đổi khí hậuĐa dạng sinh họcCháy rừng ở ÚcNgành thanChính sách sai lầmMôi trường Úc
Sửa thuế thu nhập cá nhân lạc hậu: Phải chờ đến... 2026! LÊ THANH 26/11/2024 Phải có quy định cho phép người nộp thuế thu nhập cá nhân được trừ lãi vay mua nhà, tiền học, khám chữa bệnh của người nộp thuế và của con cái họ.
Bộ Tư pháp Mỹ hủy bỏ mọi vụ án liên bang chống lại ông Trump THANH BÌNH 26/11/2024 Công tố viên đặc biệt Jack Smith đã hủy bỏ hai vụ án hình sự liên bang chống lại ông Trump.
Nhận hối lộ gần 6 tỉ, luật sư đề nghị áp dụng biện pháp hình sự đặc biệt với cựu vụ phó Anh Tuấn TUYẾT MAI 26/11/2024 Sáng 26-11, phiên tòa xét xử vụ sai phạm tại Công ty Xuyên Việt Oil và các đơn vị liên quan. Bào chữa cho ông Hoàng Anh Tuấn (cựu vụ phó Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương), luật sư đề nghị áp dụng biện pháp hình sự đặc biệt với ông Tuấn.
Truy tố cựu chủ tịch tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương ĐỨC TRONG 26/11/2024 Cựu chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Lê Tiến Phương cùng nhiều thuộc cấp bị truy tố liên quan đến vụ án xảy ra tại dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết.